Ngày 25-7, ông Bí thư thành phố Sài Gòn đã có một phát ngôn làm rúng động nhiều người. Báo chí đăng lại nhiều bài, người dân trích dân cũng trích dẫn và bình luận ở nhiều nơi. Lần đầu tiên trong lịch sử cầm quyền của những người cộng sản sau 1975, lời xin lỗi trình bày một cách rõ ràng về việc chống dịch tệ hại hiện nay.
Nguyên văn, ông bí thư Nguyễn Văn Nên nói “16 ngày qua chúng ta đã làm được rất nhiều việc, cứu được nhiều người nhưng cũng còn rất nhiều việc chưa làm được, nhiều người chưa cứu được. Đó là niềm đau chung, là khuyết điểm của hệ thống chính trị, khuyết điểm của người đứng đầu các cấp. Chúng ta xin nhân dân lượng thứ”.
Lập tức, giới tuyên truyền nhà nước chụp ngay lấy lời phát biểu này, coi như là vớ được vàng để ngợi ca tinh thần sáng suốt và dám chịu trách nhiệm của người cộng sản, mở lời xin lỗi nhân dân trước những sai sót của mình.
Tuy nhiên, ít ai để ý rằng, ông Nên không hề nói đến sai sót hay thất bại, mà chỉ nói là giới cầm quyền đã “lúng túng”, trong việc tổ chức phòng chống dịch bệnh ở Sài Gòn mà thôi.
Ông Nguyễn Văn Nên cũng không giải thích “lúng túng” là vì sao? Đặc biệt khi giới cầm quyền cộng sản Việt Nam suốt trong thời gian dài của năm 2020, đã không tiếc lời tự ca ngợi mình, rằng đã đứng ở trên đỉnh đầu thế giới, do chống lại dịch bệnh Covid-19 thành công. Có thể điều này mê mị được một số người dân về khả năng của chính quyền, nhưng không phải ai cũng vậy. Tờ New York Times hồi đầu Tháng Sáu đã có bài viết về sự ăn may của Hà Nội. Nguyên văn bài báo viết “Quốc gia này đã tự hào về việc ngăn chặn thành công virus coronavirus. Nhưng từ một vụ bùng phát tại một hội thánh Tin Lành ở Thành phố Hồ Chí Minh, và sự xuất hiện của một biến thể mới chết người cho thấy vận may của họ có thể sắp hết”.
“Lúng túng”, không phải là chuyện riêng của ông Bí thư Nguyên Văn Nên, mà đó chính là sự thất bại của cả một hệ thống cầm quyền cộng sản Việt Nam, sau khi tự đắc tung hô mình, và bây giờ khi đối mặt với thực tế đã bất lực, chỉ còn cách duy nhất đối phó là dồn dân, chấp nhận mọi sự tổn thương về phía con người Việt Nam, để bảo vệ cho được sự ổn định của chính quyền.
Ở thế giới tự do, những người cầm quyền thường nói xin lỗi và đưa ra những giải pháp khác, để cải thiện tình hình. Nhưng ông Nên thì chỉ nói “xin lượng thứ” mà không hề có một giải pháp nào khác cho tương lai. Có nghĩa lời xin lỗi của ông Bí thư Nên chỉ là một giải pháp tình thế để đối phó với sự bất mãn của dân chúng đang ngày càng tăng cao, và tự rửa mặt cho bản thân mình.
Rất nhiều người ở Sài Gòn đã từng sống qua chế độ Việt Nam Cộng Hòa nói rằng, thoạt đầu họ đã giật mình thì cảm thấy ngôn ngữ của ông Nên quen thuộc – giống như là của một nhà nước vì dân, được nhân dân bầu ra, và có trách nhiệm với con người vậy. Nhưng khi đối chiếu với mọi chiều, người ta nhanh chóng nhận ra: Xin lỗi chỉ là một màn trình diễn được tập huấn tốt của những người lãnh đạo cộng sản trong giai đoạn mới.
Không ai trong số những người dân đi đường bị phạt, để tận thu tiền cho ngân sách thành Hồ, được sai nha “lượng thứ” giải thích cho biết và đuổi quay về, tránh được sự thiệt hại vào lúc đã cùng cực.
Nhà cầm quyền thành Hồ, nói xin “lượng thứ” cho họ, nhưng cũng không quan chức nào biết kêu gọi mang thực phẩm đủ đến cho tất cả những hộ dân nghèo khó ở trong Sài Gòn bị phong tỏa, hoặc giảm tiền điện, xăng, nước… trong tình cảnh khốn cùng này. Ngược lại, mọi thứ đang tăng nhanh. Ngay cả giới tài xế công nghệ Grab cũng đang bị đánh thuế thêm, vào những đồng tiền tặng thêm mà khách hàng thương xót họ, cho việc liều mạng kiếm sống trong giai đoạn này.
Ông Bí thư thành ủy Nguyễn Văn Nên nói lời xin lượng thứ, ngay sau khi có nhiều trường hợp lạm quyền, tấn công người dân vô tội vạ, rồi sau đó chỉ trình diễn bằng những lời xin lỗi suông.
Chẳng hạn chuyện ông Thọ, Chủ tịch của phường Vĩnh Hòa, Nha Trang, sau khi bức hại một người công nhân trẻ với ổ bánh mì, triệt cả đường sống của anh ta, thì sau đó đã trình diễn việc đến tận nơi xin lỗi. Ông Thọ cũng rất khôn khéo tổ chức cho báo chí chụp hình mình không để lộ mặt, chắc do sợ người đời nguyền rủa. Sai lầm của ông Thọ được cả nước đã nhìn thấy, nhưng cấp trên của ông Thọ thì xoa dịu rằng ông Thọ “là người tốt, tích cực làm được nhiều việc”. Có nghĩa là lời xin lỗi của ông Thọ cũng chỉ là một cách trình diễn và đối phó với nhân dân. Ông ta chẳng gặp khó khăn gì sau những điều tệ hại đã làm.
Gần đây, hồi trung tuần Tháng Bảy, có vụ hai nhân viên dân phòng lời qua tiếng lại với một người chạy Grab giao hàng tại Bình Thạnh, đã tấn công một cách thô bạo vào mặt anh ta. Chỉ sau khi mạng xã hội dậy sóng ầm ầm, thì hai người dân phòng ngày mới được cấp trên chỉ đạo, đi đến xin lỗi người thanh niên chạy Grab đó với lý do “bị căng thẳng vì công việc”. Cũng cùng một loại bài bản, và cũng được tổ chức cho báo chí chụp hình không thấy mặt y như ông Thọ. Khó có ai biết những lời xin lỗi đó – từ một ông phó chủ tịch phường cho đến loại sai nha hạng bét – có nằm cùng trong một cuốn sách giáo khoa ứng xử, hướng dẫn nhằm lừa mị nhân dân hay không.
Không biết dư âm của lời “xin lượng thứ” mà vì Bí thư thành Hồ nói ra, lúc này còn tác động được gì đến ai nữa hay không, Nhưng nếu chỉ cần nhìn rõ và đủ thái độ và thực tế của chế độ cộng sản hôm nay, bất kỳ ai cũng sẽ nhận ra rất nhanh rằng: Những người cộng sản nay đã được tập huấn rất giỏi trong việc nói những lời xin lỗi, có vẻ giống như biết hạ mình trước nhân dân. Nhưng, đó chỉ là cái gập đuôi của con cọp trước khi vồ mồi. Tất cả, chỉ là sự lừa dối.