H.C.
Các “ông lớn” công nghệ của Mỹ đang đối mặt với thử thách về thực hiện tự do ngôn luận ở Hong Kong, sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia, đòi hỏi nhà cầm quyền địa phương phải có biện pháp kiểm soát và quản lý mạng Internet.
Từ trước tới nay Facebook và Instagram, Twitter, YouTube đều hoạt động tự do ở Hong Kong dù bị ngăn chặn hoặc cấm đoán ở Hoa Lục. Ở Hong Kong, người dân đã quen với việc tự do sử dụng tài khoản trên các mạng xã hội này để bày tỏ quan điểm về các vấn đề chính trị, nêu ý kiến ủng hộ các cuộc biểu tình hoặc trút nỗi tức giận với chính quyền Trung Quốc can thiệp sâu vào công việc của thành phố.
Nhưng nay thì các mạng xã hội đang lâm vào tình thế khó xử. Nếu nhà cầm quyền Hong Kong yêu cầu họ xóa tài khoản người dùng hoặc nội dung mà người dùng đăng lên thì chỉ có một trong hai cách: hoặc từ chối sẽ làm Bắc Kinh nổi giận và có nguy cơ gặp rắc rối về pháp lý theo luật an ninh mới, hoặc nếu làm theo sẽ khiến người dùng thân thiết của thành phố này nổi giận và sẽ đối mặt với sự phê phán của các chính trị gia ở Mỹ và Anh quốc cùng nhiều nước khác.
Twitter hôm nay ra thông cáo cho biết họ “lo ngại sâu sắc” về đạo luật của Bắc Kinh và “cam kết bảo vệ những người sử dụng dịch vụ của Twitter và quyền tự do ngôn luận của họ”. Twitter cũng cho biết họ đang nghiên cứu nội dung đạo luật “đặc biệt là một số điều khoản của luật rất mơ hồ mà không có định nghĩa rõ ràng”.
Một phát ngôn viên của Facebook cho biết, công ty đang xem xét chi tiết của đạo luật. “Chúng tôi tin rằng tự do ngôn luận là một quyền con người căn bản, và chúng tôi chia sẻ mối lo lắng về tác động của luật này với tự do ngôn luận ở Hong Kong”, nữ phát ngôn viên này nói.
*
Các biện pháp giám sát chặt internet và truyền thông nước ngoài đã được đưa vào các điều khoản của luật an ninh quốc gia cho Hong Kong. Luật này hình sự hóa các hoạt động trong bốn lĩnh vực được định nghĩa một cách mơ hồ là tội ly khai, tội lật đổ, tội khủng bố và tội câu kết với ngoại bang.
Giáo sư Tôn Hạo Thần (Haochen Sun), khoa Luật, Đại học Hong Kong, nhận xét: “Chắc chắc các công ty công nghệ sẽ nhận được thêm nhiều yêu cầu xóa bỏ những thông tin mà nhà cầm quyền cho là có hại cho an ninh quốc gia”. Ông cho rằng các công ty sẽ gặp khó khăn, đặc biệt với những trường hợp khó phân định rõ ràng, ví dụ như yêu cầu gỡ bỏ những bài hát mà người biểu tình sử dụng trong các cuộc tuần hành phản đối chính quyền.
Một trong những điều khoản của luật quy định chính quyền Hong Kong “phải tăng cường giám sát” và điều hành mạng internet. Ở Trung Quốc, cách nói như vậy có nghĩa là Bắc Kinh sẽ hạn chế các phát ngôn chính trị.
Sandra Marco Colino, giáo sư Luật tại Đại học Trung Hoa Hong Kong nhận định Facebook và Twitter “sẽ thấy sự ủng hộ họ tại Hong Kong bị sụt giảm rất mạnh”. Bà cho biết người biểu tình thường dùng các mạng xã hội này để nói lên quan điểm của họ và thậm chí để thông tin phối hợp hành động. Nhưng “những hình phạt hà khắc mà luật quy định chắc chắn sẽ làm cho công chúng ngần ngại, không tiếp tục chia sẻ những quan điểm như vậy nữa”.
Luật an ninh được ban hành và có hiệu lực từ khuya ngày thứ Ba vừa qua và trong vài ngày qua nó đã kích hoạt một làn sóng tự kiểm duyệt của người dùng mạng xã hội vì người ta lo sợ những hình phạt hà khắc của luật, người vi phạm có thể bị xử tù từ 10 năm tới chung thân. Vài ngày trước khi luật được thông qua, một số người dùng mạng xã hội đã tự đóng tài khoản hoặc xóa những nội dung liên quan tới biểu tình.
Facebook và Twitter từ chối trả lời họ đã nhận được hướng dẫn của nhà cầm quyền về luật mới hay chưa. Phát ngôn viên của Google (chủ của mạng YouTube) từ chối bình luận.
*
Hong Kong chỉ có 7,5 triệu dân, đóng góp vào doanh thu quảng cáo của các tập đoàn công nghệ không nhiều bằng các quốc gia đông dân nhưng dân Hong Kong giàu hơn và tinh thông công nghệ hơn nhiều nơi khác. Có 91% dân số Hong Kong sử dụng Internet và 98% số người dùng Internet trong độ tuổi từ 16 đến 64 có tài khoản trên các mạng xã hội hay ứng dụng nhắn tin.
Trong những năm qua, các công ty công nghệ lớn đã đôi lần bị phê phán vì chiều theo các yêu cầu của Bắc Kinh. Apple đã xóa khỏi AppStore một bản đồ do người Hong Kong góp tiền viết ra, giúp người biểu tình theo dõi hoạt động của cảnh sát; Google xóa một trò chơi điện tử cho phép người chơi sắm vai người biểu tình Hong Kong; còn Yahoo năm 2007 đã bị triệu tập ra trước Quốc hội Mỹ sau khi bị cáo buộc cung cấp cho chính quyền thông tin về nhà báo Shi Tao để công an Trung Quốc bắt ông.
Nói chung, các công ty công nghệ đều nói rằng, họ phải tuân thủ luật pháp địa phương tại quốc gia mà họ hoạt động. Các phân tích gia cho biết, họ tin chính quyền có thể bắt buộc các mạng xã hội phải xóa bỏ những nội dung mà nhà nước không thích, nhưng họ không nghĩ rằng luật mới có thể dẫn tới việc “cắt” mạng internet trên diện rộng. “Chừng nào các công ty công nghệ còn hoạt động ở Hong Kong, họ bị buộc phải tuân theo luật pháp Hong Kong, kể cả luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh mới ban hành,” ông Tôn của Đại học Hong Kong khẳng định.
(theo Wall Street Journal)