Nam Hàn: Môi trường kinh doanh ở Việt Nam ngày càng tồi tệ!

Các doanh nghiệp Nam Hàn tại Việt Nam lo ngại môi trường kinh doanh tại đây ngày càng xấu đi.
Sài Gòn xa hoa, lộng lẫy, hào nhoáng về đêm. Nền kinh tế Việt Nam có thật sự chói sáng như thế không? (Ảnh: Unplash)
Thời Sự
Thời Sự
Nam Hàn: Môi trường kinh doanh ở Việt Nam ngày càng tồi tệ!
Loading
/

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investment – FDI) tiếp tục có tầm quan trọng sống còn đối với kinh tế Việt Nam. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài khoảng $27,72 tỷ trong năm 2022, giảm 11% so với năm 2021.

Cũng theo bộ này, vốn đầu tư nước ngoài trong Tháng Giêng năm 2023 chỉ đạt $1,69 tỷ, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn bổ sung vào các dự án đang hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài đã giảm 76% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 306,3 triệu trong khi các khoản góp vốn và mua cổ phần cũng giảm 61% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiểu được vai trò tối quan trọng của vốn đầu tư nước ngoài với kinh tế và sự phát triển, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã vận động và tìm cách ký kết các hiệp định thương mại nhằm thu hút FDI.

Các hiệp định quan trọng gồm: Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ Tháng Tám năm 2020. Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh có hiệu lực từ Tháng Năm năm 2021. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực từ Tháng Một năm 2022.

Vốn Đầu tư Trực tiếp Nước Ngoài vào Việt Nam

Mặc dù nhà cầm quyền Việt Nam đã tìm cách cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, các thách thức mang tính hệ thống vẫn tồn tại. Cụ thể, chính sách kinh doanh rắc rối và thiếu minh bạch, nạn tham nhũng tràn lan, cơ sở hạ tầng pháp lý yếu kém, và bộ máy doanh nghiệp nhà nước không có hiệu quả.

Chính sách kinh doanh rắc rối, thiếu minh bạch

Theo một cuộc khảo sát mới đây được thực hiện bởi Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc (KIET) và Phòng Kinh doanh Hàn Quốc tại Việt Nam, các doanh nghiệp Nam Hàn tại Việt Nam lo ngại môi trường kinh doanh tại đây ngày càng xấu đi.

Trong số 326 công ty Hàn Quốc được khảo sát, 49,7% cho biết họ dự đoán môi trường kinh doanh sẽ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai. Và 38% trong số họ cho rằng các chính sách của chính phủ Việt Nam là một trong những lý do khiến họ có cái nhìn tiêu cực. Đáng lưu ý, gần 63% doanh nghiệp Nam Hàn cho biết họ phải chấp nhận các qui định rắc rối để tiếp tục kinh doanh tại Việt Nam, bao gồm quy trình phê duyệt và cấp phép kinh doanh, tiếp theo là sự thiếu minh bạch (48,2%), và các vấn đề về thuế (42,5%).

Tham nhũng tràn lan

Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đã xem “công cuộc đốt lò” chống tham nhũng là trọng tâm chính khi ông bắt đầu “cuộc chiến” này vào Tháng Hai năm 2013. Gần đây, ông Trọng đã mở rộng chiến dịch chống tham nhũng, bao gồm công tác “chống tiêu cực” được cho là những hoạt động, hành vi của các viên chức nhà nước khiến dư luận phẫn nộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của ĐCSVN. Sau hơn một thập kỷ ban Chỉ đạo Trung ương chống tham nhũng, căn bệnh thể chế này vẫn không thuyên giảm.

Một quán nước ở vỉa hè đường phố Sài Gòn. (Ảnh: Unplash)

Theo báo cáo của chính phủ Việt Nam, tổng số vụ tham nhũng tăng 40,97% trong năm 2022. Tuy nhiên, dư luận cho rằng tổng số các vụ tham nhũng trong thực tế có thể cao hơn con số mà nhà nước Việt Nam tuyên bố. Bởi Việt Nam vẫn có thói quen bưng bít và thay đổi thông tin bất lợi.

Căn bệnh tham nhũng có mặt tại mọi quốc gia độc tài lẫn dân chủ. Tuy nhiên, căn bệnh này “sinh sôi nảy nở” rất mạnh, gần như khó kiểm soát trong thể chế độc đảng. Sự quản lý độc quyền và tập trung của nhà nước trên mọi khía cạnh kinh tế và xã hội sản sinh ra bộ máy quan liêu cồng kềnh và lạm quyền.

Âu cũng do vai trò giám sát quan trọng của báo chí và dư luận bị nhà cầm quyền bóp nghẹt tối đa. Thêm vào đó là sự tranh giành quyền lợi giữa các cơ quan đã tạo ra sự chồng chéo về thẩm quyền là môi trường ‘màu mỡ’ cho tham nhũng nảy nở.

Cơ sở hạ tầng pháp lý yếu kém

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về môi trường đầu tư ở Việt Nam, các doanh nghiệp Hoa Kỳ cho biết họ phải đối mặt với nhiều thách thức thường xuyên và đáng kể do các chính sách kinh doanh không nhất quán, thực thi không thường xuyên, và khung pháp lý không rõ ràng. Thêm nữa, các doanh nghiệp Hoa Kỳ nhấn mạnh Việt Nam thiếu hệ thống pháp lý công bằng cho các khoản đầu tư, ảnh hưởng đến khả năng kinh doanh của họ tại Việt Nam.

Đáng lưu ý, hệ thống kế toán Việt Nam không phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, làm tăng chi phí giao dịch cho các nhà đầu tư tại đây. Trước đó vào năm 2020, Bộ Tài chính Việt Nam đã thông báo các doanh nghiệp phải áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) để bảo đảm tính minh bạch, thống nhất, và tin cậy. Tuy nhiên, do không thể đạt được mục tiêu này, Bộ Tài chính đã gia hạn thời hạn áp dụng IFRS đến năm 2025.

Các doanh nghiệp nước ngoài xem hệ thống pháp lý Việt Nam là một thách thức đáng lo ngại khi kinh doanh tại đây. Độc lập tư pháp và sự phân quyền không tồn tại ở Việt Nam vì tất cả mọi quyền lực, bao gồm của chính phủ, quốc hội, và tư pháp, đều dưới sự lãnh đạo ‘độc quyền’ của ĐCSVN.

Ví dụ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối Cao Việt Nam, Nguyễn Hòa Bình, cũng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tỉ lệ tham nhũng trong các phán quyết của tư pháp Việt Nam là đáng kể. Nguyên nhân là do thu nhập của các viên chức tư pháp khá thấp, là động cơ cho tham nhũng.

Quan trọng hơn, nhiều thẩm phán và các chuyên viên tư pháp ở Việt Nam không được đào tạo đầy đủ về pháp lý và thiếu kinh nghiệm. Hầu hết được bổ nhiệm thông qua các mối quan hệ cá nhân hoặc chính trị với các nhà lãnh đạo ĐCSVN. Bởi thế, nhiều doanh nghiệp nước ngoài tránh đưa các tranh chấp ra tòa án Việt Nam, vì niềm tin với thệ thống pháp lý Việt Nam là rất thấp.

Cuối cùng, Việt Nam không có chuyên môn pháp lý, nguồn lực, và kinh nghiệm trong việc bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ (Intellectual Property). Cụ thể, Việt Nam không có các tòa án và thẩm phán chuyên trách về sở hữu trí tuệ, vẫn tiếp tục ra các biện pháp trừng phạt hành chính, vốn đã liên tục thất bại trong việc ngăn chặn nạn hàng giả và vi phạm bản quyền tràn lan.

Bộ máy doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh, kém hiệu quả

Các doanh nghiệp nhà nước thường được ưu đãi và hưởng lợi từ việc tiếp cận các nguồn lực như đất đai, vốn, và đặc quyền chính trị so với các doanh nghiệp tư nhân, hoặc nước ngoài. Các chuyên gia phân tích thị trường lưu ý rằng nhiều doanh nghiệp nhà nước có vô số khoản nợ phải trả và đặc biệt các hoạt động kinh doanh và tài chính không có sự minh bạch.

Một trong những con phố “Tây” sầm uất ở Sài Gòn. (Ảnh: Unplash)

Điều đáng lưu ý, nhà nước Việt Nam không công bố chính thức danh sách các doanh nghiệp nhà nước. Thông tin về tài chính công và các khoản nợ của Việt Nam không được công bố. Quốc hội quy định nợ công ở mức 65% GDP, và theo số liệu chính thức, tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam vào cuối năm 2020 là 54.7% và cuối năm 2021 là 43,7%.

Tuy nhiên, số liệu nợ công chính thức được công bố không bao gồm các khoản nợ của một số doanh nghiệp nhà nước. Điều này tạo ra những rủi ro cho tài chính công Việt Nam, vì chính phủ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của các công ty này.

Liệu môi trường đầu tư Việt Nam sẽ cải thiện hơn?

Người được Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng chấp nhận cho ngồi ghế Thủ tướng là Phạm Minh Chính. Phạm Minh Chính xuất thân là Thứ trưởng Bộ Công an, không có kinh nghiệm kinh tế, và thậm chí chưa từng làm phó thủ tướng trước khi trở thành người đứng đầu chính phủ, đảm nhận trách nhiệm lèo lái con tàu kinh tế Việt Nam.

Liệu chính phủ dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Minh Chính có khả năng cải cách để trấn an các nhà đầu tư và thu hút thêm nguồn vốn FDI vào Việt Nam? Câu trả lời ngắn gọn là gần như không thể. Các cuộc điều tra tham nhũng nội bộ và thanh trừng chính trị đã làm nội bộ ban chính trị nghi ngờ và không tin tưởng nhau. Thêm vào đó là những thách thức từ thể chế độc đảng, gồm bộ máy nhà nước quan liêu không có năng lực và hệ thống pháp lý yếu kém.

Sự cố nói hớ Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì! của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong lúc chờ hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ vào giữa Tháng Năm năm ngoái phần nào cho thấy sự bất an của ông và đội ngũ. Suy cho cùng, mục đích tối thượng của chính phủ và bộ chính trị ĐCSVN dường như không phải là cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Thay vào đó, củng cố quyền lực vẫn là ưu tiên hàng đầu. Bởi thế, gần một nữa các doanh nghiệp Nam Hàn nhận định rằng môi trường kinh doanh ở Việt Nam “ngày càng tồi tệ” là có cơ sở.

___

Đọc thêm:

Cuối năm, bàn chuyện ‘Nói như Vẹm’

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: