HIẾU CHÂN
Trung tuần tháng 12-2019, trong lúc cuộc biểu tình đòi dân chủ tiếp tục diễn ra ở Hong Kong thì Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam đã đến Bắc Kinh để báo cáo và thỉnh thị ý kiến của lãnh tụ Trung Quốc Tập Cận Bình. Không ngoài dự đoán của giới phân tích, ông Tập đã khẳng định mạnh mẽ sự ủng hộ của Bắc Kinh với bà Lam. Tập ca ngợi “lòng dũng cảm” của bà này trong việc cai trị Hong Kong ở “những thời điểm khó khăn nhất” sau nhiều tháng xung đột bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình chống chính quyền. “Tình hình Hong Kong năm 2019 là phức tạp nhất, khó khăn nhất kể từ khi trở về với đất mẹ,” ông Tập nói với báo chí địa phương sau cuộc họp kín với bà Lam.
Về phần mình, bà Lam nói bà ta được khích lệ bởi sự công nhận của lãnh đạo cấp cao những nỗ lực của bà. “Năm nay tất nhiên là một năm đặc biệt bởi vì trong sáu tháng qua, Hong Kong đã bị ám ảnh bởi sự bất ổn xã hội và hành vi bạo lực. Vì thế tôi phải dành thời gian để báo cáo cho họ [lãnh đạo Trung Quốc] diễn biến của tình hình.” Bà cũng xác nhận cam kết của Chính phủ Trung Quốc dành những chính sách ưu đãi và ủng hộ hoàn toàn cho chính quyền Hong Kong, chẳng hạn như đầu tư phát triển vùng Greater Bay Area ở Quảng Đông giáp ranh với Hong Kong.
Với người ngoại cuộc, những phát biểu như trên của giới lãnh đạo Trung Quốc và Hong Kong biểu thị một nỗi quan tâm tới tình hình Hong Kong nhưng thực chất đó chỉ là những lời lừa mị, che đậy một thái độ ngoan cố không nhìn vào thực tiễn, không thấy nỗi cay đắng và bất mãn gay gắt của dân chúng ở đặc khu hành chính này.
Một quốc gia, hai chế độ
Sau 150 năm dưới sự cai trị của người Anh, Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc năm 1997 theo một quy chế đặc biệt: “Một quốc gia, hai chế độ” kéo dài 50 năm. Quy chế này được Trung Quốc và Anh Quốc thỏa thuận trong một hiệp định năm 1984 và được luật hóa trong Luật Căn Bản (Basic Law) của Hong Kong – một dạng hiến pháp của vùng đất, được Trung Quốc chuẩn thuận. Theo quy chế “một quốc gia, hai chế độ”, Hong Kong là một đặc khu hành chính tự trị trong lãnh thổ Trung Quốc, có đồng tiền riêng, có hệ thống tư pháp độc lập, nhà nước pháp quyền, người dân có những quyền tự do căn bản như tự do ứng cử và bầu cử cấp quận huyện, tự do ngôn luận, tự do đi lại, tự do lập hội và biểu tình để bày tỏ quan điểm… Người dân Trung Quốc lục địa dưới sự cai trị của đảng Cộng sản hoàn toàn không có những quyền này.
Quy chế tự trị, không gian tự do, nguồn nhân lực có phẩm chất tốt và chế độ nhà nước pháp quyền đã giúp Hong Kong nhận được sự đối xử ưu ái của các quốc gia bên ngoài, hơn hẳn so với Trung Quốc. Hoa Kỳ chẳng hạn, từ năm 1992 đã ban hành Luật về quan hệ với Hong Kong (Hong Kong Relation Act hoặc Hong Kong Policy Act) cho phép Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục đối xử với Hong Kong theo cách riêng, tách biệt với Trung Quốc lục địa, trong những lĩnh vực liên quan tới xuất nhập khẩu, giao dịch tài chính và kiểm soát kinh tế sau khi lãnh thổ này sáp nhập vào Trung Quốc năm 1997. Nhờ sự ưu ái này, hàng hóa Hong Kong xuất khẩu vào Mỹ được hưởng thuế suất ưu đãi, dòng chảy tài chính và dịch vụ được thông suốt; hàng ngàn tập đoàn đa quốc gia đã chọn Hong Kong để đặt bản doanh khu vực châu Á, làm đầu cầu bước vào thị trường Trung Quốc rộng lớn đồng thời kết nối thông suốt với thị trường toàn cầu. Trong hơn hai thập niên “tự trị” dưới công thức “một quốc gia, hai chế độ”, Hong Kong vẫn giữ vững vị thế trung tâm tài chính quốc tế một phần nhờ tính chất đặc thù của vùng lãnh thổ này và sự hỗ trợ quốc tế, mang lại lợi ích to lớn không chỉ cho người dân Hong Kong mà cho cả Trung Quốc đại lục.
Khủng hoảng Hong Kong và Tập Cận Bình
Lần này, dự luật về dẫn độ mà chính quyền Hong Kong đưa ra hồi đầu tháng 6-2019 – theo đó công dân Hong Kong có thể bị bắt và giao cho Trung Quốc xét xử – đã một lần nữa thổi bùng lên ngọn lửa phản kháng, lôi cuốn không chỉ giới trẻ mà cả cộng đồng doanh nhân, viên chức chính phủ và nhiều thành phần xã hội khác của Hong Kong. Những cuộc biểu tình tuần hành có số người tham dự khổng lồ – có lúc lên tới hai triệu người – cho thấy người Hong Kong không thích Chính phủ Trung Quốc và khinh thường hệ thống tư pháp bất công của Hoa lục. Chính quyền Hong Kong chẳng những phớt lờ tình cảm của người dân mà còn sử dụng vũ lực để trấn áp, những cuộc biểu tình dần dần chuyển từ bất bạo động sang bạo động, yêu sách chính trị của người dân cũng thay đổi từ phản đối một dự luật sang đòi hỏi dân chủ và sự phân cực chính trị ngày càng sâu rộng: Hong Kong bị chia thành hai cực: một thiểu số ủng hộ chính sách của chính quyền do Bắc Kinh điều khiển và một đa số đấu tranh không mệt mỏi đòi các quyền dân chủ tự do đã được xác lập trong Luật Căn Bản.
Những cuộc biểu tình tuần hành diễn ra liên tục từ tháng 6-2019 đến nay và chiến thắng áp đảo của thành phần dân chúng ủng hộ tự do trong cuộc bầu cử hội đồng cấp quận huyện ngày 24-11-2019 vừa qua cho thấy sự lựa chọn của người dân và giới trẻ Hong Kong.
Có một số nguyên nhân khác làm người dân Hong Kong bất mãn chính quyền. Đó là sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng rộng, là “sự xâm lấn” của người Trung Quốc lục địa vào xã hội và văn hóa Hong Kong dẫn tới sự lan tràn của tiếng Quan thoại (Mandarin), lấn át tiếng Quảng Đông (Cantonese) bản địa trong đời sống hàng ngày của người bản địa Hong Kong. Trong gần một thập kỷ qua, lương bổng và thu nhập của dân trung lưu Hong Kong gần như giẫm chân tại chỗ trong khi giá nhà đất tăng chóng mặt; thanh niên Hong Kong phải sống trong những căn hộ chật chội, thiếu tiện nghi mà còn phải vất vả tranh giành việc làm với làn sóng di cư sang Hong Kong của thanh niên Trung Quốc lục địa. Những uất ức tâm lý bị dồn nén từ ngày này sang ngày khác, có cơ hội là bùng nổ.
Nhưng các lãnh tụ Trung Quốc trước ông Tập Cận Bình có phần tôn trọng cam kết “một quốc gia, hai chế độ”, tôn trọng quyền tự chủ tự trị mà không can thiệp sâu vào nội tình của Hong Kong cho nên tình hình vẫn tương đối ổn định, những vướng mắc của người dân với chính quyền về kinh tế, dân sinh có thể được tháo gỡ dần. Đến ông Tập Cận Bình thì tham vọng và chính sách bá quyền trắng trợn của ông ta đã đẩy người dân Hong Kong vào thế phải đối đầu.
Và cũng như mọi nhà độc tài khác, ông Tập không thấy những cuộc biểu tình kéo dài của người dân Hong Kong là biểu thị của khát vọng tự do, dân chủ mà thay vì vậy, theo đúng sách vở kinh điển đầy hoang tưởng của chủ nghĩa cộng sản, Bắc Kinh coi sự phản kháng của người dân là do “các phần tử đòi ly khai” lôi kéo, do “thế lực thù địch nước ngoài” – ở đây là Hoa Kỳ và Anh Quốc – giật dây. Và thay vì tiến hành đối thoại với người dân để tiến tới một giải pháp thỏa hiệp – phương thức điều hành phổ biến trong xã hội dân chủ – Bắc Kinh chủ trương dùng bạo lực để trấn áp, quyết dập tắt phong trào biểu tình trong lựu đạn cay, vòi rồng và những cuộc bao vây, bắt bớ, truy bức, thủ tiêu…; làm cho mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền ngày càng thêm gay gắt. Có lúc, nhiều người lo sợ rằng một phiên bản Thiên An Môn thế kỷ 21 sắp được tái hiện ở Hong Kong.
Trung Quốc tính gì tiếp theo?
Đã không – hoặc chưa – xảy ra một biến cố Thiên An Môn ở Hong Kong dù Trung Quốc đã tập hợp một lực lượng quân đội tinh nhuệ ở Thẩm Quyến, ngay bên kia đường ranh giới với Hong Kong. Trung Quốc thậm chí chỉ phản ứng chiếu lệ khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua và Tổng thống Donald Trump ký ban hành Luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong, dù trước đó Bắc Kinh từng nhiều lần hăm dọa Hoa Kỳ phải “gánh chịu hậu quả”. Sự kiện tập đoàn Alibaba của Trung Quốc – có giá trị vốn hóa lên tới 540 tỷ USD trên thị trường chứng khoán New York – chọn Hong Kong làm nơi phát hành cổ phần lần thứ hai của mình, thu về 11 tỷ USD ngay trong những ngày thành phố này trải qua những cuộc xung đột dữ dội trên đường phố, cũng được coi là một tín hiệu lạc quan cho Hong Kong.
Từ đó, một số phân tích gia phương Tây đã vội vã bình luận rằng Bắc Kinh sẽ nương nhẹ trong việc xử lý cuộc khủng hoảng chính trị ở Hong Kong. Căn cứ cho lập luận này là Hong Kong có vị trí quan trọng không thể thay thế trong nền kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc, là cầu nối thu hút vốn đầu tư toàn cầu cho nền kinh tế Trung Quốc. Trên trang Foreign Policy, tác giả Hilton Yip cho rằng Trung Quốc rất cần Hong Kong. “Cho tới nay, Trung Quốc đã không can thiệp trực tiếp và dập tắt bằng vũ lực những cuộc biểu tình ở Hong Kong như lúc đầu mọi người lo sợ. Không phải vì Trung Quốc kiên nhẫn hoặc bao dung và không cần Hong Kong. Sự thật là dù Trung Quốc rất muốn đè bẹp những cuộc phản kháng, như họ đã từng làm ở Tân Cương và Tây Tạng, họ vẫn hết sức cần có Hong Kong,” tác giả viết.
Sẽ là điều tốt cho Hong Kong nếu giới lãnh đạo Bắc Kinh biết nhìn nhận thực tế, thừa nhận rằng bất ổn ở Hong Kong là do Trung Quốc can thiệp quá sâu vào Hong Kong để từ đó có cách ứng xử phù hợp là tôn trọng quyền tự chủ tự trị của vùng lãnh thổ này đúng với mô hình “một quốc gia, hai chế độ” đã cam kết.
Nhưng tình hình dường như không diễn tiến theo hướng đó. Hong Kong là ốc đảo tự do duy nhất trong lãnh thổ của Trung Quốc, đối lập với chế độ độc tài toàn trị tăm tối mà người dân Trung Quốc phải chịu đựng. Về mặt chính trị, Bắc Kinh coi Hong Kong là cái gai, là chất xúc tác nguy hiểm cho Đài Loan, Macau, và cả Tân Cương, Tây Tạng nếu như Bắc Kinh không sớm dập tắt tinh thần yêu tự do của người dân Hong Kong. Cái khó của giới lãnh đạo Bắc Kinh là làm sao áp đặt được quyền cai trị tuyệt đối của đảng Cộng sản Trung Quốc mà vẫn duy trì được tính tự chủ của Hong Kong để thu hút giới kinh doanh, đầu tư thay vì biến nó thành một bản sao của Thẩm Quyến hay Thượng Hải.
Nếu mạnh tay đàn áp phong trào dân chủ Hong Kong, buộc người dân ở đây phải ngoan ngoãn cúi đầu tuân phục Bắc Kinh, thì mô hình “một quốc gia, hai chế độ” sẽ sụp đổ, hậu quả không chỉ là Trung Quốc mất đi Hong Kong như nó vốn có mà có nguy cơ đẩy Đài Loan đi xa hơn trên con đường độc lập; Bắc Kinh không lo ngại nhiều về phản ứng của quốc tế trước sự lật lọng của mình, nhưng tham vọng chinh phục thế giới bằng sức mạnh mềm của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng.
Còn nếu nhân nhượng người dân Hong Kong, thực hiện các yêu cầu của họ như cách chức bà Carrie Lam, điều tra rốt ráo việc sử dụng bạo lực của cảnh sát, tổ chức cho người dân lựa chọn một cách dân chủ người đại diện cho họ vào chính quyền đặc khu… thì Hong Kong có nguy cơ là tấm gương tày liếp, kích thích người dân trung lưu Trung Quốc lục địa đứng lên đấu tranh đòi dân chủ tự do theo gương những đồng bào dũng cảm của họ ở ngay trước cửa. Và đó có thể là ngày tàn của chế độ Cộng sản Trung Quốc.
Giữa hai điều xấu, Bắc Kinh hẳn sẽ chọn khả năng ít xấu nhất cho họ.
Với não trạng xơ cứng và đầy hoang tưởng, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, chắc chắn Bắc Kinh sẽ không bao giờ nhân nhượng. Có điều Cộng sản Trung Quốc thế kỷ 21 sẽ không hành động lộ liễu như hồi Thiên An Môn 1989; thế và lực của họ đã khác, trình độ của họ cũng đã khác, chỉ có bản chất là không thay đổi. Cam kết của ông Tập Cận Bình ủng hộ mạnh mẽ chính quyền và cảnh sát Hong Kong cho thấy Bắc Kinh vẫn kiên trì đi theo con đường trấn áp bằng bạo lực, không có dấu hiệu nhân nhượng như dự đoán. Hôm Chủ nhật 15-12-2019, cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ thêm 31 người biểu tình, số người bị bắt trong tuần trước là 99 người và đến nay 6.100 người biểu tình vẫn còn bị giam giữ là một dữ kiện cho thấy Bắc Kinh và chính quyền tay chân của họ ở Hong Kong chưa thật sự muốn hòa giải.
Rất có thể Bắc Kinh sẽ áp dụng những kinh nghiệm trấn áp ở Tân Cương, Tây Tạng và nội địa Trung Quốc vào trường hợp Hong Kong, dùng các thủ đoạn mua chuộc, cài cắm, vu vạ, giăng bẫy… từng bước phân hóa người Hong Kong, xói mòn rồi tiến tới triệt tiêu cuộc đấu tranh dân chủ ở vùng lãnh thổ này.
Suốt nửa năm đấu tranh, người Hong Kong đã chứng tỏ lòng dũng cảm, kiên cường và đoàn kết chống lại cường quyền, nhưng đối đầu với một chế độ toàn trị không từ một thủ đoạn nham hiểm nào như Trung Quốc, Hong Kong chỉ là một ngọn lửa nến trước cơn bão dữ.
Hoa Kỳ hành động như thế nào?
Với việc ban hành Luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong, Chính phủ Hoa Kỳ cho thấy Mỹ đứng về phía những người dân yêu tự do ở Hong Kong. Luật này yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ “chứng nhận”, hàng năm, rằng Hong Kong vẫn còn đủ tự chủ và tự trị để được Hoa Kỳ đối xử theo cách riêng, khác với phần còn lại của Trung Quốc, theo Luật Chính sách Hong Kong 1992. Đến nay, theo tạp chí Foreign Affairs, bản báo cáo mới nhất về Hong Kong của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, phát hành tháng 3-2019, kết luận “Hong Kong đã giữ được – dù bị thu hẹp – đầy đủ mức độ tự chủ theo khung ‘một quốc gia, hai chế độ’ để được tiếp tục hưởng sự đãi ngộ đặc biệt của Hoa Kỳ trong những chương trình và thỏa thuận song phương.” Còn theo Luật mới, nếu Hong Kong thay đổi theo chiều hướng xấu hơn, Chính phủ Mỹ sẽ rút lại ngay sự ưu đãi cho Hong Kong.
Khi tình huống ấy xảy ra, Hoa Kỳ buộc phải rút lại các ưu đãi, siết chặt các luật lệ về xuất nhập khẩu và đầu tư song phương, giảm hoặc thậm chí bãi bỏ sự hợp tác rất quan trọng với Hong Kong về thực thi pháp luật, chẳng hạn như sự hợp tác chống rửa tiền, chống buôn lậu ma túy. Sự thay đổi chính sách của Hoa Kỳ đối với Hong Kong sẽ có tác động lớn đến thị trường kinh tế tài chính, xói mòn niềm tin của cộng đồng doanh nhân quốc tế về tính bền vững của mô hình kinh doanh ở Hong Kong, gây thiệt hại cho lợi ích kinh tế của Hoa Kỳ ở châu Á, và nhất là làm thiệt hại trầm trọng đến đời sống của người dân Hong Kong – thành phần mà quyền tự do và lối sống là mục tiêu mà Hoa Kỳ muốn bảo vệ. Trung Quốc cũng sẽ bị thiệt hại, nhưng không trầm trọng bằng. Luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong, vì vậy, có những điểm không thật sự thuyết phục khi buộc Hong Kong phải chịu trách nhiệm cho những chính sách lật lọng của Chính phủ trung ương Trung Quốc.
Theo lẽ thường, Hoa Kỳ không thể và không nên trừng phạt kinh tế Hong Kong vì những chính sách đầy tham vọng từ Bắc Kinh. Giải pháp tốt nhất có lẽ là Washington phải có áp lực trực tiếp với Bắc Kinh để buộc Trung Quốc phải tôn trọng mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, tôn trọng quyền tự trị của Hong Kong. Hoa Kỳ có thể và nên đưa việc Trung Quốc tuân thủ các cam kết của họ với Hong Kong vào các cuộc thương thảo về tự do thương mại song phương Mỹ-Trung và các chương trình hợp tác khác, buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những hành vi “xâm lấn” của họ vào vùng lãnh thổ này.
Một Hong Kong ổn định và phát triển trong tự do, dân chủ là nền tảng quan trọng để cổ xúy và quảng bá các giá trị phổ quát về nhân quyền cho người dân Trung Quốc – đó cũng là mục tiêu mà Luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong nên hướng tới. Làm sao để Hong Kong không phải là ngọn nến mà là ngọn đuốc sáng soi con đường tới dân chủ tự do của người dân Trung Quốc.