Tập Cận Bình: Thời gian sắp hết!

Tập Cận Bình: quyền lực chính trị của Đảng vẫn được ưu tiên hơn cả sức mạnh kinh tế (ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Loạt sự kiện vài tháng qua cho thấy Tập Cận Bình đang rối như thế nào. Các nhà phát triển bất động sản lớn và nhỏ đã cạn kiệt khả năng thanh toán nợ chồng nợ chất. Những gì được cảnh báo từ nhiều năm trước giờ đã thành sự thật, khi mà hệ thống cai trị gần như nhắm mắt làm ngơ để đầu tư bất động sản phát triển vô tội vạ, gây ra sự lo lắng tràn sang thị trường trái phiếu trong và ngoài nước.

Mọi chuyện bắt đầu rõ ràng vào Tháng Bảy, khi Bắc Kinh tiến hành một cuộc trấn áp và chấn chỉnh đối với loạt công ty công nghệ. Mới đầu năm nay, Bắc Kinh còn cho rằng việc phát triển công nghệ với sự trợ giúp và tạo điều kiện của chính phủ là cần thiết và quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, đến giữa năm thì Bắc Kinh nhận ra sự “đe dọa” từ sự phình to của các tập đoàn công nghệ khổng lồ.

Thứ nhất, sức mạnh thị trường của các công ty công nghệ tạo ra vận may cho một số người nhưng lại góp phần làm gia tăng khoảng cách thu nhập và giàu nghèo. Thứ hai, quan trọng hơn, là ảnh hưởng ngày càng tăng của các công ty tư nhân này bắt đầu làm giảm quyền lực của nhà nước và đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Thế là Bắc Kinh tung ra chiêu bài “thịnh vượng chung” với việc chính phủ có nhiều quy định hơn. Bắc Kinh còn lấy lý do an ninh quốc gia để khẳng định quyền kiểm soát những gã khổng lồ công nghệ. Các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra nước ngoài phải có sự chấp thuận chính trị và việc đầu tư nước ngoài vào nhiều lĩnh vực sẽ bị hạn chế.

Vào Tháng Tám, một trụ cột quan trọng hơn của nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu rạn nứt: Bất động sản. Tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, Evergrande, đối mặt với việc tụt hạng khi họ vật lộn trả nợ. Tình hình bi thảm đến mức Evergrande không thể trả số tiền đã vay từ chính nhân viên của mình, chưa kể những khoản vay từ các nhà cung cấp cũng như không hoàn thành việc xây dựng các căn hộ mà họ đã bán trước cho khách hàng. Tháng Chín đã chứng kiến ​​số liệu kinh doanh bất động sản toàn quốc ở mức độ tồi tệ nhất trong bất kỳ tháng nào kể từ ít nhất năm 2014 và có thể là chưa từng có. Kết quả, việc giảm doanh số bán đất trên toàn quốc đang tước đi nguồn thu chính của chính quyền địa phương; và do đó, họ cũng có nguy cơ vỡ nợ trực tiếp.

Cũng trong Tháng Chín, một cuộc khủng hoảng cung cấp năng lượng bắt đầu, do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) yêu cầu các công ty điện cung cấp cho khách hàng mức giá cố định mặc dù họ phải đối mặt với giá than đang biến đổi mạnh. Hậu quả, nhiều công ty điện phải ngừng sản xuất thay vì chịu lỗ leo thang. Tiếp theo là các sai lầm về chính sách năng lượng khác. Vào Tháng Chín, NDRC ban hành chỉ thị cho các quan chức cấp tỉnh, rằng việc đánh giá nhân sự của họ sẽ phụ thuộc nhiều vào cách họ đạt được các mục tiêu tiêu thụ năng lượng chính thức.

Trước áp lực và thiếu các giải pháp tức thời để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, nhiều quan chức này đã ra lệnh cho các doanh nghiệp đóng cửa để giảm nhu cầu sử dụng điện. Cuối cùng, tình trạng thiếu năng lượng làm giảm sản xuất công nghiệp, ảnh hưởng cả các ngành xuất khẩu đang phát triển mạnh, vốn là điểm sáng chính của nền kinh tế Trung Quốc, trong đó có các nhà sản xuất điện thoại thông minh và xe hơi. Trong suốt Tháng Chín, ngay cả cư dân ở những nơi giàu có nhất ở Trung Quốc như Bắc Kinh cũng trải qua tình trạng mất điện liên tục.

Các nhà phân tích tài chính phải tự kiểm duyệt những con số thống kê vì sợ làm mất lòng giới chức! Các hộ gia đình Trung Quốc đang chi tiêu thận trọng hơn, bởi viễn cảnh không chắc chắn do đại dịch COVID-19 nhưng cũng vì họ lo sợ giá trị tài sản ròng của mình có thể giảm mạnh nếu giá bất động sản giảm.

Vào Tháng Mười, chi tiêu cho việc đi lại và du lịch trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh thấp hơn mức ảm đạm của năm 2020 – nghĩa là thấp hơn trong giai đoạn trước khi việc tiêm chủng vaccine COVID-19 được thực hiện. Lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các chủ ngân hàng trung ương và giới chính trị nước ngoài nhìn thấy rõ sự lúng túng trong khả năng xử lý tình hình tài chính của Bắc Kinh và các tác động lan tỏa tiềm tàng. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng ông muốn Trung Quốc xử lý tình hình “một cách có trách nhiệm”.

Giới quan sát từng lạc quan về khả năng duy trì tăng trưởng của Bắc Kinh. Niềm tin đó đáng lẽ đã giúp Trung Quốc có đủ thời gian để thực hiện công việc cải cách khó khăn: Tăng cường hiệu quả phân bổ vốn, đảm bảo cạnh tranh mạnh mẽ, phi chính trị hóa quản trị doanh nghiệp và khẳng định sự chuyển đổi dần dần của nền kinh tế sang thị trường hóa hoàn toàn. Thay vào đó, những nỗ lực cải cách này bị đình trệ và đảo ngược. Do đó, suy thoái kinh tế nghiêm trọng đã trở thành nỗi lo trong tương lai gần. Các động thái của ĐCSTQ vài tháng qua đều mang dấu ấn của chính trị và bảo đảm đảng Cộng sản vẫn duy trì quyền lực tuyệt đối; thay vì phải thừa nhận cải cách tài chính và kỹ thuật mới là điều mà đất nước họ cần để khôi phục kinh tế. Càng tiếp cận vấn đề theo kiểu này thì Tập Cận Bình càng bế tắc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: