CSVN muốn người dân Sài Gòn phải thuộc nằm lòng tên Đỗ Mười

(Hình: Kayla Ng)

Trong tổng chiến dịch ăn mừng 50 năm cưỡng chiếm miền Nam, vào năm 2025, chính quyền TPHCM đang đưa ý kiến đặt tên Đỗ Mười cho một trong những đoạn đường quan trọng ở Sài Gòn, mà theo văn bản của chính quyền, các lựa chọn sẽ là Quốc Lộ 1, Quốc Lộ 1K, Quốc Lộ 22 Hoặc Quốc Lộ 50.

Để ra vẻ “dân chủ,” chính quyền TPHCM nói sẽ lấy ý kiến dân chúng để đặt tên đường, mà ngoài tên Đỗ Mười, còn có những cái tên khác như Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh, Phan Văn Khải.

Trong những cái tên được dự định áp vào Sài Gòn, vùng đất bị cưỡng chiếm và vẫn bị đối xử trong cái nhìn phân biệt chính trị loại hai, Đỗ Mười là một cái tên khó quên với Sài Gòn, nếu không nói là sự gợi nhớ những tháng ngày đầy nợ máu với người dân miền Nam nói chung qua ba đợt đánh tư sản mang bí số X1, X2 và X3.

Nói là lấy “ý kiến nhân dân,” nhưng việc đặt tên đường đã được xếp đặt sẵn: Đỗ Mười sẽ được đặt cho đoạn từ Thủ Đức đến An Sương, thuộc Quốc Lộ 1. Mọi thủ tục khác, nhà cầm quyền cùng bày vẽ với nhau cho đủ lễ. Dự kiến ngày 30 Tháng Tư 2025 là chính thức sử dụng tên đường này, và thay đổi trên bản đồ địa chính.

Đỗ Mười là ai? Những người miền Nam sống thoi thóp trong thời kỳ sau 30 Tháng Tư 1975 đều nhớ rõ nhân vật chính trị sắt máu này.

(Hình chụp qua tranh vẽ)

Đỗ Mười là người đưa “sáng kiến” đánh tư sản miền Nam, y như miền Bắc sau 1954, và là người cầm trịch ba đợt quét sạch sức sống miền Nam với đợt X1 (Tháng Chín 1975), đợt X2 (Tháng Mười Hai 1976), và X3 (Tháng Hai 1978).

Từ một vùng đất được ví như Hòn Ngọc Viễn Đông và được nhiều nước như Nhật, Hàn, Singapore, Thái Lan thèm muốn về sự phát triển, Sài Gòn và cả miền Nam bị lột trần truồng, cướp hết mọi tài sản và bị đẩy về các vùng kinh tế mới trong sự ứng xử thù hằn và tàn bạo của những kẻ vừa chiến thắng cuộc chiến xâm lược.

Nguyên văn Đỗ Mười nói trong cuộc họp mật trước chiến dịch, được nhà văn Nguyên Hồng (1918-1982) ghi lại rằng ““Từ sau giải phóng chúng ta đã thực hiện X-1, tập trung bọn ngụy quân, ngụy quyền học tập cải tạo. Sĩ Quan “Ngụy” từ Trung úy trở lên, công chức từ cấp chánh sự vụ trở lên: “Tử hình!”. Đã thực hiện X-2 đánh bọn Tư sản mại bản, bây giờ chiến dịch X-3, quyết liệt nhất, nhằm tiêu diệt tận gốc rễ Chủ Nghĩa Tư Bản, tay sai đế quốc Mỹ, diệt triệt để, diệt không nương tay.”

May cho dân của chế độ VNCH cũ là vào thời điểm đó, chính quyền Pol Pot bên Campuchia đang thảm sát dân chúng, và ngang nhiên công khai, khiến bị cả thế giới nguyền rủa và lên án, lúc đó cảm thấy ngại khi bị đánh đồng, nên Hà Nội có chỉ thị phải “nhẹ” tay.

Bên cạnh đó, chính sách giam hãm Sài Gòn trong việc “ngăn sông cấm chợ” nhằm tiêu diệt ý chí của người dân thủ đô VNCH, vừa muốn trả thù một cách hèn hạ, để cho người già, trẻ con, phụ nữ đói khát trong một thời gian dài, biến miền Nam tê liệt như một vùng đất chết, đã khiến thúc đẩy hàng trăm ngàn người miền Nam vượt biển, vượt đường bộ ra đi, bỏ lại tất cả trong nước mắt.

(Hình chụp qua tranh vẽ)

Ông Võ Văn Kiệt, được nhà báo Huy Đức dẫn lời rằng “Lúc đầu, tôi cũng cứ tưởng cải tạo tư sản sẽ khác với cải cách ruộng đất, một sai lầm mà những người ở miền Nam chúng tôi nhắc nhau phải tránh. Nhưng, tiến hành rồi mới thấy, cách cải tạo tư sản thương nghiệp mà anh Đỗ Mười làm, cũng không khác gì đánh tư sản mại bản, nhưng tràn lan hơn.”

Giờ đây, nhà cầm quyền CSVN đang muốn khắc sâu tội ác của Đỗ Mười ở vùng đất miền Nam tự do, bằng cách đặt tên đường mới, trong ý thức đầy kiêu ngạo của đạo quân cưỡng chiếm.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: