Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, Bộ Chính trị Trung Quốc ngày càng tăng cường sử dụng quân đội và tình báo như một công cụ kiểm soát quyền lực và theo đuổi âm mưu bành trướng và thống nhất Đài Loan. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ năm 2022 cho biết tham vọng thống trị thế giới của Trung Quốc ngày càng rõ hơn bao giờ hết.
Chiều Thứ Bảy tuần trước, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã ùng tên lửa phóng đi từ chiến đấu cơ F-22 để bắn hạ một khinh khí cầu. Tin từ Ngũ Giác Đài cho biết chiếc khinh khí cầu là một phần của hạm đội do thám toàn cầu do quân đội Trung Quốc chỉ đạo và có khả năng thu thập thông tin liên lạc điện tử. Đáng chú ý, Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất nằm trong ‘tầm ngắm’ của tình báo và quân đội Trung Quốc.
Theo nguồn tin độc quyền từ Washington Post, chính sách dùng khinh khí cầu để do thám và giám sát của Trung Quốc đã hoạt động trong nhiều năm. Các khinh khí cầu do thám hoạt động dưới sự điều hành của lực lượng không quân thuộc Quân đội Nhân dân Trung Quốc, nhằm thu thập thông tin quân sự của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ, và Philippines.
Thứ Năm tuần trước, Bộ Ngoại giao Việt Nam được hỏi liệu có phát hiện bất kỳ khinh khí cầu Trung Quốc nào trong không phận Việt Nam hay không? Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, Đoàn Khắc Việt, khẳng định Việt Nam chưa ghi nhận bất kỳ báo cáo nào về việc nhìn thấy khinh khí cầu Trung Quốc trong không phận Việt Nam.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết nước này đã thấy hàng chục khinh khí cầu Trung Quốc trong không phận Đài Loan vào những năm gần đây. Theo một viên chức cấp cao Đài Loan, các khinh khí cầu do thám của Trung Quốc xâm nhập vào không phận Đài Loan “rất thường xuyên, lần cuối cùng chỉ cách đây vài tuần.” Viên chức này nhấn mạnh số lương khinh khí cầu Trung Quốc gần đây nhiều hơn các năm trước, làm tăng thêm lo ngại rằng Bắc Kinh có thể đang chuẩn bị xâm lược quốc gia dân chủ này.
Thông tin cần biết về khinh khí cầu bị bắn hạ
Theo chính quyền Tổng Thống Biden, các khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đã bay qua hơn 40 quốc gia, trên khắp năm châu lục. Báo cáo của Ngũ Giác Đài cho thấy các khinh khí cầu Trung Quốc đã xâm phạm không phận Hoa Kỳ ít nhất bốn lần trong sáu năm qua mà không bị phát hiện.
Ba trong số đó xảy ra dưới thời chính quyền Trump, và hai lần dưới thời Biden. Tập trung tìm hiểu chính xác loại thông tin liên lạc mà khinh khí cầu có thể thu thập hiện là ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng thông báo cho các quốc gia đồng minh quy mô do thám, với hy vọng các quốc gia này sẽ cảnh giác và ngăn chặn các hoạt động gián điệp của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản hồi về khinh khí cầu bị Hoa Kỳ bắn hạ là khinh khí cầu thời tiết bay chệch hướng. Đáp trả lại, phía Hoa Kỳ đã khẳng định mục đích của khinh khí cầu là “thu thập thông tin” về nước này. Trung Quốc đã phản ứng mạnh với cáo buộc này, nói rằng Hoa Kỳ mới là “quốc gia chuyên gián điệp, nghe trộm, và do thám hàng đầu thế giới, điều mà cộng đồng quốc tế có thể nhìn thấy rõ ràng.”
Trước khi chiếc khinh khí cầu Trung Quốc bị chiến đấu cơ F-22 bắn hạ, các máy bay giám sát của Hoa Kỳ đã chụp nhiều hình ảnh để nghiên cứu. Các thiết bị của có thể nhìn thấy bao gồm ăng ten “có khả năng thu thập và định vị thông tin liên lạc,” trong khi các tấm pin mặt trời đủ lớn để tạo ra năng lượng vận hành “nhiều cảm biến thu thập thông tin tình báo.”
Khinh khí cầu bị bắn hạ đã di chuyển qua các địa điểm quân sự nhạy cảm của Hoa Kỳ và có một động cơ nhỏ cùng các cánh quạt, cho thấy rằng nó có thể điều khiển được. Giới chức Hoa Kỳ thông báo họ không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy khinh khí cầu có thể mang vũ khí.
Tại sao dùng khinh khí cầu để do thám?
Việc sử dụng khinh khí cầu cho mục đích gián điệp có lịch sử lâu đời, phổ biến trong Thế chiến I và ngay cả trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, vì chi phí thấp, không gây tiếng ồn, và không dễ tiếp cận. Xuyên suốt Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ đã thả hàng trăm khinh khí cầu để thu thập thông tin tình báo về Liên Xô và Trung Quốc. Sự phát triển công nghệ hiện đại, bao gồm máy bay không người lái và vệ tinh, đã thay thế khinh khí cầu. Tuy nhiều, nhiều quốc gia vẫn tiếp tục sử dụng khinh khí cầu cho mục đích do thám. Khinh khí cầu hiện đại không chỉ có khả năng chụp ảnh mà còn có khả năng chặn thông tin liên lạc.
Tại Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia Trung Quốc, có một nhóm chuyên gia đang tập trung nghiên cứu những tiến bộ của khinh khí cầu. Năm 2020, cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc đã đăng một bài báo mô tả không gian “đã trở thành một chiến trường mới trong chiến tranh hiện đại.” Bài báo cũng cho biết các nhà khoa học quân sự Trung Quốc đã nghiên cứu các vật liệu, thiết kế, và công cụ điều hướng mới để tạo ra các khinh khí cầu bền bĩ hơn, khó bị phát hiện hơn, hoặc thậm chí có thể được sử dụng như vũ khí.
Các viên chức Hoa Kỳ cho biết khả năng thu thập dữ liệu quan trọng của khinh khí cầu Trung Quốc còn hạn chế, so với tình báo mà Trung Quốc thu thập được qua mạng lưới vệ tinh. Tuy nhiên, các khinh khí cầu Trung Quốc có thể chụp ảnh các cơ sở quân sự từ các góc độ khác nhau và lưu lại lâu hơn so với vệ tinh. Các khinh khí cầu cũng có thể được triển khai bất ngờ và thường có các cảm biến hồng ngoại cung cấp thông tin khác với vệ tinh.
Khinh khí cầu: hoạt động của tình báo Trung Quốc
Ngũ Giác Đài cáo buộc các khinh khí cầu Trung Quốc là một phần của hoạt động gián điệp toàn cầu. Các khinh khí cầu Trung Quốc được sản xuất bởi một hoặc nhiều công ty chính thức bán sản phẩm cho quân đội Trung Quốc. Phát hiện đó làm nổi bật các câu hỏi của các quan chức Hoa Kỳ về mối quan hệ hợp tác giữa một số doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc và quân đội của nước này. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng, Trung Quốc trong vài năm qua “đã đầu tư rất nhiều vào năng lực quân sự mới, bao gồm các loại hình gián điệp khác nhau,” ngay cả ở châu Âu.
Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (Ministry of State Security) là cơ quan tình báo của Trung Quốc, với cơ sở hạ tầng tình báo lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ và Nga. So với Hoa Kỳ, tình báo Trung Quốc đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau. Điều đáng chú ý, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc không có trang web công cộng, thậm chí các thông tin liên lạc công khai, hay người phát ngôn cũng không có.
Tháng Mười năm ngoái, Trung Quốc đã đề bạt người đứng đầu cục tình báo, Chen Wenqing, vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương. Việc thăng chức của Chen Wenqing đánh dấu lần đầu tiên người đứng đầu cơ quan tình báo được bổ nhiệm vào vị trí an ninh hàng đầu, vốn thường được nắm giữ bởi cựu bộ trưởng công an. Các nhà phân tích cho biết điều này cho thấy vai trò ngày càng lớn của tình báo đối với an ninh Trung Quốc dưới nhiệm kỳ thứ ba của Tập Cận Bình.
Hoa Kỳ sẽ đáp trả ra sao?
Các cơ quan an ninh Hoa Kỳ đang điều tra xem liệu có bất kỳ thiết bị nào của khinh khí cầu sử dụng công nghệ của Hoa Kỳ hoặc các công ty phương Tây khác hay không. Bất kỳ phát hiện nào như vậy sẽ trở thành động cơ để chính quyền Biden thực hiện các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn để ngăn chặn việc xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc cho mục đích quân sự và an ninh.
Tháng Mười năm 2022, chính phủ Biden đã ra sắc lệnh cấm các công ty Mỹ bán chip bán dẫn tiên tiến và một số công nghệ sản xuất chip cho Trung Quốc. Mục tiêu của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip bán dẫn nhằm làm tê liệt sự phát triển các công nghệ tiên tiến của Trung Quốc, đặc biệt là các công cụ được quân đội Trung Quốc sử dụng.
Các viên chức Hoa Kỳ hy vọng các bộ phận khinh khí cầu được thu hồi sẽ giúp họ hiểu rõ hơn về cách thức Trung Quốc sử dụng công nghệ giám sát. Ngoại trưởng Antony J. Blinken nói: “Chúng tôi sẽ xem xét các nỗ lực rộng lớn hơn để vạch trần và giải quyết các hoạt động giám sát quy mô lớn hơn của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, vốn gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, cũng như với các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ.”
Đáp trả lại cáo buộc “Trung Quốc vi phạm chủ quyền và luật pháp quốc tế” của Hoa Kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Mao Ning, tuyên bố rằng, Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, và “sẽ không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với bất kỳ quốc gia nào.” Tuy nhiên, trong thực tế, các khinh khí cầu giám sát của Trung Quốc bay khắp 5 châu lục là mối lo ngại an ninh toàn cầu. Như Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh, an ninh không còn là vấn đề khu vực nữa. Những gì xảy ra ở Châu Á, hay Bắc Mỹ cũng quan trọng và ảnh hưởng tới châu Âu và thế giới.
Sức mạnh và quy mô hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc đã phát triển hơn so với thập niên 80. Khả năng Trung Quốc sẽ chấm dứt do thám các quốc gia khác bằng khinh khí cầu, hoặc các phương tiện khác là gần như không có. Bởi, Tập Cận Bình và Bộ Chính trị Trung Quốc hiểu rất rõ tầm quan trọng của tình báo và quân đội đối với sự sống còn của chế độ.