Biden sẽ thừa kế các liên minh châu Á-Thái Bình Dương vững mạnh

Tân tổng thống sẽ không phải làm việc cật lực để sửa chữa các mối quan hệ đối tác của Mỹ

Derek Grossman (*)

Một điệp khúc phổ thông từ chính phủ Biden là các liên minh và đối tác của Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương đã bị teo tóp trong bốn năm dưới sự quản lý sai lầm của chính quyền Trump.

Antony Blinken, người được đề cử làm Bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ Biden, đã nói hồi tháng Bảy: “Chúng ta cần vận động các đồng minh và đối tác thay vì làm họ xa lánh” trong việc ứng phó với Trung Quốc.  Tổng thống đắc cử Joe Biden đã than phiền rằng Tổng thống Donald Trump “đã coi nhẹ, xói mòn và trong một số trường hợp đã từ bỏ các đồng minh và đối tác của Mỹ”.

Việc rút lui của ông Trump khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và các vụ đe dọa chiến tranh thương mại của ông ta chắc chắn đã không làm nâng cao uy tín của Washington ở khu vực này. Việc ông ta đặt nghi vấn liệu Nhật Bản và Nam Hàn có trả đủ tiền để đáng liên minh hay không cũng gây rắc rối. Và chắc chắn có thể nêu lên nhiều ví dụ khác nữa.

Tuy nhiên, xét về tổng thể, chính quyền Biden sẽ ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng các liên minh và quan hệ đối tác của Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương đang trong tình trạng tốt; đây là kết quả của sự đồng thuận ngày càng tăng trước mối đe dọa sinh tử về an ninh và kinh tế mà Trung Quốc đặt ra. Nỗi lo sợ của khu vực thường mang lại lợi ích cho Washington, và trong nhiều trường hợp nó giúp cho Mỹ trở thành đối tác được lựa chọn. Điều đó cho thấy chính quyền Biden sẽ không phải làm việc cật lực để sửa chữa các liên minh và quan hệ đối tác của Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Trong số năm quốc gia đồng minh có hiệp định chính thức với Mỹ – gồm Úc, Nhật Bản, Philippines, Nam Hàn và Thái Lan – bốn đồng minh được coi là tương đối vững mạnh và quan hệ đồng minh được củng cố nhờ mối đe dọa từ Trung Quốc.

Quan hệ giữa Úc và Trung Quốc đã lao xuống vực theo sau việc Canberra ủng hộ Hồng Kông, lên án các hoạt động gây ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc ở Úc, va chạm về thương mại và việc Bắc Kinh tung ra hình ảnh bị sửa đổi được cho là của một người lính Úc đe dọa giết một em bé ở Afghanistan. Hồi tháng 7, Bộ Quốc phòng Úc đã công bố bản cập nhật chiến lược quốc phòng và kế hoạch cơ cấu lực lượng nhằm chống lại Trung Quốc.

Liên minh Mỹ-Nhật được cho là mạnh nhất trong lịch sử. Tokyo thường xuyên ủng hộ các mục tiêu của Mỹ giữ cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở và tham gia các cuộc tập trận chung ở các vùng biển tranh chấp. Nhật Bản đã theo dõi sát Trung Quốc tại quần đảo Senkaku hiện do Nhật quản lý nhưng bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và gọi là đảo Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông trong nhiều năm. Và Thủ tướng mới của Nhật Bản, Yoshihide Suga, có kế hoạch tiếp tục ưu tiên và tăng cường liên minh Nhật-Mỹ. Ông Suga dự tính đến thăm Washington để gặp ông Biden vào tháng Hai này.

Bất chấp việc chống Mỹ và ủng hộ Trung Quốc, Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines gần đây đã thể hiện ý định bám víu vào Washington.  Hồi tháng Mười Một, ông Duterte cho phép quân đội Mỹ tiếp tục tự do ra vào và di chuyển khắp đất nước, trái ngược với các động tác trước đó đòi chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng Mỹ-Philippines. Khi công bố quyết định này, Ngoại trưởng Philippines Teddy Locsin lập luận vì “sự rõ ràng và sức mạnh” trước những hành động gây bất ổn của Trung Quốc ở Biển Đông.  Ngay cả ông Duterte, trong một bài diễn văn trước Liên hiệp quốc vào tháng Chín năm ngoái, đã bác bỏ những nỗ lực của Trung Quốc nhằm phá hoại phán quyết năm 2016 về lãnh thổ của Manila ở Biển Đông.

Nam Hàn dưới thời Tổng thống Moon Jae-in là nước ủng hộ nhiệt tình cho chính sách ngoại giao thượng đỉnh với Bắc Hàn của ông Trump, và do đó đã bỏ qua những căng thẳng liên quan đến việc chia sẻ gánh nặng tài chính.  Ông Moon có thể muốn bao gồm Trung Quốc trong những cuộc ràng buộc này, nhưng có lẽ ông vẫn cảnh giác ý định của Bắc Kinh sau đòn trả đũa kinh tế đối với việc Seoul triển khai hệ thống chống tên lửa THAAD.

Thái Lan là đồng minh duy nhất của Mỹ trượt vào quỹ đạo của Trung Quốc, chủ yếu là do thiếu các mục tiêu chung hoặc không có tranh chấp lớn với Trung Quốc.

Ngoài các liên minh, Mỹ cũng có thành công với các đối tác.  Đáng chú ý nhất là Mỹ và Ấn Độ đã khởi xướng cuộc đối thoại cấp bộ trưởng hai cộng hai dẫn đến nhiều thỏa thuận an ninh. Đài Loan là một điểm sáng khác sau một số dự luật ủng hộ Đài Loan được Quốc hội thông qua, các chuyến thăm chính thức cấp cao của Mỹ và việc thể chế hóa các gói mua bán vũ khí lớn. Mỹ cũng đã làm rất tốt với Việt Nam. Ông Trump đã đến Việt Nam hai lần – một lần dự hội nghị thượng đỉnh Bắc Triều Tiên lần thứ hai – và Hà Nội hài lòng thấy Hoa Kỳ đang chống lại cuộc xâm lược trên biển của Trung Quốc cũng như các dự án xây dựng đập của họ trên thượng nguồn sông Me kông.

Mỹ cũng cạnh tranh về mặt ngoại giao ở những nơi khác. Indonesia chẳng hạn đã tham gia vào các dự án Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc, nhưng lại lo lắng về ý đồ của Bắc Kinh trên Biển Natuna.  Đảo quốc Maldives gần đây hoan nghênh việc mở đại sứ quán Mỹ và trong khi Ngoại trưởng Mike Pompeo thăm Sri Lanka, Colombo khẳng định tầm quan trọng của việc “duy trì tự do hàng hải trên các vùng biển và không phận của chúng ta” – một cái gật đầu trực tiếp với Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương chiến lược.  Các đối tác quan trọng khác, chẳng hạn như Singapore và Malaysia, vẫn thân thiện với Mỹ ngay cả khi họ duy trì quan hệ sâu sắc với Trung Quốc.

Cuối cùng, tại Châu Đại Dương, Hoa Kỳ đã củng cố các mối quan hệ đặc biệt của mình với các Quốc gia Liên kết Tự do (FAS) – gồm quần đảo Marshall, Micronesia và Palau – cung cấp cho quân đội Hoa Kỳ quyền tiếp cận độc quyền quan trọng cho phép quân đội Mỹ tiến hành các chiến dịch chống lại Trung Quốc trong tương lai.  Lần đầu tiên trong lịch sử, ông Trump đã mời cả ba nhà lãnh đạo FAS tới Nhà Trắng, và các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao đã lần lượt đến thăm Micronesia và Palau lần đầu tiên. Vào tháng 9, Palau đề nghị cho lực lượng không quân Hoa Kỳ đóng căn cứ trong khi New Zealand ngày càng trở nên lo lắng về hành vi của Trung Quốc, cả ở Úc và các đảo ở Thái Bình Dương.

Về mặt đa phương, Hoa Kỳ đã có lúc gặp khó khăn. Chính quyền Trump đã không cử đủ đại diện cấp cao tới các sự kiện quan trọng như Diễn đàn Khu vực ASEAN và Hội nghị Cấp cao Đông Á – những quyết định khiến các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tức giận. Tuy nhiên, Washington cũng có thể khẳng định một số thành công.  Đáng chú ý là vào tháng Mười, những người tham gia Nhóm Quad – Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ – đã gặp nhau trong cuộc họp bộ trưởng lần đầu tiên ở Tokyo để nhấn mạnh quyết tâm tập thể của họ cùng nhau đối phó các thách thức ở Ấn Độ  – Thái Bình Dương.

Chắc chắn còn nhiều việc ở phía trước khi Mỹ bắt tay vào chương tiếp theo của cuộc cạnh tranh chống lại Trung Quốc trên khắp Ấn Độ – Thái Bình Dương. Nhưng tin tốt là chính quyền Biden sắp tới có khả năng sẽ kế thừa các liên minh và quan hệ đối tác đang ở trong tình trạng tốt hơn nhiều so với những gì nhìn thấy bề ngoài.

(*) Derek Grossman là phân tích gia quốc phòng cao cấp của tổ chức phi đảng phái, phi lợi nhuận Rand Corporation. Trước đây ông ta từng làm cố vấn tình báo ở Ngũ Giác Đài

H.C. lược dịch – Nguồn: Biden will inherit healthy Indo-Pacific alliances

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: