Trung Quốc: Mẹ một tù nhân lương tâm yêu cầu được gặp con lần cuối

Bà Bồ Văn Thanh (giữa) mẹ của tù nhân lương tâm Hoàng Kỳ, từ Thành Đô lên Bắc Kinh để kêu oan cho con năm 2018. Ảnh VOA

H.C.

Hoàng Kỳ (Huang Qi), nhà bất đồng chính kiến đầu tiên trên không gian mạng của Trung Quốc, bị bắt giam từ năm 2016 với bản án 12 năm tù giam về tội tiết lộ bí mật nhà nước. Đầu tháng này, mẹ của ông là bà Bồ Văn Thanh (Pu Wenqing), 87 tuổi, đã công bố lá thư của bà, sau đó được lan truyền trên mạng trực tuyến, đề nghị được gặp mặt con trai lần cuối.

Trong thư, bà Bồ nói bà mang trong người nhiều trọng bệnh như bệnh tiểu đường và bệnh ung thư và sẽ không còn sống được bao lâu nữa. “Tôi có hai yêu cầu: được gặp mặt con lần cuối và nói chuyện với nó về vụ án của nó”.

Nhà đấu tranh không mệt mỏi

Hoàng Kỳ được coi là nhà đấu tranh trực tuyến đầu tiên (cyberdissident) ở Trung Quốc. Ông điều hành một trang web gọi là “Lục Tứ Thiên Võng (64Tianwang)” – đặt theo sự kiện “Lục Tứ” Ngày 4 tháng 6 năm 1989, ngày diễn ra cuộc thảm sát những sinh viên biểu tình đòi dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn (Tiananmen) ở Bắc Kinh. Trang web này đã bị khóa ở Trung Quốc bởi vì nó phơi bày tệ nạn tham nhũng của quan chức, tình trạng vi phạm nhân quyền và những đề tài khác, bị cấm đoán trong truyền thông Trung Quốc.

Nhưng tháng 11 năm 2016, trang web “Lục Tứ Thiên Võng” được tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) trao tặng Giải thưởng Cyberfreedom. Vài tuần sau đó ông Hoàng bị bắt. Sau ba năm bị giam không xét xử, ông bị đưa ra tòa và tuyên án 12 năm tù giam về tội cố ý tiết lộ bí mật nhà nước cho người nước ngoài.

Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế gọi bản án này là “khắc nghiệt và bất công”

Ông Hoàng, 57 tuổi, có bệnh tim, bệnh thận và cao huyết áp. Những người ủng hộ ông rất lo ngại về hậu quả sức khỏe của việc ông bị giam giữ dài ngày. Tổ chức RSF thậm chí đã kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “rủ lòng thương” và ân xá cho ông. Tất nhiên lời kêu gọi đó không được hồi đáp.

Dù bệnh tật, ông Hoàng là người đấu tranh kiên cường và hoạt động của ông đã nhiều lần bị chính quyền Trung Quốc trừng phạt.

Nhà hoat động Hoàng Kỳ và con ở thành phố Thành Đô (Chengdu) tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan). Ảnh VOA

Năm 2003, ông là người đấu tranh đầu tiên bị đưa ra xử về những hành vi “phạm tội” trên mạng Internet ở Trung Quốc vì đã đăng tải trên trang web của ông những bài viết về phong trào biểu tình dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn. Ông bị kết án năm năm tù giam.

Năm 2009, chỉ một năm sau khi ra tù vì bản án thứ nhất, ông lại bị tiếp ba năm tù giam do đã đứng ra vận động ủng hộ cuộc đấu tranh của các cha mẹ học sinh có con bị chết trong vụ động đất lớn ở Tứ Xuyên năm 2008. Nguyên nhân dẫn tới cái chết thương tâm của rất nhiều học sinh được xác định là do trường học được xây dựng dối trá, cẩu thả, không tuân thủ các quy định an toàn để rồi bị sập hàng loạt trong vụ động đất.

Năm 2014, ông Hoàng lại bị công an bắt sau khi trang web của ông đăng bài tường trình về một người phụ nữ có ý định tự thiêu trên quảng trường Thiên An Môn ngay trước kỳ họp của quốc hội Trung Quốc năm đó – một sự kiện chính trị có tầm quan trọng đặc biệt ở nước này dù quốc hội đó thực chất chỉ là bù nhìn của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Và ước muốn cuối cùng của bà mẹ già

Mẹ của ông, bà Bồ Văn Thanh, luôn ủng hộ các hoạt động của con. Dù tuổi cao sức yếu, bà cũng bị đặt dưới sự giám sát thường xuyên của công an sau khi ông Hoàng bị kết án năm 2019.

Bà nói trong lá thư rằng tuy bà vẫn tin cậy hệ thống tư pháp Trung Quốc nhưng bà tin vụ án của con bà là bất công. “Trong nội bộ, họ đều biết Hoàng Kỳ bị vu khống. Không có tài liệu chính thức nào về bản án của con tôi. Tất cả hồ sơ đều bỏ trong phong bì, dán kín và đóng dấu ‘mật’,” bà nói và cho biết bà tin các quan chức tỉnh Tứ Xuyên đã dựng lên vụ án để hãm hại con bà.

Bà Bồ gặp nhân viên ngoại giao của các lãnh sự quán nước ngoài để vận động cho trường hợp của con bà. Ảnh chụp màn hình của VOA

Bồ Phi (Pu Fei) nguyên là tình nguyện viên làm việc cho trang web 64 Thiên Vương, cho đài Tiếng nói Hoa Kỳ biết là không ai có thể đến thăm bà Bồ Văn Thanh kể từ ngày bà bị đặt dưới sự giám sát thường xuyên của công an. “Sức khỏe của bà ấy đang xấu đi. Thật vô lý khi làm cho bà thêm đau đớn về tinh thần”, ông Bồ nói.

Ông Bồ Phi nói ông biết các nhà tù, các trại giam đều đóng cửa, không cho phép thân nhân thăm nuôi kể từ khi bùng phát đại dịch cúm Vũ Hán. “Tuy nhiên, trong trường hợp này chúng tôi hy vọng chính quyền sẽ có ngoại lệ, bởi vì bà mẹ của ông Hoàng không còn sống được bao lâu nữa, mà thăm viếng là quyền của bà”.

Trần Vân Phi (Chen Yunfei) – một nhà hoạt động nhân quyền có tiếng ở Tứ Xuyên cũng đề nghị hệ thống tư pháp tôn trọng quyền của ông Hoàng và mẹ ông. Ông Trần nêu trường hợp Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Tôn Lập Quân (Sun Lijun) vừa bị bắt giam tuần trước để khuyến cáo các quan chức an ninh Trung Quốc đừng đi theo con đường của Tôn. “Cách đối xử tàn bạo của ông ta [ông Tôn] với những người hoạt động xã hội từ lâu đã là coi thường pháp luật,” ông Trần nói.

(theo VOA)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Nỗi buồn ngày mưa
Các chuyên gia sức khỏe tâm thần giải mã cơ chế sinh học đằng sau những tác động của thời tiết trên tâm trạng con người, đồng thời đưa ra…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: