Trung Quốc mở chiến dịch tiết kiệm thức ăn

Bên trong một tiệm ăn ở Trung Quốc. (Hình minh họa: K Hsu/Unsplash)

Hiếu Chân

Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên chiến với nạn lãng phí thực phẩm và người dân Trung Quốc đua nhau thắt lưng buộc bụng để hưởng ứng.

Nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng, về vấn đề an ninh lương thực người dân phải luôn đề phòng khủng hoảng sau thời kỳ đại dịch trầm trọng. “Phải nuôi dưỡng thói quen tiết kiệm, vun đắp một môi trường xã hội trong đó lãng phí là xấu hổ và tiết kiệm là đáng khen ngợi”, ông Tập nói trong một chỉ thị được Nhân Dân nhật báo của đảng Cộng sản đăng tải tuần trước.

Chỉ thị của ông Tập là một phần của chiến dịch tuyên truyền rộng lớn trong vài tuần gần đây về tầm quan trọng của việc “tự túc tự cấp” tại thời điểm Trung Quốc đang có xung đột với Hoa Kỳ và các đối tác kinh tế khác. Giới lãnh đạo nước này có lẽ lo ngại việc nhập cảng lương thực thực phẩm có thể bị gián đoạn do những hỗn loạn địa chính trị toàn cầu, do đại dịch coronavirus, do căng thẳng về thương mại với Hoa Kỳ và cũng có thể do nạn lụt lội dữ dội năm nay làm cho mùa màng thất bát, nguồn cung cấp lương thực bị giảm sút trầm trọng.

Nhưng cũng như mọi chính sách từ trên ban xuống khác, chiến dịch tiết kiệm lương thực của đảng Cộng sản Trung Quốc lập tức làm dấy lên những lời đồn đoán trong xã hội. Báo chí quốc doanh được lệnh nhanh chóng trấn an dân chúng rằng Trung Quốc vừa có một vụ mùa bội thu, năng suất và sản lượng ngũ cốc đạt mức cao kỷ lục, rằng sẽ không có chuyện thiếu lương thực thực phẩm.

Và do chỉ thị thiếu những biện pháp cụ thể, nhiều nơi ở Trung Quốc người ta phải nghĩ ra nhiều cách khác nhau để thực hiện yêu cầu tiết kiệm, chống lãng phí lương thực của nhà nước. Một tiệm ăn ở thành phố Trường Sa (Changsha) ở miền trung đã yêu cầu thực khách phải cân trọng lượng cơ thể trước khi đặt món; bị phản ứng mạnh, tiệm đã phải bỏ yêu cầu đó và xin lỗi khách hàng hồi cuối tuần. Một trường học thông báo sẽ cắt tiền học bổng của học sinh nào lấy thức ăn nhiều hơn mức cần thiết và bỏ thừa mứa đồ ăn trong nhà ăn của trường.

*

Chiến dịch “sạch dĩa” (clean plate) của ông Tập đụng chạm tới thói quen ăn uống của người Trung Quốc. Người Trung Quốc quan niệm rằng, dọn nhiều món ăn và bỏ đồ ăn thừa là cách chứng tỏ với người thân, khách hàng, đối tác rằng chủ nhân là người rộng rãi, hào phóng. Thói quen đó đã làm cho người Trung Quốc phải vứt bỏ mỗi năm từ 17 tới 18 triệu tấn thực phẩm – đủ để nuôi sống từ 30 đến 50 triệu người mỗi năm, theo một nghiên cứu của Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Quỹ Đời sống Hoang dã thế giới.

Trung Quốc cũng đang trải qua giai đoạn chuyển tiếp từ đói góp tới no dồn, trong đó đời sống khá giả hơn đã làm cho thói quen ăn uống tằn tiện trở thành lỗi thời.

Những người cao niên như bà Vương Á Cầm (Wang Yaqin), 79 tuổi ở tỉnh Hắc Long Giang miền bắc Trung Quốc vẫn chưa quên những năm tháng đói kém dưới thời ông Mao Trạch Đông. Họ Mao đã phát động chiến dịch Đại Nhảy Vọt từ năm 1958 tới 1962 để cố đuổi kịp phương Tây: nông dân bị dồn vào các công xã, nhà nhà xây lò luyện gang ở sân sau, sản lượng ngũ cốc sụt giảm thê thảm nhưng quan chức địa phương thổi phồng số liệu báo cáo cấp trên… hậu quả là có tới 45 triệu người chết đói. Những năm tháng ấy, bà Vương kể lại, con người phải giành giật thức ăn với súc vật để tồn tại. Bây giờ, thực phẩm dồi dào hơn, nhưng những người như bà Vương vẫn không thể vứt bỏ thức ăn thừa, mà theo bà, nhiều lần bà đã lục thùng rác lấy những cái bánh bao mà con cháu bà vứt đi, đem rửa sạch rồi ăn. Chính vì vậy, bà cho rằng, chính sách thắt lưng buộc bụng về lương thực thực phẩm của đảng và nhà nước Trung Quốc là đúng đắn và cần thiết.

Nhưng thế hệ trẻ như Samantha Pan, sinh viên 21 tuổi ở Quảng Châu, lại có suy nghĩ khác.Họ không phải lo dành dụm lương thực cho ngày mưa gió, mà cũng chẳng quan tâm tới những lời hô hào đạo đức của nhà nước. Trả lời báo The New York Times qua điện thoại, cô Pan nói “sáng kiến tiết kiệm thực phẩm là rất chán và vô ích. Tôi có quyền đặt bao nhiêu món mà tôi thích, đó là quyền tự do của tôi”.

Một số người trẻ gần đây còn dấy lên phong trào “livestream” (truyền hình trực tiếp qua mạng) hình ảnh những bữa ăn thịnh soạn và cầu kỳ. Những livestreamers này đưa lên hình ảnh họ đang ăn nhiều thức ăn đắt tiền, độc đáo… phần để lấy tiếng, thu hút người hâm mộ (fan) và kiếm tiền dựa vào số người hâm mộ đó. Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV gần đây có phóng sự lên án phong trào livestream và bình luận: “Livestream là tốt nhưng đừng dùng thực phẩm làm công cụ”. Các mạng xã hội chia sẻ video lớn nhất Trung Quốc là Đấu Âm (Douyin, phiên bản Trung Quốc của TikTok) và Khoái Thủ (Kuaishou) nói họ sẽ phạt những người dùng nào đăng hình ảnh phung phí thực phẩm.

*

Với những nhà quản lý xã hội như ông Tập Cận Bình, tình hình đã có những dấu hiệu đáng lo ngại. Trung Quốc đang đối mặt với những vụ khủng hoảng nối tiếp nhau, đan vào nhau: đại dịch Covid-19 làm cả nước gần như bị phong tỏa, kinh tế trì trệ, rồi trận lũ lụt trầm trọng kéo dài suốt mấy tháng nay, nhấn chìm nhiều vùng đất canh tác dưới dòng nước lũ.

Hậu quả là giá lương thực thực phẩm trong tháng Bảy đã tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu thống kê chính thức của nhà nước. Giá thịt heo – thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của người Trung Quốc – tăng tới 85% so với cùng kỳ, một phần do lũ lụt ảnh hưởng tới việc chăn nuôi và vận tải, một phần do hậu quả của dịch cúm heo. Nhật báo Thanh Niên Trung Quốc hôm thứ Hai 17-08 còn đăng bài cho biết nhiều nông dân ở tỉnh Hà Nam ở miền trung – vùng sản xuất lương thực chính của Trung Quốc – thú nhận đã đầu cơ tích trữ phần lớn lương thực làm ra được trong năm nay, chờ giá lên cao do khan hiếm mới bán ra kiếm lời.

Trung Quốc còn chuẩn bị cho tình huống bị cô lập với thế giới do những mối xung đột và căng thẳng với các nước khác tăng lên; khi đó Trung Quốc phải có khả năng sản xuất đủ lương thực để nuôi sống 1,4 tỷ miệng ăn. “Trong một môi trường lý tưởng, quan hệ quốc tế tốt đẹp thì Trung Quốc có thể nhập cảng lương thực từ các nước khác. Nhưng nói thật, Trung Quốc có thể đang gặp vấn đề lớn,” ông Hồ Hưng Đạo (Hu Xingdao), nhà kinh tế chính trị học tại Bắc Kinh, nhận định.

Sâu xa hơn, có người nhìn vấn đề ở góc độ tâm linh. Ngô Cường (Wu Qiang), nhà phân tích chính trị tại Bắc Kinh nói rằng, lũ lụt và đại dịch gợi nhớ những thách thức dai dẳng mà các hoàng đế phong kiến Trung Hoa phải đối mặt – những ông vua mà tính chính danh cai trị của họ được cho là do thiên mệnh (mệnh trời), nếu họ duy trì được quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên thì đất nước thanh bình, ngược lại thì trời sẽ gây thiên tai địch họa để trừng phạt.

Theo ông Ngô, bằng cách ra tay chặn trước tình trạng thiếu lương thực thực phẩm, kêu gọi người dân tiết kiệm thức ăn, ông Tập cho thấy ông thừa nhận thách thức của cuộc khủng hoảng mà nếu không được kiểm soát, có thể đe dọa quyền lực của chính ông. “Thế nên bây giờ ông ấy đẩy trách nhiệm cho nhân dân, bảo họ phải thắt lưng buộc bụng,” ông Ngô nói.

Các chủ nhà hàng, tiệm ăn thì không mấy hài lòng với chỉ thị mới. Ông Jimmy Zhang, chủ tiệm ăn ở thành phố Lâm Tế, tỉnh Sơn Đông ở miền đông, nói rằng ông ủng hộ chủ trương của ông Tập nhưng không khuyến khích khách hàng giảm ăn uống hoặc đặt ít món hơn. “Khuyến khích tiết kiệm là tốt, nhưng là công dân tôi thấy những chính sách này đi quá xa. Tôi không có cách nào ủng hộ chính sách mà không bị mất tiền,” ông Zhang than thở.

(Theo The New York Times)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: