Đảng Cộng sản Trung Quốc đang yêu cầu người dân tích trữ thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu hàng ngày vì thời tiết xấu, thiếu hụt năng lượng và các hạn chế của Covid-19 đe dọa làm đứt gẫy nguồn cung trên diện rộng. Tuy nhiên, nhiều người dân lại hiểu đây là tín hiệu… chuẩn bị tấn công Đài Loan!
Nhà nước nói “gà”, dân hiểu ra “vịt”!
Ngày 1 Tháng Mười Một, 2021, Bộ Thương mại Trung Quốc ban hành một thông báo chỉ đạo các chính quyền địa phương hãy khuyến khích người dân tích trữ các nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, dầu ăn và thịt… để đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày nếu xảy ra trường hợp khẩn cấp về nguồn cung lương thực thực phẩm. Bộ này cũng kêu gọi các chính quyền địa phương phải bảo đảm người dân tiếp cận được mọi loại nhu yếu phẩm cần thiết với giá cả ổn định.
Từ Tháng Chín, chính phủ Trung Quốc đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tích trữ lương thực và các mặt hàng thiết yếu khác nhưng có vẻ nhắc nhở này chỉ được chính quyền địa phương chú ý, còn người dân thì không! Tuy nhiên, thông báo đột ngột lần này đến tận từng hộ gia đình khiến người dân phải quan tâm, thậm chí bị sốc và lo lắng, khi trên các phương tiện truyền thông xã hội có nhiều người suy đoán về tính nghiêm trọng của thông báo. Một người dùng Weibo nói: “Ngay cả khi dịch Covid bùng phát vào đầu năm 2020, chính quyền cũng không hề yêu cầu chúng tôi phải dự trữ hàng hóa”.
Một người khác suy đoán: “Chính quyền đang nhắc nhở cho người dân là sẽ không có đủ tiền mua thức ăn vào mùa Đông này vì giá quá cao!”. Phản ứng và tin đồn lan rộng đến mức một số phương tiện truyền thông nhà nước phải cố dập tắt những lo ngại. Hồ Tất Tiến (Hu Xijin), Tổng biên tập Hoàn Cầu Thời Báo, bác bỏ suy luận là thông báo có thể liên quan đến… chiến tranh giữa Bắc Kinh và Đài Bắc! Còn tờ Economic Daily cũng của nhà nước giải thích: “Cơ quan hữu quan chỉ nhắc nhở người dân chuẩn bị trong trường hợp lockdown tạm thời do Covid-19 phát tác trở lại”.
Hỗn loạn trên mạng về nguy cơ thiếu đói xảy ra khi Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì chính sách “zero-Covid” nghiêm ngặt, ngay cả khi nhiều quốc gia châu Á và trên thế giới dần mở cửa và học cách sống chung với coronavirus. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn kiên quyết tiêu diệt hoàn toàn virus trong biên giới của mình và đã thực hiện các hạn chế cứng rắn để ngăn chặn dịch bùng phát, gồm cả dừng tàu cao tốc và đổi đèn giao thông sang màu đỏ tại những nơi có nhiều ca nhiễm.
Giá một số loại rau ở thủ đô của quốc gia đã tăng 50% hoặc hơn trong Tháng Mười. Nhưng còn một số yếu tố khác góp phần vào sự tăng giá. Ví dụ thiếu than trên diện rộng khiến việc canh tác trong nhà kính tốn kém hơn do tăng chi phí giữ ấm và điện. Thời tiết khắc nghiệt đã làm hư hại mùa màng tại các tỉnh nông nghiệp lớn. Thông báo của Bộ Thương mại cũng kêu gọi chính quyền địa phương ký hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp sản phẩm nông nghiệp và mua bảo quản các loại rau màu chuẩn bị cho mùa Đông.
Gần đây, Bắc Kinh đã thực hiện biện pháp an ninh lương thực có tên “Kế hoạch hành động” gồm khuyến khích người dân không đặt thức ăn nhiều quá mức cần thiết và hãy báo cho chính quyền biết nhà hàng nào lãng phí thức ăn. Tháng Tư qua, Trung Quốc đã thông qua luật cho phép các nhà hàng tính thêm phí “thức ăn thừa để lại quá mức cho phép”. Luật cũng phạt đến $15,000 cho những ai tạo ra hoặc chia sẻ video ăn uống vô độ trên mạng.
Lũ lụt trên diện rộng hủy hoại mùa màng
Lũ lụt trong năm nay đã hủy hoại mùa màng và làm tăng giá lương thực. Vào thời điểm này trong năm, lúa trồng trong trang trại của gia đình nông dân Bao Wentao, 39 tuổi, lẽ ra đã thu hoạch nếu lũ lớn bất thường không nhấn chìm một vùng đất rộng lớn phía Nam Trung Quốc, tàn phá hơn 36 mẫu ruộng lúa của gia đình anh ở ngôi làng gần hồ Bà Dương (Poyang). “Không còn gì để lại, mất mát hoàn toàn – Bao than thở trên mạng xã hội WeChat – Gia đình tôi đã mất khoảng 200,000 nhân dân tệ ($28,000)”.
Nước lũ dâng cao làm vỡ hồ Bà Dương ở tỉnh Giang Tây, nhận chìm hàng ngàn mẫu đất ở nơi nổi tiếng là “Vùng đất của cá và lúa”, nơi tạo ra 70% sản lượng gạo của cả nước. Đó là lưu vực sông Dương Tử gồm hồ Bà Dương dài hơn 3,900 dặm từ Thượng Hải ở phía Đông đến biên giới Tây Tạng ở phía Tây. Lũ không chỉ làm hỏng mùa màng sắp thu hoạch, mà còn dai dẳng đến năm sau. 13 triệu mẫu đất trồng trọt lớn bằng tiểu bang West Virginia bị ngập nước trong trận lụt tồi tệ nhất mà Trung Quốc nhiều năm qua. Bộ Quản lý Tình trạng Khẩn cấp ước tính tổn thất kinh tế trực tiếp khoảng $21 tỷ do đất nông nghiệp, đường sá và các tài sản khác bị phá hủy. Khoảng 55 triệu người bị ảnh hưởng.
Lũ lụt là tin xấu đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vốn đang ở trong tình trạng mong manh vì đại dịch coronavirus và Bắc Kinh phải giữ vững nguồn cung lương thực bằng cách nhập khẩu lượng lớn lương thực từ các nước khác và xuất hàng chục triệu tấn lương thực từ các nguồn dự trữ chiến lược. Mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và phần lớn thế giới phương Tây, cùng với đại dịch coronavirus, khiến việc nhập khẩu lương thực thực phẩm trở nên khó khăn hơn trong tương lai.
Các nhà phân tích tại công ty Shenwan Hongyuan ước tính Trung Quốc có thể mất 11.2 triệu tấn lương thực so với năm ngoái, do diện tích đất trồng trọt bị thiệt hại, tương đương với 5% lượng gạo sản xuất. Giá bắp ở Trung Quốc đã tăng hơn 20% so với năm trước, và cao nhất trong năm năm, ảnh hưởng đến chế biến thức ăn cho heo. Giá đậu nành cũng tăng vọt trong nửa đầu năm 2020, đến 30% so với cuối năm ngoái. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã bất ngờ “thăm” trực tuyến các nông dân ở tỉnh Cát Lâm. Đông Bắc Trung Quốc là khu vực sản xuất hơn 40% sản lượng đậu nành và một phần ba sản lượng bắp cho đất nước và rất quan trọng trong chuỗi cung ứng thực phẩm gia súc.
Trung Quốc sử dụng nhiều đậu nành nhất thế giới, và chỉ sau Mỹ về tiêu thụ bắp. Hơn 60 triệu tấn gạo, khoảng 50 triệu tấn ngô và hơn 760,000 tấn đậu nành, đã được Công ty Dự trữ Ngũ cốc Trung Quốc và Trung tâm Thương mại Ngũ cốc Quốc gia, hai cơ quan quản lý và bán dự trữ nhà nước, tung ra thị trường những tháng gần đây. Trung Quốc cũng tăng cường nhập khẩu, đặc biệt từ Mỹ. Tháng Một qua, Bắc Kinh cam kết mua hàng tỷ đôla hàng hóa của Mỹ như một phần của thỏa thuận đình chiến trong cuộc chiến thương mại. Trong sáu tháng đầu năm, Trung Quốc đã nhập khẩu gần 61 triệu tấn ngũ cốc, tăng 21% so với một năm trước đó. Nhập khẩu bắp tăng 18% so với một năm trước.