Miến Điện: bất lực trước bạo quyền!!!

HIẾU CHÂN

Cuộc đối đầu giữa người dân Miến Điện đòi tự do dân chủ với tập đoàn quân phiệt (junta) thực hiện cuộc đảo chính ngày 01-02-2021 kéo dài đã 50 ngày và càng lúc càng khốc liệt. Phe quân phiệt vẫn hết sức tàn bạo và không có dấu hiệu nhượng bộ trong lúc phong trào biểu tình bất bạo động bị tổn thất ngày càng lớn và có nguy cơ bị dìm trong biển máu.

Tình hình bi thảm tại Miến Điện

Sáng nay thứ Sáu 19-03, quyền Điều phối viên thường trú về nhân đạo của Liên hiệp quốc tại Miến Điện, ông Andrew Kirkwood, công bố tình hình bi thảm tại Miến Điện trong một báo cáo trực tuyến ngắn: 

  • Đã có ít nhất 2.400 người bị bắt giam liên quan tới các cuộc biểu tình phản đối đảo chánh, “đại đa số những người bị bắt đều bị biệt giam (incommunicado), không được liên lạc với bên ngoài, không có tin tức và ngày càng có nhiều báo cáo cho biết họ bị bạo hành về tính dục”.
  • Tính đến nay đã có ít nhất 211 người biểu tình bị bắn, “và có thể có nhiều người bị giết hơn nữa”. “Và tôi cho rằng, điều quan trọng phải nhấn mạnh là nhiều người đã bị giết bằng những phát súng bắn vào đầu từ những tên bắn tỉa (snipers) trong lúc họ biểu tình ôn hòa”, ông Kirkwood nói.
  • Tại Yangon, khoảng hai triệu người ở sáu quận của thành phố lớn nhất nước đã bị đặt trong tình trạng thiết quân luật từ thứ Hai đến nay, trong đó “các viên chỉ huy quân đội có toàn quyền xét xử và hành động. Hàng chục ngàn người từ các vùng ngoại ô công nghiệp của thành phố đã phải di tản,” ông Kirkwood nói.
  • “Chúng tôi hết sức lo ngại về cuộc khủng hoảng y tế và khủng hoảng nhân đạo đang đến gần. Hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng trong thực tế đã sụp đổ. Một cuộc khủng hoảng ngân hàng [các ngân hàng đồng loạt ngừng hoạt động để phản đối đảo chính làm cho các giao dịch thương mại bị đình trệ, nhiều công ty không rút được tiền để trả lương cho nhân viên] đã làm gián đoạn các dây chuyền cung cấp,” ông Kirkwood nói thêm.

Ngoài ra, truyền thông Internet đã bị cắt và một phóng viên ban Miến Ngữ của hãng truyền thông Anh quốc BBC, ông Aung Thura, bị bắt giam sáng nay khi đang tường trình bên ngoài một tòa án.

Cuộc tranh đấu kiên cường

Bất chấp thương vong và sự đàn áp tàn bạo của junta, người dân Miến Điện vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh. Trang mạng Myanmar Now dẫn nguồn tin từ dịch vụ mai táng cho biết sáng nay thứ Sáu quân đội nổ súng vào người biểu tình tại thị trấn Aungban ở miền Trung, giết chết tám người, bảy người chết tại chỗ và một người chết sau khi được đưa tới bệnh viện ở thị trấn Kalaw lân cận.

Người biểu tình đã sáng tạo nhiều phương thức đấu tranh độc đáo như đặt hàng ngàn con lật đật – một thứ đồ chơi phổ thông – trên đường phố, dán thêm các biểu ngữ và khẩu hiệu; treo xà-rông và nội y phụ nữ chắn ngang đường để cản bước quân đội; các phụ nữ mang bầu, các nhà sư và chức sắc tôn giáo trở thành lực lượng đi đầu trong các cuộc xuống đường, che chắn cho các nhóm thanh niên, sinh viên ở tuyến sau… Nhưng xà-rông, lật đật làm sao đối đầu súng liên thanh, lựu đạn của một lực lượng quân sự chính quy được trang bị tận răng!

Một tâm lý chống Trung Quốc đang lan rộng ở Miến Điện vì người dân cho rằng chính phủ Bắc Kinh hậu thuẫn tập đoàn quân phiệt junta làm cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân sự do người dân bầu lên. Một số nhà máy của Trung Quốc ở khu vực Yangon bị đốt cháy và phá hoại. Đại sứ quán Trung Quốc tại Miến Điện nói có 32 nhà máy do người Trung Quốc đầu tư bị phá hoại, hai người bị thương và thiệt hại khoảng 37 triệu USD. Các lực lượng quân sự của các sắc tộc thiểu số chống đối đảo chính đe dọa làm nổ tung đường ống dẫn dầu và khí đốt từ vịnh Bengal băng qua lãnh thổ Miến Điện tới thành phố Kunming (Côn Minh) tỉnh Yunnan (Vân Nam) của Trung Quốc nhưng đến nay, chưa có vụ phá hoại đường ống dẫn dầu nào xảy ra.

Quốc tế phản ứng yếu ớt

Cho đến nay, phản ứng của cộng đồng thế giới đối với vụ đảo chính ở Miến Điện chủ yếu vẫn chỉ là những tuyên bố lên án, phản đối hoặc cấm vận một số tướng lĩnh cầm đầu. 

Diễn biến mới nhất là vào sáng thứ Bảy 20-03, giờ Miến Điện, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres “lên án mạnh mẽ việc quân đội Miến Điện tiếp tục dùng bạo lực dã man”. “Quân đội tiếp tục phớt lờ lời kêu gọi – kể cả lời kêu gọi của Hội đồng Bảo an (HĐBA) – chấm dứt sự vi phạm các quyền con người căn bản và quay trở lại con đường dân chủ. Đang rất cần gấp một phản ứng quốc tế thống nhất,” tuyên bố do phát ngôn viên của ông Guterres đưa ra nhấn mạnh.

Nhưng quốc tế đã không thống nhất trong cách ứng xử với cuộc đảo chính bất hợp pháp và hành động đàn áp đẫm máu của quân đội Miến Điện. Một nghị quyết của HĐBA về sự kiện này đã bị làm giảm nhẹ, thậm chí không gọi đích danh sự việc là vụ đảo chính, vì bị sự phản đối của Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Việt Nam, trong đó Trung Quốc và Nga là thành viên thường trực, có quyền phủ quyết của HĐBA.

Cùng quan điểm với Liên hiệp quốc, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin “mạnh mẽ” thúc giục quân đội Miến Điện “thay đổi đường lối, chọn con đường tới giải pháp hòa bình”. Ông Yassin cho biết ông ủng hộ lời của Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi khối ASEAN mở hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp để bàn về cuộc khủng hoảng ở Miến Điện. “Rõ ràng là cuộc xung đột chính trị hiện nay chỉ biến người dân thường Miến Điện thành nạn nhân. Điều đó không có chỗ đứng trong hệ giá trị về niềm tin, lương tâm và văn hóa của chúng ta và trái với những nguyên tắc được minh định trong Hiến chương ASEAN” ông Yassin nói, theo Nikkei Asia.

Những lời kêu gọi như vậy từ khối ASEAN không làm cho tập đoàn quân sự Miến Điện nao núng vì xét cho cùng đường lối của các nước ASEAN láng giềng là không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác và cũng không có đủ sức mạnh đạo đức để phản đối tập đoàn quân phiệt Miến Điện một cách hiệu quả. Nên để ý mới tháng trước, chính phủ Malaysia của ông Yassin đã trục xuất hơn 1.000 người Miến Điện tị nạn tại Malaysia về nước bất chấp tình trạng bất ổn ở đó, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của các tổ chức nhân quyền và phớt lờ phán quyết của Tòa Thượng thẩm Kuala Lumpur. 

Thế khó của Hoa Kỳ

Hoa Kỳ và châu Âu cũng không có giải pháp nào khả thi cho cuộc khủng hoảng tại Miến Điện. Hôm nay các đại sứ đại diện cho các nước Liên Âu, cùng với các đại sứ Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, đã cùng ra một tuyên bố lên án hành động bạo lực của quân đội chống lại thường dân không có vũ khí là “vô đạo đức và không biện hộ được”. “Cắt internet và bịt miệng báo chí sẽ không che giấu được các hành động ghê tởm của quân đội”, tuyên bố viết.

Sau biện pháp cấm vận các tướng lĩnh quân đội cầm đầu cuộc đảo chính Miến Điện và một số cơ sở kinh tế của họ – một động tác có tính biểu tượng hơn là tác động thực tế – hôm nay Hạ viện Hoa Kỳ thông qua một dự luật lên án vụ đảo chính bắt giam các nhà lãnh đạo dân sự Miến Điện. Dự luật được thông qua với số phiếu 398-14, trong đó cả 14 phiếu chống đều từ các dân biểu Cộng Hòa bảo thủ. Theo CNN, dự luật có nội dung lên án cuộc đảo chính, việc giam giữ các nhà lãnh đạo dân sự Miến Điện, kêu gọi trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ và những người được bầu để họ tiếp tục nhiệm vụ trong quốc hội. Dự luật yêu cầu chính quyền của Tổng thống Joe Biden cung cấp báo cáo cho Quốc hội về các sự kiện ở Miến Điện và phản ứng của Tòa Bạch ốc đối với các sự kiện đó.

Dự luật cần được Thượng viện thông qua trước khi chính thức trở thành luật, nhưng không rõ nó sẽ có tác động như thế nào tới giới quân sự cầm quyền ở Miến Điện – những kẻ vốn đã quen với tình trạng bị quốc tế cấm vận và cô lập suốt nhiều thập niên.

Nguy cơ tái diễn các thảm nạn 1988, 2007

Hoa Kỳ đã từng ban hành nhiều biện pháp cấm vận kinh tế, cấm vận quan chức lãnh đạo các chính thể độc tài từ Venezuela, Cuba tới Bắc Hàn; mới đây là các đạo luật trừng phạt các quan chức Hong Kong, Trung Quốc liên quan tới vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, ở Tây Tạng v.v… nhưng không làm thay đổi tình hình ở các nước ấy, không làm các thế lực chuyên chế phải chùn tay hoặc “cải tà quy chánh”, trả quyền lực về tay nhân dân. Lần này tình hình Miến Điện chưa chắc sẽ được cải thiện sau những đạo luật của Hoa Kỳ.

Một ngày sau khi xảy ra vụ đảo chính ở Miến Điện, chúng tôi đã nhận định, “cái bóng của Trung Quốc đang khiến tình hình trở nên phức tạp hơn nhiều và làm hạn chế các lựa chọn chính sách của Mỹ. Việc quay trở lại cô lập kinh tế Miến Điện có thể làm tổn thương người dân Miến Điện và đẩy nước này sâu thêm vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.” Cho đến nay, đã có hơn 200 mạng người đã mất nhưng Hoa Kỳ vẫn lúng túng, chưa tìm ra được cách can thiệp hiệu quả để ngăn chặn bàn tay vấy máu của các tướng lĩnh quân đội Miến Điện. Liên hiệp quốc thì gần như tê liệt vì quyền phủ quyết của Nga và Trung Quốc, dù các đại diện của tổ chức này tại hiện trường liên tục lên tiếng thúc giục quốc tế hành động khẩn cấp vì sự đàn áp đã vượt quá sức chịu đựng.

Khi các thế lực bạo quyền như tập đoàn quân phiệt ở Miến Điện, chế độ chuyên chế phong kiến gia đình trị ở Bắc Hàn và nhiều chính thể độc tài khác ở khắp nơi trên thế giới vẫn còn được sự bảo kê, che chắn từ các ông trùm ở Moscow và Bắc Kinh thì Hoa Kỳ khó mà can thiệp có hiệu quả để tái lập thể chế dân chủ đã bị lật đổ hoặc chưa hình thành và người dân thường vẫn tiếp tục là nạn nhân của một số kẻ nghiện quyền lực, như nhận định của Thủ tướng Malaysia nêu trên.

Nếu thế giới vẫn chỉ dừng ở mức bày tỏ quan ngại, lên án, kêu gọi bằng lời nói, bằng văn bản ngoại giao thì e rằng, một cuộc tàn sát ở quy mô khủng khiếp như thảm nạn của cuộc Nổi dậy 8888 (8.8.88 Uprising) năm 1988 và Cách mạng Tăng bào (Saffron Revolution) năm 2007 có nguy cơ tái diễn một lần nữa trên đất Miến Điện và hàng ngàn người sẽ phải bỏ mạng cho giấc mơ dân chủ của quê hương họ. 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: