Sau nhiều tháng đấu tranh, liên minh Covax do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn sắp có thêm nhiều liều vaccine, hứa hẹn giải quyết tình trạng thiếu vaccine ở các nước nghèo. Tuy nhiên, Covax hiện đối mặt với một cuộc khủng hoảng sâu sắc: Nhiều khó khăn xuất hiện trong hoạt động tiêm chủng khi biến thể Delta ngày càng lan rộng.
Vaccine xuống được đường băng phi trường không có nghĩa là sẽ đến tay mọi người!
Số ca tử vong do Covid-19 đang tăng khắp châu Phi vào Tháng Sáu khi 100,000 liều vaccine Pfizer-BioNTech đến Cộng hòa Chad. Việc chuyển giao dường như là bằng chứng cho thấy chương trình tiêm chủng nhằm đạt miễn dịch cộng đồng trên toàn thế giới do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn sẽ mang đến các loại vaccine mong muốn nhất cho những quốc gia kém phát triển nhất. Tuy nhiên, “kỳ vọng không giống hiện thực”. Năm tuần sau đó, Bộ trưởng Y tế Chad cho biết 94,000 liều vaccine vẫn chưa được sử dụng!
Cách không xa, ở đất nước Benin, cũng chỉ có 267 liều được tiêm mỗi ngày! Tốc độ tiêm chậm đến mức 110,000 liều AstraZeneca do Covax cung cấp trở thành… rác vì hết hạn! Thực tế trên khắp châu Phi, một chương trình bí mật theo dõi ít nhất chín quốc gia từ Tháng Bảy tiết lộ “có nguy cơ rất cao một lượng lớn vaccine dành cho người nghèo bị hỏng trong mùa hè này”. Việc lưu trữ vaccine nhưng không sử dụng được là minh họa rõ nhất của một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà Covax đang đối mặt (sau khi chương trình cố khắc phục những sai lầm và làm nhẹ sự thất vọng): Vaccine xuống được đường băng không có nghĩa là sẽ đến tay mọi người!
Được xem là “liên minh quyền lực vaccine mang tính toàn cầu” gồm các tổ chức y tế và tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, Covax trị giá hàng tỉ Mỹ kim ra đời nhằm tăng sức mua vaccine để các nước nghèo cũng nhận được vaccine nhanh như các nước giàu. Nhưng thực tế và mục tiêu còn khoảng cách khá xa. Covax từ lúc ra đời đã phải chật vật để có được những nguồn vaccine thỏa đáng. Một lý do là kinh phí còn thiếu hàng tỉ Mỹ kim so với kế hoạch. Hệ quả là, các nước nghèo hoàn toàn không được bảo vệ thích đáng ngay cả trước khi biến thể Delta lan tràn. Ý định tốt đẹp ngăn chặn coronavirus của Covax hầu như chưa đạt được.
Các chuyên viên cảnh báo, nếu không có tiêm hàng tỉ cho người, các biến thể coronavirus khác sẽ tiếp tục xuất hiện, đưa tất cả quốc gia trên thế giới vào vòng nguy hiểm trong một cuộc chiến mà loài người luôn ở trong vị thế bám đuổi. Hiện đã có nhiều nguồn cung cấp hơn, đặc biệt là từ chính quyền Biden, với 500 triệu liều Pfizer tự mua nhưng không tự phân phối mà thông qua Covax. Mỹ vẫn là “trung tâm cam kết hiến tặng” của các nền dân chủ giàu có. Số vaccine trên sẽ được vận chuyển trong Tháng Tám. Khoản hứa đóng góp $3.5 tỉ của Mỹ trong bản ghi nhớ từ cuộc họp giữa Covax và các quan chức Mỹ gồm cả việc chuyển số vaccine trị giá hàng trăm triệu đôla để giúp hoạt động tiêm chủng ở các nước nghèo được suôn sẻ.
Liệu Covax có thể vượt qua những sai lầm?
Một câu hỏi quan trọng được đặt ra: liệu chương trình có thể vượt qua những sai lầm đang có và cân bằng được “quyền lực vaccine” mà các quốc gia giàu có và các công ty dược phẩm đang giữ thế thượng phong? Ví dụ, việc Pfizer không thỏa thuận trực tiếp với Covax mà đạt được thỏa thuận riêng với chính quyền Biden để bán vaccine cho chương trình, gây tổn hại đến uy tín của Covax trong tư cách là “người mua vaccine độc lập”. Chưa hết, Covax còn
lúng túng, chậm trễ trong nhiều khâu và cả đấu đá nội bộ. Theo các cuộc phỏng vấn và thông tin rò rỉ từ Covax, chính các rào cản quan liêu do ban lãnh đạo áp đặt đã khiến việc giải ngân $220 triệu để giúp các quốc gia nghèo đưa vaccine đến người dân bị cản trở.
163 triệu liều mà Covax đã phân phối (hầu hết miễn phí cho các quốc gia nghèo hơn và một phần cho các quốc gia giàu, có trả tiền như Canada) còn kém xa kế hoạch tối thiểu 640 triệu liều. Theo các tài liệu mật của Covax, tính đến đầu Tháng 7, có đến 22 quốc gia (một số có số người tử vong cao) đã dùng ít hoặc hoàn toàn không dùng hết liều lượng vaccine nhận từ chương trình!
Ra đời đúng thời điểm và khác biệt giàu nghèo
Trong những tháng đầu năm 2020, các chuyên gia y tế đã lên chiến lược về cách tiêm chủng công bằng cho toàn thế giới. Covax là câu trả lời. Đây là tập hợp hai tổ chức phi lợi nhuận do Gates tài trợ (Gavi và Liên minh Đổi mới Chuẩn bị sẵn sàng Dịch bệnh-CEPI), Tổ chức y tế thế giới (WHO) và UNICEF. Covax hy vọng sớm trở thành nhà mua vaccine lớn nhất toàn cầu, cho cả các quốc gia giàu và nghèo, tạo cho nó sức mạnh để “khống chế” các nhà sản xuất vaccine. Tuy nhiên, các quốc gia giàu có thường là đối thủ trong cuộc tranh mua vaccine, khi họ sẵn sàng trả phí hậu hĩnh để mua. Ngược lại, việc giải ngân các cam kết tài chính chậm chạp khiến Covax khó ký nhanh hợp đồng mua vaccine.
Tiến sĩ Nicole Lurie, giám đốc Hoa Kỳ tại CEPI, cho biết: “Bạn không thể vượt qua lực cản quá lớn trong một đại dịch” khi đề cập đến hoạt động huy động tài chính trong tuyệt vọng. Ban đầu, Covax lên kế hoạch giao hàng qui mô từ Viện Serum, một nhà sản xuất Ấn Độ. Nhưng vào Tháng Ba, khi đại dịch bộc phát ở Ấn Độ, chính phủ Ấn tạm dừng xuất khẩu vaccine khiến nhiều nước nghèo bị ảnh hưởng. Họ đã bỏ tiền vào Covax, nhưng thường bị gạt ra ngoài lề trong việc đưa ra quyết định.
Vấn để bảo quản và vận chuyển
Ngoài trở ngại trong giao hàng và các chuyến hàng không chắc chắn, một số quốc gia gặp vấn đề về chuẩn bị. Lily Caprani, cố vấn cấp cao của UNICEF cho biết: “Sẽ dễ dàng mở rộng quy mô tiêm chủng hơn nhiều nếu bạn có nguồn cung ổn định và chuẩn bị tốt”. Covax có kế hoạch huy động thêm các khoản tài trợ và cho vay của Ngân hàng Thế giới để giúp tiêm chủng nhanh hơn, nhiều hơn tại các nước nghèo hơn.
Nhưng $1.8 tỉ Covax có sẵn từ cuối Tháng Sáu để cung cấp vaccine vẫn còn thiếu $1 tỉ. Do vaccine Pfizer phải được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp, Covax cần lắp thêm 250 đến 400 tủ đông và máy phát điện dự phòng. Một số quan chức châu Phi lo ngại lưới điện bị quá tải. Chính đây là lý do một số quốc gia, như Chad, không thể chuyển Pfizer ra ngoài các thành phố lớn. Để mua tủ đông, Covax sẽ huy động $220 triệu mà Đức cam kết vào Tháng Hai. Nhưng bộ máy hành chính quan liêu đã ngăn việc sớm giải ngân.
Đức buộc số tiền này phải được phân phối thông qua UNICEF và phải trao cho Covax. Đức chỉ giải ngân khi hai tổ chức này đệ trình kế hoạch chi tiêu chung, mà đến Tháng Bảy vẫn chưa xong. Gavi được giao giám sát cách chi tiêu, vẫn chưa chuyển tiền mặt cho UNICEF. “Covax giống như một dự án nhóm không có người lãnh đạo – Andrea Taylor, một nhà nghiên cứu tiêm chủng toàn cầu, nói – Hầu như mọi thứ họ làm đều chậm hơn nhiều”. Hiện một số quốc gia châu Phi đã sử dụng phần lớn vaccine Covax nhận được nhưng nguồn tài trợ hoạt động phân phối hàng tại các địa phương đã giảm so với những gì Covax dự tính ở hàng chục quốc gia có thu nhập thấp hơn. Trong khi đó, các quốc gia giàu vẫn miễn cưỡng tài trợ cho công việc này. Những khó khăn buộc Covax phải chia sẻ quyền lực nhiều hơn với các nhóm nhân đạo tại chỗ và khu vực. Tiến sĩ Mark Dybul, giáo sư Đại học Georgetown đặt câu hỏi: “Tôi không hiểu tại sao họ không thể làm một cách tập trung khi hệ quả là có rất nhiều vaccine không đến được với người cần”.
Nguồn tham khảo: The New York Times