Chiếc lư hương Đức Thánh Trần – “Trời còn để có hôm nay…”

Chiếc lư hương bị dời đi khỏi tượng đài Đức Thánh Trần từ ngày 17 Tháng Hai 2019. Cũng ngần ấy thời gian, nhiều sóng gió xảy ra với TPHCM, khiến người ta càng dồn sự chú ý vào chiếc lư kia. Nhiều chiếc ghế quan trọng bất ngờ bị rời đi như chiếc lư kia vậy.

Ngay từ khi chiếc lư hương bị chuyển đi, dân chúng Sài Gòn đã không ngớt phản ứng, dù một số nhà văn hóa, nhà khoa học cố gắng giải thích tượng đài không phải chỗ thờ cúng thắp nhang.

Nhưng khi dân chúng thấy tượng Thánh không chỉ là tượng đài và chiếc lư là vật thiêng thì đó chính là tâm thức cộng đồng kết nên sự linh thiêng ấy. Hương khói cũng chỉ là hương khói, nhưng một khi nó được thắp lên trước dòng chữ “Phen này nếu ta không phá xong giặc Nguyên, thề không bao giờ trở lại khúc sông này nữa”, thì lại là một tâm thức cộng đồng hoàn toàn khác.

Đây cũng gọi là nhất thiết duy tâm tạo. Và vì thế người xưa mới nói “để hòn đất, cất ông Bụt”. Để thì tùy tiện, nhưng cất thì tôn kính. Hai hành động của hai tâm thức khác nhau, tùy ta chọn cho các ứng xử xã hội vậy.

Rõ ràng, chúng ta sống trong vô vàn tâm thức và cảnh giới khác nhau. Cái anh cho là thiêng thì tôi không thấy thiêng. Và ngược lại. Điều đó là bình thường, nhưng không vì bình thường mà tôi đạp đổ bàn thờ linh thiêng của anh. Cho nên con người mới có tâm thức văn hóa, tâm thức tổ tiên, tâm thức nguồn đạo, tâm thức dân tộc, tâm thức thời đại…

Tứ Thánh địa của Phật giáo cũng chỉ là vật chất gỗ đá gạch. Nó có thể tự nhiên biến mất bằng động đất, lũ lụt… Nhưng chính quyền nào thử phá hủy nó xem. Bởi chính hành động phá hủy có thể khởi nguồn cho những tai ương bất ổn xã hội trầm trọng.

Nhìn vào nhân quả là nhìn vào tương quan tâm thức xã hội ấy. Có những thứ giáo lý Phật giáo, Công giáo đi vào vùng văn hóa này phải uyển chuyển dung hóa. Cho nên pháp Phật mới có cao thấp, mới tùy xứ, tùy thời, tùy căn cơ mà thể hiện.

Chiếc lư hương khi chưa bị dời đi (ảnh chụp ngày 28 Tháng Tám 2006 – Chau Doan/LightRocket/Getty Images)

Vì sao thời kỳ đầu tăng đoàn duy trì hình thức truyền y bát. Cái y cái bát kia thì giác ngộ thế nào được cho ai, nếu nó giác ngộ được cho chúng sinh thì chỉ cần cho mỗi người ôm một cái là chứng quả khỏi cần nhọc lòng giảng giải tu tập làm chi. Nhưng nó là y cứ cho giải thoát, vì thế sư tăng mới phải cạo đầu, khoác y… Y bát Phật truyền dù vô tri nhưng là tướng của giải thoát. Và vì thế mới nói y phục xứng kỳ đức.

Xin đừng ban phép màu một cách vội vàng cho chiếc lư hương của Đức Thánh Trần, nhưng chỗ nào đã là bàn thờ thì đừng nên xâm phạm. Nếu dân Việt mỗi người còn có một chỗ linh thiêng cất giữ trong lòng, thì e gì mọi sự không phải linh tại ngã bất linh tại ngã. Tâm chuyển thì cảnh sẽ chuyển theo thôi. Họa hay phúc cũng vậy, đều ở nơi tâm này mà ra cả.

Chúng ta đang sống ở cõi người, lại sống ngay cạnh người hàng xóm bất hảo mà chúng ta còn nơm nớp lo âu, huống gì cõi tam giới này có trời, thần, quỷ, Càn thát bà, A tu la, Dạ xoa, Ma hầu la già, phi nhân… cùng cộng nghiệp sinh sống. Cái chúng ta không thấy không có nghĩa nó không có, bởi trời đất con người, núi sông vạn vật đều là Phật tính-Pháp tính bao trùm. Thấy Phật là thấy tương quan của vạn pháp không tách rời ấy.

Chiếc lư hương có thiêng không còn xem cách người ta “để” hay “cất” nó thế nào. Nhưng chuyện “vật về chủ cũ”, chẳng phải cũng là chuyện mừng “trời còn để có hôm nay, tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” hay sao ạ?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: