Singapore đánh bại Trung Quốc, giành ghế lãnh đạo WIPO

Trụ sở WIPO tại Thụy Sĩ.

HIẾU CHÂN

Tổ chức Quyền Sở hữu Trí tuệ thế giới (World Intellectual Property Organisation, WIPO) hôm nay đã bầu ứng cử viên Daren Tang người Singapore vào chức vụ tổng giám đốc, kết quả của nhiều tháng vận động ngoại giao của Hoa Kỳ nhằm ngăn ứng viên Trung Quốc thắng cử.

Singapore thắng

WIPO là một trong 15 tổ chức chuyên ngành của Liên Hiệp Quốc, có trách nhiệm thúc đẩy việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên toàn thế giới. WIPO nắm quyền giám sát, đăng ký và bảo vệ bản quyền, tài sản trí tuệ của mọi tổ chức, cá nhân trên toàn cầu. Trong cuộc bỏ phiếu kín tổ chức ở Geneva, Thụy Sĩ sáng 06-03-2020, ông Tang giành được 55 phiếu, đánh bại ứng cử viên Trung Quốc, bà Vương Bân Anh (Wang Binying) chỉ được 28 phiếu.

Ông Daren Tang người Singapore (giữa) đắc cử vào chức tổng giám đốc WIPO, trả lời báo chí tại Thụy Sĩ. Keystone

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) lập tức lên Twitter viết lời chào mừng. “Lần đầu tiên một người Singapore đã được đề cử lãnh đạo một cơ quan Liên Hiệp Quốc. Ông Daren Tang, Giám đốc điều hành Văn phòng Sở hữu trí tuệ Singapore (IPOS) đã được bầu làm tổng giám đốc kế tiếp của WIPO thuộc Liên Hiệp Quốc. Mong đợi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc phê chuẩn việc đề cử ông lãnh đạo WIPO trong kỳ họp tháng 5 sắp tới”.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, ông Andrew Bremberg nói Hoa Kỳ “rất hài lòng với kết quả này,” theo Reuters. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chúc mừng ông Tang, miêu tả ông là một “người ủng hộ có hiệu quả cho việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, một người bảo vệ tính minh bạch và tính liêm chính của tổ chức.”

Thuê kẻ cướp gác nhà băng”!

Trong quá trình tiến tới cuộc bầu cử, Hoa Kỳ đã cho thấy rõ lập trường phản đối Trung Quốc nắm quyền lãnh đạo WIPO.

Ông Peter Navarro, trợ lý của Tổng thống Donald Trump về chính sách thương mại và công nghiệp, viết trên báo Financial Times tuần trước: “Hoa Kỳ tin rằng trao quyền kiểm soát WIPO cho một đại diện của Trung Quốc sẽ là một sai lầm khủng khiếp”. Theo ông Navarro – nhà kinh tế học, tác giả sách ‘Chết dưới tay Trung Quốc’ – hoạt động ăn cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc làm Hoa Kỳ thiệt hại mỗi năm từ 225 tỷ đến 600 tỷ USD, và thiệt hại cho châu Âu hàng trăm tỷ euro khác.

Nói chuyện với báo chí tháng trước, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo ám chỉ rằng việc người Trung Quốc lãnh đạo WIPO là phi lý, do Trung Quốc “ăn cắp hàng trăm tỷ USD tài sản trí tuệ” của Hoa Kỳ. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, ông John Bolton nói rõ hơn: “Năng lực bảo vệ tài sản trí tuệ sẽ bị đe dọa nghiêm trọng” nếu Trung Quốc giành được ghế tổng giám đốc WIPO. Còn dân biểu Ted Yoho (Cộng hòa, Florida) ví von việc người Trung Quốc lãnh đạo WIPO là “thuê kẻ cướp bảo vệ nhà băng”!

Trong khi đó, Trung Quốc tố cáo Hoa Kỳ chính trị hóa việc bầu cử, ngăn chặn bà Vương đắc cử bằng cách gây áp lực các nước khác đừng ủng hộ ứng cử viên của Bắc Kinh. Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Sĩ Trần Húc (Chen Xu) ra thông cáo báo chí lên án Hoa Kỳ tấn công ứng cử viên của Trung Quốc Vương Bân Anh – người được coi là ứng cử viên hàng đầu nhờ vị trí phó tổng giám đốc hiện nay.

Mối lo ngại Trung Quốc

Một vài chuyên gia trong ngành cũng bày tỏ lo ngại việc Trung Quốc nắm quyền lãnh đạo WIPO. Ông James Pooley, nguyên Phó tổng giám đốc WIPO, nói với đài Fox News rằng chiến thắng của Trung Quốc trong việc bầu tổng giám đốc WIPO sẽ buộc Hoa Kỳ trả giá đắt và do vậy Washington phải hành động. “Hoa Kỳ không thể để cho một kẻ ăn cắp bí mật thương mại tham lam nhất cử người đại diện đứng ra điều hành tổ chức này. Chúng ta phải nói rõ rằng bất kỳ ứng cử viên Trung Quốc nào cũng đều không chấp nhận được,” ông Pooley nói.

Theo ông Pooley, WIPO điều hành một hệ thống đăng ký bản quyền quốc tế gọi là Hiệp định Hợp tác Bản quyền (Patent Cooperation Treaty, PCT). Mỗi năm PCT nhận được khoảng 250.000 hồ sơ đăng bộ bản quyền, trong đó có khoảng 50.000 hồ sơ từ các nhà phát minh, sáng chế Hoa Kỳ. “Tất cả những thông tin đăng ký bản quyền phải được giữ bí mật tuyệt đối cho đến khi hồ sơ được xuất bản công khai 18 tháng sau ngày nộp hồ sơ,” ông Pooley cho biết và nói thêm rằng, hệ thống máy vi tính của WIPO được bảo vệ cẩn thận chống lại những vụ tấn công xâm nhập từ bên ngoài nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì với người cầm quyền trong nội bộ.

Còn theo ông Brett Sachefer, chuyên gia về Liên Hiệp Quốc tại Quỹ Heritage – một think-tank nổi tiếng của Mỹ – vừa hoàn tất một báo cáo về WIPO, hầu hết các tập đoàn, viện nghiên cứu, trường đại học và nhà sáng chế của Hoa Kỳ đều sử dụng hệ thống đăng ký bản quyền PCT của WIPO, và tiền phí mà họ nộp mang lại khoảng 75% tổng ngân sách của WIPO; trong dự kiến ngân sách 903 triệu USD năm 2020/21 có khoảng 860 triệu USD từ phí đăng ký bản quyền.

 “Tổng giám đốc WIPO thực chất là một nhà độc tài, có thẩm quyền gần như không hạn chế với mọi phương diện hoạt động của tổ chức,” ông Pooley nói. Theo ông Pooley, nếu ứng cử viên Trung Quốc thắng trong cuộc bầu cử tổng giám đốc WIPO, Hoa Kỳ có thể xem xét rút ra khỏi Hiệp ước Hợp tác Bản quyền PCT.

Ưu tiên hàng đầu trong thương chiến Mỹ-Trung

Sự kiện Trung Quốc ngày càng giành nhiều ảnh hưởng trong các tổ chức quốc tế đa phương đã gây lo ngại trong chính giới Hoa Kỳ. Trung Quốc hiện giữ chức tổng giám đốc của 4 trong 15 tổ chức chuyên môn của Liên Hiệp Quốc, là Tổ chức Nông Lương (FAO), Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO), Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO). Nếu bà Vương Bân Anh trúng cử ở WIPO thì một phần ba số cơ quan Liên Hiệp Quốc nằm dưới sự lãnh đạo của người Trung Quốc.

Sử dụng việc đầu tư hào phóng vào các nước đang phát triển, Trung Quốc đã “mua” được rất nhiều phiếu ở các tổ chức Liên Hiệp Quốc, tạo điều kiện đưa người của Bắc Kinh vào vị thế lãnh đạo các tổ chức này. Thêm vào đó, Trung Quốc thường lạm dụng vị trí lãnh đạo các tổ chức quốc tế để phục vụ cho các mục đích chính trị riêng của mình, bất chấp quy tắc ứng xử chung giữa các quốc gia, chẳng hạn như Bắc Kinh tìm mọi cách gạt Đài Loan ra khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong thời kỳ cả thế giới chật vật ứng phó với coronavirus gây ra dịch viêm phổi Vũ Hán là một ví dụ.

Thế nhưng ngày đầu năm ngoái 2019 Hoa Kỳ rút ra khỏi Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học Liên hiệp quốc (UNESCO) và tỏ ra ít quan tâm tới các cuộc bầu bán trong các tổ chức này. Nhưng sự thờ ơ của Hoa Kỳ tạo điều kiện cho ứng cử viên Khúc Đông Vũ (Qu Dongyu) của Trung Quốc giành được chức Tổng giám đốc FAO trong cuộc bầu cử năm ngoái làm Hoa Kỳ phải nghĩ lại.

So với FAO và WHO thì WIPO có tầm quan trọng hơn rất nhiều đối với một nền “kinh tế tri thức” như Hoa Kỳ, khi 60% tổng giá trị sản phẩm xuất khẩu của Mỹ là từ các ngành công nghiệp dựa vào sáng tạo, từ phim ảnh đến phần mềm và công nghệ cao được bảo hộ bản quyền.  

Tổng thống Trump đã xác định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty và cơ sở giáo dục đại học của Hoa Kỳ là một ưu tiên hàng đầu trong cuộc chiến tranh thương mại với Bắc Kinh. Trong bối cảnh gia tăng hoạt động ăn cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ, như lời Tổng giám đốc Cục Điều tra liên bang FBI, Christopher Wray, tiết lộ hồi tháng trước rằng FBI và 56 văn phòng của cơ quan này đang điều tra 1.000 vụ ăn cắp tài sản do Trung Quốc tiến hành thì Hoa Kỳ càng không thể chủ quan để chiếc ghế lãnh đạo WIPO rơi vào tay Trung Quốc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: