Chế độ độc tài hủy hoại nhân tính

Tranh: DAD

Trên thế giới này cái ác ở đâu cũng có. Ngoài những vụ cướp, giết, hiếp thông thường vì dục vọng thuần túy bản năng động vật của con người, cái Ác trở nên nguy hiểm hơn khi nhân danh niềm tin tôn giáo, chính trị, lý tưởng, hay bảo vệ quyền lực của một thể chế chính trị. 

Ở một quốc gia độc tài toàn trị như Việt Nam, nhân danh bảo vệ sự ổn định chính trị, bảo vệ chế độ, nhà nước cộng sản đã thi hành vô số những chính sách tàn ác đối với người dân trong suốt hơn bảy thập kỷ qua. Lịch sử sau này sẽ còn ghi lại những trang sử đẫm máu và nước mắt ấy, cả trong thời chiến lẫn thời bình.

Nhưng điều đáng nói hơn là không chỉ nhà cầm quyền tàn ác khi đã tước đoạt mọi cái quyền cơ bản nhất của người dân từ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do biểu tình, tự do tôn giáo, tự do bầu cử ứng cử, cho tới quyền con người bị chà đạp nặng nề; không chỉ nhà cầm quyền tàn ác khi bóc lột người dân bằng đủ mọi thứ thuế, phí, ngược lại người dân không được hưởng gì cả từ đồng tiền thuế mà mình đã đổ mồ hôi nước mắt đóng góp, y tế giáo dục mọi thứ đều phải trả tiền, không có một hệ thống an sinh xã hội để hỗ trợ cho trẻ em, người già, người tàn tật, người không có khả năng lao động bình thường, người thất nghiệp v.v…

Mà nhiều người dân sống trong chế độ đó, trong môi trường xã hội đó cũng bị ảnh hưởng theo, trở nên vô cảm, tàn ác với đồng loại một cách không thể tưởng tượng.

Cái ác ở đâu cũng có, nhưng ở Việt Nam, cái ác có thể xảy ra ở khắp mọi nơi, mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực, ở những con người bình thường nhất, trong những hành vi đời thường nhất.

Nữ sinh đánh nhau. Ảnh: tienphong.vn

Sự vô cảm, ác độc có thể xảy ra ngay trong lứa tuổi học sinh lẽ ra rất hiền hòa, ngây thơ, trong sáng. Chẳng hạn, dư luận đã từng phải nhiều lần lên tiếng báo động về hiện tượng các nữ sinh đánh nhau tàn tệ rồi quay thành video trong lúc có những em học sinh khác thản nhiên chứng kiến, không can thiệp! 

Sự độc ác bộc lộ ngay ở những người mà xã hội vẫn xem là những biểu tượng của lòng nhân từ, do nghề nghiệp và thiên chức của họ, ví dụ như nhà giáo, những cô bảo mẫu ở nhà trẻ, mầm non… qua rất nhiều vụ bảo mẫu, người giữ trẻ, cô giáo mầm non đánh đập, bạo hành trẻ dẫn đến tử vong. Ở bậc trung học thì lại thấy có những chuyện chửi mắng, xúc phạm học sinh bằng những lời lẽ nặng nề khiến học sinh chịu không nồi tự tử, có thể vào google research cụm từ “bị thầy cô giáo mắng học sinh nhảy lầu, nhảy cầu tự tử” sẽ cho ra hàng loạt kết quả,  

Sự vô cảm, độc ác diễn ra ở một số người vốn làm một cái nghề rất được tôn trọng khác là thầy thuốc, cán bộ nhân viên y tế với biết bao nhiêu vụ scandal về y đức lẫn chuyên môn hay nạn tham nhũng trong ngành y trong những năm qua. 

Sự độc ác diễn ra ở cả một số phóng viên, nhà báo khi vì tiền họ có thể viết những bài ca ngợi một sản phẩm “đểu” như test kit của Việt Á với những từ ngữ bốc lên tận mây xanh trước khi vụ việc bị khui ra (mà toàn là báo “lớn” của đảng, của nhà nước như báo Điện tử chính phủ, báo Nhân Dân, báo Quân đội Nhân dân…), hoặc sẵn sàng viết bài ca ngợi những quan tham, doanh nhân tư bản đỏ hết lời bất chấp những người này làm giàu hay đi lên bằng con đường nào, và cuối cùng là bị bắt vì tội hối lộ, làm ăn xảo trá hay tham nhũng. 

Vì làm theo chỉ thị của đảng, là “công cụ” (hay vũ khí) của đảng, trong mọi vụ án có yếu tố chính trị hay tôn giáo, báo chí quốc doanh luôn luôn đưa tin một chiều theo chỉ thị của nhà nước và những thông tin của phía công an đưa ra. Công an, chính quyền, luật pháp, truyền thông phối hợp cùng nhau vừa kết án nạn nhân về mặt luật pháp, đưa họ vào tù với những bản án phi nhân phi lý, vừa giết luôn danh dự, nhân phẩm của họ, như vụ án Đồng Tâm hay Thiền Am Bên Bờ Vũ trụ mới đây chẳng hạn. 

Sự độc ác diễn ra trong một số nghệ sĩ, nhà văn nhà thơ khi có thể viết ra những tác phẩm bóp méo lịch sử, đổi trắng thay đen để làm vừa lòng ban kiểm duyệt, ban tuyên giáo và được yên thân…

Bé Vân An 8 tuổi chết vì cha và “mẹ kế” đánh đập

Còn giới công an? Chỉ cần vào google gõ “công an đánh dân”, “công an đánh chết người” sẽ cho ra hàng loạt kết quả. Rất nhiều khi công an đánh người đến thương tật nặng nề, hoặc tử vong, chỉ vì những tội rất nhỏ như quên đội mũ bảo hiểm chẳng hạn. Có những trường hợp nạn nhân bị đưa về đồn thẩm vấn rồi bị dùng nhục hình đến chết chỉ trong một thời gian ngắn.

Có thể nói thẳng rằng ở Việt Nam bây giờ, hình ảnh các “công an nhân dân” đã trở thành những hung thần của nhân dân, chỉ biết tuân theo lệnh Đảng và sẵn sàng chà đạp lên luật pháp, nhân quyền, coi tính mạng nhân dân chả ra gì. Và khi xảy ra chết người thì việc xử lý thường rất qua loa, người dân cứ việc đi kiện, cứ việc dài cổ mà chờ công lý được thực thi! Ngay cả trong môi trường quân đội, kỷ luật nghiêm minh, gần đây cũng xảy ra những cái chết đầy khuất tất của các quân nhân do bị bạo hành. 

Sự độc ác xảy ra ở cả một số người thuộc tầng lớp trí thức, có ăn có học, như người dì ghẻ và cả người cha của cô bé V.A. 8 tuổi đã hành hạ, đánh đập dã man bé suốt một thời gian dài cho tới hôm cuối cùng, đánh đập suốt bốn tiếng dẫn đến việc cô bé bị tử vong. Người dì ghẻ này thường xuyên lên mạng nói chuyện đạo lý, nhưng ngoài đời thì lại nhẫn tâm hành hạ một cô bé như vậy.
Cái ác diễn ra dưới mọi hình thức.

Làm ăn cẩu thả, vô trách nhiệm dẫn đến sập cầu, sập nhà, sụp hố trên đường… gây chết người; gây ô nhiễm môi trường từ thức ăn đến nguồn nước, không khí… dẫn đến những cái chết từ từ vì các loại bệnh tật; phá rừng, không có kế hoạch trong việc xây bừa bãi các công trình thủy điện, rồi lại xả lũ vô trách nhiệm…làm lũ lụt ngày càng nặng, những công trình hủy hoại môi trường thiên nhiên, như khai thác boxit ở Tây Nguyên, nhà máy Formosa làm ô nhiễm biển, nhà máy nhiệt điện…

Hay tội ác từ bao nhiêu vụ án tham nhũng, với mức độ ngày càng quy mô, và mức gây hại cũng ngày càng nghiêm trọng trong những năm qua. Tham nhũng, là một trong những tội ác lớn khi những kẻ tham nhũng đã vơ vét tài sản công thành riêng, đã gây lãng phí thất thoát nguồn tài nguyên, tài chính của đất nước nhân dân, làm nghèo đất nước, làm tha hóa đạo đức xã hội, để lại những sản phẩm tồi, những công trình thảm họa và những món nợ nặng nề cho các thế hệ tương lai. 

Đại án Việt Á

Trong những vụ như đại án Việt Á thì những kẻ gây án càng chứng tỏ sự tàn ác khi nhẫn tâm làm tiền trên sự khốn khó của người dân cả nước trong những ngày đại dịch. Và đáng nói hơn, việc lôi người dân ra xét nghiệm đại trà còn có thể làm lây nhiễm chéo, khiến người không bị nhiễm lại hóa thành nhiễm…

Rõ ràng chế độ độc tài không chỉ kéo lùi một quốc gia về nhiều mặt mà còn hủy hoại văn hóa, nhân tính của con người. Khi một xã hội mà cái ác diễn ra từ thấp đến cao, từ nhẹ đến cực kỳ nghiêm trọng, diễn ra dưới mọi hình thức, trong mọi lĩnh vực, với mọi con người bình thường nhất, mọi hành vi bình thường nhất và trở thành chuyện thường ngày trong mắt đám đông, thì xã hội ấy thực sự đang đi đến chỗ tự hủy hoại. Câu hỏi là vì sao xã hội Việt Nam lại có thể trở thành như vậy?

Trong một xã hội, cái ác của con người thường sẽ được kìm giữ, điều chỉnh bởi ba yếu tố: Luật pháp công bằng, giáo dục nhân bản, niềm tin vào tôn giáo. Trong cả ba điều trên xã hội Việt Nam dưới chế độ độc tài toàn trị do đảng cộng sản lãnh đạo đều thiếu vắng. Luật pháp hoàn toàn nằm trong tay nhà cầm quyền và trong tay những kẻ mạnh vì lực, vì tiền. 

Một nền giáo dục lạc hậu, nhồi nhét, chạy theo thành tích, dạy để lấy bằng, học để lấy bằng, ra đi kiếm tiền kiếm ghế kiếm chỗ đứng trong xã hội chứ không phải dạy và học để trở thành những Con Người tự do, có đầu óc phản biện, có tư duy độc lập, những công dân đầy trách nhiệm của xã hội, biết quan tâm đến vận mệnh đất nước và những vấn đề chung cùa nhân loại, tôn trọng và ủng hộ những giá trị nhân văn tốt đẹp. 

Còn tôn giáo, ở Việt Nam tôn giáo không thể phát triển một cách tự do, lành mạnh, đúng hướng mà hoặc là bị kìm hãm, đàn áp hoặc trở thành công cụ trong tay nhà cầm quyền. Chẳng hạn như Phật giáo là tôn giáo lớn nhất ở Việt Nam, bao nhiêu ngôi chùa mọc lên nguy nga hoành tráng, nhưng hoạt động thì nhiều khi bị biến tướng trở thành mê tín dị đoan, nhiều nhà sư sống một cuộc đời hết sức phong lưu, thậm chí sa đọa, mở miệng ra nói toàn những lời lẽ vô minh, sân si, xa lạ với tinh thần Phật pháp, với người tu hành. 

Trong một xã hội như vậy cái ác khó mà được kìm giữ, uốn nắn, ngược lại càng phát triển. 

Từ bỏ mô hình thể chế chính trị độc tài, chính vì vậy, không chỉ là cứu vãn đất nước, mà còn cứu vãn văn hóa, nhân tính con người Việt Nam. 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: