Có lẽ không cần chần chừ gì mà khẳng định ngay, kẻ phải chịu trách nhiệm cho cái chết đầy bi thảm của nhà hoạt động Nguyễn Văn Dũng chính là nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, thông qua Bộ Công an. Dù gián tiếp hay trực tiếp, thì cái chết của Nguyễn Văn Dũng phản ánh một cách rõ ràng tội ác man rợ cũng như thủ đoạn tra tấn vô cùng tinh vi của thể chế công an trị giữa một xã hội gần như không còn khả năng phản kháng.
Nguyễn Văn Dũng là thế hệ nhà hoạt động xuất hiện trong giai đoạn thập niên 2010s, thời điểm của “những tiếng nói” phản kháng mạnh mẽ. Anh tham gia vào phong trào chống Trung cộng, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Có nhiều thông tin nói rằng, Nguyễn Văn Dũng còn là đồng quản trị của Nhật Ký Yêu Nước, một trang Facebook có tới gần 1 triệu người theo dõi (nay đã bị đổi tên thành Văn Toàn). Anh Dũng được đông đảo giới hoạt động tại Việt Nam thời kỳ đó biết đến với biệt danh là Dũng Aduku. Từ đây trở đi trong bài viết này, người viết xin gọi anh với cái tên thân thương: Dũng Aduku.
Từ hôm nhận được tin về vụ việc anh Dũng bị an ninh Phú Thọ bắt cóc từ Hà Nội đưa về tỉnh để thẩm vấn, có rất nhiều nguồn tin nhưng không có thông tin nào đủ xác thực. Tới lúc này, chỉ có bài viết của Facebooker Lý Quang Sơn là khá chi tiết. Các anh chị có thể tìm đọc bài viết đó tại đây.
Ngay từ ban đầu, khi nghe tin về vụ việc của anh Dũng, tôi và một người bạn đã ngỏ ý với vài nhà hoạt động khác, bằng cách nào đó, phải loan tin công khai về vụ bắt cóc của an ninh Phú Thọ để công luận được biết. Nhưng khi đó, chúng tôi nhận được sự phản đối vì nhiều người với quan điểm cho rằng, an ninh bắt anh Dũng Aduku đi mà không có văn bản như giấy mời hay giấy triệu tập, nghĩa là có thể được thả ra. Nếu đưa tin rầm rộ biết đâu sẽ bất lợi cho anh. Vì thế, chúng tôi dù biết, cũng không loan tin với hy vọng anh chỉ bị lôi đi làm việc một vài lần rồi về.
Trong thời gian đó, tôi vẫn liên lạcvới các bạn để hỏi thăm tin tức. Tại thời điểm đó, hai nhân chứng trực tiếp chứng kiến toàn bộ sự việc là anh Binh Nhì Nguyễn Tiến Nam và anh Thạch Vũ vì cả ba đang cùng ăn tối với nhau.
Cho tới lúc nghe tin anh Dũng Aduku được an ninh Phú Thọ thả ra sau 4 ngày tạm giữ và thẩm vấn, tôi cố gắng hỏi bạn bè để tìm cách liên lạc trực tiếp với anh nhưng không được. Tôi đã dự định sẽ cùng một số người tin cậy, sắp xếp để Dũng lánh đi một thời gian hầu giữ an toàn cho bản thân.
Rồi anh Dũng bỏ đi biệt tích, không ai có thể liên lạc được, thông tin lúc bấy giờ chỉ có được chút ít từ bài viết của Hạ Trắng cho biết anh Dũng bị công an giải đi. Rồi cho tới lúc người dân tìm thấy xác anh Dũng nổi lên, dạt vào một bờ sông ở Ba Vì. Như vậy là anh Dũng đã chết thật. Tiếc thương cho một người anh, nhưng nếu không nhìn vào thực tế vụ việc để xem ai là kẻ đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cái chết này, chúng ta sẽ còn phải đau thương nữa trong tương lai.
Trong bài viết của Lý Quang Sơn (mà tới nay có lẽ là bài viết chi tiết nhất), chúng ta sẽ thấy, việc anh Dũng bỏ nhà ra đi và chọn/ bị nạn, chỉ xảy ra sau lúc anh ấy được thả ra từ công an Phú Thọ. “Ngày 23, 24, 25/4, mỗi ngày mấy aanh em đều nhờ bố vợ anh Dũng hỏi thăm mẹ ruột anh Dũng xem anh Dũng được về chưa, thì đều nhận được tin rằng an ninh vẫn đang làm việc với Dũng. Tối 26/4, Thạch Vũ sốt ruột quá nên gọi cho viên an ninh bộ kể ở trên để hỏi về tình hình Dũng. Viên an ninh bộ (Công an- pv) nói rằng Dũng đã được thả ra và không có khởi tố gì như đã hứa. Khi biết thông tin như vậy thì tôi bảo với Thạch Vũ, ngay sáng mai (thứ 7, 27/4) thì mình nên lên Phú Thọ đưa xe gắn máy cho anh Dũng và hỏi thăm xem tinh thần anh ấy thế nào.”- trích Bài viết Lý Quang Sơn.
Vậy cứ cho là anh Dũng chọn tìm đến cái chết, thì điều gì khủng khiếp đã xảy ra trước đó khiến anh Dũng phải chọn cách này?
Nếu theo dõi tình hình nhân quyền ở Việt Nam, mọi người sẽ biết nhà hoạt động Nguyễn Văn Dũng từng phải ngồi tù vào năm 2013 trong một vụ án mà anh em tranh đấu tại Hà Nội đều tin rằng do công an giàn dựng. Ra tù, Dũng Aduku từng nói với tôi rằng “đó là một vụ án chẳng mấy hay ho”. Sau khi ra tù, anh đã gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên mà có lẽ ai đã từng cất lên tiếng nói cho dân chủ-nhân quyền ở Việt Nam đều gặp phải đó là bị công an triệt hạ về kinh tế, gây khó khăn trong việc mưu sinh.
Với Dũng Aduku, anh còn gặp phải sự thiếu bao dung ở một số người từng chung chí hướng. Người ta biết Dũng bị an ninh gày bẫy, nhưng vẫn né tránh anh. Dũng Aduku đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn và cả những dằn vặt về tinh thần. Anh không thể xin việc làm, hoặc phải thay đổi công việc thường xuyên, bị cô lập bởi chính người thân và một vài người bạn cũ. Nhưng anh vẫn đứng vững và mạnh mẽ, ít nhất là dưới con mắt của một số bạn bè, những người luôn yêu quý và hiểu Dũng, giữ mối thâm tình với anh trong nhiều năm
Bao nhiêu khó khăn, áp lực bủa vây như thế nhưng anh vẫn lạc quan và ngọn lửa khát khao cống hiến cho tự do của Việt Nam chưa bao giờ nguội lạnh. Nhưng chỉ 4 bị giam giữ, bịcông an khủng bố, thẩm vấn rồi được thả, Dũng đã quyết định bỏ đi trong im lặng. Để rồi vài ngày sau đó gia đình hay tin anh đã chết thảm và xác đang phơi trên bờ sông.
Vậy, hẳn là trong 4 ngày bị tạm giữ đó, lực lượng an ninh đã tra tấn tinh thần hoặc dùng thủ đoạn nào đó ngoài khả năng chịu đựng của một con người mạnh mẽ, mới dẫn đến kết cục như vậy. Nên nhớ, thời điểm xảy ra các cuộc biểu tình chống Tàu cộng xâm lược, hoặc chống Formosa, Dũng Aduku từng nhiều lần bị bắt, bị đánh đập tàn tệ nhưng anh vẫn điềm tĩnh và không bao giờ tỏ ra sợ hãi.
Trong quá khứ, chúng ta không lạ lẫm gì các thủ đoạn đê hèn, làm nhục giới hoạt động của cơ quan an ninh. Điển hình như luật sư Nguyễn Văn Đài, từng bị lột quần áo ném ra bãi biển ở Nghệ An; Mục sư Nguyễn Trung Tôn từng bị lột quần áo ném vào rừng sâu; Nhà hoạt động Trương Minh Tam thì từng bị chụp hình quay phim nhằm bôi xấu về bản dạng giới khiến anh phải chọn im lặng đi tị nạn… Những vụ việc trước đó, đều nhằm mục đích triệt hạ ý chí đấu tranh của giới hoạt động.
Anh Dũng chọn bỏ đi và để lại lời nhắn sau cùng của cuộc đời mình không phải bởi khó khăn của cuộc sống mà anh phải gánh chịu. Trong 4 ngày trong vòng vây của bầy quỷ dữ, cơ quan an ninh Phú Thọ đã làm gì? Chính họ phải chịu trách nhiệm dù là gián tiếp hay trực tiếp trước cái chết của Dũng Aduku.
Khi bàn về việc đưa tin cái chết của anh Dũng, nhiều người nói rằng cần phải chờ xác minh gia đình và tôn trọng ý kiến của họ, xem họ có muốn đưa tin hay không? Chờ xác minh thì tôi đồng ý, nhưng im lặng vì tôn trọng gia đình ư? Xin lỗi quý vị, trong một số tình huống chúng ta không thể máy móc. Bởi người chết là đồng đội, người cùng lý tưởng của chúng ta. Tôn trọng gia đình, vậy khi còn sống, gia đình có tôn trọng chí hướng và lựa chọn của Dũng không? Bạn bè trong giới hoạt động của Dũng hẳn là người có câu trả lời rõ ràng nhất. Ít người có được sự hưởng ứng, cảm thông từ gia đình cho việc dấn thân của mình.
Nếu chuyện này xảy ra với những người hoạt động cộng sản xưa kia, hẳn các cơ quan tuyên truyền của cộng sản đã đòi giới cai trị thực dân phải chịu trách nhiệm. Vậy nên, chúng ta phải chỉ mặt đặt tên đúng kẻ thủ ác, chính Bộ Công an chứ chẳng ai khác. Bởi an ninh của Việt Nam không phải là kẻ ngoại bang nào như Pháp, Nhật, Mỹ…họ cũng chẳng giết người giữa thanh thiên bạch nhật. Nhưng họ là những kẻ sát nhân âm thầm, họ không giết người bằng dao, bằng súng đạn. An ninh giết người bằng mánh khoé, thủ đoạn, mưu mô hiểm độc. Và họ đang nắm trong tay nguồn lực quốc gia khổng lồ, họ có thể làm bất cứ điều gì hiểm độc, bất cứ thủ đoạn gì với giới hoạt động cô đơn.
Qua sự việc của anh Dũng, cũng là thêm một lời cảnh tỉnh cho những ai còn ngây thơ tin vào lời hứa của an ninh-công an. Bởi bộ máy đó sinh ra trên đời này không phải để bảo vệ công dân Việt Nam! Họ chỉ bảo vệ chế độ, bảo vệ đảng, bảo vệ quyền lợi của những bọn lãnh đạo tham tàn.