Khi ông Donald Trump tái đắc cử và bắt đầu nhiệm kỳ mới, giới hoạch định chính sách tại Hà Nội dự liệu khả năng tái diễn bối cảnh năm 2016. Mặc dù Việt Nam từng là một trong số ít quốc gia điều hướng thành công nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, và mối quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ chứng kiến những bước phát triển đáng kể, với hai chuyến thăm của ông Trump tới Việt Nam vào năm 2017 và 2019, nhiều hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác, thì lần trở lại này, Hà Nội dường như sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách hơn do thế kẹp giữa căng thẳng thương mại leo thang của Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Sự khéo léo trong ngoại giao cây tre có thể không đủ
Thành công trước đây của Việt Nam phần lớn nhờ vào nghệ thuật ngoại giao cây tre khéo léo. Chuyến thăm Tòa Bạch Ốc của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc năm 2017, là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên làm như vậy, tạo ấn tượng tốt với Tổng Thống Trump lúc bất giờ, và giúp xoa dịu những lo ngại về thâm hụt thương mại song phương. Việc đăng cai Hội Nghị Thượng Đỉnh Mỹ – Triều lần hai năm 2019 cũng là một điểm cộng, giúp Việt Nam tránh được các biện pháp thương mại bất lợi vào cuối năm đó bất chấp việc bị dán nhãn “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất.”
Tuy nhiên, những thành công trong quá khứ chưa chắc bảo đảm cho Việt Nam một vị thế thuận lợi trong nhiệm kỳ này của ông Trump. Bối cảnh quốc tế hiện tại đã trở nên phân cực hơn đáng kể so với năm 2016. Căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, cùng với lập trường cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc, đã thu hẹp đáng kể không gian vận động ngoại giao của Việt Nam.
Giống như các quốc gia khác trong khu vực, quan điểm “hoặc là đồng minh, hoặc là đối thủ” cùng yêu cầu về sự trung thành tuyệt đối của ông Trump có thể đẩy Việt Nam vào tình thế khó xử nếu quan hệ Mỹ – Trung tiếp tục xấu đi. Thêm vào đó, sự xem nhẹ các khuôn khổ đa phương của ông Trump đối lập với chính sách hội nhập tích cực của Việt Nam vào các thể chế khu vực như ASEAN, càng làm phức tạp thêm các toan tính của Hà Nội.
Thêm vào đó, chính sách thương mại bảo hộ của ông Trump cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đáng kể. Việc rút khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức năm 2017 đã giáng một đòn mạnh vào Hà Nội, và khả năng ông chấp thuận Khung Kinh Tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của chính quyền Biden hay đề xuất bất kỳ sáng kiến thương mại mới nào trong nhiệm kỳ này là rất thấp.
Với vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là quốc gia mà Việt Nam đang nhập siêu lớn thứ ba với $104 tỷ năm 2023, chỉ sau Trung Quốc và Mexico, Hà Nội cần thận trọng trước nguy cơ bị áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại từ chính quyền ông Trump. Mối quan hệ kinh tế mật thiết giữa Việt Nam và Trung Quốc, một phần là hệ quả của cuộc chiến thương mại trước đó, đã khiến Việt Nam trở thành điểm trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc nhằm né tránh thuế quan của Hoa Kỳ.
Theo Nikkei Asia ngày 23 Tháng Mười Một, về việc chính quyền Mỹ liệt thêm 29 công ty Trung Quốc vào danh sách cấm vận, dưới cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức ở vùng Tân Cương, đã có $3.6 tỷ hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc Trung Quốc bị chặn khi tìm cách vào thị trường Mỹ, điều đáng chú ý là hầu hết những mặt hàng này đều đi qua ngả Việt Nam. Kể từ khi đạo luật Phòng Chống Lao Động Cưỡng Bức Người Duy Ngô Nhĩ có hiệu lực năm 2022, Cơ quan Hải Quan và Biên Phòng Mỹ đã ngăn chặn hơn 4,500 lô hàng bị cấm nhập cảnh, chủ yếu được trung chuyển qua Việt Nam. Điều này cho thấy Việt Nam đang trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ, giúp các công ty Trung Quốc lách luật và né tránh thuế quan.
Trong bối cảnh ông Trump đã đề cập đến khả năng tái khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Việt Nam có nguy cơ chịu ảnh hưởng tiêu cực do bị coi là công cụ giúp Trung Quốc lách luật Mỹ. Mặc dù chính quyền Biden đã thể hiện sự linh hoạt nhất định, coi trọng vai trò của Việt Nam trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhưng ông Trump, với trọng tâm đặt vào các vấn đề nội địa, được dự đoán sẽ có lập trường cứng rắn hơn.
Bộ máy quan liêu kém linh hoạt hơn trước
Ở trong nước, bộ máy hành chính chủ chốt từng dẫn dắt quan hệ song phương trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, bao gồm Bộ Ngoại Giao và Văn phòng Chính phủ, đã bị suy yếu đáng kể bởi chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn được triển khai từ năm 2021. Chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng bị bắt giữ, cùng với gần một trăm cán bộ cấp trung và cấp cao tại cơ quan then chốt này bị kỷ luật hoặc thôi việc chỉ trong năm 2022. Nguyên Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh, người đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách đối ngoại của Việt Nam dưới thời ông Trump, cũng đã bị miễn nhiệm, kéo theo hàng chục nhà ngoại giao cấp cao khác chịu chung số phận.
Việc thay thế những cán bộ này, đặc biệt là những người có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm thực tiễn, sẽ cần thời gian. Hơn nữa, trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng vẫn đang diễn ra, các cán bộ mới được bổ nhiệm có thể sẽ thận trọng hơn trong việc ra quyết định, điều này ảnh hưởng đến tốc độ và hiệu quả trong tương tác với các đối tác quốc tế. Tháng Năm năm ngoái, các nhà tài trợ phương Tây đã gửi thư bày tỏ quan ngại về việc Việt Nam đã mất ít nhất $2.5 tỷ tài trợ nước ngoài trong ba năm qua do tình trạng trì trệ hành chính.
Mặc dù những thay đổi này cho đến nay chưa gây ảnh hưởng đáng kể đến chính sách đối ngoại của Việt Nam, thể hiện qua việc đón tiếp thành công Tổng Thống Joe Biden, Chủ Tịch Tập Cận Bình và Tổng Thống Vladimir Putin trong vòng một năm, nhưng liệu Việt Nam có đủ khả năng chống đỡ trước những cú sốc bên ngoài lớn, chẳng hạn như việc ông Trump tái đắc cử, vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời đáp.
Những tia hy vọng
Tuy nhiên, vẫn còn những điểm sáng le lói. Kinh nghiệm từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump sẽ cung cấp cho Hà Nội một nền tảng nhất định để xây dựng mối quan hệ ổn định và mang tính xây dựng. Thứ hai, quan hệ song phương Hoa Kỳ – Việt Nam đã đạt đến một tầm cao mới, đặc biệt là sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện vào Tháng Chín năm ngoái. Dựa trên những gì đã diễn ra trong nhiệm kỳ trước, có thể dự đoán ông Trump sẽ duy trì xu hướng này, coi Việt Nam là một đối tác quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tương tự như Philippines và Ấn Độ, vị trí địa chiến lược của Việt Nam trên tuyến đầu trong chiến lược kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc của Hoa Kỳ có thể mang lại cho Hà Nội một mức độ “miễn trừ” nhất định từ Washington.
Thứ ba, sự nổi lên của Tổng Bí Thư Tô Lâm có thể tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo, dựa trên kinh nghiệm của ông Trump trong việc xây dựng quan hệ với các nhà lãnh đạo độc tài, như Tổng Thống Vladimir Putin và cựu Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte. Một bức điện tín ngoại giao năm 2011 từ Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, được công bố sau này, đã có những đánh giá tích cực về ông Tô Lâm, khi đó là thứ trưởng Bộ Công An.
Đối mặt với nhiệm kỳ thứ hai của một chính trị gia khó đoán như ông Donald Trump là một thách thức không nhỏ. Vì vậy, Hà Nội cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho các kịch bản khác nhau. Nếu Việt Nam có thể lèo lái thành công mối quan hệ này như trong nhiệm kỳ đầu tiên, vị thế địa chính trị của đất nước sẽ được củng cố đáng kể trong bối cảnh biến động khó lường của thời đại mới.