Không chiến, hải chiến, đổ bộ…, Trung Quốc sẽ đánh Đài Loan như thế nào?

Nhiều nhà phân tích cho rằng một cuộc xâm lược Đài Loan sẽ nguy hiểm và phức tạp hơn so với cuộc đổ bộ Ngày D của Đồng minh vào nước Pháp trong Đệ nhị Thế chiến

Ảnh: An Rong Xu/Getty Images
Share:
Thời Sự
Thời Sự
Trung Quốc sẽ đánh Đài Loan như thế nào?
/

Tuần trước, trong chuyến công du đầu tiên tới châu Á trên cương vị Tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden đã đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ nhất với Bắc Kinh “Washington cam kết bảo vệ Đài Loan về mặt quân sự trong trường hợp Trung Quốc tấn công”. Đây là lần thứ ba Tổng thống Biden đưa ra nhận xét như thế kể từ ngày nhậm chức. Nếu Trung Quốc chiếm Đài Loan thì liệu Hoa Kỳ và các đồng minh có thể ngăn chặn được không? Câu trả lời “ớn lạnh” là: “Rất có thể, không được!”.

Ảnh: An Rong Xu/Getty Images
Eo biển Đài Loan (ảnh: Gallo Images/Orbital Horizon/Copernicus Sentinel Data 2019)

Lý do: Trung Quốc có nhiều quân hơn, nhiều hoả tiễn hơn, nhiều tàu hơn Đài Loan và hơn cả những nước ủng hộ hòn đảo, như Mỹ và Nhật Bản. Điều đó có nghĩa là nếu Trung Quốc quyết tâm chiếm Đài Loan, Bắc Kinh có thể làm được. Nhưng có một cảnh báo cũng ớn lạnh không kém: Dù Trung Quốc chiến thắng, nhưng sẽ phải trả một cái giá cực kỳ đắt. Nhiều nhà phân tích cho rằng một cuộc xâm lược Đài Loan sẽ nguy hiểm và phức tạp hơn so với cuộc đổ bộ Ngày D của Đồng minh vào nước Pháp trong Đệ nhị Thế chiến (dẫn lại từ CNN).

Theo các tài liệu của chính phủ Hoa Kỳ, tổng số thiệt mạng, bị thương và mất tích của cả hai bên trong chiến dịch Normandy kéo dài gần ba tháng là gần nửa triệu quân! Số dân thường chết cũng rất nhiều. Dân số 24 triệu người của Đài Loan tập trung vào các khu đô thị dày đặc như thủ đô Đài Bắc, với mật độ 9,575 người/km2, tức gần gấp ba lần mật độ dân cư thành phố Mariupol của Ukraine bị Nga tàn phá và chiếm đóng (2,690 người/km2). Bất chấp lợi thế số lượng trên biển, trên không và trên bộ, Trung Quốc vẫn có gót chân Achilles khi thực chiến. Vì vậy, Bắc Kinh sẽ phải suy nghĩ thật kỹ “liệu một cuộc xâm lược có xứng đáng với cái giá quá lớn về nhân mạng hay không?”.

Hiện Trung Quốc có số lượng tàu chiến nhiều nhất thế giới (ảnh: VCG/VCG via Getty Images)

-Hải chiến

Trung Quốc có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới với khoảng 360 tàu chiến so với dưới 300 tàu của Mỹ. Bắc Kinh cũng có đội tàu chở hàng tiên tiến nhất thế giới, có lực lượng bảo vệ bờ biển lớn và lực lượng dân quân hàng hải (các tàu đánh cá liên kết không chính thức với quân đội) với hàng trăm tàu ​​huy động dễ dàng để đưa hàng ngàn quân lên đảo Đài Loan. Ian Easton, Giám đốc cấp cao tại Project 2049 Institute, viết trên tờ The Diplomat:

“Để chiến thắng, PLA (Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa) sẽ phải di chuyển hàng ngàn xe tăng, súng pháo, xe bọc thép và bệ phóng hoả tiễn cùng với quân đội”. Đưa một lực lượng lớn như thế vượt qua 177 km eo biển Đài Loan là một nhiệm vụ dài và nguy hiểm, trong đó các tàu chở quân và thiết bị ken kín sẽ tạo cơ hội cho bắn giết hàng loạt. Phillips O’Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St. Andrews ở Scotland, nhận định:

“Nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, thì đây sẽ là cuộc thảm sát đối với hải quân nước họ. Vì Đài Loan đã trữ rất nhiều hoả tiễn chống hạm giá rẻ và hiệu quả, tương tự hoả tiễn Neptunes mà Ukraine sử dụng để đánh chìm soái hạm Moskva của Nga ở Hắc Hải vào Tháng Tư qua. Đài Loan đang sản xuất hàng loạt vũ khí này, nhỏ và dễ dùng. Hoả tiễn bao giờ cũng rẻ hơn tàu nhiều”.

Hải quân Đài Loan trong một cuộc tập trận vào Tháng Một 2022 (ảnh: Ceng Shou Yi/NurPhoto via Getty Images)

Thomas Shugart, cựu thuyền trưởng tàu ngầm Hải quân Mỹ hiện là chuyên viên phân tích tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (Center for a New American Security) nói: “Trung Quốc với lợi thế áp đảo về số lượng phải chọn lựa giữa chiến thắng và thiệt hại khi hàng trăm hoặc hàng ngàn tàu Trung Quốc sẽ phô bày cho hoả tiễn Đài Loan tiêu diệt!”.

Ngoài sự đe dọa của hoả tiễn giá rẻ, Trung Quốc còn phải đối mặt với những vấn đề lớn về hậu cần trong cuộc đổ bộ. Học thuyết quân sự kinh điển luôn khuyên phe tấn công nên đông hơn phe phòng thủ gấp… ba lần! “Với lực lượng phòng thủ có thể huy động tới 450,000 người hiện nay, Trung Quốc sẽ cần hơn 1.2 triệu binh lính (trong tổng số hơn hai triệu quân) và hàng ngàn con tàu để vận chuyển họ cùng khí tài” – Howard Ullman, một cựu quan chức hải quân Hoa Kỳ hiện giảng dạy tại Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ nêu rõ trong bài viết gửi Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council). Ông ước tính chiến dịch này sẽ mất nhiều tuần và dù có sức mạnh hàng hải, Trung Quốc vẫn thiếu khả năng quân sự và năng lực để thực hiện một cuộc đổ bộ quy mô lớn vào Đài Loan.

-Không chiến

Theo các nhà phân tích, trong bất kỳ cuộc chiến nào Trung Quốc cũng tìm kiếm chiếm ưu thế sớm trên bầu trời. Theo danh mục các lực lượng không quân thế giới năm 2022 của Flight Global, PLA có gần 1,600 phi cơ chiến đấu, so với chưa tới 300 chiếc của Đài Loan. Trong khi đó Mỹ có hơn 2,700 phi cơ chiến đấu, nhưng lại dàn trải trên toàn thế giới chứ không ở cùng khu vực như Trung Quốc.

Trong không chiến, Trung Quốc cũng sẽ học từ những thất bại của Nga ở Ukraine và nhiều khả năng PLA sẽ cố tạo ra “cú sốc kinh hoàng” như Mỹ từng làm trước khi đưa quân vào Iraq. “Tôi chắc rằng PLA đang học hỏi rất kỹ từ những gì chúng tôi đã làm ở Bão táp sa mạc và Kosovo nếu bạn đọc các bản dịch mã nguồn mở các tài liệu chiến lược của họ” – Shugart nói. Nhưng ngay cả trên không, Trung Quốc cũng sẽ gặp khó khăn đáng kể.

Đài Loan ký thoả thuận với Hoa Kỳ để nhận hoả tiễn phòng không Stinger và tổ hợp hoả tiễn phòng thủ Patriot. Đài Loan cũng đầu tư rất nhiều vào các cơ sở sản xuất hoả tiễn của riêng mình trong một dự án khởi động cách nay ba năm mà khi hoàn thành vào mùa Hè này, sẽ nâng sản lượng hoả tiễn lên gấp ba lần (theo báo cáo của tạp san quốc phòng Janes vào Tháng Ba). Trung Quốc sẽ có lợi thế hơn Mỹ do gần Đài Loan nên một mô phỏng “trò chơi chiến tranh” gần đây do Trung tâm An ninh mới của Mỹ (Center for a New American Security) thực hiện đã kết luận “Một cuộc xung đột trên không giữa Mỹ và Trung Quốc có thể kết thúc trong bế tắc”.

Trò chơi chiến tranh cho thấy các lực lượng Trung Quốc bắt đầu chiến dịch bằng cách cố đánh chiếm các căn cứ gần nhất của Hoa Kỳ ở những nơi như Guam và Nhật Bản. Bình luận về nhận xét này trong cuộc nói chuyện với Tạp chí Không quân, Trung tướng S. Clinton Hinote, Phó Tham mưu trưởng phụ trách chiến lược và hội nhập của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ nói:

“Dù Hoa Kỳ đã quen thống trị bầu trời nhưng một số yếu tố lại không ủng hộ mục tiêu này. Trung Quốc đã đầu tư nhiều vào máy bay và vũ khí hiện đại để chống lại chúng ta trong khi các lực lượng Mỹ mất lợi thế khoảng cách khi phần lớn sức mạnh không quân của Mỹ nằm ngoài Philippines, cách Đài Loan 800 km”.

-Bộ binh

Theo nghiên cứu China Power tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies), tính đến năm 2020, PLA có ít nhất 425 bệ phóng hoả tiễn có khả năng vươn đến các căn cứ của Mỹ. Khi Trung Quốc đã chấp nhận tổn thất cao và đưa được một lượng quân đáng kể vào bờ, lực lượng của nó vẫn phải đối mặt với một trận chiến khó khăn khác. Đài Loan có khoảng 150,000 quân chính qui, 2.5 triệu quân dự bị và toàn bộ chiến lược phòng thủ quốc gia đều nhằm chống lại cuộc xâm lược tương lai của Trung Quốc.

Trung Quốc luôn trình diễn binh hùng tướng mạnh nhưng chưa hề trải qua kinh nghiệm thực chiến kể từ năm 1979 (ảnh: VCG/VCG via Getty Images)

Giống như Ukraine, người Đài Loan có lợi thế sân nhà, hiểu biết về trận địa và có động lực cao để bảo vệ quê hương. Đầu tiên, PLA sẽ cần tìm một điểm tập trung quân phù hợp, gần đất liền và gần một thành phố chiến lược với các cảng và sân bay gần đó. Các chuyên gia xác định chỉ có 14 bãi biển phù hợp với ý đồ này và Đài Loan biết rất rõ về chúng nên công binh đã dành nhiều thập niên để đào các đường hầm và boongke bảo vệ và chống đổ bộ.

Lính Trung Quốc có thể được thả từ trên không, nhưng do thiếu lính dù nên điều này khó xảy ra. Một vấn đề khác đối với quân đội Trung Quốc là họ thiếu kinh nghiệm chiến trường. Lần cuối cùng PLA tham chiến là vào năm 1979, khi Trung Quốc tiến hành cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam nhưng không mấy thành công. Ngoài ra quân xâm lược sẽ gặp một lực lượng phòng thủ có động cơ tốt. Tuy nhiên, ngay cả quân đội Đài Loan cũng chưa được trải nghiệm chiến trường.

-Vậy Trung Quốc có tấn công Đài Loan?

Bonnie Glaser, nhà phân tích của Quỹ Marshall, tin rằng một cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc là khó có thể xảy ra. “Theo tôi PLA thiếu tự tin có thể chiếm và kiểm soát Đài Loan và họ biết một số khiếm khuyết trong khả năng của mình – bà nói – Ngoài ra, cuộc chiến 100 dặm trên một vùng biển chắc chắn khó hơn nhiều so với biên giới trên bộ giữa Nga và Ukraine. Rồi người dân Đài Loan sẽ chiến đấu kiên cường vì đất đai của họ với tinh thần rất cao để bảo vệ các quyền tự do dân chủ. Tất cả có thể làm chùn chân tính toán của các lãnh đạo quân sự Trung Quốc, thậm chí của cá nhân ông Tập Cận Bình”.

Tất nhiên, PLA có các lựa chọn khác ngoài một cuộc xâm lược toàn diện. Năm ngoái, Robert Blackwill và Philip Zelikow viết trong một báo cáo cho Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations): Đó là chiếm các đảo xa xôi của Đài Loan, như đảo Taiping, tiền đồn xa nhất ở Biển Đông; Đảo Pratas nhỏ bé, một tiền đồn nhỏ cách Hong Kong 320 km về phía Đông Nam; Các đảo Kim Môn và Matsu, những vùng lãnh thổ nhỏ bé chỉ cách đại lục vài dặm; hoặc Penghu trên eo biển Đài Loan.

Nếu lâm chiến, Quân đội Đài Loan chắc chắn sẽ kiên cường hơn quân Trung Quốc xâm lược (ảnh: Walid Berrazeg/Anadolu Agency via Getty Images)

Theo Blackwill và Zelikow, tùy chọn cô lập có thể hiệu quả hơn. Họ viết: “Lúc đó, Trung Quốc sẽ tìm cách kiểm soát nghiêm ngặt các đường biên giới trên không và trên biển của Đài Loan, kiểm tra ngoài khơi và trên không. Mọi viện trợ quân sự cho Đài Loan đều bị phong tỏa hoặc tịch thu, lấy cớ vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc có thể cho phép chính quyền Đài Loan hoạt động bình thường ngoại trừ các hoạt động đối ngoại. Lựa chọn này sẽ có lợi hơn dưới mắt Trung Quốc nhưng người Mỹ thì không. Chính phủ và quốc hội Mỹ sẽ phải quyết định có nên sử dụng vũ lực để chấm dứt việc kiểm tra đơn phương và vi phạm luật pháp quốc tế này hay không, và Mỹ có nên mạo hiểm tiến hành một cuộc chiến cướp đi rất nhiều sinh mạng không.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: