Nóng: Mỹ cấm vận nhiều công ty Trung cộng vì Biển Đông

H.C.

Chính phủ Mỹ vừa công bố hàng loạt biện pháp hạn chế về visa và xuất nhập cảng với các công ty quốc doanh Trung cộng và quan chức quản lý các công ty có vai trò thúc đẩy các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông Việt Nam.

Thông báo được Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ đưa ra sáng nay thứ Tư 26-08. Trong danh sách các công ty Trung cộng bị cấm vận nổi bật có tập đoàn Xây dựng Viễn thông Trung Quốc (CCCG) – doanh nghiệp hàng đầu về xây dựng đường sá cầu cống của đại dự án Nhất Lộ Nhất Đới (Vành Đai và Con Đường, BRI) và có mạng lưới thương mại khắp châu Á, châu Phi và nhiều nơi khác.

Tính chung, có khoảng 24 công ty Trung cộng tham gia bồi đắp các đảo đá ở quần đảo Trường Sa bị cấm vận, trong đó có năm công ty con của tập đoàn CCCG. Bộ Thương mại quy định các công ty Mỹ không được cung cấp cho 24 công ty này những thiết bị, hàng hóa sử dụng công nghệ Mỹ khi chưa có giấy phép của chính phủ. Bộ Ngoại giao sẽ không cấp chiếu khán (visa) cho một số chưa xác định các quan chức lãnh đạo các công ty quốc doanh liên quan tới các hoạt động phi pháp của Trung cộng ở Biển Đông.

Hành động này tiếp theo tuyên bố hôm 13-07 của chính phủ Mỹ rằng Washington phản đối hàng loạt yêu sách chủ quyền của Trung cộng ở Biển Đông, coi đó là bất hợp pháp. Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo nói sự thay đổi chính sách này của Mỹ là một phần trong nỗ lực thúc đẩy luật pháp quốc tế, chống lại cái mà ông gọi là “sức mạnh tạo ra lẽ phải” – một chiến thuật mà Bắc Kinh sử dụng để cưỡng bức và đe dọa các nước láng giềng Đông Nam Á phải nhượng bộ các lợi ích của Trung cộng trong khu vực.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích của Biển Đông, xâm phạm chủ quyền của sáu quốc gia khác, trong đó có năm quốc gia Đông Nam Á. Dưới thời ông Tổng bí thư Tập Cận Bình, Trung cộng đã bồi đắp các đá và bãi chìm ở Trường Sa mà Trung cộng chiếm của Việt Nam năm 1988 thành đảo nhân tạo, biến chúng thành những căn cứ quân sự với trang bị vũ khí hạng nặng – công việc này vẫn tiếp tục bất chấp việc ông Tập đã cam kết trong một cuộc họp báo chung với Tổng thống Barack Obama tại Tòa Bạch ốc năm 2015 rằng ông ta “sẽ không quân sự hóa” các đảo Trường Sa.

Từ năm 2013, Trung cộng đã bồi đắp hơn 3.000 mẫu đất (acres) trên bảy đảo đá ở Biển Đông, thiết lập các căn cứ phòng không, trang bị các giàn hỏa tiễn chống hạm. Bộ trưởng Bộ Thương mại Wilbur Ross nói các công ty bị cấm vận đợt này “đã giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng phi pháp các hòn đảo nhân tạo và phải bị trừng phạt”.

Hoa Kỳ không có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông nhưng Washington muốn bảo đảm hoạt động hàng hải và hàng không phải được tự do trong khu vực giàu tàu nguyên khoáng sản và có những đường giao thông huyết mạch của thế giới. Washington cũng thúc giục các bên liên quan giải quyết xung đột về yêu sách chủ quyền một cách hòa bình, căn cứ trên luật pháp quốc tế.

*

Một quan chức cao cấp trong chính phủ Mỹ nhận xét CCCG là “Huawei trong lĩnh vực hạ tầng” – Huawei (Hoa Vi) là tập đoàn công nghệ viễn thông hàng đầu Trung cộng bị Mỹ cấm vận lâu nay.

CCCG và các công ty con của nó bị cáo buộc tham nhũng, lừa đảo tài chánh và tàn phá môi trường trong các dự án xây dựng ở Sri Lanka, Malaysia, Kenya, Tanzania, Philippines và nhiều nơi khác.

Giao dịch cổ phiếu ở các thị trường chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải, CCCG là một trong các công ty lớn nhất Trung cộng về xây dựng hạ tầng với hơn 124.000 nhân viên làm việc trong nhiều lĩnh vực như xây dựng giao thông, bơm hút cát và bồi đắp, thiết bị nâng hạ và nhiều thứ khác.

CCCG là nhà thầu chính thực hiện Nhất Lộ Nhất Đới – cái bẫy nợ khổng lồ – của ông Tập Cận Bình nhằm mở rộng ảnh hưởng chính trị của Trung cộng. CCCG cũng hợp tác chặt chẽ với quân đội Trung Quốc trong chiến lược kết hợp kinh tế với quốc phòng, đảm nhiệm việc thực thi các dự án về xây dựng hàng hải, cảng biển, bồi đắp đảo cho quân đội Trung cộng. China Harbor Engineering Corp. – công ty con của CCCG – đã tham gia xây dựng và mở rộng cảng Hambantota ở Sri Lanka bằng tiền vay của Trung cộng; rồi chính phủ Sri Lanka không có tiền trả nợ họ đã phải gán hải cảng này cho Trung cộng sử dụng trong 99 năm! Vụ Sri Lanka được coi là minh chứng rõ nhất cho chính sách “ngoại giao bẫy nợ” của Trung cộng nhằm buộc các nước nghèo phải giao cho Bắc Kinh những vị trí chiến lược quý giá.

Chưa rõ lệnh cấm vận của chính phủ Mỹ sẽ có tác động như thế nào đối với tập đoàn CCCG, một số lợi ích ở Mỹ của tập đoàn này có bị phong tỏa hay không.

CCCG đã đầu tư khoảng một tỷ Mỹ kim vào các dự án bất động sản thương mại và nhà ở tại khu vực Los Angeles có tên gọi là The Grand. Một công ty con của CCCG, Shanghai-Zhenhua Heavy Industries, gọi tắt là ZPMC, là một trong những công ty lớn nhất thế giới về chế tạo thiết bị cho cảng biển, đã cung cấp nhiều cần cẩu và thiết bị khác cho các hải cảng của Mỹ.

Lệnh cấm vận các công ty Trung cộng liên quan tới Biển Đông được đưa ra sau các lệnh tương tự của chính phủ Mỹ đối với các công ty Trung cộng liên quan tới việc đàn áp người Uighur (Duy Ngô Nhĩ) ở Tân Cương và thực thi luật an ninh quốc gia ở Hong Kong.

(WSJ)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: