Là ‘cái gai’ trong mắt Tô Lâm, Phạm Minh Chính trụ được tới khi nào?

Tô Lâm bắt tay Phạm Minh Chính trong cuộc họp Quốc hội ngày 05/11/2022. (Hình: Cổng thông tin điện tử Quốc Hội Việt Nam

Điểu tận cung tàng, chim hết thì bẻ cung, ông Phạm Minh Chính từng liên minh với ông Tô Lâm trong cuộc đảo chính ông Trọng, giờ đây họ Phạm lại thành cái gai trong mắt họ Tô.

Những người thân cận ông thủ tướng lần lượt về quê hoặc… về nơi an nghỉ cuối cùng.

Không biết vô tình hay hữu ý, mà có sự trùng hợp lạ kỳ giữa nhóm tứ trụ và văn phòng chính phủ của ông Phạm Minh Chính. Trong nhóm tứ trụ từ đầu nhiệm kỳ tới nay thì có một người chết, và ba người phải từ chức, chỉ còn ông Chính còn ngồi lại ghế thủ tướng. Còn tại chính phủ thì cũng một phó thủ tướng chết ngay giữa nhiệm kỳ, và ba phó thủ tướng phải từ chức, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 tới giờ chỉ còn ông Chính tại vị.

Các tứ trụ cùng nhiệm kỳ với ông Chính, có cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chết giữa nhiệm kỳ, ông Nguyễn Xuân Phúc mới làm chủ tịch nước chưa đầy hai năm là phải từ chức. Kế nhiệm ông Phúc, ông Võ Văn Thưởng cũng làm được 1 năm là phải nhường ghế cho ông Lâm. Ông Vương Đình Huệ có thời gian tại vị lâu hơn khi làm chủ tịch Quốc Hội, được ba năm mới giao ghế lại cho ông Trần Thanh Mẫn.

Trong văn phòng Chính Phủ, ông Phạm Bình Minh, uỷ viên Bộ Chính Trị phải từ chức sau 1 năm 121 ngày làm phó thủ tướng do liên quan tới tham nhũng. Ông Vũ Đức Đam làm phó thủ tướng hơn 9 năm, nhưng cũng phải từ chức cùng lúc với ông Minh với cùng lý do tham nhũng. Ông Lê Văn Thành qua đời do bệnh nặng sau hơn hai năm làm phó thủ tướng dưới trướng Phạm Minh Chính. Còn ông Lê Minh Khái là phó thủ tướng mới nhất vừa bị cho nghỉ việc vào ngày 3 Tháng Tám.

Theo truyền thông cộng sản, ông Huệ, và ông Thưởng đều bị buộc phải từ chức để chịu trách nhiệm người đứng đầu. Căn cứ vào lý do này, ông Chính cũng phải từ chức khi để ba phó thủ tướng tham nhũng và gây ra nhiều tiêu cực, ảnh hưởng tới cả đất nước. Chỉ trong nửa nhiệm kỳ mà chính phủ của ông Chính lộ ra quá nhiều vấn đề và lòi ra tới ba “con mối chúa” như vậy, liệu nửa nhiệm kỳ sau sẽ ra sao, nếu ông Chính vẫn tiếp tục tham quyền cố vị?

Phạm Minh Chính và bốn lãnh đạo chủ chốt của cộng sản Việt Nam hồi đầu năm 2023. (Hình: Cổng thông tin điện tử Quốc Hội Việt Nam)

Liên quan tới AIC, tương lai ông Chính nằm trong tay Tô Lâm

Những ngày cuối Tháng Mười, tiếp tục diễn ra phiên toà xét xử đại án tham nhũng liên quan tới công ty AIC do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm chủ tịch hội đồng quản trị.

Trước phiên toà này, người phụ nữ sinh năm 1969 này đã hai lần bị kết án vắng mặt với tổng mức án là 30 năm tù với cáo buộc tham nhũng lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, các thông tin rò rỉ cho biết việc bà Nhàn bị khởi tố là do liên quan tới việc đấu đá nội bộ trong đảng cộng sản. Theo đó, bà là “người tình lâu năm” của đương kim thủ tướng Việt Nam, ông Phạm Minh Chính. Hai người có với nhau một cô con gái đã trưởng thành. Nhờ mối quan hệ của ông Chính mà bà Nhàn được kết nối làm trung gian cung cấp thiết bị quân sự và công nghệ y tế từ Tây phương về Việt Nam.

Tới năm 2022, bà Nhàn bị công an khởi tố và truy nã. Đây là lúc ông Nguyễn Phú Trọng muốn cho ông Chính theo ông Phúc về vườn “làm người tử tế.” Và AIC chỉ là cái cớ để ông Trọng tiễn ông Chính đi nhanh hơn.

Đại án tham nhũng của công ty AIC diễn ra trong thời kỳ ông Chính còn làm bí thư tỉnh Quảng Ninh. Ông Chính có liên quan trực tiếp trong vụ uỷ ban tỉnh Quảng Ninh duyệt kinh phí hơn 238 tỷ đồng cho bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh mua thiết bị y tế với giá cao của AIC. Lúc đó ông Trọng lệnh cho Tô Lâm điều ông Đinh Văn Nơi về Quảng Ninh để thu thập đầy đủ mọi bằng chứng về vụ này. Bây giờ, nếu ông Lâm thật sự muốn hạ bệ ông Chính ngay trong nhiệm kỳ này, thì chỉ cần gật đầu là xong!

Nói đi thì phải nói lại, cũng cần phải thấy nguyên nhân vì sao mà ông Chính vẫn có thể ngồi cứng ghế thủ tướng cho tới giờ phút này. Ông Chính có lý lịch từng làm phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Tình Báo, thứ trưởng Bộ Công An và có lịch sử thăng cấp hàm bậc thiếu tướng và trung tướng cùng các đợt với ông Lâm. Thế lực và các bí mật tình báo của ông Chính cũng “không phải dạng vừa.”

Ông thủ tướng rõ ràng không phải là một khúc xương dễ gặm. Cho nên sau khi bị ông Trọng cho vào danh sách đen, ông Chính kết hợp với ông Lâm làm một cuộc đảo chính vô tiền khoáng hậu. Lần lượt đưa các thân tín của ông Trọng về vườn và đưa luôn ông Trọng… về nơi an nghỉ cuối cùng.

Ông Phạm Minh Chính (giữa), và bốn phó thủ tướng đầu tiên trong nhiệm kỳ 2021-2026. (Hình: VGP)

Nhưng bây giờ, sau khi ông Lâm triệt hạ gần hết các đối thủ tiềm năng, thì Chính lại trở thành cái gai trong mắt tổng bí thư hiện nay. Chiếu theo điều lệ đảng cộng sản, ông Chính cũng là người duy nhất có khả năng tranh ghế tổng bí thư nhiệm kỳ 2026-2031 với ông Lâm. Hoặc ông Chính có thể xin ngồi lại ghế thủ tướng thêm một nhiệm kỳ, như vậy lại cản chân ông Lâm trong việc “Hưng Yên hoá” Bộ Chính Trị.

Cái ghế thủ tướng này, rõ ràng ông Lâm muốn để dành cho một trong những thân tín của mình chứ không muốn chia cho phe nào cả. Dù rằng họ Tô và họ Phạm đều đã lố tuổi để có thể tiếp tục lãnh đạo thêm một nhiệm kỳ nữa. Như năm 2021, ông Trọng và ông Phúc cùng “được gia hạn” thêm một nhiệm kỳ theo dạng “trường hợp đặc biệt.” Cho nên việc ông Lâm đưa bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn ra xét xử những ngày qua cũng là một cách nhắc nhở nhẹ nhàng, buộc ông Chính phải đầu hàng. Con bài AIC mà ông Trọng để lại đã giúp ông Lâm nắm đằng cán. Và với sức ép mà họ Tô đang tạo ra trong khắp bộ máy chính trị, chắc chắn ông Lâm sẽ tiếp tục thêm một, hoặc nhiều nhiệm kỳ nữa.

Còn ông Chính có lẽ chỉ cố gắng hết nhiệm kỳ này rồi hạ cánh an toàn, nhường ghế thủ tướng lại cho một trong những thân tín của họ Lâm, sẽ là nước đi sáng suốt, chứ nếu tiếp tục tranh chấp ghế tổng bí thư, hay xin ngồi lại ghế thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa, có lẽ ông Chính không đủ lực nữa rồi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: