Trung Quốc thu thập thông tin mạng xã hội Mỹ để định hình chính sách can thiệp

Các tài liệu từ cuộc điều tra của tờ The Washington Post cho thấy Trung Quốc đang thu thập hàng loạt dữ liệu về nước Mỹ và các nước phương Tây thông qua các mạng xã hội. Mục tiêu là phát hiện các xu hướng chính trị, xã hội để định hình chính sách can thiệp.

Mở rộng ra nước ngoài

Từ lâu, Trung Quốc đã duy trì một mạng lưới các dịch vụ giám sát dữ liệu (data surveillance services) của chính phủ trên toàn quốc (được gọi hoa mỹ là “phần mềm phân tích dư luận”). Chiến lược này ngày càng tinh vi những năm gần đây và được sử dụng để cảnh báo các quan chức chính phủ về những thông tin nguy hiểm về chính trị do người dùng trong nước phát tán trên mạng. Nay Trung Quốc đang chuyển một phần chính mạng lưới giám sát dữ liệu internet nội địa này ra bên ngoài lãnh thổ, chủ yếu là Mỹ và các nước phương Tây để khai thác các thông tin nhạy cảm trong thời gian thực trên các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Twitter.

Cuộc điều tra mới nhất của tờ The Washington Post đã dựa trên hàng trăm người Trung Quốc đang làm việc trong các dự án, hợp đồng và công ty có liên quan đến vấn đề này ở Trung Quốc và nước ngoài. Hệ thống giám sát dữ liệu của Trung Quốc không còn đơn thuần nhắm vào người dùng internet và truyền thông trong nước mà theo các tài liệu đấu thầu và hợp đồng của hơn 300 dự án do chính phủ Trung Quốc đứng đằng sau kể từ đầu năm 2020 cho thấy mạng lưới này còn được thiết kế để thu thập các dữ liệu “cần quan tâm” từ Twitter, Facebook và các nền tảng truyền thông xã hội phương Tây khác.

Cuộc điều tra cho thấy truyền thông nhà nước, cơ quan tuyên truyền của Đảng, cảnh sát, quân đội và các cơ quan quản lý mạng của Trung Quốc đang mua các hệ thống mới phức tạp hơn để thu thập dữ liệu. Đáng chú ý nhất là một phần mềm trị giá $320,000 chuyên khai thác Twitter và Facebook để thu thập thông tin về các nhà báo và học giả nước ngoài; một phần mềm tình báo của cảnh sát Bắc Kinh trị giá $216,000 để phân tích những bàn tán tại phương Tây về tình hình Hong Kong, Đài Loan; và một trung tâm mạng ở Tân Cương được trang bị hệ thống chuyên thu thập thông tin có nội dung bằng tiếng Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) ở hải ngoại. Đây là hệ thống trị giá $43,000 do cảnh sát quận Thương Nam (Shangnan), miền Trung Trung Quốc mua. Công ty Source Data Technology có trụ sở tại thành phố Thượng Hải trúng thầu cung cấp cho biết trên trang web của nó là “hệ thống sử dụng công nghệ phân tích trí tuệ nhân tạo (AI) và khai thác dữ liệu lớn tiên tiến” để phủ sóng hơn 90% mạng xã hội ở Mỹ, châu Âu và các nước láng giềng của Trung Quốc.

Đích nhắm chính là Mỹ và phương Tây

Một nhà phân tích ở Bắc Kinh từng làm việc cho một đơn vị hợp tác với Ban Tuyên giáo Trung ương Trung Quốc nhận định: “Hiện chúng tôi đã hiểu rõ hơn về mạng lưới ngầm của những người chống Trung Quốc, những kẻ phản động giấu tên”. Ông ta cho biết đã từng được giao nhiệm vụ soạn một báo cáo tổng hợp các thông tin thu thập được trên Twitter về mức độ lan truyền nội dung tiêu cực liên quan đến các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, kể cả thông tin chi tiết về từng học giả, chính trị gia và nhà báo có “vấn đề”.

Các mạng lưới giám sát internet là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Bắc Kinh nhằm cải tiến nỗ lực tuyên truyền đối ngoại thông qua dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI). Thậm chí Trung Quốc còn có trung tâm cảnh báo được thiết kế để phát ra âm thanh cảnh báo trong thời gian thực về các âm mưu xâm hại lợi ích của Bắc Kinh. Mới đây, chính quyền Biden đã bày tỏ mối lo ngại về các khoản đầu tư của Mỹ vào các công ty công nghệ Trung Quốc có quan hệ với Quân đội Nhân dân Trung Hoa hoặc chuyên thu thập thông tin mạng xã hội.

Bà Mareike Ohlberg, một thành viên cấp cao Quỹ Marshall của Đức, chuyên gia nghiên cứu về dư luận xã hội tại Trung Quốc nhận định: “Hành động tình báo mạng xã hội của Trung Quốc thực sự cho thấy họ muốn tăng cường khả năng bảo vệ từ nước ngoài và chống lại cuộc chiến dư luận phát sinh từ nước ngoài”. Trong khi đó, Twitter và Facebook đều cấm thu thập dữ liệu tự động trên các dịch vụ của họ mà không được cho phép. Chính sách của Twitter cũng cấm thu thập dữ liệu để suy ra đảng phái chính trị hoặc nguồn gốc dân tộc và chủng tộc của người dùng. “Application Programming Interface (API) của chúng tôi chỉ cho phép truy cập theo thời gian thực vào dữ liệu công khai và các tweet, không phải thông tin cá nhân. Chúng tôi cấm sử dụng API để giám sát, theo dõi người dùng” – Katie Rosborough, người phát ngôn của Twitter, nói. Facebook không trả lời câu hỏi liệu họ có biết mình bị Trung Quốc giám sát hay không hoặc liệu các công ty, trường đại học, cơ quan và truyền thông nhà nước Trung Quốc có được phép thu thập dữ liệu trên Facebook hay không.

Các hệ thống phân tích ý kiến ​​công chúng là vũ khí hiệu quả để tăng cường bộ máy tuyên truyền và duy trì quyền kiểm soát đối với internet. Giám sát và thu thập dữ liệu mạng đã cho các quan chức cái nhìn sâu sắc về dư luận, một thách thức ở một quốc gia không tổ chức bầu cử công khai và không có truyền thông độc lập như Trung Quốc. Giám sát và phân tích dư luận là một chức năng quan trọng của cái mà Bắc Kinh gọi là “Hướng dẫn dư luận” để duy trì sự ủng hộ của công chúng thông qua tuyên truyền và kiểm duyệt.

Lần đầu tiên cụm từ “Hướng dẫn dư luận” được nói đến sau cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn (Bắc Kinh) năm 1989, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu đi tìm những cách thức mới để đối phó với các thách thức quyền lực của Đảng. Kể từ đó, “Hướng dẫn dư luận” trở thành phần không thể thiếu trong kiến ​​trúc cơ bản của internet tại Trung Quốc, nơi người dùng phải khai báo ID tên thật và các dịch vụ internet được yêu cầu tuân thủ tuyệt đối luật pháp. Năm 2014, tờ China Daily do nhà nước hậu thuẫn cho biết có hơn hai triệu người đang làm công việc phân tích dư luận. Năm 2018, People’s Daily, một tờ báo chính thức khác tiết lộ ngành phân tích ý kiến ​​trực tuyến trị giá “hàng chục tỷ nhân dân tệ”, tương đương hàng tỷ đôla và đang tăng với tốc độ 50% mỗi năm. Hệ thống mạng lưới giám sát truyền thông xã hội nước ngoài phát triển vào thời điểm nhận thức toàn cầu về Bắc Kinh đang ở mức thấp nhất trong lịch sử hiện đại.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: