Ổ dịch Vũ Hán có bao nhiêu người chết?

Nhân viên y tế ở Vũ Hán đón nhận bệnh nhân bị nhiễm coronavirus. STR / AFP) / China OUT

H.C.

Chính phủ Trung Quốc nói thành phố Vũ Hán – nơi khởi phát đại dịch coronavirus đang hoành hành khắp thế giới – chỉ có hơn 2.500 người chết vì dịch. Nhưng khi người dân bắt đầu được nhận tro cốt của thân nhân tử vong về an táng thì con số đó là không thể tin được.

Những dòng người dài dằng dặc, những đống hũ tro cốt chờ đón thành viên gia đình của người quá cố tại các nhà tang lễ ở Vũ Hán đang làm dấy lên câu hỏi về con số tử vong thực sự do coronavirus gây ra ở trung tâm bùng phát đại dịch và tiếp tục gây áp lực lên chính phủ Trung Quốc đang cố kiểm soát câu chuyện về kiềm chế đại dịch.

Hàng ngàn hũ tro cốt chờ nhận

Gia đình của những người đã chết vì virus ở thành phố miền Trung Trung Quốc, nơi đại dịch bùng phát đầu tiên hồi tháng 12 năm ngoái, được phép nhận tro cốt của thân nhân tại tám nhà tang lễ của thành phố, bắt đầu từ tuần này. Trong khi họ đến nhận, đã có nhiều hình ảnh lan truyền trên các mạng xã hội Trung Quốc cho thấy hàng ngàn hũ tro cốt đang được chở tới.

Bên ngoài một nhà tang lễ, xe tải chở tới khoảng 2.500 hũ tro cốt trong hai ngày thứ Tư và thứ Năm, theo tờ báo Tài Kinh (Caixin). Một tấm ảnh khác của tờ Tài Kinh ghi lại cảnh 3.500 hũ tro cốt chất đống dưới nền đất bên trong tòa nhà. Không rõ có bao nhiêu hũ trong đống đó có chứa tro cốt bên trong.

Những người trả lời điện thoại ở sáu trong tám nhà tang lễ ở Vũ Hán nói hoặc là họ không có dữ liệu về việc có bao nhiêu hũ tro cốt đang chờ thân nhân đến nhận về hoặc họ không có quyền tiết lộ số liệu. Những cuộc gọi tới hai nhà tang lễ kia không có hồi âm.

Một số gia đình nói rằng họ phải chờ vài tiếng đồng hồ mới được nhận hũ cốt người thân.

Theo số liệu của chính phủ Trung Quốc, thành phố Vũ Hán có 2.535 người chết do coronavirus. Thông báo dỡ bỏ lệnh phong tỏa thành phố từ cuối tháng 1-2020 đến nay được được phát ra sau khi Trung Quốc nói không còn ca nhiễm mới, và bắt đầu đẩy mạnh các chiến thuật ngoại giao qua việc gửi trang bị y tế tới các nước đang bị coronavirus tác động mạnh.

Nhưng nhiều người ở Trung Quốc vẫn hoài nghi độ chính xác những con số thống kê chính thức, nhất là do hệ thống y tế của Vũ Hán bị quá tải trầm trọng, do chính quyền tìm mọi cách che đậy sự bùng phát của dịch trong giai đoạn đầu và nhiều lần điều chỉnh cách thức thu thập số liệu. Những người tham gia mạng xã hội đã yêu cầu có sự trừng phạt các quan chức đứng đầu thành phố Vũ Hán.

Theo báo Tài Kinh, nhiều người dân chết vì các triệu chứng của dịch Covid-19 nhưng không được xét nghiệm, cũng bị loại ra khỏi số thống kê chính thức. Đã có nhiều bệnh nhân chết vì những chứng bệnh khác, do không được chữa trị đúng mức khi các bệnh viện bị quá tải phải tập trung cứu chữa những người bị nhiễm coronavirus.

Theo cơ quan nội vụ thành phố, đã có 56.007 ca hỏa táng ở Vũ Hán trong quý 4-2019, cao hơn 1.583 trường hợp so với quý 4 năm 2018 và 2.231 trường hợp so với quý 4-2017.

Hạn chế thương khóc

Gia đình những người đã mất đã không thể nói lời vĩnh biệt với những người thân yêu. Chính quyền Vũ Hán ra một thông báo hôm thứ Năm cấm các cá nhân trong thành phố tổ chức các hoạt động tu sửa mộ mả người thân cho đến ngày 30-04-2020, nghĩa là họ không được tổ chức lễ Thanh Minh theo truyền thống, tức là ngày lễ tảo mộ, năm nay rơi vào ngày 04-04 dương lịch. Các tỉnh khác như Quảng Tây và Chiết Giang cũng thông báo những hạn chế tương tự.

Hai người địa phương Vũ Hán có thân nhân trong gia đình chết vì virus lên mạng nói rằng, họ được thông báo khi đến nhận hũ tro cốt người thân, họ phải đi cùng với ông chủ của họ hoặc cùng quan chức khu dân cư – coi đó như một biện pháp chống lại các vụ tụ tập đông người, một cách gọi các cuộc biểu tình phản đối.

“Chính quyền quận bảo tôi phải chờ đến khi có thông báo mới, cho biết khi nào tôi có thể nhận được tro cốt của cha tôi. Việc nhận hũ tro cốt được sắp xếp theo từng đợt,” một cư dân Vũ Hán có danh xưng “Zue Zai Shou Zhong” – nghĩa là “nắm tuyết trong tay” – viết trên mạng Weibo.

Một người sử dụng mạng khác, có tên Adagier nói rằng bà đã mất chồng vì coronavirus và từ đó đến nay luôn bị công an cảnh cáo chớ có quá đau buồn, và phải ngừng đăng bài lên mạng. “Tôi chỉ có một yêu cầu. Tôi muốn tổ chức cho chồng tôi một lễ an táng phù hợp nhất có thể,” bà viết.

(Bloomberg, Telegraph)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: