Trong tuần vừa qua, dư luận trong nước bàn tán về việc một tài khoản Facebook, anh Ngô Văn H, cho biết bị mất xe, theo định vị tìm tới tận nơi, nhưng công an tỉnh Bình Dương không giải quyết. Anh H cho biết đã tìm thấy chiếc xe của mình bị đánh cắp và một chiếc xe Honda SH sát bên để trong một phòng trọ khóa ngoài ở đường Bình Hòa 03. Chiếc Honda SH được xác định là của một người dân ở phường Vĩnh Phú đã bị kẻ gian đánh cắp trước đó.
Anh H. kể, khi tới công an phường Vĩnh Phú, một người mặc đồ dân phòng nói “mai giờ hành chính quay lại.” Vì thế, chủ nhân của hai chiếc xe bị đánh cắp phải nằm ngoài phòng trọ để canh tài sản. Ngay sau bài viết được chia sẻ nhanh chóng trên Facebook, nhiều tờ báo Việt Nam đã đồng loạt đưa tin về sự việc, dấy lên câu hỏi trách nhiệm của công an tỉnh Bình Dương ở đâu. Hiện tại, công an tỉnh Bình Dương đã lên tiếng và cam kết sẽ xử lý đúng đắn.
“Thượng bất chính, hạ tất loạn”
Theo Điều 8 Thông tư 126/2020/TT-BCA, các cơ quan công an “khi tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm (kể cả khi tự phát hiện dấu hiệu của tội phạm), nếu có căn cứ xác định tố giác, tin báo về tội phạm không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình, thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi có căn cứ xác định, các cơ quan điều tra có trách nhiệm chuyển ngay đến cơ quan điều tra có thẩm quyền.”
Quy định trách nhiệm của lực lượng công an rõ ràng là có. Tuy nhiên, việc áp dụng và thực thi điều lệ lại là vấn đề khác. Việc tắc trách, đùn đẩy trách nhiệm không phải là vấn đề mới ở Việt Nam. Đây vốn dĩ là căn bệnh thể chế thâm niên không có thuốc chữa. Khi mọi quyền lực tập trung dưới sự lãnh đạo ‘độc quyền’ của đảng, không bị thách thức bởi một tổ chức chính trị đối lập, thì hệ quả hiển nhiên là lạm quyền, tắc trách, và tham nhũng. Khi cấp trên “ăn của dân không chừa bất kỳ thứ gì” thì cấp dưới “noi gương” là chuyện rất đỗi bình thường.
Theo báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2019, khoảng 65% người dân Việt Nam đã hối lộ, hoặc tặng quà hoặc “làm một điều ơn” để hối lộ nhân viên tư pháp, công an, quan chức chính phủ trong suốt một năm. Báo cáo mới nhất năm 2022 của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia về tình hình Việt Nam cũng cho biết các nhóm tội phạm có tổ chức thường mua chuộc công an địa phương để họ không phản hồi trong các tình huống cụ thể, bao gồm các trường hợp khi người dân kêu cứu.
Thực ra, người Việt không cần phải nhờ đến báo cáo của các cơ quan độc lập nước ngoài để biết và hiểu rõ thực trạng tham nhũng và tắc trách của lực lượng công an. Trong cơ chế hiện tại, người Việt không được phép giám sát lực lượng công an. Mặc dù công an Việt Nam cũng đưa ra các số liệu như “thành phố ghi nhận xảy ra 4.266 vụ phạm tội về trật tự xã hội (so với năm 2021 tăng 295 vụ, tương ứng 7,43%)”, nhưng người dân khó có thể xác nhận được tính trung thực và nguyên vẹn của các con số này. Không một trang web nào của lực lượng công an Việt Nam chi tiết số liệu tội phạm, hoặc tình hình an ninh.
Tại mọi thành phố ở khắp các tiểu bang Hoa Kỳ, công dân có thể gọi điện thoại, hoặc đăng nhập vào các trang web của các sở cảnh sát thành phố để biết các số liệu quan trọng về lực lượng cảnh sát. Ví dụ, người dân Mỹ có thể biết về tổng số vụ cướp, tham nhũng, hối lộ trong tháng/năm là bao nhiêu, hoặc thông tin về các vụ án đang xử lý. Nhìn chung, minh bạch thông tin và bảo đảm trách nhiệm là hai nguyên tắc cơ bản của lực lượng cảnh sát ở các nước dân chủ văn minh. Hai nguyên tắc này gần như không tồn tại ở các nhà nước độc tài toàn trị.
Thêm nữa, pháp luật là công cụ của nhà cầm quyền Việt Nam để duy trì quyền lực cũng như trục lợi và tham nhũng. Từ đó, luật pháp Việt Nam không nghiêm minh, dẫn đến việc coi thường pháp luật trong mọi tầng lớp. Hệ quả là cán bộ viên chức tắc trách, vòi vĩnh, và tham nhũng. Tương tự, nhiều người dân không tìm đến công an để trình báo án vì mất niềm tin vào công an – vốn là đại diện của pháp luật.
Trách nhiệm cao nhất của lực lượng công an Việt Nam?
Luật Công an Việt Nam quy định 21 trách nhiệm của lực lượng công an. Tuy nhiên, trong thực tế, trách nhiệm duy nhất mà lực lượng này phải nhớ không phải là bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nhưng là bảo vệ sự tồn vong của chế độ. Chính cơ quan truyền thông của Bộ Công an Việt Nam đã có bài viết khoe khoang về nhiệm vụ này: “Xứng danh “thanh bảo kiếm” sắc bén, “lá chắn thép” vững chắc của Đảng, Nhà nước, và Nhân dân.” Nhân dân luôn được xếp sau cùng!
Thực tế xã hội phản ánh điều này. Vô số trường hợp người dân bị mất tài sản, hoặc bị trộm cắp, đã chọn im lặng, thay vì báo với công an khu vực. Nguyên nhân của hầu hết trường hợp là vì người dân biết rằng báo công an là vô ích, mất thời gian.
Người viết đã chứng kiến một người quen bị mất chiếc xe máy và thấy rõ mặt kẻ cắp chiếc xe, liền tới công an phường để báo. Người trực lúc đó không hỏi thông tin của người báo mất xe, cũng không mặn mà với thông tin về kẻ cắp chiếc xe, và chỉ nói “sẽ xử lý.” Tới giờ, sau hơn mười năm, chiếc xe bị đánh cắp vẫn biệt tích.
Do chức năng hàng đầu của lực lượng công an là “thanh kiếm và lá chắn” bảo vệ sự tồn vong của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), nên bắt bớ, tống giam, và tấn công những ai dám bày tỏ thái độ “không thích chế độ” là mục tiêu đầu tiên. Việc công an khu vực trốn dưới danh nghĩa ‘côn đồ’ để quấy rối và đánh đập các nhà hoạt động xảy ra thường xuyên. Bởi thế, nhiều người gọi chế độ hiện tại là “công an trị” vì sự hiện diện của công an ở khắp nơi để trừng trị bất kỳ ai dám không thích đảng.
Trung Tướng Trần Độ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng kiêm phó Chủ tịch quốc hội, là người đã từng hy sinh cả cuộc đời cho Đảng Cộng sản. Nhưng chỉ vì dám viết ra các khiếm khuyết của ĐCSVN trong tập Nhật Ký Rồng Rắn, Trần Độ bị công an quản thúc nghiêm ngặt cho đến khi qua đời. Lực lượng công an có mặt dày đặc trong đám tang của ông, kiểm soát từng người đến tham dự, thậm chí từng dòng chữ trên những vòng hoa phúng điếu. Bản gốc Nhật Ký Rồng Rắn của TrungTướng Trần Độ đã bị công an tịch thu, nhưng bản thảo đã được thân hữu lưu trữ và phổ biến.
Trần Độ nhấn mạnh trong Nhật Ký Rồng Rắn: “Công an ngày càng nhiều và ngày càng có nhiều nét của một hình ảnh khủng bố, là hình ảnh doạ trẻ con được “Ấy chết, chú Công an kia kìa!.”
Đúng như Trần Độ mô tả, hình ảnh lực lượng công an Việt Nam trong tâm trí của đại đa số người Việt là một bóng ma đáng sợ. Có mặt khắp nơi để giám sát mọi hoạt động của người dân.
“Dân chi công bộc”
Căn bệnh ‘sợ quan’ hơn hai ngàn năm tuổi của dân tộc Việt Nam đã được học giả ưu tú Phạm Quỳnh (1892-1945) phân tích rất rõ trên tạp chí Nam Phong vào đầu năm 1926. Đã gần 100 năm, nhưng những gì cụ Phạm Quỳnh viết vẫn còn nguyên tính thời sự:
“Một cái thiên kiến rất trái ngược với đời nay, và hiện còn phổ thông trong dân gian lắm, là cái thiên kiến coi quan là “dân chi phụ mẫu”, sợ quan như sợ cha mẹ, sợ thánh thần. Bởi dân sùng phụng mê tín quan như thế nên quan mới có kẻ tác ác tác hại được đến thế… Ấy cái thiên kiến ấy là một thiên kiến phải mau mau mà trừ khử đi cho hết.”
Đúng như cụ Phạm Quỳnh nhấn mạnh, phải dứt khoát trừ khử căn bệnh ‘sợ quan’ vì như ông Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Cán bộ là đầy tớ của dân”. Mặc dù thể chế hiện tại đẻ ra căn bệnh tắc trách, người Việt vẫn cần đảm nhận vai trò của những người chủ đất nước: đừng đưa hối lộ, đừng luồn cúi, nhưng hãy mạnh dạn yêu cầu công an và viên chức nhà nước làm đúng trách nhiệm. Khi cấp dưới từ chối làm đúng chức trách, hãy báo lên cấp trên và nhờ mạng xã hội giúp lan tin. Chỉ có như thế, căn bệnh “sợ quan” mới phần nào thuyên giảm.