Bác sĩ Tưởng Ngạn Vĩnh (蒋彦永, Jiang Yanyong) từng được ca ngợi là “anh hùng” cách nay hai thập niên khi ông gióng lên hồi chuông cảnh báo về dịch SARS ở Trung Quốc (TQ). Mới đây, cái chết của ông ở tuổi 91 (ngày 12 Tháng Ba 2023) được đáp lại bằng… sự im lặng, sau một thời gian dài ông bị ngược đãi do dám đòi Đảng Cộng sản TQ phải nhận trách nhiệm về cuộc thảm sát Thiên An Môn.
Tưởng Ngạn Vĩnh là bác sĩ phẫu thuật quân đội. Ông đã phá vỡ những nỗ lực của chính quyền TQ nhằm che đậy mức độ bùng phát của “hội chứng hô hấp cấp tính nặng” (SARS). Không giống bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) ở Vũ Hán bị trừng phạt vì đưa ra cảnh báo sớm về sự lây lan của Covid-19 và qua đời vì căn bệnh này không lâu sau đó, bác sĩ Tưởng Ngạn Vĩnh không bị trừng phạt vì “tội” thu hút sự chú ý đến mức nguy hiểm của SARS vào năm 2003.
Lý Văn Lượng được minh oan và cả hai đều được truyền thông nhà nước ca ngợi là anh hùng. Tuy nhiên, không có cơ quan truyền thông nào ở TQ đưa tin về cái chết của Tưởng Ngạn Vĩnh dù các tìm kiếm tên của vị bác sĩ này đã tăng đột biến trên ứng dụng WeChat của TQ vào cuối tuần qua. Một cú nhấp chuột vào thẻ bắt đầu bằng # Tưởng Ngạn Vĩnh trên Weibo không mang lại kết quả nào. Lý do, tìm kiếm này đã vi phạm các luật, quy định và chính sách của nền tảng.
Cái chết của bác sĩ Tưởng Ngạn Vĩnh chỉ được các phương tiện truyền thông Hoa ngữ ở nước ngoài đưa tin rộng rãi. Theo gia đình, Tưởng Ngạn Vĩnh (cũng là người bênh vực cho các gia đình nạn nhân của cuộc đàn áp bạo lực những người biểu tình dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989) chết vì viêm phổi và một số nguyên nhân sức khỏe khác. Tang lễ diễn ra tại Bắc Kinh nhưng không cho công chúng vào viếng. Các thành viên trong gia đình được chính quyền yêu cầu không cung cấp thông tin.
Vào mùa Xuân năm 2003, trong bối cảnh có nhiều lo lắng và hoang mang xung quanh dịch SARS nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao, các quan chức TQ nhiều lần bảo đảm với người dân và du khách nước ngoài: Dịch bệnh lây từ thú sang người này đã được kiểm soát và không cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Đầu Tháng Tư năm đó, thành phố Bắc Kinh chỉ báo cáo có hơn chục ca nhiễm SARS và ba ca tử vong. Sự thật lộ diện khi bác sĩ Tưởng Ngạn Vĩnh lên tiếng ngược lại với những gì chính quyền cung cấp, khẳng định rằng số ca mắc SARS thực tế ở Bắc Kinh cao gấp vài lần con số chính thức.
Tưởng Ngạn Vĩnh dù đã nghỉ hưu vài năm trước đó (ông là bác sĩ phẫu thuật tại một bệnh viện quân đội ở Bắc Kinh) nhưng vẫn khám bệnh ở nhà, bóc trần sự thật trong một email gửi cho đài truyền hình nhà nước vào Tháng Tư, 2003. Đài truyền hình đã không trả lời. Sau khi tờ The Wall Street Journal và các phương tiện truyền thông nước ngoài khác đọc được email, Tưởng Ngạn Vĩnh xác nhận chính ông đã viết nó.
“Tôi không phải anh hùng mà chỉ đơn giản là người muốn nói lên một vài sự thật” – ông trả lời tờ Beijing News trong cuộc phỏng vấn năm 2013, đánh dấu 10 năm cuộc khủng hoảng SARS.
Khi được hỏi về những hậu quả có thể xảy ra khi nói chuyện với truyền thông nước ngoài, Tưởng Ngạn Vĩnh nói ông không sợ hãi và không ngần ngại hy sinh mạng sống thay vì lợi ích cá nhân. “Nếu mọi người đều nói sự thật, đất nước sẽ tốt đẹp hơn” – ông nói với trang tin và được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội TQ suốt nhiều năm.
Tiết lộ của Tưởng Ngạn Vĩnh đã buộc chính quyền phải đối đầu trực diện với SARS và khiến TQ xấu hổ trên trường quốc tế. Trong những ngày sau đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi trích dẫn một phần bức thư của Tưởng Ngạn Vĩnh, đã cử thanh tra đến các bệnh viện có những bệnh nhân SARS điều trị và lên án TQ báo cáo sai số ca bệnh. Hậu quả, Bộ trưởng y tế TQ và thị trưởng Bắc Kinh bị cách chức. Cuối năm đó, bác sĩ Tưởng Ngạn Vĩnh nhận được lời khen ngợi từ truyền thông nhà nước vì vai trò của ông trong cuộc chiến chống SARS.
“Tưởng Ngạn Vĩnh không chỉ giúp cứu sống nhiều người mà còn thay đổi cách các quan chức TQ tương tác với cộng đồng toàn cầu về kiểm soát bệnh truyền nhiễm – bà Katherine Mason, nhà nhân chủng học y tế tại Đại học Brown, nhận định. Năm 2004, bác sĩ Tưởng Ngạn Vĩnh được trao giải thưởng Ramon Magsaysay danh giá, tương đương giải Nobel của châu Á. Nhưng cũng năm đó, Tưởng Ngạn Vĩnh bị giam bảy tuần khi ông can đảm viết thư gửi ban lãnh đạo TQ để yêu cầu Đảng Cộng sản nhận trách nhiệm về vụ đổ máu ở Quảng trường Thiên An Môn.
Quan hệ của “người hùng” với chính quyền xem như kết thúc từ đó. Theo các nhà quan sát nhân quyền, những năm gần đây, Tưởng Ngạn Vĩnh phải đối mặt với sự giám sát ngày càng nhiều và những hạn chế đi lại trong nước do những cuộc vận động của ông cho các nạn nhân Thiên An Môn, gồm cả lệnh cấm rời khỏi đất nước. Chu Phong Tỏa (Zhou Fengsuo), Giám đốc điều hành của Tổ chức Nhân quyền tại TQ (Human Rights in China) thành lập năm 1989 có trụ sở tại New York, nhận định:
“Việc kiểm duyệt cái chết của bác sĩ Tưởng Ngạn Vĩnh cho thấy việc đàn áp tự do ngôn luận đã trở nên tồi tệ như thế nào trong những năm gần đây và sự khoan dung đối với các người bất đồng chính kiếm đã giảm mạnh. Dịch SARS và đại dịch Covid mới đây cho thấy hậu quả của một xã hội không có tự do và người dân không biết sự thật”.