HIẾU CHÂN
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát động cuộc thương chiến (trade war) chống Trung Quốc, coi đó là ưu tiên hàng đầu trong chính sách kinh tế và thương mại của ông. Nhưng sau một nhiệm kỳ tổng thống, cuộc thương chiến chẳng những đã không làm suy yếu được tiềm lực kinh tế của Trung cộng mà ngược lại càng làm cho người Mỹ thêm khó khăn và triển vọng kinh tế Mỹ bị Trung Quốc qua mặt càng thêm gần hơn.
Khi ra tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump cảnh báo rất chính xác những bất cập mà Trung Quốc đặt ra cho nền kinh tế Mỹ: thâm hụt thương mại lớn và ngày càng tăng; cơ sở sản xuất và công ăn việc làm trong các ngành công nghiệp kéo nhau sang Trung Quốc, gây ra nạn thất nghiệp trầm trọng trong các tầng lớp lao động Mỹ. Ông nhiều lần than phiền các thỏa thuận thương mại do các thương thuyết gia “đần độn” của Mỹ ký kết trong nhiều thập niên đã tạo điều kiện cho các nước khác “lột sạch” nước Mỹ và đã không ngần ngại hủy bỏ hoặc thương lượng lại các thỏa thuận đó, rút khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đình chỉ cuộc thương lượng hiệp định Đối tác xuyên Đại Tây Dương, thay thế thỏa thuận tự do thương mại với Nam Hàn, với khối Bắc Mỹ (NAFTA) bằng những thỏa thuận mới, có lợi cho Mỹ hơn.
Ông đặc biệt quan tâm và dồn nhiều công sức vào việc đối phó với Trung Quốc và phát động một cuộc thương chiến chưa từng có từ trước đến năm 2018.
Cán cân thương mại vẫn nghiêng mạnh
Trong nhiều thập niên Trung Quốc kiên trì áp dụng nhiều chính sách kinh tế thương mại không sòng phẳng như định giá thấp đồng tiền để giành lợi thế về giá hàng hóa trên thị trường quốc tế, hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp nhà nước về đất đai, vốn liếng và thủ tục pháp lý; thúc đẩy liên doanh giữa các công ty trong nước với đầu tư nước ngoài, qua đó học tập (và cưỡng ép chuyển giao) công nghệ và khoa học quản lý; bảo hộ thị trường chặt chẽ bằng hàng rào thuế quan và phi thuế quan; tận dụng nguồn lao động khổng lồ và giá nhân công rẻ cũng như thị trường tiêu thụ lên đến hàng tỷ người, đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng đường sá, cảng biển và các dịch vụ phục vụ sản xuất. Kết quả là các nhà đầu tư từ Mỹ, Nhật, châu Âu đổ xô tới Trung Quốc sản xuất hàng hóa rồi xuất cảng ngược về Mỹ, châu Âu và Trung Quốc được coi là “công xưởng của thế giới”; kinh tế Trung Quốc nhờ đó phát triển với tốc độ chóng mặt, các công ty Trung Quốc leo cao dần trên bậc thang doanh nghiệp toàn cầu. Hiện, Trung Quốc đã chuyển từ giai đoạn sản xuất các mặt hàng đơn giản sử dụng nhiều lao động sang giai đoạn sản xuất hàng công nghệ cao, cạnh tranh trực tiếp với các công ty phương Tây, thậm chí qua mặt phương Tây ở một số lĩnh vực. Các chuyên gia cho rằng, nếu tính theo sức mua tương đương của đồng tiền, quy mô kinh tế Trung Quốc đã lớn hơn nền kinh tế Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông Trump và một số cố vấn kinh tế của ông – như giáo sư Peter Navarro, tác giả sách “Chết dưới tay Trung Quốc” hiện là giám đốc về chính sách thương mại của Tòa Bạch ốc – đã nhìn thấu những thủ đoạn của Bắc Kinh và quyết đảo ngược tình thế. Mục tiêu trước mắt của ông Trump là chấm dứt số thâm hụt khổng lồ của Mỹ trong buôn bán với Trung Quốc và lôi kéo các công ty Mỹ “hồi hương”, xây dựng lại các cơ sở sản xuất công nghiệp trên đất Mỹ, tạo ra công ăn việc làm cho người trung lưu Mỹ giống như hai chục năm về trước. Đi xa hơn, ông muốn chấm dứt sự phụ thuộc của người tiêu dùng Mỹ vào hàng hóa Trung Quốc, “tách rời” hai nền kinh tế, tiến tới gây sức ép buộc Bắc Kinh phải tuân thủ luật chơi toàn cầu: chấm dứt thủ đoạn thao túng tiền tệ, chấm dứt việc ăn cắp và cưỡng bức chuyển giao công nghệ từ các công ty Mỹ, chấm dứt việc trợ cấp bất hợp pháp cho các công ty quốc doanh.
Nhưng cách thức và biện pháp để đạt tới các mục tiêu này của chính phủ Mỹ có nhiều vấn đề và không có hiệu quả như mong muốn. Sốt ruột muốn cân bằng cán cân thương mại, ông Trump đơn phương tăng thuế nhập cảng (tariff) hàng hóa Trung Quốc lên mức 25%, buộc Bắc Kinh phải ngồi vào bàn thương lượng và đi đến ký kết với Mỹ thỏa thuận thương mại giai đoạn một, chấp nhận tăng mua hàng hóa của Mỹ thêm 200 tỷ Mỹ kim trong vòng hai năm. Ông Trump coi đây là một thành tích nổi bật dù cho đến nay chưa có dấu hiệu Trung Quốc sẽ thực hiện đầy đủ cam kết của mình. Ông tự nhận mình là một “tariff man” và sử dụng công cụ thuế để điều chỉnh cán cân thương mại dù đa số các nhà kinh tế học đều phản đối cách làm đó, vì suy cho cùng, khoản thuế gia tăng đó đánh vào túi tiền của người tiêu dùng Mỹ chứ không phải người sản xuất ở Trung Quốc. Công bằng mà nói, việc Mỹ áp thuế 25% lên số hàng hóa Trung Quốc có giá trị tới 370 tỷ Mỹ kim nhập vào Mỹ có tác dụng làm các nhà đầu tư phải suy nghĩ lại khi mở nhà máy ở Trung Quốc, một số công ty chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác để né thuế bán hàng vào Mỹ; nhưng những lợi ích đó gần như không bù được cho việc người Mỹ phải trả thêm tiền mỗi khi mua hàng hóa Trung Quốc.
Báo South China Morning Post dẫn số liệu mà cơ quan thống kê Trung Quốc công bố hôm 9-10 cho biết, trong tháng Chín 2020 vừa qua, thặng dư của Trung Quốc trong buôn bán với Mỹ tăng 18.86% so với tháng Chín năm ngoái. Đáng chú ý là theo nguồn tin này, lượng hàng Trung Quốc nhập cảng từ Mỹ – phần lớn là đậu nành và linh kiện điện tử, hàng công nghệ cao – trong tháng Chín năm nay tăng 24.7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn không đủ cân bằng với lượng hàng mà Mỹ nhập cảng từ Trung Quốc.
Trong tháng Chín, Trung Quốc đã nhập cảng 13.2 tỷ Mỹ kim hàng hóa từ Mỹ – con số nhập cảng một tháng cao nhất kể từ tháng Tám năm 2018, khi ông Trump phát động cuộc thương chiến. Tính chung chín tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã nhập cảng từ Mỹ 203 tỷ Mỹ kim hàng hóa; so với cùng kỳ năm ngoái thì lượng thịt nhập cảng tăng 40.5%, đậu nành tăng 17.6%. Nhưng cũng trong tháng Chín, hàng Trung Quốc xuất cảng sang Mỹ tăng 20.36%, lên tới 43.96 tỷ Mỹ kim, phần lớn là hàng điện tử tiêu dùng và dụng cụ thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19. Cân đối xuất và nhập cảng, Mỹ bị thâm hụt hơn 30 tỷ Mỹ kim trong tháng Chín, theo số liệu của Trung Quốc.
Nguồn tin của Trung Quốc cho biết, tính chung thặng dư của nước này trong buôn bán với Mỹ đã tăng tới 43.6% so với tháng Giêng 2017 khi ông Trump đăng quang tổng thống Mỹ. Như vậy, mục tiêu phát động thương chiến để cân bằng cán cân thương mại với Trung Quốc của chính phủ Donald Trump đã không thực hiện được. “Nếu căn cứ vào dữ kiện, cuộc chiến của ông Trump đã thất bại,” hai tác giả Jared Bernstein và Dean Baker viết trên The Washington Post ngày 12-10; dẫn chứng số thâm hụt thương mại (với nhiều nước bạn hàng khác) lên tới 67 tỷ Mỹ kim trong tháng Tám, cao nhất kể từ tháng Tám 2006.
Công việc làm vẫn không tăng thêm
Mục tiêu thứ hai của chính phủ Trump: lôi kéo cơ sở sản xuất và công ăn việc làm trở về Mỹ cũng không đạt được. Báo The Wall Street Journal cho biết, sản xuất công nghiệp của Mỹ tăng đến đỉnh vào năm 2018 sau đó suy giảm trở lại và hiện đã xuống thấp hơn thời kỳ trước khi ông Trump làm tổng thống.
Cho đến nay, hầu như chưa có công ty Mỹ nào thật sự chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc trở về Mỹ dù rải rác đã có một số công ty mở rộng hoạt động ở các nước Đông Nam Á bên ngoài Trung Quốc, như Việt Nam hay Ấn Độ để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc và cũng để né thuế suất của Mỹ áp lên hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc.
Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư làm ăn ngay tại Mỹ, chính phủ Mỹ ngay từ năm 2017 – năm cầm quyền đầu tiên của tổng thống Trump – đã ban hành một chính sách thuế ưu đãi cho giới đầu tư kinh doanh, giảm thuế suất thuế lợi tức mà công ty phải đóng, giúp thị trường chứng khoán có giai đoạn tăng trưởng ấn tượng trước khi bùng nổ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên , biện pháp khuyến khích bằng giảm thuế đã không đủ hấp dẫn các doanh nghiệp hồi hương về Mỹ. Theo Public Citizen, “Ít nhất 425.6 tỷ Mỹ kim tiền giảm thuế liên bang rơi vào tay các công ty mà chính phủ Mỹ xác nhận đã chuyển ra nước ngoài hơn 200.000 công việc làm trong bốn năm cầm quyền của ông Trump,” theo Washington Post. “Kế hoạch thuế 2017 của chính phủ đã gia tăng khuyến khích sản xuất ở nước ngoài,” tờ báo này nhận định. Điều đó có nghĩa là số công việc làm trong ngành sản xuất công nghiệp của Mỹ đã không tăng như dự tính của các nhà hoạch định chính sách.
Đại dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán hồi đầu năm đã đảo ngược đà phát triển của kinh tế toàn cầu, trong đó Mỹ là nước bị thiệt hại nặng nề nhất không chỉ thể hiện ở số người bị nhiễm virus, số tử vong mà cả số người bị mất việc làm do kinh tế đình trệ. Theo ông Jim McCormick của NatWest Markets, tổng sản lượng (GDP) quý hai của Mỹ sụt giảm tới 9.5%, tương đương mức giảm cả năm 32.9%, mức sụt giảm GDP nhiều nhất kể từ thập niên 1940 trong khi Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất có GDP quý hai cao hơn cuối năm 2019, dự báo năm nay kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng ở mức 1.9%, theo Quỹ Tiền tệ thế giới. Điều đó giải thích vì sao các quỹ đầu tư của Mỹ vẫn tiếp tục đổ tiền mua cổ phần các công ty Trung Quốc và trái phiếu của chính phủ Trung Quốc, tiếp thêm nguồn lực cho kinh tế Trung Quốc trong lúc xung đột giữa hai nước căng thẳng chưa từng có.
Thất bại và kinh nghiệm
Ngoài cán cân thương mại và công việc làm, cuộc thương chiến của ông Trump với Trung Quốc cũng đã không giải quyết được những mối lo ngại xưa nay của các nhà kinh doanh Mỹ là tạo lập một sân chơi bình đẳng, đúng luật và sòng phẳng cho mọi doanh nghiệp làm ăn ở Trung Quốc. Chính phủ Bắc Kinh, bằng nhiều biện pháp chính sách, cả công khai lẫn bí mật, vẫn tiếp tục hỗ trợ nguồn lực cho các công ty quốc doanh do đảng Cộng sản sở hữu hoặc kiểm soát, cản trở hoạt động chính đáng của các công ty nước ngoài và cưỡng bức họ phải chuyển giao công nghệ, bí mật kinh doanh cho các đơn vị trong nước. Những gì không cưỡng bức được thì Trung Quốc, hoặc mua lại qua thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài, hoặc ăn cắp bằng các thủ đoạn tấn công tin học.
Mục tiêu của Trung Quốc là tạo dựng những công ty tập đoàn lớn, có sức cạnh tranh mạnh trên toàn cầu mà họ gọi là các “nhà vô địch quốc gia” (national champion) đủ sức tranh giành ảnh hưởng với các tập đoàn đa quốc gia của phương Tây trên thị trường quốc tế. Tập đoàn công nghệ Huawei là một ví dụ về các national champion như vậy.
Chính phủ Trump đã nhiều lần chỉ ra đây là những vấn đề thuộc về cơ cấu của chính sách công nghiệp của đảng Cộng sản Trung Quốc và đòi hỏi Bắc Kinh phải thay đổi, phải chấm dứt việc ăn cắp và cưỡng bức chuyển giao công nghệ từ các công ty Mỹ, chấm dứt việc trợ cấp bất hợp pháp cho các công ty quốc doanh. Thế nhưng, đụng vào những vấn đề này là chạm vào cốt lõi của mô hình “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” trong đó kinh tế quốc doanh là chủ đạo của đảng Cộng sản nên Bắc Kinh luôn tìm mọi cách chống lại. Trung Quốc luôn phủ nhận hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ của các nước khác, họ nói việc chuyển giao công nghệ đổi lấy quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc là “tự nguyện” của các công ty nước ngoài và phủ nhận việc hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước.
Vấp phải phản kháng mạnh của Bắc Kinh, chính phủ Trump tạm chấp nhận thỏa thuận thương mại giai đoạn một, gác những vấn đề này lại cho cuộc thương thảo giai đoạn hai; nhưng với tình hình Trung Quốc không thực hiện đầy đủ cam kết của giai đoạn một, cuộc thương thảo giai đoạn hai chưa chắc có thể diễn ra được trong tương lai, khi chỉ còn một tuần nữa là đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ.
Nhìn lại ba năm thương chiến với Trung Quốc, nhà nghiên cứu William Reinsch – chuyên gia về thương mại của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), từng có 15 năm làm chủ tịch Hội đồng Ngoại thương quốc gia (National Foreign Trade Council) nhận định, “Trường hợp thất bại của ông Trump đã rõ ràng”, theo CNN.
Tuy nhiên, chuyện gì cũng có hai mặt. Cuộc thương chiến của ông Trump không làm thay đổi được cung cách làm ăn không sòng phẳng, không công bằng của Trung Quốc nhưng nó đã cảnh tỉnh rất nhiều người trong chính giới Mỹ, buộc người Mỹ phải xem xét lại mối quan hệ với Trung Quốc và góp phần hình thành xu hướng cứng rắn với Bắc Kinh trong cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, trong cả lưỡng viện Quốc hội và guồng máy hành pháp. Cho dù ông Trump có không giành được một nhiệm kỳ tổng thống thứ hai thì chính phủ mới của Mỹ vẫn sẽ tiếp tục thái độ cứng rắn đó mà không thể quay trở lại xu hướng hòa dịu với Bắc Kinh như từng thấy ở các chính phủ trước thời Trump.
Điều đáng suy nghĩ là những nỗ lực của ông Trump nhằm “tách rời” (decoupling) hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc sẽ kích thích Trung Quốc đẩy nhanh hơn nữa chiến lược “tự túc”, một chiến lược được khẳng định và đề cao trong kế hoạch năm năm 2021-25 mà ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc bàn luận tại hội nghị khai mạc hôm nay thứ Hai 26-10. Trung Quốc có thực hiện được mục tiêu trở thành nước dẫn đầu thế giới về kinh tế và công nghệ trong thời gian tới hay không một phần tùy thuộc vào đối sách mà chính phủ mới sắp được hình thành của Mỹ áp dụng với Trung Quốc.