Mạng lưới y tế liên bang rủi ro dưới thời Tổng Thống Trump

Người già, trẻ em, người khuyết tật đều có nguy cơ bị cắt giảm các chính sách về chăm sóc sức khỏe dưới thời Tổng Thống Trump. (Hình minh họa: Paolo Bendandi-Unsplash)

Khi Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump chuẩn bị nhậm chức, một số chương trình y tế liên bang có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt ngân sách khi chính quyền mới đặt mục tiêu giảm lạm phát và nợ.

Các khoản cắt giảm có khả năng nhắm vào Medicaid, Chương trình bảo hiểm y tế trẻ em (CHIPS,) và Chương trình hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung. Các chương trình này phục vụ chung cho hơn 85 triệu người dân Hoa Kỳ.

Tại cuộc họp báo qua Zoom vào ngày 6 Tháng Mười Hai, do Ethnic Media Services tổ chức, các diễn giả được mời thảo luận về tác động của việc cắt giảm ngân sách đối với các mạng lưới an toàn y tế quan trọng này dưới thời Tổng Thống Trump.

Giáo Sư Joan Alker, giám đốc điều hành Trung Tâm Trẻ Em và Gia Đình, nghiên cứu tại Quỹ Chính Sách Công của Trường Georgetown McCourt (Center for Children and Families and Research Professor at the Georgetown McCourt School of Public Policy Foundation), cho biết: “Medicaid là nguồn quỹ liên bang lớn nhất đổ vào ngân sách của tiểu bang và chiếm trung bình 56% ngân sách của một tiểu bang. Nếu Medicaid bị cắt giảm, sẽ ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực trong ngân sách của các tiểu bang, không chỉ riêng ngân sách y tế.”

Theo dữ liệu từ Văn Phòng Y Tế Thiểu Số thuộc Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Sinh, khoảng 28% người Mỹ gốc Á dưới 65 tuổi được bảo hiểm Medicaid; tỷ lệ này là hơn 34% số người dưới 65 tuổi là người Latinh được Medicaid; 39% là người da đen, 35% người dân bản địa Hawaii ở Thái Bình Dương. Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump hứa không cắt giảm an sinh xã hội hoặc Medicare, chủ yếu phục vụ những người trên 65 tuổi, nhưng ông ít đề cập đến Medicaid, chương trình cung cấp bảo hiểm y tế cho người lớn và trẻ em có thu nhập thấp thông qua CHIP (Chương trình bảo hiểm sức khỏe trẻ em). Được biết, gần một nửa số trẻ em sống tại Hoa Kỳ (khoảng 40 triệu) được ghi danh vào CHIP.

Việc cắt giảm Medicaid có thể xảy ra ngay cả trước khi Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump nhậm chức, Alker giải thích, Hạ Viện và Thượng Viện mới do Đảng Cộng Hòa kiểm soát có khả năng sẽ bắt đầu hoạt động với một nghị quyết vào Tháng Giêng. Bà cho biết việc cắt giảm lớn đối với Medicaid sẽ tạo ra những vấn đề nghiêm trọng cho các chính quyền tiểu bang, và có tác động sâu sắc đến dân số già của Hoa Kỳ.

Alker cũng cho biết, tệ nạn quan liêu mới có khả năng sẽ xuất hiện, trì hoãn việc ghi danh cho những người đủ điều kiện và con cái của họ.

Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiếp nhận nhiều lao động có mức lương thấp, đặc biệt là những người ở các cộng đồng nông thôn rất có thể sẽ phải đối mặt với việc cắt giảm chi phí hoàn trả. Vì vậy, trẻ em, người cao niên, và người khuyết tật sẽ gặp rủi ro nếu   Medicaid bị cắt giảm đáng kể.

Medicaid rất được cử tri ưa chuộng, chỉ đứng sau Medicare, một trong những chương trình phổ biến nhất của chính phủ liên bang. Vì thế, theo Alker, chẳng ai muốn thấy Medicaid bị cắt giảm nhiều.

Nói về tác động của các khoản cắt giảm của liên bang đối với trẻ em, Mayra Alvarez, chủ tịch của Children’s Partnership cho biết một số đề xuất trong Dự án 2025 (dự kiến ​​sẽ là sách lược của Trump cho nhiệm kỳ thứ hai này của ông) sẽ gây ra tác hại không thể khắc phục được đối với sức khỏe và hạnh phúc của trẻ em.

“Trẻ em rất cần các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sự an toàn mà các chương trình bảo hiểm như Medicaid hoặc Medi-Cal ở California cung cấp, nhưng trẻ em cũng cần một mạng lưới an toàn và quyền tiếp cận các dịch vụ bao gồm dinh dưỡng, hỗ trợ kinh tế,…” Alvarez nói. Bà cũng lưu ý sắp tới nhiều khả năng các chương trình liên quan đến trẻ em như: Chương trình bảo hiểm y tế trẻ em, Chương trình hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung, Hỗ trợ tạm thời cho các gia đình có nhu cầu, và thậm chí cả các chương trình ăn trưa tại trường học, đều có nguy cơ bị cắt giảm hoặc xóa bỏ.

“SNAP, còn được gọi là tem phiếu thực phẩm, hỗ trợ cho 40 triệu người. Đây là tuyến phòng thủ đầu tiên của quốc gia, chống lại nạn đói. Chính quyền mới đã đề xuất cắt giảm $4 tỷ cho chương trình này trong 5 năm, trong khi đây là thời điểm giá thực phẩm tăng 24% từ năm 2020 đến năm 2023 và tiền lương không tăng tương ứng,” Alvarez nói thêm.

Alvarez cũng cho biết chính quyền Trump có khả năng sẽ chấm dứt Chương trình hỗ trợ năng lượng cho hộ gia đình thu nhập thấp, còn được gọi là LIHEAP, chương trình hỗ trợ các gia đình thu nhập thấp thanh toán hóa đơn tiền điện. Bà cũng bày tỏ lo ngại rằng nguồn tài trợ cho chương trình Phụ nữ, Trẻ sơ sinh và Trẻ em – WIC, cũng sẽ bị cắt giảm. Trump đã cố gắng viện dẫn gánh nặng công cộng trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, đe dọa sẽ từ chối điều chỉnh tình trạng nhập cư, nếu người nộp đơn đã hưởng các phúc lợi liên bang.

Richard Kogan, nghiên cứu viên cao cấp tại trung tâm Center on Budget and Policy Priorities (CBPP), thảo luận về một quy trình mà tổng thống có thể sử dụng để ngăn chặn dòng tiền do Quốc Hội phân bổ.

Theo Kogan, các khoản cắt giảm sẽ được chuyển ngược lại để thực hiện trong khoảng thời gian 10 năm, nhà nghiên cứu lưu ý. “Quốc Hội thường rất giỏi trong việc suy nghĩ về các cách để cấu trúc những khoản cắt giảm này mà không cảm thấy ‘đau đớn’ ngay lập tức,” Kogan nói.

Từ trái: Joan Alker, Mayra Alvarez, Richard Kogan. (Hình: EMS cung cấp)

Kogan bắt đầu nghiên cứu tính hợp pháp của việc tịch thu tiền 52 năm trước, khi cựu Tổng Thống Richard Nixon sử dụng quy trình này để từ chối cấp vốn cho các chương trình phúc lợi xã hội. Nixon đã phải đối mặt với chín vụ kiện và thua tất cả. Năm 1974, Quốc Hội phê duyệt Đạo Luật Kiểm Soát Tịch Thu (The Impoundment Control Act) nhằm hạn chế các hành động tương tự của tổng thống.

“Phần lớn các cuộc thảo luận công khai về việc tịch thu tiền đều rất mơ hồ hoặc thường chỉ đơn giản là sai,” Kogan cho biết. “Điểm mấu chốt là các tổng thống chưa bao giờ có thẩm quyền chung để tịch thu tiền tài trợ được Quốc Hội ban hành thành luật và Quốc Hội thậm chí không thể trao thẩm quyền đó cho tổng thống nếu muốn. Đầu tiên, Hiến Pháp Hoa Kỳ không trao cho tổng thống quyền tịch thu tiền. Hiến pháp nêu rõ rằng Quốc Hội quyết định chi tiền vào việc gì và bao nhiêu, và nhiệm vụ của tổng thống là ‘bảo đảm luật được thực thi một cách trung thực’.”

Năm 1996, Quốc Hội đã phê duyệt Đạo luật Phủ quyết Mục chi, trao cho Tổng thống thẩm quyền phủ quyết có chọn lọc các mục chi trong các dự luật phân bổ. Quyền phủ quyết từng mục, về cơ bản là một lệnh tịch thu, sẽ có hiệu lực trừ khi Quốc hội soạn thảo một luật mới để cấm điều đó. Nhưng Tòa án Tối cao đã ra phán quyết 6-3 rằng Đạo luật này là vi hiến.

Kogan bày tỏ nỗi lo lắng về các loại cắt giảm mà Quốc Hội có thể thực hiện, cắt giảm hoặc xóa bỏ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ thực phẩm, hỗ trợ giáo dục hoặc hỗ trợ nhà ở cho hàng chục triệu người. Nhưng Quốc Hội có nhiệm vụ soạn thảo luật ngân sách và tổng thống có nhiệm vụ tuân thủ trung thành các luật ngân sách đó.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: