Trung Quốc che giấu thất bại kinh tế

Tỉ lệ thất nghiệp tăng nhanh và số thanh niên có khuynh hướng sống kiểu “ngủ đông” ngày càng nhiều là vài trong nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc rất ảm đạm (ảnh: Jia Tianyong/China News Service/VCG via Getty Images)

Bắc Kinh không còn công bố dữ liệu về tình trạng thất nghiệp của thanh niên và sinh viên tốt nghiệp khi tình hình kinh tế và việc làm ngày càng tồi tệ, trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc xem sự minh bạch là… tội phạm!

Chứng khoán Mỹ tăng điểm vào ngày 15 Tháng Tám sau khi dữ liệu kinh tế mới cho thấy nền kinh tế Trung Quốc (TQ) tiếp tục suy yếu. Một lý do khác khiến các nhà đầu tư cả trong nước Trung Quốc lẫn nước ngoài lo lắng là việc chính phủ TQ không còn công bố số liệu thất nghiệp của tầng lớp lao động trẻ.

Bong bóng bất động sản đang sụp đổ càng khiến các nhà đầu tư lo lắng về tác động xấu của nền tài chính TQ khi Country Garden, một trong những công ty phát triển địa ốc lớn nhất TQ, sắp vỡ nợ. Ngày 14 Tháng Tám, có báo cáo cho thấy các công ty ủy thác liên kết với Zhongzhi Enterprise Group, một trong những công ty tài chính lớn nhất của TQ đã không thể thanh toán các khoản nợ cho khách hàng.

Nhưng những rủi ro ở phần chìm thường đáng lo ngại hơn những rủi ro ở phần nổi. Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã thắt chặt kiểm soát các thông tin kinh tế được chia sẻ công khai. Luật phản gián mới sửa đổi đã hình sự hóa việc chia sẻ các thông tin kinh tế nhạy cảm. Vì vậy, không hề ngạc nhiên khi các nhà phân tích kinh tế TQ rất thận trọng hoặc không dám phát biểu về các vấn đề của đất nước.

Cơ quan quản lý chứng khoán yêu cầu kiểm duyệt tất cả ngôn ngữ tiêu cực về TQ của các nhà đầu tư nước ngoài. Thay vì thảo luận về “những thay đổi bất lợi” trong nền kinh tế, các công ty phải nói ngược lại là mọi thứ “đang phát triển” tốt. Rõ ràng, Đảng Cộng sản (ĐCS) TQ đang mở một chiến dịch toàn diện nhằm hạn chế quyền truy cập vào các thông tin kinh tế quan trọng.

Quyết định của Bắc Kinh dẫn đến việc ngừng công bố tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên và thay vào đó là thực hiện điều mà chính phủ gọi là “làm đẹp hơn nữa những con số thống kê”. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp chính thức của TQ đã tăng gấp đôi kể từ năm 2019, lên 21.3% trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình áp dụng chính sách zero-Covid và tiến hành đàn áp khu vực công nghệ và những ngành khác với phương châm “tăng cường kiểm soát chính trị hơn nữa” của ĐCS. Trong hai năm qua, các công ty công nghệ lớn của TQ đã mất hơn $1 ngàn tỷ giá trị thị trường và sa thải hàng trăm ngàn công nhân.

Nhiều năm trở lại đây, chính phủ đã thúc đẩy các ngành công nghiệp được ưa chuộng như bất động sản và xe hơi điện (EV), nhưng những ngành này đang rơi vào giảm phát. Chỉ vài năm thôi, hàng trăm công ty khởi nghiệp EV bị phá sản. Nhiều người TQ trẻ tuổi có trình độ học vấn cao không thể tìm được việc làm trong lĩnh vực họ chọn nên phải rời bỏ lực lượng lao động để “nằm bẹp ở nhà” như cách họ mô tả.

Một nhà kinh tế của Đại học Bắc Kinh giấu tên ước tính tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên sẽ lên tới 46.5% vào mùa xuân này trong số hàng triệu công nhân không thể tìm được việc làm. Để đối phó, chính phủ khuyến khích các sinh viên tốt nghiệp đại học hãy tạm thời chấp nhận những công việc lương thấp, cổ cồn xanh. Tháng trước, tờ Nhân Dân nhật báo của ĐCS TQ đưa ra lời khuyên: “Đừng quá tham vọng mà phải thực tế hơn!”

Mục đích của việc che giấu dữ liệu thất nghiệp, xem đây là “bí mật quốc gia”, là nhằm duy trì sự ổn định xã hội trong tình hình tầng lớp thanh niên có học nhưng vỡ mộng và hoang mang đông đảo có thể trở thành tác nhân khó lường gây ra bất ổn chính trị trên diện rộng. Nhưng cái giá của thiếu minh bạch là sự mất niềm tin vào thị trường tài chính TQ của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là khi kinh tế đang suy thoái.

Thiếu minh bạch còn có thể dẫn đến hoảng loạn tài chính và thoái vốn hàng loạt vì nhà đầu tư không biết mình ở đâu và mất phương hướng. Nghịch lý là khi chính phủ TQ cố gắng thu hút thêm đầu tư nước ngoài thì sự thiếu minh bạch lại cho các nhà đầu tư có một lý do nữa để… đứng nhìn và chờ!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: