HIẾU CHÂN
Gần đây có nhiều tin đồn chính phủ Việt Nam đang xem xét cho Hoa Kỳ thuê hải cảng Cam Ranh hoặc một vài đảo trong quần đảo Trường Sa để lập căn cứ lâu dài hoặc mở điểm dừng chân, coi đó là cách chống lại việc Trung Quốc ngày càng hung hăng trên biển Đông.
Tin đồn này có cơ sở không, giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales của Úc, chuyên gia về biển Đông và Việt Nam, bình luận trên trang Diplomat.com.
Trước tiên, nên để ý chính sách quốc phòng của Việt Nam đề ra nguyên tắc “Ba Không”: không liên kết với nước này để chống nước kia, không tham gia liên minh quân sự, không cho phép nước nào sử dụng lãnh thổ Việt Nam để hoạt động quân sự chống lại nước khác. Chính sách này như vậy đã loại trừ việc cho thuê cảng Cam Ranh hoặc các đảo Trường Sa để Mỹ hoặc quốc gia nào khác thiết lập căn cứ quân sự.
Cam Ranh hay Trường Sa?
Ở Trường Sa, theo tài liệu của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, Việt Nam hiện có khoảng 49-51 tiền đồn (outpost) đặt ở 27 thực thể là các đảo và đá của Trường Sa. Đảo Trường Sa là đảo lớn nhất, rộng khoảng 15 héc-ta, các đảo còn lại chỉ rộng khoảng tám héc-ta. Nhìn chung, các đảo này không thể là nơi đặt căn cứ hoặc điểm dừng chân cho các tàu hải quân Mỹ vì cơ sở hạ tầng quá nghèo nàn, và quá gần các hòn đảo nhân tạo được vũ trang đầy đủ của Trung Quốc.
Nếu Mỹ cần và Việt Nam đồng ý thì địa điểm duy nhất để chọn lựa là cảng Cam Ranh, thuộc tỉnh Khánh Hòa, miền Trung Việt Nam – nhìn thẳng ra quần đảo Trường Sa.
Cảng Cam Ranh có hai phần: quân cảng và thương cảng. Quân cảng là nơi đóng bộ chỉ huy Hải quân Việt Nam, ngoài người Việt chỉ có người Nga được phép ra vào để bảo trì bảo dưỡng các tàu ngầm Kilo và chiến hạm Gepard mà Việt Nam mua của Nga. Phần thương cảng (dân sự) ngoài hoạt động xuất nhập hàng hóa còn có các cơ sở sửa chữa tàu biển và cung ứng nhu yếu phẩm. Năm 2009, trong một động thái gây bất ngờ, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên cho phép các cơ sở sửa chữa tàu biển được phục vụ tàu chiến của hải quân nước ngoài, chủ yếu ở Cam Ranh và vịnh Vân Phong gần đó.
Hải quân Mỹ trở thành khách hàng đầu tiên và thường xuyên của dịch vụ sửa chữa này sau khi hai nước ký hợp đồng cung ứng dịch vụ sửa chữa cho Hải quân Mỹ năm 2010. Tính đến nay, đã có năm lượt chiến hạm Mỹ được sửa chữa tại đây, gồm tàu USNS Richard E. Byrd ở Vân Phong năm 2010; USNS Richard E. Byrd năm 2011, 2012 tại Cam Ranh, USNS Walter S. Dieht năm 2011 và USNS Rappahannok năm 2012 đều sửa chữa ở Cam Ranh. Từ tháng 03-2016, Cam Ranh được nâng cấp thành cảng quốc tế và ngay trong năm 2016 đã ba lần đón tiếp các chiến hạm Mỹ ghé thăm, trong đó có các tàu USS John S. McCain, USS Frank Cable và USS Mustin.
Tình hình đã khác trước
Vài năm gần đây, tình hình trên biển Đông Việt Nam có nhiều biến chuyển theo hướng xấu, từ việc Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Trường Sa, gia tăng quấy nhiễu trên biển Đông và Phi Luật Tân “xoay trục” sang Bắc Kinh, giáng cấp các quan hệ quân sự với Hoa Kỳ. Năm 2014, Mỹ và Phi ký kết hiệp định hợp tác quốc phòng nâng cao (Enhanced Defence Cooperation Agreement, EDCA), cho phép Mỹ xây dựng và sở hữu các cơ sở hạ tầng trong các căn cứ quân sự của Phi Luật Tân. Nhưng tháng 02 năm nay, Tổng thống Phi Rodrigo Duterte công bố chấm dứt thỏa thuận về các lực lượng thăm viếng (Visiting Forces Agreement, VFA), vô hình chung vô hiệu hóa cả EDCA, đưa người Mỹ vào thế khó giữa lúc nguy cơ đụng độ với Trung Quốc trên biển Đông ngày càng rõ nét. Cam Ranh từ đó trở nên hấp dẫn trong ý đồ chiến lược của người Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Hoa Kỳ vẫn chủ trương “places not bases” – tại Tây Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ có nhiều điểm (places) trú chân mà không xây dựng căn cứ (bases) có thể biến thành mục tiêu tấn công của hỏa tiễn đối phương, nhưng luôn sẵn sàng ứng phó khi có xung đột hoặc thiên tai địch họa. Singapore là một điểm như vậy. Nhưng theo một cuộc điều trần mới đây của lãnh đạo Hải quân tại tiểu ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ, chủ trương này dường như sắp điều chỉnh do tình hình thực tế đã khác trước.
Trong khi Trung Quốc xây dựng những căn cứ hải quân khổng lồ và hiện đại ở Tam Á trên đảo Hải Nam, ở đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa và các căn cứ mới trong quần đảo Trường Sa thì Hải quân Hoa Kỳ vẫn hoạt động chủ yếu từ các căn cứ khá xa “vùng nóng” ở biển Đông. Đệ Thất hạm đội đặt căn cứ tại Yokosuka, Nhật Bản, cơ sở sửa chữa chiến hạm đặt ở Guam giữa Thái Bình Dương. Các hoạt động chính của Hải quân hầu như đều xuất phát từ Trân Châu Cảng ở Hawaii hoặc xa hơn, từ đại bản doanh San Diego ở Nam California. Với đà lớn mạnh nhanh chóng của Hải quân Trung Quốc, chính sách “places not bases” xem ra không còn phù hợp nữa. Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy Hoa Kỳ có ý định mở căn cứ trên bờ ở Cam Ranh hoặc ở một địa điểm nào khác trên vùng biển Đông.
Thế khó xử của Việt Nam
Tình hình biến chuyển cũng làm cho giới lãnh đạo Việt Nam lo ngại. Tuy vẫn khẳng định nguyên tắc “Ba Không”, nhưng đường lối quốc phòng của Việt Nam có bổ sung một điểm “tế nhị”: “Tùy thuộc vào tình hình và những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ xem xét phát triển các mối quan hệ quân sự cần thiết và thích hợp với các nước khác,” Sách Trắng quốc phòng Việt Nam năm 2019 cho biết. Nhiều nhà quan sát cho rằng, điều thay đổi này ngụ ý Việt Nam có thể hợp tác quân sự với Mỹ và các nước khác “tùy vào tình hình và điều kiện cụ thể” mà sự lấn lướt ngày càng mạnh bạo của Trung Quốc, xâm phạm chủ quyền và ngăn cản hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở biển Đông, có thể là một “điều kiện cụ thể” như vậy.
Chắc chắn các nhà lãnh đạo ở Hà Nội sẽ rất cẩn thận trong việc điều chỉnh chiến lược ngoại giao và quốc phòng sẽ được trình ra Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 vào đầu năm 2021, sao cho không gây phản ứng mạnh từ Bắc Kinh mà cũng không làm Washington thất vọng. Việt Nam đã nhiều lần gật rồi lắc, rồi lại gật trong việc nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ từ “đối tác toàn diện” (comprehensive partnership) dưới thời Obama lên quan hệ “đối tác chiến lược” (strategic partnership) – tức ngang cấp quan hệ với Trung Quốc, chứng tỏ Hà Nội vẫn chưa sẵn sàng “thoát Trung” như mong muốn của người dân trong và ngoài nước.
Mong ước và thực tế
Tin đồn Việt Nam cho Mỹ thuê cảng Cam Ranh để mở căn cứ quân sự có thể xuất phát từ một mong ước hơn là từ thực tế. Nhìn lại lịch sử “đu dây” giữa hai cường quốc của Việt Nam có thể khẳng định rằng tin đồn đó rất khó trở thành hiện thực. Việt Nam chắc chắn vẫn giữ một lập trường mơ hồ và ba phải: “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các cường quốc” như từ trước đến nay; còn nếu do tình thế bắt buộc phải chọn lựa thì chưa chắc Việt Nam đủ sáng suốt và dũng cảm để đi về hướng thế giới tự do vì điều đó đe dọa sự tồn vong của chế độ cộng sản, xói mòn lợi ích và quyền lực của tập đoàn cầm quyền ở Hà Nội hiện nay.