Mỹ đưa thêm bốn tập đoàn Trung Quốc vào sổ đen

H.C.

Chính quyền của Tổng thống Trump sắp đưa bốn tập đoàn quốc doanh lớn của Trung Quốc vào danh sách đen các công ty do quân đội sở hữu hoặc kiểm soát, bản tin độc quyền của hãng Reuters vừa cho biết. 

Trong bốn công ty này có một cái tên quen thuộc mà người Việt căm ghét là tập đoàn dầu khí quốc gia dầu khí hải ngoại Trung Quốc, chuyên thâu tóm các công ty khai thác dầu khí khắp thế giới để cung cấp nhiên liệu cho nền kinh tế nước này. CNOOC cũng là tập đoàn chuyên cản trở và quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí của các nước Việt Nam, Phi Luật Tân và Malaysia ở Biển Đông. Năm 2014, CNOOC đã đưa giàn khoan dầu khổng lồ Hải Dương Thạch Du 981 (Hai Yang Shi You 981) vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, làm bùng nổ hàng loạt cuộc biểu tình, phản kháng của người dân trong nước.

Hồi đầu tháng 11, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty và cá nhân của Mỹ mua và nắm giữ cổ phần, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp qua các quỹ đầu tư, của 31 công ty Trung Quốc được chính phủ Mỹ đánh giá là hỗ trợ việc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc (PLA), các cơ quan tình báo và an ninh Trung Quốc. Nguồn tin của Reuters khi đó cũng tiết lộ sẽ có thêm bốn tập đoàn TQ nữa bị đưa vào danh sách đen này, nâng tổng số lên 35 công ty. 

Bốn công ty mới được thêm vào bao gồm SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corp.), CNOOC (China National Offshore Oil Corp.), Công ty Công nghệ Xây dựng Trung Quốc (China Construction Technology Co. Ltd) và Công ty Tư vấn Kỹ thuật Quốc tế Trung Quốc (China International Engineering Consulting Corp.) 

Mới tuần trước, Reuters cho biết chính phủ Mỹ sắp tuyên bố 89 công ty ngành công nghiệp hàng không của Trung Quốc có quan hệ với quân đội nước này, trong đó có hai tập đoàn sản xuất lắp ráp phi cơ của Trung Quốc đang lăm le cạnh tranh với Boeing và Airbus là tập đoàn Phi cơ Thương mại Trung quốc (COMAC) và tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC). 

Các công ty có tên trong danh sách đen sẽ bị hạn chế mua sắm nhiều hàng hóa và công nghệ của Mỹ. Các công ty và cá nhân người Mỹ cũng bị cấm mua cổ phần những công ty này.

Danh sách đen (black list) là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm ngăn chặn cố gắng của Bắc Kinh sử dụng các công ty thương mại thâu tóm các công nghệ và thiết bị phục vụ các mục tiêu quân sự. Tập đoàn công nghệ bán dẫn SMIC là một ví dụ. Từ tháng Chín, Bộ Thương mại Mỹ đãn hạn chế các tập đoàn Mỹ xuất cảng thiết bị, linh kiện và công nghệ cho SMIC vì “rủi ro không thể chấp nhận” là các thiết bị và công nghệ đó sẽ được dùng cho quân đội Trung Quốc.

Từ năm 1999, Quốc hội Mỹ đã có luật yêu cầu Bộ Quốc phòng lập danh sách “Các công ty quân đội cộng sản Trung Quốc” nhưng mãi đến năm 2020 Bộ Quốc phòng mới thực hiện việc này. Đầu năm nay, một số tập đoàn Trung Quốc như Hikvision, China Telecom và China Mobile là những công ty đầu tiên được đưa vào danh sách “đen”.

Ngoài ra,  hồi tháng Sáu, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật bảo vệ thị trường Wall Street, siết chặt thủ tục niêm yết cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán Mỹ. Theo dự luật, công ty nước ngoài – chủ yếu là công ty Trung Quốc – muốn huy động vốn từ các nhà đầu tư Mỹ phải chứng minh rằng họ không thuộc sở hữu hoặc không bị kiểm soát bởi các chính phủ nước ngoài, phải chấp nhận để Ủy ban giám sát Kế toán các công ty đại chúng (PCAOB) của Mỹ thực hiện kiểm toán sổ sách tài chính.

Những chính sách cứng rắn với các công ty Trung Quốc như trên đã khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa Washington và Bắc Kinh. 

Quyết định mới nhất của chính phủ Mỹ đẩy căng thẳng với Bắc Kinh lên một bước mới chỉ vài tuần trước khi chính phủ mới của ông Joe Biden nhậm chức. Cùng với nhiều chính sách tương tự, hành động mới của chính phủ Trump sẽ củng cố “di sản” cứng rắn với Trung Quốc và “buộc” chính phủ mới của ông Biden phải tiếp tục chính sách cứng rắn với Bắc Kinh mà hiện đã trở thành xu hướng chống Trung Quốc của cả hai đảng chính trị của Mỹ.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: