VinGroup là tập đoàn bất động sản hàng đầu Việt Nam, nhưng vượt lên nhiều tập đoàn khác, tập đoàn VinGroup đặc biệt nổi tiếng với những tai tiếng như thao túng truyền thông, tố cáo và thông đồng công an bắt bớ những người bất đồng.
Rất nhiều người coi tập đoàn này đại diện cho thế lực kinh tế của đảng CSVN. Cho nên, nếu tập đoàn này sụp đổ như Vạn Thịnh Phát hay FLC…, thì hậu quả sẽ lớn hơn gấp nhiều lần. Vì thế, mỗi lần lấy hơi của VinGroup là mỗi lần dân Việt bàn tán về tương lai của nó.
VinGroup thực sự lãi kỷ lục?
Mới đây, tập đoàn VinGroup công bố báo cáo tài chính tình hình kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2024. Trên phương tiện truyền thông Việt Nam nhan nhản xuất hiện các số liệu tăng trưởng rất đẹp như lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2,000 tỷ đồng, tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 65,043 tỷ đồng. Nhưng thực sự là VinGroup có tăng trưởng ấn tượng như vậy bất chấp tình trạng bất động sản đang ảm đạm tại Việt Nam như hiện nay? Câu trả lời là KHÔNG.
Thực tế nửa đầu năm 2024, VinGroup lỗ trước thuế tới hơn 7,900 tỷ đồng với khoản lỗ lớn nhất đến từ mảng sản xuất, tức xe điện VinFast là gần 18,900 tỷ đồng. Khoản lỗ từ VinFast đủ thổi bay tất cả các khoản lãi từ các mảng kinh doanh còn lại, điển hình như bất động sản là gần 9,700 tỷ đồng.
Nhưng tại sao lợi nhuận trước thuế của VinGroup trong nửa đầu năm 2024 lại lên tới 6,500 tỷ đồng? Câu trả lời là nhờ gần 14,500 tỷ đồng từ các khoản lợi nhuận “râu ria” ở hoạt động tài chính với bán công ty con (doanh thu 11,100 tỷ đồng) và các hoạt động khác.
Lợi nhuận tài chính có thể đến từ tiền lãi gửi ngân hàng, hay tới từ chênh lệch tỷ giá. Ví dụ như VinFast gửi đôla Mỹ ở ngân hàng Mỹ trong khi đồng bạc xanh của Hoa Kỳ đã tăng xấp xỉ 5% so với đồng nội tệ Việt Nam từ đầu năm tới nay, nên khoản 5% là lợi nhuận chênh lệch tỷ giá cho VinGroup vì VinGroup quyết toán sổ sách bằng Việt Nam đồng.
Những khoản lợi nhuận “bất thường” lớn nhất đến từ việc VinGroup bán công ty con qua lại với các công ty vỏ bọc ngoài VinGroup của ông Vượng và thân tín lên tới hơn 11,000 tỷ đồng.
Vào cuối Tháng Năm vừa qua, VinGroup bất ngờ bán toàn bộ công ty con là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển NVY Việt Nam, công ty vỏ bọc để bán dự án dưới danh nghĩa “nhà đầu tư thứ cấp” vào Vinhomes Vũ Yên ở Hải Phòng thu về hơn 11,600 tỷ nhưng chỉ tiết lộ một bên mua là Vinhomes với 19.9% cổ phần, tương đương hơn 2,300 tỷ. Và theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS), khoản doanh thu bán cổ phần công ty NVY cho Vinhomes này của VinGroup sẽ không được tính là doanh thu trong Báo cáo tài chính Hợp nhất của tập đoạn mẹ mà tính là khoản “đầu tư dài hạn vào công ty con.”
Do Công ty NVY được thành lập vào ngày 20 Tháng Tư 2024 và giao dịch chuyển nhượng diễn ra cuối Tháng Năm, tức ngay trong quý 2, nên không bắt buộc khai trong báo cáo tài chính mà chỉ ghi nhận “lợi nhuận bán công ty con” hơn 9,300 tỷ đồng trong hơn 11,100 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, các khoản còn lại chỉ là lãi tiền gửi ngân hàng và lãi chênh lệch tỷ giá không đáng kể. Cho nên, khoản doanh thu từ việc bán Công ty NVY này vớt vát lại tình hình tài chính tệ hại và giúp VinGroup có lãi trên báo cáo tài chính bán niên năm 2024.
Vậy thực sự VinGroup đã bán hơn 80% dự án Vinhomes Vũ Yên thông qua Công ty NVY? Câu trả lời chắc chắn là không, vì mới đây, VinGroup lại vừa mới khoe trên truyền thông rằng đang thương lượng một hợp đồng bán sỉ khu bất động sản Vinhomes Vũ Yên có trị giá tới 40,000 tỷ, nên sẽ không có chuyện Ông Vượng chỉ giữ 20% cho Vinhomes và 80% còn lại bán cho bên ngoài. Khả năng cao bên mua 80% của Công ty NVY là một công ty vỏ bọc của ông Vượng hoặc thân tín, ví dụ như Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Đầu Tư Tài Chính Việt Nam (VIG) với 100% vốn của ông Vượng. Tương tự như công ty Làng Vân năm 2023 và thương vụ tự tạo lợi nhuận hơn $500 triệu giữa VinFast và VIG trước đây.
Thêm một dấu hiệu khác của “xào nấu” sổ sách nữa là lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2024 của VinGroup là 6,700 tỷ, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ có hơn 2,000 tỷ, tức VinGroup đã phải đóng thuế tới 4,700 tỷ, tương đương 70% lợi nhuận trong khi thông thường thuế đóng trên doanh thu ở Việt Nam chỉ là 20%. Lý do là vì VinGroup bị tính thuế một phần lớn từ doanh thu “ảo” xào nấu sổ sách từ việc bán công ty NVY.
Tại Việt Nam, nhà nước thu thuế theo lợi nhuận các pháp nhân cụ thể, công ty con nào lời thì đóng thuế, công ty nào lỗ thì không phải đóng.
Ta đưa một ví dụ cho dễ hình dung, tập đoàn X có hai công ty con là A và B. Trong đó, công ty A có lãi trước thuế là 100 tỷ đồng, đóng thuế là 20 tỷ đồng. Còn công ty con B lỗ 60 tỷ đồng và không phải đóng thuế. Như vậy, tập đoàn X sẽ được tính lợi nhuận trước thuế là 40 tỷ đồng khi cộng lãi/lỗ của A và B. Lúc này, tập đoàn X đã phải đóng thuế tới 50% lợi nhuận trước thuế của tập đoàn.
Tượng tự với VinGroup, có lãi hợp nhất (trừ các khoản “xào nấu” như hoạt động tài chính và mua bán qua lại các công ty con) trước thuế từ các hoạt động có lợi nhuận như bất động sản là 12,800 tỷ đồng. Nếu cộng thêm các khoản “xào nấu” râu ria ở trên thêm gần 14,500 tỷ để che lấp khoản thực lỗ trước thuế hơn 7,900 tỷ đã nói ở đầu bài nữa thì tổng lợi nhuận trước thuế của VinGroup là khoảng 27,300 tỷ đồng. Đây là khoản phải đóng thuế như ví dụ trên, tính khoảng 20% cũng gần tương đương 4,700 tỷ tiền thuế mà VinGroup phải đóng trong nửa đầu năm 2024.
Thực tế, VinGroup đã nhiều lần phải làm các thủ thuật “xào nấu sổ sách” này dẫn tới mức đóng thuế cao bất thường so với lợi nhuận trước thuế. Điển hình là năm 2023, VinGroup vẫn lãi hơn 2,000 tỷ trong khi phải gánh khoản lỗ của VinFast hơn 57,000 tỷ đồng. Nguyên do là vì tập đoàn đã có khoản lợi nhuận bất thường hơn 35,700 tỷ đồng, bao gồm 15,100 tỷ đồng từ việc bán các công ty con và thanh lý một số khoản vay cũng như hơn 20,600 tỷ đồng từ ông Phạm Nhật Vượng tài trợ bơm cho VinFast. Do đó, dù lợi nhuận trước thuế năm 2023 của VinGroup là 13,700 tỷ đồng, nhưng đã phải đóng thuế tới hơn 11,700 tỷ, tương đương 85%.
Mảng bất động sản sụt giảm doanh thu
Theo Báo Cáo Tài Chính nửa đầu năm 2024 của Vinhomes, doanh thu từ mảng bất động sản là hơn 36,400 tỷ đồng.
Nếu nhìn vào biểu đồ doanh thu bất động sản của Vinhomes sẽ thấy đây là mức sụt giảm tới một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng Quý 2 cũng sụt giảm hơn 4,400 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, từ 32,600 tỷ xuống còn hơn 28,200 tỷ.
Doanh thu Quý 2 tăng gần gấp 3 lần Quý 1 được giải thích là do “đóng góp chính từ việc ghi nhận giao dịch bán lô lớn tại dự án Vinhomes Royal Island và tiếp tục bàn giao tại các dự án hiện hữu.” Nhưng điều này cũng không khỏa lấp nổi sự sụt giảm doanh thu nghiêm trọng từ mảng cốt lõi Bất Động Sản. Kể cả khi 110,000 tỷ doanh thu chưa ghi nhận của nửa đầu năm 2024 được thanh toán đầy đủ vào cuối năm thì vẫn là sự sụt giảm với hơn 161,000 tỷ doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của VinGroup năm 2023.
Liệu mức sụt giảm này có gia tăng trong tương lai khi hiện nay nhiều bằng chứng lừa đảo từ Grand World, Ocean Park 1 của VinGroup đã bị bóc trần và cũng làm rất nhiều nhà đầu tư vào Vũ Yên cũng như các dự án khác đang yêu cầu VinGroup cung cấp thêm tài liệu pháp lý dự án cũng như yêu cầu rút tiền?
Ngoài ra, Vinhomes đang thực sự “gánh còng lưng” VinFast khi dòng tiền đang hoàn toàn chảy từ Vinhomes sang VinFast mà không có ngược lại.
Cụ thể, khoản chảy ra “trả trước cho người bán ngắn hạn” là 815 tỷ đồng. Nhưng các khoản “chảy vào” là “phải thu ngắn hạn” tới hơn 1,000 tỷ đồng cũng như “phải thu cho thuê dài hạn” là hơn 15,300 đồng là chưa thấy về. Điều này về lâu dài đang gây hại cho tình hình tài chính của Vinhomes và ảnh hưởng lớn tới lợi ích và quyền lợi của cổ đông.
Như vậy, có thể thấy rõ rằng thực tế, tình hình tài chính của VinGroup sau khi bóc trần nó trái ngược và tệ hại hơn thông tin truyền thông Việt Nam mô tả. Đồng thời hậu quả cho việc thực hiện thủ thuật “bút toán” tài chính là VinGroup phải đóng rất nhiều thuế so với lợi nhuận. Nhưng đây là việc bắt buộc với ông Vượng vì vị tỷ phú này không thể để VinGroup lỗ như thực trạng.
Vậy câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu mảng bất động sản sẽ còn phải “gánh lỗ” cho mảng VinFast đến khi nào, và liệu những khoản lợi nhuận từ các hoạt động “bút toán” kia có phải là giải pháp bền vững cho Vingroup trong dài hạn và ảnh hưởng tới các cổ đông VinGroup như thế nào với tình hình tài chính càng ngày càng bết bát như hiện nay?
Làng Vân, VIG – trò “xào nấu sổ sách” từ các công ty vỏ bọc của ông Vượng
Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Đầu Tư Tài Chính Việt Nam, viết tắt là VIG, là một công ty vỏ bọc thuộc sở hữu 100% của ông Vượng, ban đầu có lẽ được lập ra để nắm 33% lượng cổ phiếu VIC của Vinhomes. Nhưng trong hồ sơ IPO của VinFast lại hé lộ ra một “nhiệm vụ” khác của VIG là xào nấu để tạo doanh thu “trên sổ sách” cho tập đoàn VinGroup.
Cụ thể, vào năm 2022, VIG và Vinfast tự định giá dây chuyền sản xuất xe xăng trên sổ sách là $542,8 triệu. Rồi Vinfast bán dây chuyền xe xăng đó cho VIG với giá $1,23 tỷ và ghi nhận lợi nhuận “ảo” là $576,1 triệu. Ảo diệu hơn, VIG không thanh toán tiền mặt cho Vinfast mà lại bằng chính cổ phiếu VFS của VinFast thông qua trái phiếu P-Notes, loại trái phiếu phát hành riêng lẻ cho tổ chức là VIG và được quyền chuyển đổi cổ phiếu VFS của VinFast.
Còn Công ty CP Đầu tư và Phát triển Làng Vân (mã số thuế 0401880908) là công ty vỏ bọc để Vingroup triển khai dự án Vinpearl Làng Vân dưới chân đèo Hải Vân tại Đà Nẵng. Tính tới cuối năm 2022, tập đoàn VinGroup sở hữu 69.23% cổ phần Làng Vân gián tiếp thông qua phát triển 3 công ty khác là bất động sản Thiên Niên Kỷ, Vinhomes và Hoàng Gia.
Nhưng tới Tháng Hai 2023 thì Vinhomes chuyển nhượng lại toàn bộ cổ phần Làng Vân cho VinGroup và đến Tháng Năm, VinGroup đã sở hữu toàn bộ 100% cổ phần của công ty Làng Vân. Vậy bên pháp nhân nào đã sở hữu hơn 30% ban đầu của Làng Vân rồi bán lại cho VinGroup?
Chắc chắn ông Vượng không ngu ngốc đến mức, ban đầu bán cho một đối tác bên ngoài rồi sau đó lại chịu lỗ vung tiền mua lại. Đó chỉ có thể là một công ty vỏ bọc mà nằm ngoài hệ sinh thái của VinGroup và sở hữu bởi ông Vượng hoặc thân tín như VIG. Trường hợp của Làng Vân này khá tương tự với Công ty NVY ở trên.