Một sản phẩm đặc trưng của đế chế cộng sản Soviet là bộ máy tố cáo, đấu tố, thanh trừng nhau. Vào ngày 30 Tháng Bảy năm 1937, từ một mệnh lệnh bí mật, Stalin đã phát động cuộc đại khủng bố (Great Terror), hay còn được biết đến là cuộc Đại Thanh Trừng (Great Purge) nhằm đàn áp giới bất đồng chính kiến.
Stalin kêu gọi người dân tố cáo các phần tử chống Liên Xô và nhằm mục đích loại bỏ tận gốc kẻ thù của đảng cộng sản. Lực lượng cảnh sát và đặc vụ an ninh lúc đó phải đáp ứng đủ con số bắt giữ được đặt ra cho mỗi nước cộng sản thuộc khối Soviet. Hệ thống này hoạt động mạnh nhất trong những năm 1930-1940 và được xuất khẩu qua các nước cộng sản khác.
Bi kịch “Cải cách ruộng đất” ở miền Bắc Việt Nam 1946 – 1957 dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam từ sự chỉ dẫn của ‘quan thầy’ Trung Quốc, đã khiến hàng trăm ngàn người bị oan, hàng chục ngàn người thiệt mạng, là một hình thức thanh trừng, đấu tố tương tự.
Người Nga lúc đó không chỉ tố cáo nhau nơi làm việc, xóm làng, mà thậm chí trong gia đình. Chuyện người này tố cáo người kia treo ảnh đồng chí cũ của Stalin là Trotsky trong nhà là thường xuyên. Không chỉ dừng lại ở đó, con cái cũng viết đơn tố cáo cha mẹ mình. Một trong những câu chuyện tai tiếng nhất trong lịch sử Soviet là về Pavlik Morozov, một cậu thanh niên 13 tuổi, đã tố cáo cha mình với chính quyền về tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa. Năm 1932, Pavlik Morozov bị giết. Sau đó, chế độ cộng sản Soviet đã biến cậu trở thành hình mẫu cho giới trẻ em Liên Xô vì lòng trung thành của cậu với chế độ.
Cuộc Đại Thanh Trừng đã khiến hơn 1,4 triệu người bị bắt giữ và gần một triệu người thiệt mạng. Người ta cứ ngỡ sau khi khối 15 nước của chế độ cộng sản Liên Xô đã bị sụp đổ vào cuối Tháng Mười Hai năm 1991, thì bộ máy tố cáo, đấu tố sẽ không còn đất sống. Nhưng, dư âm của những năm tháng đen tối nhất dưới sự đàn áp của Stalin vẫn đang diễn ra dưới thời “sa hoàng mới của nước Nga”, Vladimir Putin.
Theo Washington Post, một bầu không khí ghê sợ của tố cáo và đấu tố nhau đang diễn ra tại Nga. Theo cơ quan giám sát thông tin của Nga, trong sáu tháng đầu tiên của cuộc xâm lược Ukraine, người Nga đã gửi 145.000 đơn tố cáo.
Yelena Kotenochkina, một phó đại biểu trong Hội đồng quận Krasnoselsky của Moscow, đã gọi Nga là một “nhà nước độc tài phát xít” do xâm lược Ukraine trong một cuộc họp hội đồng vào tháng Tư năm ngoái. Khi những tuyên bố phản chiến của cô đến tai những đồng nghiệp, họ đã tố cáo Kotenochkina với Văn phòng Tổng Công tố và cô hiện phải đối mặt với bản án 10 năm tù. Tuy nhiên, Kotenochkina đã trốn khỏi Nga và đang nằm trong danh sách truy nã của Nga.
Chính phủ Nga đã quyết định ngừng khoe khoang về con số đấu tố này, nhưng các nhà báo tự do cho biết số vụ án hình sự liên quan đến việc đấu tố ngày càng tăng. Theo nhóm quyền hợp pháp OVD-Info, ít nhất 19.718 người Nga đã bị nhà nước bắt vì phản đối chiến tranh. Tổ chức này cũng cho biết nhiều người khác phải đối mặt với sự đe dọa hoặc quấy rối từ chính quyền, mất việc làm, hoặc bị người thân tố cáo.
Tóm lại, Vladimir Putin đã khuyến khích người dân tố cáo bất kỳ ai không ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine. Vào tháng 3 năm ngoái, Putin kêu gọi đất nước tự thanh lọc, bằng cách nhổ bỏ những kẻ phản bội. Kể từ đó, Putin đã nhiều lần đưa ra những cảnh báo đen tối về kẻ thù trong nước, tuyên bố rằng Nga đang chiến đấu vì sự sống còn của mình.
Vì thế, nhiều người Nga ra sức kiểm soát lẫn nhau. Các giáo dân tố cáo các linh mục Nga ủng hộ hòa bình thay vì ủng hộ Nga chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine. Giáo viên bị mất việc sau khi học sinh kể lại rằng họ phản đối chiến tranh. Những người hàng xóm giấu trong mình mối hận thù trong nhiều năm đã có thêm cơ hội để báo thù.
Các cuộc trò chuyện riêng tư và chốn công cộng đều có thể bị nghe lén. Các bài đăng và tin nhắn trên mạng xã hội, ngay cả trong các nhóm chat riêng, cũng trở thành bằng chứng buộc tội có thể dẫn đến việc các đặc vụ FSB phải gõ cửa. Bị bạn học cùng lớp tố cáo, Olesya Krivtsova, một nữ sinh viên 19 tuổi đến từ Arkhangelsk, đã bị truy tố tội làm mất uy tín của quân đội và bao che cho chủ nghĩa khủng bố vì lên án cuộc chiến ở Ukraine. May mắn cho cô khi kịp trốn khỏi Nga, trong lúc đang bị quản thúc tại gia.
Một bầu không khí sợ hãi và nghi ngờ lẫn nhau bao trùm mọi ngõ ngách ở Nga. Thêm vào đó, tin tức về các vụ bắt giữ và truy tố được phóng đại trên các đài truyền hình nhà nước. Andrei Kolesnikov, nhà phân tích chính trị có trụ sở tại Moscow cho biết: “Làn sóng tố cáo này là một trong những dấu hiệu của chủ nghĩa toàn trị, khi mọi người hiểu điều gì là tốt, theo quan điểm của tổng thống, và điều gì là xấu, vì vậy ‘Ai chống lại chúng tôi phải bị truy tố’.”
Cũng giống như thời Soviet, động cơ của một số lời tố cáo đến từ sự thù hận hoặc lợi ích vật chất. Nhà khoa học chính trị nổi tiếng người Nga, Ekaterina Schulmann, người có hơn một triệu người theo dõi trên YouTube và hiện đang làm việc tại Berlin, đã bị hàng xóm tố cáo dã man trong một báo cáo gửi thị trưởng Moscow sau khi bà rời khỏi đất nước vào Tháng Tư năm ngoái. Họ gọi Schulmann và gia đình cô là những phần tử “lật đổ” lâu năm, “hành động vì lợi ích của những kẻ phương Tây điều khiển, những kẻ có mục tiêu là chia rẽ xã hội của chúng ta.”
Daniil Ken, người đứng đầu Liên minh Giáo viên, cho biết có vô số vụ tố cáo trong trường học, bao gồm giáo viên tố cáo học sinh, học sinh tố cáo giáo viên, phá hoại công tác giáo dục và gieo rắc sự chia rẽ, sợ hãi, và mất niềm tin trong môi trường giáo dục.
Putin sử dụng bộ máy đấu tố thời Stalin và dùng an ninh bắt bớ tràn lan là để nhấn chìm người dân trong nỗi sợ và sự chia rẽ. Nhà phân tích chính trị Kolesnikov mô tả chế độ của Putin ngày càng độc đoán và dự đoán những năm khó khăn ở phía trước:
“Tôi chắc chắn rằng ông ấy sẽ không trở lại bình thường. Ông ấy không phải bị điên về mặt y học, nhưng ông ấy điên về mặt chính trị, giống như bất kỳ nhà độc tài nào.” |
Bầu không khí lo sợ và nghi ngờ lẫn nhau không chỉ có ở người dân Nga, mà ngay cả ở Putin. Putin đang rất lo sợ và gần như không tin tưởng ai. Ông ta biết mình đang thua. Cơn điên dại của Putin có lẽ chỉ chấm dứt khi sức chịu đựng của người Nga đã cạn kiệt.