Cơ quan khí tượng Liên Hợp Quốc và Âu châu cho biết Tháng Bảy dự kiến là tháng nóng nhất, “chưa từng thấy” của hàng nghìn năm qua.
Với ba tuần đầu Tháng Bảy, nhiệt độ trung bình ghi nhận trên toàn cầu cao hơn bất kỳ thời điểm nào.
Cư dân thành phố Phoenix, tiểu bang Arizona, nơi mà người dân thường quen với nắng nóng, nhưng những đợt sóng nhiệt khắc nghiệt gần đây đẩy họ tới sát ngưỡng sinh tồn. Do biến đổi khí hậu, kết hợp với quá trình đô thị hóa không kiểm soát, đã biến thành phố lớn thứ 5 của Mỹ thành một ốc đảo bê tông khổng lồ hấp thụ nhiệt. Thành phố ghi nhận hơn 650 người chết do nắng nóng trong hai năm qua, mức cao nhất ở Mỹ.
Cuối tuần trước, một nhóm tình nguyện viên dựng trại tại khu đông người vô gia cư sinh sống ở thủ phủ Phoenix để phát nước lạnh và các nhu yếu phẩm khác cho người dân, khi nhiệt độ tăng tới gần 100 độ F, mới từ sáng sớm.
Mùa nóng ở Phoenix, thành phố có biệt danh “Thung lũng Mặt trời”, kéo dài từ Tháng Tư đến Tháng Chín. “Phoenix luôn nóng bức, nhưng đợt sóng nhiệt này là tình trạng rất khác, là thảm họa tự nhiên của Arizona,” Michelle Litwin, quản lý chương trình ứng phó với cái nóng của thành phố, nói.
Hai tuần qua, nhiệt độ cao nhất tại thủ phủ bang Arizona luôn trên trên 109 độ F. Tình trạng nắng nóng sẽ kéo dài đến hết tuần, có thể phá kỷ lục chuỗi 18 ngày ghi nhận mức nhiệt này từ năm 1974. Nhiệt độ đỉnh điểm tại Phoenix ngày 15 Tháng Bảy là 118 độ F, đánh dấu ngày nóng nhất năm ở Mỹ.
Phoenix là nơi chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất, trong khi NWS cảnh báo đợt nắng nóng lịch sử “không có dấu hiệu chấm dứt sớm”. Những tuần tới dự kiến là khoảng thời gian rất khắc nghiệt đối với những người sống hoặc lao động ngoài trời.
Bên trong xe tải giao hàng, Gabe Castle, nhân viên Amazon, chuẩn bị thùng giữ nhiệt với 15 chai nước uống, 6 chai nước đông lạnh, 5 chai bù nước và hai khăn tắm mini. Mỗi lần dừng xe giao hàng, Castle lại dùng một chiếc khăn để trùm lên đầu và cổ. “Đây là cái ‘máy lạnh’ của tôi đó,” anh nói. “Thành phố cần bảo đảm giải quyết vấn đề kịp thời, nhưng chúng ta đã ở thế khó. Tôi thực sự hy vọng Phoenix có thể sớm tìm ra giải pháp, trước khi hành tinh này trở thành một quả cầu lửa.”
Phoenix năm 2021 thành lập Văn phòng Ứng phó Nhiệt độ cao (OHRM), là thành phố đầu tiên có cơ quan chuyên trách chống nắng nóng, đã đưa ra hàng chục chương trình với các mục tiêu tham vọng, như trồng thêm cây xanh, mở trung tâm làm mát và tăng cường điều hòa. Nhưng bất chấp các nỗ lực của OHRM, số ca tử vong liên quan đến nắng nóng tăng đáng kể trong những năm gần đây, cao nhất là 425 người chết vào năm ngoái.
Giới chức thành phố trong năm nay đã ghi nhận 12 ca tử vong liên quan đến nắng nóng, 55 trường hợp khác đang được điều tra làm rõ nguyên nhân. 56% ngưởi tử vong trong mùa nóng năm 2022 ở Phoenix là người vô gia cư sống trên đường phố. Quận Hạt Maricopa, nơi có thành phố Phoenix, có khoảng 5,000 người sống lang thang. Các chuyên gia cho biết con số này không chỉ cho thấy hậu quả biến đổi khí hậu, mà còn phản ánh vấn đề khủng hoảng nhà ở.
“Chẳng khác nào địa ngục trần gian. Tôi là người khỏe mạnh, nhưng những ngày qua đã vượt quá giới hạn của một người có sức khỏe như tôi,” Michael Shaw, 49 tuổi, nói với Guardian.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thuộc Liên Hợp Quốc và Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của châu Âu (C3S) cho biết “rất có khả năng Tháng Bảy 2023 sẽ là tháng Bảy nóng nhất, và là tháng nóng nhất trong lịch sử” từng được ghi nhận.
Carlo Buontempo, giám đốc C3S, cho biết nhiệt độ trong tháng này cao tới mức các nhà khoa học tin rằng nó phá vỡ các kỷ lục từng được ghi nhận từ những năm 1940.
Buontempo cho biết những dữ liệu đại diện cho khí hậu như vòng gỗ và lõi băng cho thấy nhiệt độ trong giai đoạn này có thể là “chưa từng có trong lịch sử vài nghìn năm qua”, thậm chí là khoảng 100.000 năm.
Nhiệt độ Trái Đất đã tăng khoảng gần 2 độ F so với cuối những năm 1800. Tình trạng nóng lên toàn cầu khiến các đợt nắng nóng kéo dài và thường xuyên hơn, cũng như gia tăng hiện tượng thời tiết cực đoan như bão và lũ lụt. “Thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng đến hàng triệu người trong Tháng Bảy, và cũng là thực tế khắc nghiệt của biến đổi khí hậu cũng như điềm báo cho tương lai,” Petteri Taalas, tổng giám đốc WMO, nói.
WMO dự đoán nhiệt độ toàn cầu nhiều khả năng tăng hơn 2 độ F trong vòng 5 năm tới. Các kỷ lục về nhiệt độ đã được ghi nhận trên khắp bán cầu bắc trong tháng này, khi nhiều khu vực trải qua nhiều tuần nắng nóng nghiêm trọng.