“Triết lý… chạy”
Vào một buổi chiều Tháng Sáu, Wang Qun đứng sát hàng rào thép cao 20 feet, nhìn chăm chú hàng cây cọ và những ngôi nhà biệt lập bên kia biên giới. Đây là thấu thị đầu tiên về “giấc mơ Mỹ” của anh. Không giống hàng ngàn người cố gắng vượt biên giới Mỹ-Mexico dài gần 2,000 dặm mỗi ngày, Wang không chạy trốn đói nghèo hoặc bạo lực. Thay vào đó, công dân Trung Quốc 33 tuổi này chạy trốn chính sách “zero-Covid” dai dẳng của Trung Quốc và chủ nghĩa độc đoán thời Tập Cận Bình.
Từ bên kia Thái Bình Dương, Wang bỏ lại gia đình để vượt qua hàng ngàn dặm bằng máy bay, xe buýt, thuyền, xe máy và cả đi bộ. Anh đi xuyên rừng sâu, băng qua những ngọn núi khô cằn và phải sống nhiều ngày trong các trung tâm giam giữ khác nhau. Tất cả chỉ để theo đuổi “tự do và cơ hội” ở Hoa Kỳ. Hành trình nguy hiểm của Wang (được ghi lại và đưa lên mạng xã hội suốt nhiều tháng) là một ví dụ sống động về “triết lý chạy” (run philosophy), một “khẩu hiệu” phổ biến tại Trung Quốc để chỉ hiện tượng đào thoát khỏi những gì nhiều người xem là “tương lai diệt vong” dưới sự cai trị của ông Tập.
“Trong những năm sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, các chính sách của Trung Quốc ngày càng chuyên chế hơn. Kinh tế không phát triển tốt và chế độ độc tài của ông ta càng lúc càng tồi tệ! – Wang nói với CNN – Tập chỉ là một phiên bản khác của Mao Trạch Đông. Ông ta sắp có thêm một nhiệm kỳ nữa, thậm chí có thể nắm quyền vô thời hạn! Tôi không thấy hy vọng gì”.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc ra rả sáng tối về tình trạng bất bình đẳng chủng tộc, bạo lực súng đạn và phân cực chính trị tại Mỹ như bằng chứng “nước Mỹ đang suy tàn”. Nhưng sự phổ biến ngày càng tăng của “triết lý chạy” và cuộc hành trình gian khổ đến Mỹ của Wang và nhiều người khác là sự bác bỏ hoàn toàn và mạnh mẽ nhất “câu chuyện phong thần” của ông Tập. Thực tế cho thấy nhiều người Trung Quốc không còn tin tưởng vào lời hứa của ông Tập.
“Tôi muốn ra ngoài”
Hầu hết những người theo “triết lý chạy” đều xuất thân từ các gia đình trung lưu, thượng lưu Trung Quốc. Họ di cư bằng các phương cách hợp pháp, thông qua du học, lập gia đình, làm việc hoặc đầu tư vào Mỹ. Nhưng Wang, người điều hành một cửa hàng trà sữa (bubble tea) ở một vùng kinh tế khó khăn thuộc miền Đông Trung Quốc trước khi ra đi, hoàn toàn không có tiền và kỹ năng chuyên môn để đi học hoặc làm việc ở Mỹ. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp trường dạy nghề, anh nhận công việc thiết kế đồ họa vài năm ở tỉnh Chiết Giang. Chán nản với mức lương thấp và không thể tiến thân trong nghề, anh chuyển sang bán lẻ trực tuyến vào thời điểm internet bùng nổ mạnh tại Trung Quốc.
Năm 2020, khi lĩnh vực bán lẻ trên mạng phát triển, cạnh tranh trở nên gay gắt và lợi nhuận giảm dần, Wang nghỉ việc và trở về quê hương để mở một cửa hàng trà sữa cùng một người bạn. Lúc đó, Trung Quốc đã áp dụng chính sách “zero-Covid” cực kỳ khắt khe; giám sát toàn diện 1.4 tỷ công dân, xét nghiệm hàng loạt trên diện rộng và lockdown ngay khi chỉ phát hiện một vài ca nhiễm. Công việc kinh doanh của Wang bị ảnh hưởng nặng nề.
Wang, đã ly hôn, nhớ lại: “Tôi không thể kiếm sống qua ngày vì còn phải nuôi hai đứa con. Tôi không muốn bị nhốt. Tôi muốn thoát ra ngoài!”. Đây không phải là lần đầu tiên Wang tính đến chuyện rời Trung Quốc mà anh đã bắt đầu có ý tưởng này cách đây hơn một thập niên, ngay sau khi anh biết cách vượt tường lửa để vô hiệu hoá hệ thống kiểm duyệt internet của Trung Quốc và đọc được sự thật về vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.
“Sau khi ly hôn, không còn gánh nặng nữa, tôi mới quyết định ra đi, để hai đứa con cho bố mẹ nuôi giúp” – anh nói. Wang chỉ tập trung vào một điểm đến duy nhất: Hoa Kỳ. Những nước khác chỉ là quá cảnh. Chưa bao giờ rời Trung Quốc và không nói được tiếng Anh, nhưng Wang đã tìm hiểu về nước Mỹ qua các chương trình truyền hình và phim ảnh. “Ấn tượng mạnh nhất của tôi về Hoa Kỳ là một đất nước tự do, dân chủ, cởi mở và sôi động. Bạn có nhiều cơ hội và có thể tích lũy tài sản bằng cách làm việc chăm chỉ”.
Hành trình gian nan
Kể từ đầu năm 2020, Trung Quốc đã đóng cửa biên giới để bảo đảm chiến lược “zero-Covid” thành công. Chính phủ Trung Quốc cấm công dân ra nước ngoài nếu không có lý do “thiết yếu”. Chỉ được phép đi du lịch để tiếp tục công việc, học tập, kinh doanh và nghiên cứu khoa học hoặc chữa bệnh.
Thông qua các nhóm trò chuyện trực tuyến, Wang phát hiện ra một mạng lưới người Trung Quốc đang lên kế hoạch nhập cư trái phép vào Mỹ qua ngã Ecuador, một quốc gia Nam Mỹ. Anh nộp đơn vào một trường ngôn ngữ ở thủ đô Quito của Ecuador và sử dụng thư nhập học của trường để xin hộ chiếu. Ban đầu, đơn xin bị bác; nhưng cuối cùng anh cũng được cấp hộ chiếu sau khi nộp thêm các giấy tờ bổ sung. Wang rời Trung Quốc vào Tháng Tư nhưng không nói với gia đình. “Tôi chỉ báo là đi tìm việc ở Chiết Giang lần nữa để họ khỏi lo lắng” – anh nhớ lại.
Phải mất hai lần quá cảnh chuyến bay, Wang mới đến được Quito. Từ đó anh đi xe buýt hơn 1,000 dặm đến một thị trấn ven biển ở Colombia. Sau đó đi thuyền đến Panama cùng với hàng chục người di cư khác. Nhưng chặng dài hành trình gian khổ phía trước khiến anh gần như kiệt sức. Wang mất ba ngày đi bộ xuyên qua khu rừng nhiệt đới rậm rạp của Panama, có lúc trong bùn lầy, lội qua sông cạn và leo qua vách đá. “Rất đau đớn! Tôi cảm thấy như xác sống và có lúc sau 12 giờ đi bộ, tôi nghĩ mình sắp chết!” – anh nhớ lại.
Ra khỏi rừng, Wang đi ca nô đến một trại tị nạn nhưng nước rỉ vào tàu làm nó suýt lật úp, nếu Wang và những người đi cùng không tát nước ra ngoài kịp. Đến trại, Wang thấy những người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới. Tiếp đó, anh đi bảy ngày bằng xe buýt đến Costa Rica, Nicaragua, Honduras và Guatemala, rồi đi thuyền đến biên giới Mexico trước khi bị cảnh sát bắt giam vì nhập cảnh bất hợp pháp. Năm ngày sau, Wang được trả tự do và bị yêu cầu phải rời Mexico trong vòng 20 ngày. Không chịu từ bỏ “giấc mơ Mỹ”, anh trả cho một kẻ buôn lậu hàng ngàn đôla để đưa anh đến Mexico City bằng cách ngồi phía sau của một chiếc xe tải chở hàng chục người di cư chen chúc đến nỗi không thể di chuyển hoặc duỗi chân trước khi chuyển sang chiếc xe tải khác nóng bức cùng với hai chục người.
Các cửa sổ đều bị bịt kín và không có máy điều hòa nhiệt độ. “Nhiệt độ trong xe có lẽ hơn 104 độ F. Khi mồ hôi đổ ra đầm đìa tôi phải vật lộn để thở!” – anh nhớ lại. Tại Mexico City, Wang mua một chiếc mô tô và đi 1,600 dặm đến biên giới Hoa Kỳ với một người di cư Trung Quốc gặp trên đường đi; đầu tiên là theo bờ biển, sau đó băng qua sa mạc. Wang viết trên Twitter: “Nhìn Mặt trời lặn trên bờ biển một buổi tối, tôi thấy nhớ nhà vô cùng. Tôi nói thầm: Cả nhà ở bên kia bờ đại dương ơi, không biết con còn có cơ hội quay lại cuộc đời nữa không. Bố mẹ và các con ơi, con nhớ mẹ vô cùng!”.
Phải ra đi vì tuyệt vọng
Cuộc hành trình đến Mỹ của Wang có thể hiếm hoi và khó khăn, nhưng anh không là người duy nhất chọn con đường gian nan để thoát khỏi sự kềm kẹp. CNN đã nói chuyện với những công dân Trung Quốc khác đến Mỹ bất hợp pháp, trong đó có một người đàn ông trốn khỏi Trung Quốc vào Tháng Sáu bằng cách đi bộ qua biên giới vào Việt Nam. Từ đó, anh bay đến Ecuador và đi cùng đường với Wang đến biên giới Mỹ-Mexico, suýt chết trong rừng nhiệt đới Panama nhưng cũng tới được Mexico City.
Theo Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc, số công dân Trung Quốc xin tị nạn đã tăng gần 8 lần trong thập niên kể từ khi ông Tập lên nắm quyền, lên đến gần 120,000 người vào năm 2021, trong đó có khoảng 75% xin tị nạn ở Mỹ. Trên internet của Trung Quốc, các tìm kiếm về “người di cư” bắt đầu tăng vọt vào Tháng Ba, khi nhiều người phải vật lộn để có được nhu yếu phẩm và thực phẩm trong các đợt phong toả “cứng” và “bất nhẫn” trên khắp đất nước. Các diễn đàn thảo luận cách rời Trung Quốc xuất hiện nhiều trên mạng xã hội.
Các luật sư nhập cư cho biết số xin tư vấn từ người Trung Quốc muốn ra đi đã tăng cao trong đại dịch. Theo Edward Lehman, một luật sư nhập cư có trụ sở tại Thượng Hải, số đề nghị tư vấn tăng hàng trăm lần so với trước đây. Ying Cao, một luật sư nhập cư ở New York, cho biết: “Vào năm 1949, hàng trăm triệu người đã rời Trung Quốc vì sợ chính phủ cộng sản. Bây giờ họ cũng có một nỗi sợ hãi tương tự”.
__________
Một ngày sau khi nói chuyện với CNN ở Mexicali, Wang lái môtô lên những ngọn đồi, sau đó đi bộ đường dài hướng về phía Bắc, cho đến khi anh nhìn thấy một sợi dây kẽm gai. Không để ý, anh bước qua nó. Mãi đến 10 phút sau, anh mới biết đây là sợi dây đánh dấu biên giới và cười nhẹ nhõm. “Cuối cùng cũng được đặt chân lên đất Mỹ!”. Wang tiếp tục đi bộ hàng giờ trên vùng đất hoang vắng có địa hình rất dốc và hiểm trở đến nỗi đôi giày thể thao bị rách bươm. Đến đồn kiểm soát biên giới, anh bị giam vài ngày rồi được thả để chờ ra tường trình về trường hợp nhập cư của mình.
Tối ngày 4 Tháng Bảy Quốc khánh Hoa Kỳ, Wang lang thang trên phố một mình, thưởng thức pháo hoa. Anh viết trên Twitter: “Sau khi nuôi giấc mơ Mỹ trong hơn 10 năm, tôi vô cùng sung sướng khi thấy mình đang đi dạo trên các đường phố của Hoa Kỳ. Rất nhiều cảm xúc!”. CNN gặp lại Wang vào cuối Tháng Bảy tại Los Angeles khi anh đã tạm thời hòa nhập vào một cộng đồng những người nhập cư Trung Quốc và có một người bạn sang Mỹ giống cách của anh.
Trước khi anh định báo với gia đình về cuộc đào thoát, cậu con trai 12 tuổi đã phát hiện trước. Cậu chia sẻ tài khoản Apple của Wang và đặt địa chỉ IP của cha mình ở Mỹ. “Tôi nói với con tôi bố đến Mỹ để kiếm thật nhiều tiền cho con và tìm một tương lai tươi sáng cho con – Wang nói – Tôi sẽ xin tị nạn chính trị, nhưng nếu đơn xin bị từ chối, tôi có thể khuyên con đi theo con đường nguy hiểm tôi đã làm, lúc chúng đủ lớn. Tôi đau lòng khi nghĩ đến các con và muốn đưa chúng đến Mỹ càng sớm càng tốt. Vì càng để lâu, các con tôi càng bị ảnh hưởng bởi nền giáo dục cộng sản và càng khó thay đổi”.