Đảng Cộng sản cầm quyền của Trung Quốc tuyên bố sẽ “cương quyết trấn áp các hoạt động xâm nhập và phá hoại của các thế lực thù địch”, sau khi xảy ra các cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều thập niên do người dân đã chán ngấy các hạn chế nghiêm ngặt chống COVID của chính phủ.
Cương quyết trấn áp
Hãng tin AP cho biết vào cuối ngày thứ Ba 29 tháng Mười Một, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương (UBCTPL) của đảng Cộng sản Trung Quốc (CSTQ) đã đưa ra tuyên bố như vậy trong bối cảnh các cơ quan an ninh đã bố trí một lực lượng lớn nhân viên và thiết bị để ngăn chặn sự tái diễn các cuộc biểu tình như hồi cuối tuần qua ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và một số thành phố khác.
Tuyên bố của UBCTPL nhấn mạnh, “các cơ quan chính trị và pháp luật phải thực hiện các biện pháp hiệu quả để… cương quyết bảo vệ an ninh quốc gia và ổn định xã hội”. “Chúng ta phải cương quyết trấn áp các hoạt động xâm nhập và phá hoại của các thế lực thù địch theo quy định của pháp luật, cương quyết trấn áp các hành vi phạm pháp và tội phạm gây rối trật tự xã hội và duy trì hiệu quả sự ổn định chung của xã hội,” mà không đề cập trực tiếp tới các vụ biểu tình.
Hàng trăm xe cảnh sát, xe tải và xe bọc thép có đèn nhấp nháy đã đậu dọc các con phố trong các thành phố từ sáng sớm thứ Tư giờ địa phương trong khi cảnh sát và dân quân chặn người đi đường để kiểm tra căn cước và lục soát điện thoại di động của họ, tìm những hình ảnh, ứng dụng bị cấm hoặc bằng chứng cho thấy họ đã tham gia biểu tình. Cảnh sát còn lên cả xe bus, tàu điện để kiểm tra điện thoại của hành khách.
Số người biểu tình đã bị bắt và bị giam giữ ngay tại hiện trường và trong các cuộc vây ráp, bắt nguội của cảnh sát chưa được xác định.
Thách thức của Tập Cận Bình
Tuyên bố của UBCTPL được đưa ra sau phiên họp hôm thứ Hai dưới sự chủ trì của người đứng đầu Ủy ban là Trần Văn Thanh (Chen Wenqing), ủy viên của Bộ Chính trị 24 thành viên của đảng CSTQ, nhằm xem xét kết quả của đại hội đảng hôm 20 tháng Mười.
Tại đại hội, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã tự dành cho mình nhiệm kỳ năm năm thứ ba, đồng thời đưa vào các cơ quan lãnh đạo chủ chốt những người trung thành với ông ta và loại bỏ những tiếng nói đối lập. Tuy nhiên, chưa đầy một tháng sau, Tập Cận Bình, người đề cao sự ổn định của chế độ lên trên hết, lại đang phải đối mặt với thách thức công khai lớn nhất khi hàng trăm người biểu tình lên tiếng đòi ông ta phải từ chức, đảng CSTQ phải từ chức, trả lại tự do cho nhân dân.
Biểu tình từ các nhà máy và khu dân cư đã lan sang các trường đại học và thành phố bán tự trị Hồng Kông, cũng như kích hoạt các cuộc biểu tình hưởng ứng trước các cơ quan đại diện Trung Quốc ở nước ngoài. Lúc đầu, hầu hết những vụ biểu tình đều tập trung phản đối chính sách “không COVID” đã khiến hàng triệu người bị phong tỏa và cách ly, hạn chế khả năng tiếp cận thực phẩm và thuốc men của họ đồng thời tàn phá nền kinh tế. Nhưng dần dần cuộc biểu tình, nhất là của giới sinh viên đại học, chuyển sang các yêu cầu chính trị, đòi quyền sống, quyền tự do, phản đối phong tỏa, phản đối kiểm duyệt; yêu cầu ông Tập từ chức. Nhiều người chế giễu lập luận của đảnh CSTQ rằng “các thế lực thù địch nước ngoài” đang khuấy động làn sóng giận dữ của dân Trung Quốc dù đất nước này “đóng cửa, nội bất xuất ngoại bất nhập” đã ba năm.
Ở Hoa Lục, lên tiếng phê phán đảng CSTQ và ông Tập, kêu gọi tự do và dân chủ, được coi là một hành động vi phạm pháp luật trầm trọng, bị ghép tội chống chính phủ và có thể bị xử án tù nhiều năm. Trong các cuộc biểu tình, người dân đã giơ cao những mảnh giấy trắng để nói rằng họ không có quyền tự do ngôn luận.
Tiến thoái lưỡng nan
Truyền thông quốc tế ghi nhận, sau các cuộc biểu tình có dấu hiệu nhà chức trách Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng một số biện pháp kiểm soát dịch và công bố một nỗ lực mới nhằm tiêm chủng cho các nhóm dễ bị tổn thương nhưng vẫn khẳng định rằng họ vẫn kiên trì chiến lược “không COVID”.
Tháng trước đảng CSTQ đã hứa sẽ giảm bớt biện pháp phong tỏa, nhưng sự gia tăng đột biến số ca nhiễm virus đã nhanh chóng làm cho các cán bộ đảng bị áp lực mạnh phải thắt chặt kiểm soát nhằm ngăn dịch bệnh bùng phát trong địa phương mình. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm thứ Tư báo cáo có 37,612 trường hợp được phát hiện trong 24 giờ trước đó, trong khi số người chết không thay đổi ở mức 5,233 người.
Cảnh sát Trung Quốc dường như đang cố che giấu các hành động đàn áp, dựa vào mạng lưới giám sát kỹ thuật số với hàng triệu camera khắp các đô thị và guồng máy kiểm duyệt tin tức rộng lớn. Các video và bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc về các cuộc biểu tình đều bị xóa bỏ ngay lập tức. Việc đổ lỗi cho các “thế lực thù địch” cũng nhằm biện hộ cho các hành động đàn áp của đảng CSTQ trước dư luận quốc tế.
Đại học Thanh Hoa của Bắc Kinh, nơi sinh viên biểu tình vào cuối tuần qua, và các trường khác ở thủ đô và tỉnh Quảng Đông đã đóng cửa các khu học xá và ký túc xá, buộc sinh viên phải về nhà trong một nỗ lực rõ ràng để ngăn chặn phong trào phản kháng của giới trẻ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất cảnh giác với các trường đại học, từng là điểm nóng của các hoạt động chống đối mà nổi tiếng nhất là cuộc biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn năm 1986.
Chính sách “không COVID” của ông Tập Cận Bình đã trở thành cái bẫy cho uy tín chính trị của ông ta, bỏ không được mà duy trì cũng không xong. Các biện pháp khắc nghiệt về xét nghiệm, truy vết virus và phong tỏa quy mô lớn đã giúp Trung Quốc giữ cho số ca mắc bệnh thấp hơn nhiều so với Hoa Kỳ và các nước lớn khác, nhưng các chuyên gia y tế toàn cầu cho rằng, biện pháp đó chỉ có hiệu quả trong buổi đầu của dịch và cần phải thay đổi khi nhân loại đã bào chế được vaccine phòng bệnh. Ngay cả người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – được cho là có cảm tình với Bắc Kinh – cũng nói rằng các biện pháp phong tỏa là không bền vững. Trung Quốc bác bỏ những nhận xét đó, gọi như vậy là vô trách nhiệm.
Mặt khác, các nhà kinh tế và chuyên gia y tế cảnh báo Bắc Kinh không thể nới lỏng các biện pháp kiểm soát và mở cửa “sống chung với dịch” như hầu hết các nước khác cho đến khi hàng chục triệu người lớn tuổi được tiêm phòng. Trung Quốc cũng không chấp nhận các loại vaccine công nghệ mới của phương Tây mà chỉ dùng vaccine nội địa có hiệu quả phòng bệnh thấp hơn. Điều đó cho thấy chính sách “không COVID” có thể sẽ được đảng CSTQ duy trì trong ít nhất một năm nữa.
Đọc thêm: