MỘT ĐẢNG THẤT BẠI (II)

Một người trong cuộc chia tay với Bắc Kinh
Đài Truyền Hình Trung Ương Trung Quốc. Hình: Wikipedia.

Phần 2: Lý thuyết và thực tiễn; Giới tinh hoa vô học; Hệ tư tưởng trống rỗng; Ý tưởng để bán

Xem phần 1: Giáo dục một người cộng sản; từ sinh viên trở thành thầy giáo

Lý thuyết và thực tiễn

Suy nghĩ của tôi có vẻ như phù hợp một phần với suy nghĩ của người kế vị ông Đặng, ông Giang Trạch Dân (Jiang Zemin). Quyết tâm phát triển kinh tế Trung Quốc, ông Giang đã tìm cách kích thích doanh nghiệp tư nhân và đưa Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại thế giới. Nhưng những chính sách này mâu thuẫn với học thuyết thâm căn cố đế của đảng Cộng sản Trung Quốc coi trọng nền kinh tế kế hoạch hóa và sự tự túc quốc gia. Bởi vì học thuyết của Marx, của Mao hoặc của Đặng đều không giải quyết được những mâu thuẫn này, Giang cảm thấy cần thiết phải đưa ra một cái gì đó mới mẻ. Ông ta gọi đó là học thuyết “Ba Đại Diện”.

Tôi được nghe về học thuyết mới này lần đầu là cùng với mọi người. Buổi tối ngày 25 tháng Hai năm 2000, tôi xem Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) tường thuật về thuyết Ba Đại Diện. Ông Giang nói, đảng phải đại diện cho ba phương diện của Trung Quốc: “những yêu cầu phát triển của các lực lượng sản xuất tiên tiến”, tiến bộ văn hóa và quyền lợi của đa số. Là giáo sư Trường Đảng Trung ương, tôi lập tức hiểu rằng học thuyết này báo hiệu một sự chuyển dịch quan trọng trong ý thức hệ của đảng Cộng sản Trung Quốc. Đặc biệt, điểm thứ nhất trong Ba Đại Diện ám chỉ rằng Giang đang từ bỏ tín điều cốt lõi của chủ nghĩa Marx rằng các nhà tư bản là một nhóm xã hội bóc lột. Thay vì vậy, Giang mở cửa đảng cho hàng ngũ của họ – một quyết định mà tôi tán thành.

Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan phụ trách công tác tư tưởng của ĐCSTQ, chịu trách nhiệm quảng bá học thuyết mới của Giang, nhưng họ có một vấn đề: Học thuyết Ba Đại Diện đang bị giới cực hữu tấn công. Giới này nghĩ rằng Giang đã đi qua xa trong việc dụ dỗ giới doanh nhân. Hy vọng né tránh cuộc xung đột này, Ban Tuyên Giáo chọn cách làm nhẹ đi lý thuyết Ba Đại Diện. Tờ Nhân Dân nhật báo đăng một bài dài nguyên tranh chứng minh tính đúng đắn của thuyết Ba Đại Diện với nhiều trích dẫn tham chiếu từ các văn bản của Marx, Engels, Lenin, Stalin, Mao và Đặng.

Tôi thấy làm như vậy không thuyết phục. Mục đích của thuyết Ba Đại Diện là gì nếu nó chỉ nhắc lại hệ tư tưởng sẵn có? Tôi khinh ghét những phương pháp thiển cận của guồng máy tuyên truyền của đảng. Tôi quyết tâm bộc bạch ý nghĩa thật sự của thuyết Ba Đại Diện, một học thuyết mà trong thực tế đã đánh dấu một sự khởi đầu can đảm cho Trung Quốc. Chuyện này hóa ra lại đưa tôi vào cuộc xung đột với guồng máy quan liêu thâm căn cố đế của ĐCSTQ.

Giới tinh hoa vô học

Cơ hội cho tôi quảng bá sự hiểu biết đúng đắn về thuyết Ba Đại Diện đến vào năm 2001, khi Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) sau khi nghe một đồng nghiệp nói rằng tôi quan tâm đặc biệt tới học thuyết mới của Giang, đã mời tôi viết kịch bản một chương trình truyền hình về học thuyết đó. Tôi bỏ ra sáu tháng nghiên cứu và viết kịch bản phim tài liệu; tôi thảo luận rất kỹ với các nhà sản xuất ở mạng lưới truyền hình. Kịch bản của tôi nhấn mạnh vào nhu cầu phải có những chính sách canh tân mới để đáp ứng những thách thức của một thời đại mới: Tôi nhấn mạnh vào điều mà ông Giang nhấn mạnh: đó là, giờ đây chính phủ sẽ phải giảm can thiệp vào nền kinh tế và vai trò của đảng không còn là làm cuộc cách mạng bạo lực chống lại giai cấp tư sản bóc lột – thay vì vậy đảng phải khuyến khích việc tạo ra của cải và cân bằng lợi ích của các thành phần khác nhau trong xã hội.

Vào lúc ấy, tôi chợt hiểu. Những quan chức của CCTV không quan tâm tới ý nghĩa thật sự của ý thức hệ. Họ chỉ muốn làm cho đảng có vẻ tốt đẹp và lấy lòng cấp trên của họ.

Vào buổi chiều ngày 16 tháng Sáu, bốn phó chủ tịch cấp cao của CCTV họp trong một phòng thu tại đại bản doanh của mạng truyền hình để xem xét ba tập phim mỗi tập 30 phút. Khi họ xem phim, mặt họ tối sầm lại: “Dừng ở đây,” một người trong bọn họ nói khi tập phim thứ nhất kết thúc.

“Giáo sư Thái, bà có biết tại sao bà được mời sản xuất một chương trình về thuyết Ba Đại Diện không?” ông ta hỏi. “Đảng đang đưa ra một học thuyết tư tưởng mới, và chúng ta cần quảng bá nó”, tôi đáp. Quan chức này không nao núng. “Nghiên cứu và canh tân của bà có thể được trình bày ở Trường Đảng Trung ương, nhưng trên truyền hình chỉ trình chiếu những nội dung an toàn nhất,” ông nói. Tại thời điểm đó, không ai biết chắc chắn học thuyết Ba Đại Diện cuối cùng có nghĩa là gì, và ông ta lo ngại rằng kích bản của tôi có thể lạc điệu với quan điểm của Ban Tuyên Giáo. “Nếu có bất kỳ sự khác biệt nào thì hậu quả sẽ hết sức lớn,” ông ta nói.

Một quan chức điều hành khác của Đài chen vào. “Năm nay là kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc!” ông ta kêu lên. Một dịp kỷ niệm như vậy cần ca tụng những chiến thắng hào hùng của đảng chứ không phải là thảo luận về những thách thức mà đảng đang đối mặt. Vào lúc ấy, tôi chợt hiểu. Những quan chức của CCTV không quan tâm tới ý nghĩa thật sự của ý thức hệ. Họ chỉ muốn làm cho đảng có vẻ tốt đẹp và lấy lòng cấp trên của họ.

Trong mười ngày tiếp theo đó, chúng tôi mò mẫm sửa chữa lại phim tài liệu. Chúng tôi cắt bỏ những từ ngữ, câu cú có khả năng gây phản ứng; chúng tôi làm việc cả ngày lẫn đêm trong lúc kịch bản của tôi phải trải qua vài cuộc thẩm định về chính trị, do các nhóm từ khắp guồng máy đảng thực hiện. Cuối cùng, khoảng một tá quan chức đến dự buổi thẩm định cuối cùng, trong đó tôi được biết nhiều hơn về tính chất đạo đức giả của đảng. Tại một điểm, một thành viên cao cấp của ủy ban thẩm định phát biểu ý kiến. Trong tập phim thứ hai của bộ phim tài liệu, tôi có trích dẫn hai câu nói nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình vốn thường được liên kết với nhau: “Nghèo đói không phải là chủ nghĩa xã hội; phát triển là một sự thật khó khăn”.

“Nghèo đói không phải là chủ nghĩa xã hội à?” vị quan chức nêu câu hỏi một cách hồ nghi. “Thế thì chủ nghĩa xã hội là gì?” Ông ta tiếp tục phê phán, càng lúc càng lớn tiếng. “Và phát triển là sự thật khó khăn à? Hai câu này liên quan với nhau thế nào? Nói tôi biết xem!”

Tôi chết điếng vì kinh ngạc. Đây là lời chính xác của Đặng, còn quan chức cao cấp này – lãnh đạo Cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Nhà nước, cơ quan có quyền lực giám sát tất cả các phương tiện truyền thông – lại không biết tới ư? Tôi lập tức nghĩ tới lời phê phán của Mao đối với guồng máy quan liêu thời Cách mạng Văn hóa: “Họ không đọc sách, và họ cũng không đọc báo.”

Hệ tư tưởng trống rỗng

Trong suốt năm 2001, một phần trong nỗ lực quảng bá học thuyết độc đáo của Giang, Ban Tuyên Giáo bắt đầu biên soạn một bản đề cương nghiên cứu thuyết Ba Đại Diện – một bản tóm tắt sẽ được phát hành như là một tài liệu của Ban Chấp hành Trung ương mà toàn đảng phải đọc và thực hiện. Có lẽ vì tôi đã làm chương trình trên CCTV bà đã đọc tham luận về thuyết Ba Đại Diện tại một hội nghị khoa học, họ yêu cầu tôi giúp.

Tôi ngạc nhiên thấy cách giải thích chính thức cho một trong những chiến dịch ý thức hệ quan trọng nhất của đảng thời kỳ hậu Mao Trạch Đông chỉ là công việc cắt dán.

Cùng với một học giả khác và 19 quan chức tuyên giáo, tôi được gửi tới trung tâm huấn luyện của Ban Tuyên Giáo trong vùng bán sơn địa phía tây Bắc Kinh. Ban đã vạch ra một dàn ý tổng quát của bản đề cương và bây giờ họ yêu cầu chúng tôi lấp nội dung vào cái dàn ý đó. Nhiệm vụ của tôi là biên soạn phần về xây dựng đảng.

Soạn thảo tài liệu cho Ban Chấp hành Trung ương là một công việc có độ bí mật cao. Các đồng nghiệp của tôi và tôi bị cấm rời khỏi khu nhà, và cũng không được tiếp khách. Khi Ban Tuyên Giáo triệu tập cuộc họp thù những ai không được mời sẽ không được hỏi về cuộc họp đó. Chúng tôi, những người soạn thảo, được ăn ở và đi dạo cùng nhau nhưng bị cấm thảo luận về công việc của từng người. Tôi là phụ nữ duy nhất trong nhóm. Trong bữa ăn tối đàm đàn ông tán gẫu và kể chuyện tiếu lâm. Tôi thấy những cuộc trò chuyện có hơi men và nhạt nhẽo đó thật dung tục và luôn tuôn ra chỉ sau vài miếng ăn. Cuối cùng, một người khác trong nhóm kéo tôi ra ngoài. Anh ta giải thích, nói chuyện về công việc chính thức chỉ làm chúng tôi gặp rắc rối, cho nên chỉ nói chuyện về tình dục sẽ an toàn hơn, vui vẻ hơn.

Giúp soạn đề cương nghiên cứu là nhiệm vụ viết lách quan trọng nhất trong đời tôi nhưng đó cũng là công việc lố lăng nhất. Công việc của tôi là đọc hàng đống tài liệu ghi lại những ý nghĩa của Giang Trạch Dân, kể cả những bài phát biểu mật và những văn bản chỉ lưu hành nội bộ. Sau đó tôi sẽ rút ra những trích dẫn phù hợp và đặt chúng vào nhiều đề mục nhỏ và ghi nguồn. Tôi không thể thêm bớt văn bản, nhưng tôi có thể đổi dấu chấm thành dấu phẩy và nối kết câu trích này với câu trích kia. Tôi ngạc nhiên thấy cách giải thích chính thức cho một trong những chiến dịch ý thức hệ quan trọng nhất của đảng thời kỳ hậu Mao Trạch Đông chỉ là công việc cắt dán.

Bởi vì nhiệm vụ quá dễ dàng, tôi dùng nhiều thời gian chờ đợi trong nỗi chán chường chờ công việc của tôi được xem xét. Một hôm tôi hỏi một thành viên khác, một giáo sư từ Đại học Nhân dân Trung Quốc: “Có phải chúng ta chỉ đang tạo ra một phiên bản khác của Mao Tuyển?” tôi muốn nói tới cuốn Sách Đỏ Nhỏ – cuốn sách bỏ túi ghi những câu châm ngôn bị rút ra khỏi văn cảnh của chúng, được lưu hàng trong suốt thời Cách mạng Văn hóa. Ông giáo sư nhìn quanh và bật cười gượng gạo. “Đừng lo. Chúng mình đang ở một nơi cảnh sắc tuyệt vời, thức ăn ngon và những chuyến đi dạo thú vị. Chúng mình biết tìm đâu một kỳ nghỉ dưỡng thoải mái thế này? Hãy tìm một cuốn sách mà đọc. Vấn đề chỉ là mình có mặt ở đây mỗi khi họ gọi mình đi họp,” ông ta bảo tôi.

Tháng Sáu năm 2003 một hội nghị báo chí được tổ chức tại Đại sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh để công bố đề cương nghiên cứu và tất cả chúng tôi, những người đã góp phần soạn thảo nó, đều được yêu cầu tham dự. Ông Lưu Vân Sơn (Liu Yunshan), ủy viên Bộ Chính Trị và lãnh đạo Ban Tuyên giáo, trình bày báo cáo. Lúc ông ấy và các quan chức khác ngồi trên sân khấu, tôi cảm thấy một cảm giác nặng nề. Hiểu biết của tôi về thuyết Ba Đại Diện như là một bước ngoặt quan trọng trong ý thức hệ của đảng cầm quyền đã hoàn toàn bị loại ra khỏi tài liệu và bị thay bằng một thứ gì đó nhạt nhẽo, vô vị. Nhớ lại những cuộc tán gẫu dân đãng quanh bàn ăn tối mỗi đêm, lần đầu tiên tôi cảm nhận rằng cái hệ thống mà từ lâu tôi coi là thiêng liêng thực ra đã phi lý không thể chịu đựng nổi.

Phần 3: Ý tưởng để bán; Con đường khác

Phần 4: Thất vọng với Tập Cận Bình; Cọng rơm cuối cùng

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: