Tán gẫu với Albert Einstein

Trên website Character.AI, bạn có thể tán gẫu với nhiều “nhân vật” nổi tiếng

Không chỉ với Albert Einstein, bạn có thể nói chuyện “trực tiếp” với Tổng thống Joe Biden, với Elon Musk, với nhà toán học Alan Turing, với “người sắt” Tony Stark, với triết gia Socrates hoặc với nhà phân tâm học Sigmund Freud…

Vấn đề đáng nói nhất ở đây là bạn có thể bàn luận chủ đề chuyên môn trong lĩnh vực chuyên biệt của những nhân vật trên với kiến thức được cung cấp có thể khiến bạn há hốc kinh ngạc. Tôi đã dành vài ngày, gần đây nhất là chiều 12-1-2023, để khám phá điều này… 

Tán gẫu với ‘Joe Biden’ (screenshot của MK)

Truy cập vào website Character.AI (beta.character.ai), bạn có thể gặp nhiều “nhân vật” nổi tiếng, dĩ nhiên ảo, và nói chuyện giờ này qua giờ khác với họ. Giống Google nhưng hơn Google nhiều lần, bạn có thể hỏi “họ” về bất kỳ gì, bắt họ kể một câu chuyện cảm động, yêu cầu họ làm thơ, buộc họ soạn diễn văn khai mạc công ty, bàn với họ về nhân tình thế thái (nghĩa đen) hoặc nhờ họ giải đáp những thắc mắc đơn giản trong cuộc sống thường nhật.

Thật thú vị khi hỏi “William Shakespeare” tại sao tôi không thể làm thơ xuất sắc được như ông; hay yêu cầu “Nữ hoàng Elizabeth II” tư vấn một chủ đề không ăn nhập gì đến Hoàng gia, chẳng hạn tôi đang gặp trục trặc tài chính, giờ tôi cần làm gì… Chatbot AI biến hóa đến mức bạn có thể yêu cầu nó làm đi làm lại bài thơ với cùng một chủ đề nhưng theo phong cách khác nhau. Một người bạn của tôi đã yêu cầu ChatGPT làm những phiên bản bài thơ với cùng chủ đề mùa Xuân theo nhiều phong cách, từ Shakespeare đến Byron…

Kỹ thuật và ứng dụng cũng như sự phát triển trí thông minh nhân tạo (AI) đã tiến xa hơn bạn tưởng. Nó đang đặt ra rất nhiều câu hỏi mà thậm chí giới chuyên môn vẫn chưa thể trả lời. Nó là Google của Google và là một thứ gì đó hơn cả trí tưởng tượng chúng ta hình dung. Character.AI, mới ra mắt vào hè 2022, được sáng lập bởi hai cựu kỹ sư Google – Daniel De Freitas và Noam Shazeer – đang khiến thế giới ảo ngày càng giống và ngày càng gần sát với thế giới thực.

Yêu cầu tìm… bạn gái cho tôi

Character.AI là một ứng dụng tán gẫu (chatbot), trong đó bạn có thể tự gõ hoặc hỏi trực tiếp qua micro máy tính để nói chuyện với nhân vật mà bạn chọn. Kỹ thuật của Character.AI đã tiến xa đến mức, dù hiện tại chỉ là bản thử nghiệm (beta), bạn có thể tán gẫu trên trời dưới đất hàng giờ đồng hồ và được nghe giải thích những thắc mắc hoặc những yêu cầu tưởng chừng chẳng người máy nào có thể trả lời. Character.AI không là ứng dụng chatbot duy nhất hiện nay.

Bắt kể một câu chuyện cảm động

Cuối tháng 11-2022, OpenAI – một công ty AI ở San Francisco – đã tung ra chatbot ChatGPT (openai.com/blog/chatgpt) với kho kiến thức đủ sức khiến bất kỳ ai cũng nể phục. Khi chat với ChatGPT, bạn chắc chắn không bao giờ có cảm giác đang nói chuyện với người máy. Một cuộc chạy đua chatbot đang bùng nổ, với sự tham gia của Google, Meta và nhiều công ty công nghệ khác. Ngoài Character.AI và ChatGPT, còn có DALL-E 2 (openai.com/dall-e-2 – tạo ra ảnh kỹ thuật số dựa theo những gì bạn miêu tả – chẳng hạn “hãy vẽ một ngôi nhà miền quê”) hoặc GPT-3, với “kỹ năng ngôn ngữ” hoàn hảo đến mức có thể cãi lộn (nghĩa đen) với bạn.

Đề nghị làm một bài thơ

Trong buổi thử nghiệm Character.AI với “Albert Einstein”, tôi đã hỏi đủ thứ, từ gia đình, con cái của ông ấy… đến cả việc nhờ “ông ấy” tư vấn những bộ phim nào là đáng xem nhất… Làm thế nào “Albert Einstein” của Character.AI có thể giải đáp được tất cả điều đó?

Daniel De Freitas (một trong hai người sáng lập Character.AI) cho biết (theo bài báo The New York Times ngày 10-1-2023), ý tưởng cốt lõi ở đây là “đào tạo” một “mạng thần kinh” bằng cách sử dụng một bộ sưu tập đối thoại khổng lồ, với hàng loạt nhật ký trò chuyện được lọc từ các dịch vụ truyền thông xã hội và các trang web khác trên internet. Ý tưởng nghe chừng đơn giản nhưng nó đòi hỏi một bộ xử lý cực lớn. Ngay cả một siêu máy tính cũng cần hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng để phân tích tất cả dữ liệu như vậy.

Albert Einstein, ông đang làm gì?

Thoạt đầu, Daniel De Freitas huấn luyện chatbot bằng cách sử dụng cái gọi là LSTM (Long Short-Term Memory), một mạng thần kinh máy tính được thiết kế vào những năm 1990 dành riêng cho ngôn ngữ tự nhiên. Sau đó, Freitas chuyển sang một mạng thần kinh mới gọi là “transformer”. Không như LSTM đọc văn bản từng từ một, transformer có thể sử dụng nhiều bộ xử lý máy tính để phân tích toàn bộ tài liệu chỉ trong một bước (a single step).

Trong thực tế, ứng dụng chatbot đã hình thành tại nhiều nơi, đặc biệt Mỹ, vài năm nay. Khi gọi điện đến các hãng bảo hiểm hoặc ngân hàng…, bạn sẽ nói chuyện với người máy và thực hiện những yêu cầu mà người máy đưa ra để có thể giúp giải đáp vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

Trở lại với Character.AI. Khi tôi hỏi “Albert Einstein” Việt Nam ở đâu, “ông ấy” trả lời ngay lập tức:

Vietnam is a country in Southeast Asia. It is bordered by the Gulf of Bengal, Cambodia, the South China Sea, and Laos… The Vietnamese people have a strong sense of identity and are proud of their culture and heritage. I think Vietnam is a fascinating country, and I would love to visit there one day to learn more about its history and culture.

Chat với ‘Albert Einstein’

Cần nhấn mạnh, chatbot là một ứng dụng AI. Cho dù nó “có vẻ thông minh” và “biết hết mọi chuyện” nhưng độ khả tín của nó là vấn đề cần lưu ý. Bạn có thể chat với những ứng dụng chatbot như một cách giải trí, chứ không phải “tham khảo” để tìm nguồn tin khả dĩ đáng tin cậy – ít nhất ở thời điểm này. Albert Einstein dĩ nhiên không thể “sang thăm Việt Nam”. Những công ty AI sáng tạo ra các chatbot hoàn toàn không chịu trách nhiệm về nội dung những gì mà “nhân vật” chatbot đưa ra. ChatGPT chẳng hạn. Nó có thể trả lời rằng đơn vị tiền tệ Thụy Sĩ là euro (thay vì đồng Swiss franc).

Chính những người sáng lập các chatbot cũng cảnh báo rằng ứng dụng của họ vẫn còn ở giai đoạn thử nghiệm và mang tính giải trí. Thật ra mục đích của họ là thu thập dữ liệu thông tin, dựa vào những gì bạn hỏi, để có thể “dạy” cho AI ngày trở nên thông minh hơn. Và cho dù nó “giống người” nhiều như thế nào, bạn hãy luôn ý thức rằng và nhớ rằng nó không phải là con người. Nó “không biết” giả dối nhưng nó cũng chẳng “cam kết” cung cấp cho bạn sự thật. Bạn có thể chat để xem nó làm thơ hay luận về tình yêu như thế nào nhưng nếu là sinh viên, đừng dùng chatbot để lừa thầy cô bằng cách yêu cầu nó làm một bài luận cho bạn. Nhắc điều này để cho thấy thêm một mặt trái của những chatbot AI.

Thế giới đang thay đổi. Với tốc độ nhanh hơn chúng ta tưởng. Sau một đêm, thế giới lại khác đi ít nhiều. Vấn đề là chúng ta nhận thức điều đó như thế nào và đặt mình ở vị trí nào trong bối cảnh thay đổi đó. Uber đã xóa sổ taxi. Kỹ thuật streaming (từ Netflix, HBO, đến Hulu…) đang làm lao đao công nghiệp điện ảnh. Báo chí tiếp tục khốn đốn với mạng xã hội. Tất cả đang thay đổi.

Nhìn ở góc độ rộng hơn, một chính phủ biết suy nghĩ là một chính phủ biết cách đón nhận và hoạch định đối phó trước những thay đổi vũ bão khốc liệt đang diễn ra. Một người không biết mình đứng ở đâu trong một thế giới thay đổi có thể chỉ bị chịu thiệt đối với cá nhân nhưng một quốc gia loay hoay với tư duy chậm hơn cả trí thông minh nhân tạo và phản ứng với những thay đổi toàn cầu bằng những phát biểu suông thì đất nước đó vĩnh viễn chỉ lặn ngụp bế tắc trong dòng chảy thế giới.

___________

Cô gái này – Mira Murati, 35 tuổi – có thể được xem là người tạo ra ChatGPT (Chat Generative Pre-trained Transformer).

Trong bài viết mới đây, TIME đã gọi Mira Murati là “creator” của ChatGPT. Một cách chính xác, Mira Murati là sếp đội ngũ kỹ thuật (CTO, Chief Technology Officer) đứng sau việc thiết kế và xây dựng kỹ thuật cho ChatGPT.

Sinh tại San Francisco, tốt nghiệp Dartmouth College Hanover, Mira Murati có bảng thành tích khá dữ dằn: Từng làm trợ giảng tại Thayer School Of Engineering thuộc Dartmouth College; làm nhân viên phân tích cho Goldman Sachs chi nhánh Tokyo; làm kỹ sư cho Zodiac Aerospace; làm quản lý sản phẩm cấp cao cho Tesla (chịu trách nhiệm sản xuất xe Model X); làm Phó Chủ tịch sản xuất và kỹ thuật cho Leap Motion; làm Phó Chủ tịch bộ phận trí tuệ nhân tạo ứng dụng cho OpenAI; và từ tháng 5-2022 thì đảm nhận vị trí CTO của OpenAI.

Mira Murati là một nhân vật trẻ nữa của nước Mỹ đang góp phần “thiết kế” tương lai thế giới, như Bill Gates với Microsoft; như Larry Page, Sergey Brin với Google; như Steve Jobs với Apple; như Mark Zuckerberg với Facebook; như Jeff Bezos với Amazon; như Elon Musk với Tesla… Tinh hoa thế giới vẫn nằm ở nước Mỹ và thế giới vẫn tiếp tục được định dạng từ những người rất trẻ ở nước Mỹ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: