Trung Quốc lại vuốt ve tư bản nội địa lẫn giới đầu tư Hoa Kỳ

Phó Thủ tướng Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang) phát biểu khai mạc Diễn đàn Phát triển Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 26 Tháng Ba 2023 (ảnh: Zhang Ling/Xinhua via Getty Images)

Thủ tướng mới của Trung Quốc (TQ), Lý Cường (Li Qiang) đã chào đón nồng nhiệt các công ty nước ngoài trong nỗ lực lấy lại niềm tin đang sụt giảm nghiêm trọng. Động thái này khác với thái độ công kích Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình mới đây khi ông kêu gọi các công ty tư nhân của TQ hãy “chiến đấu” sát cánh với Đảng Cộng sản để đưa Trung Quốc ngoi lên vị thế cao hơn.

Tái củng cố niềm tin

Ông Lý dường như đã có cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn đối với các doanh nghiệp kể từ khi nhậm chức, điều mà nhiều người xem là nỗ lực cần thiết để vực dậy nền kinh tế bị ốm nặng sau đại dịch. Ngày 27 Tháng Ba, ông Lý, thay người tiền nhiệm Lý Khắc Cường, đã gặp một nhóm giám đốc điều hành (CEO) toàn cầu bên lề Diễn đàn Phát triển TQ (China Development Forum) tại Bắc Kinh, trong đó có CEO Tim Cook của Apple.

“TQ sẽ mở cửa rộng hơn nữa – Lý Cường nói với các CEO tham dự và kêu gọi họ đầu tư làm ăn lâu dài tại TQ – Cho dù tình hình quốc tế thay đổi ra sao, chúng tôi cũng kiên định mở rộng mở cửa với thế giới bên ngoài. Nền kinh tế TQ đã hội nhập sâu vào sự phân công lao động toàn cầu”. Ông Lý cam kết đất nước ông sẽ tuân thủ các nguyên tắc kinh tế và thương mại quốc tế, đối xử bình đẳng với đầu tư nước ngoài và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư bằng cách loại dần sự kiểm soát của chính phủ.

Thủ tướng Lý Cường với sứ mạng điều chỉnh lại sự vận hành của cỗ máy kinh tế (ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Trong số những người tham gia diễn đàn, được tổ chức từ ngày 25 đến ngày 27 Tháng Ba 2023, có Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong, CEO Pfizer Albert Bourla, người sáng lập Bridgewater Ray Dalio, CEO Blackstone Stephen Schwarzman, CEO Alliance Group Oliver Bäte, CEO Rio Tinto Jakob Stausholm và CEO Hitachi Toshiaki Higashihara.

Tân Thủ tướng Lý Cường, cựu Bí thư thành ủy Thượng Hải, một đồng minh trung thành của Tập Cận Bình, đã được bầu vào đầu tháng này khi ông Tập ổn định việc củng cố quyền lực phe nhóm. Họ Lý xem việc trấn an khu vực tư nhân là ưu tiên trong bối cảnh bùng nổ sự lo ngại về tương lai của nền kinh tế và vị thế của các doanh nghiệp tư. Lý được giao nhiệm vụ vực dậy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào thời điểm tăng trưởng chậm chạp.

Sự chậm lại một phần là do các vấn đề thuộc về hệ thống đeo bám nền kinh tế suốt nhiều năm qua, chẳng hạn mức nợ khổng lồ và lực lượng lao động bị thu hẹp. Nhưng vấn đề trở nên trầm trọng hơn khi TQ áp dụng chính sách “zero-Covid”, kèm với cuộc đàn áp sâu rộng các doanh nghiệp tư nhân. Tất cả đã làm mất niềm tin kinh doanh, đầu tư sụt giảm và thất nghiệp tăng với tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ lên đến 18% vào Tháng Hai.

Vuốt ve tư bản Mỹ

Lo ngại dòng vốn nước ngoài rời khỏi TQ cũng là vấn đề lớn. Trong những tuần gần đây, tin tức cho biết Apple đang đẩy nhanh kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất ra ngoài TQ và yêu cầu các nhà cung cấp lên kế hoạch nhanh hơn để có thể lắp ráp các sản phẩm của Apple ở những nơi khác tại châu Á.

Tháng trước, Foxconn, nhà thầu lớn nhất của Apple, cho biết đã chốt xong một địa điểm mới tại Việt Nam. Trong cuộc khảo sát hàng năm đối với các thành viên, lần đầu tiên sau 25 năm, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại TQ nhận thấy có chưa đến phân nửa số doanh nghiệp Mỹ xem TQ là một trong ba điểm đến đầu tư hàng đầu của họ. Để tăng cường niềm tin kinh doanh, ban lãnh đạo kinh tế mới của TQ đang cố gắng trấn an doanh nghiệp nước ngoài và khu vực tư nhân trong nước.

“Các bạn không phải là người nước ngoài, mà là gia đình” – Bộ trưởng Thương mại TQ Vương Văn Đào (Wang Wentao) vuốt nịnh những người tham dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc. Vương đã tổ chức hàng chục cuộc gặp riêng với các CEO hoặc chủ tịch công ty như Swire Group, Qualcomm, BMW, Mercedes-Benz và ‎Nestlé. Trong cuộc gặp với Tim Cook, Vương cam kết rằng TQ sẵn sàng “cung cấp môi trường và dịch vụ tốt cho các doanh nghiệp nước ngoài”, dĩ nhiên trong đó có Apple.

“Các bạn không phải là người nước ngoài, mà là gia đình” – Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ngày 26 Tháng Ba 2023 (ảnh: VCG/VCG via Getty Images)

Đầu tháng này, lần đầu tiên Bộ Thương mại TQ thông báo 2023 là “Năm đầu tư vào TQ” để khuyến khích các công ty nước ngoài đến TQ làm ăn. Một sự kiện khác cũng được xem là để củng cố niềm tin của khu vực tư nhân là việc tỷ phú Jack Ma tái xuất hiện. Jack Ma với khối tài sản trị giá gần $33 tỷ đã gần như ở ẩn kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu xuống tay đàn áp khốc liệt khu vực công nghệ cách nay hơn hai năm mà màn tấn công “ấn tượng” nhất diễn ra vào Tháng Mười Một 2020, khi Ant Group (một chi nhánh tài chính của Alibaba cũng do Ma thành lập) buộc phải rút lại đợt phát hành IPO trị giá $37 tỷ vào phút cuối.

Một cửa hàng Apple tại Thượng Hải (ảnh: CFOTO/Future Publishing via Getty Images)

Hiện tương lai của Ant Group vẫn chưa rõ ràng. Jack Ma đã từ bỏ quyền kiểm soát công ty vào Tháng Một như một phần của kế hoạch cải tổ cơ cấu cổ phần công ty. Quyền biểu quyết của Jack Ma đã giảm còn khoảng 6% từ hơn 50% trước khi tái cơ cấu.

Những tháng gần đây, Bắc Kinh đã phát tín hiệu cho thấy cuộc tấn công vào ngành công nghiệp internet có thể hạ màn. Khi nền kinh tế tăng tốc khó khăn sau nhiều năm đóng cửa vì Covid và sự sụp đổ của thị trường bất động sản, Đảng Cộng sản cầm quyền cần khu vực tư nhân và các công ty nước ngoài để có thêm việc làm và tăng trưởng. Tuy nhiên, cộng sản Trung Quốc có truyền thống nói một đằng làm một nẻo.

Triển vọng “tháo gọng kềm” của chính quyền Bắc Kinh vẫn không chắc chắn. Mới đây, vào Tháng Hai 2023, Bao Phàm (Bao Fan), CEO kiêm Chủ tịch của ngân hàng đầu tư và công ty cổ phần tư nhân China Renaissance trụ sở tại Bắc Kinh, đã biến mất mà không lý do. Mười ngày sau, đại diện China Renaissance cho biết Bao đang hợp tác trong cuộc điều tra của chính quyền TQ.

Bao là nhà giao dịch kỳ cựu trong lĩnh vực công nghệ tại TQ và từng môi giới sáp nhập hai dịch vụ giao đồ ăn hàng đầu Meituan và Dianping vào năm 2015. Tập đoàn của Bao cũng đầu tư vào hai công ty sản xuất xe điện Nio và Li Auto, đồng thời giúp Baidu và JD.com niêm yết chứng khoán tại Hong Kong. Trong thực tế, Bắc Kinh vẫn âm thầm kiềm chế các tên tuổi lớn, gồm cả Alibaba, bằng cách mua cái gọi là “cổ phiếu vàng” để cho phép các quan chức chính phủ tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của những công ty này. Nói cách khác, chiến thuật quen thuộc của Trung Quốc vẫn là ve vãn khi cần, nhưng theo một kiểu rất truyền thống: Hết xôi rồi việc. Và chính sách này áp dụng cho các doanh nghiệp trong nước lẫn giới đầu tư phương Tây.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Phú Quốc
Là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, Phú Quốc mang đến sự kết hợp giữa vẻ đẹp thiên nhiên, bãi biển và các điểm tham quan tuyệt vời. SCMP…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: