SAN JOSE, CALIFORNIA: Hãy nhìn kỹ vào cộng đồng người Việt ở California thì chúng ta sẽ thấy được một hiện tượng về giới thanh niên nam giới trong các ngành, từ chuyên viên kỹ thuật đến kinh doanh, dịch vụ. Có rất nhiều trong số họ hiện nay bị thất nghiệp hay là làm việc bán thời gian – dù kinh tế Mỹ đang trong thời kỳ cần lao động cao độ.
Một số khá đông sống nghèo khổ vì họ không có việc gì để làm. Rất đông người trẻ tuổi từ 30 đến 50 phải sống nhờ cha mẹ, anh em, chia phòng với bạn hữu trong những khu chung cư xuống cấp, và làm việc chút ít độ nhật qua ngày.
CÒN ĐÂU GIẤC MƠ CALIFORNIA
Nhưng vấn đề là vậy: Họ vẫn nghĩ là họ phải được sống một cuộc đời “có giá trị và ý nghĩa” hơn. Dầu sao thì họ cũng đang ở California, nơi mà “tiền mọc trên cây, vàng trồi dưới đất” nên họ không lo ván bài kinh tế. Khi mà công ăn việc làm của họ khi trước ở các đại công ty nay trong thời kỳ suy thoái thì con số của giới này càng ngày càng đông. Họ đành chịu chung số phận dân California phải chia nhau chiếc bánh đang bị nhỏ dần của cái gọi là “giấc mơ California.”
Giới này xoay ra mở nhà hàng, mở trường dạy kèm, và dĩ nhiên, trở thành các agents trong lãnh vực bất động sản. Phần lớn không đi đến đâu. Một số lớn ở quận Cam ra tranh cử vào các chức nghị viên địa phương để giải khuây.
Nhưng có một số khác thì về Việt Nam dự định hết mọi chuyện trên trời dưới đất, toàn nói đến dự án tầm cỡ quốc gia, trị giá hàng tỷ đôla, trong khi trong túi thì đang cháy đến đoạn chót. Vài tờ giấy trăm đô lấy từ các thẻ tín dụng đang bị hết giới hạn ngân sách, cùng lúc họ vướng dính vào những liên hệ tình cảm và xã hội nhiều hứa hẹn trên mây và phức tạp như cỏ bòng bong.
Họ rất thông minh, nhưng họ không kiểm soát được chính mình. Họ đọc hàng loạt sách về các đại công ty và chiến lược kinh doanh toàn cầu của Yahoo! Tesla, Google, nhưng họ không quản lý nổi một tiệm bán tạp hóa ở góc đường ở phố Bolsa. Hình ảnh của những kẻ sĩ Việt bất lực ở quê nhà ngày xưa khi bị “sinh bất phùng thời” không biết có giống như kẻ sĩ Việt ở California ngày nay hay không!
Nay thì cơn sốt nhà cửa, vay mượn nợ bất động sản ở California cũng đã đi qua. Các thử nghiệm về nhà hàng Việt theo kiểu Tây cũng đã hết giới hạn, và các chuyện làm ăn ở Việt Nam cũng đã bốc thành hơi với bao phiền muộn. Các cựu kỹ sư hay chuyên viên nay cầm sách ngồi vỉa hè, trong các quán kiểu Café Factory ở quận Cam hay là M-Café ở San Jose, hay là suốt ngày lên internet, vào các website đọc phơn phớt, chạy qua Facebook bày tỏ ý kiến vài câu, rồi xoay qua châm điếu thuốc lá để mà bắt đầu suy nghĩ về những chuyện khác vĩ đại hơn.
Chưa bao giờ giấc mơ của chuyên gia Việt ở California lớn như bây giờ. Họ ở dưới đất trong khi tay họ muốn với tới trời cao. Kết quả là họ sống ở lưng chừng trong một bầu khí quyển toàn là mơ ước, ảo tưởng, chân không đụng đất, đầu không dính mây.
TÂM HỒN CAO THƯỢNG MỚI
Đây là giai cấp vô sản mới của những người rất trí thức Việt Nam. Họ rất năng động và không bị một giây xích nào cột chặt họ cả – ngoại trừ các dự án viễn vông về tương lai bất định. Karl Marx chắc cũng đang trăn trở, gãi đầu ở dưới mộ. Với một số đông trí thức rỗi nghề và nghèo khó nhưng không biết hay tự nhận ra mình là vô sản, khi họ không có một xiềng xích thực tế nào cả – ngoại trừ, có lẽ, cái ngã mạn – thì cái lý tưởng cách mạng dành cho họ phải là cái thứ gì đây?
David Brooks, một bình luận gia nổi tiếng của New York Times, có lần viết rằng, ở Mỹ hiện nay chỉ có một thứ văn hóa ngược dòng, counterculture, đó là lười biếng. Giới chuyên gia thất nghiệp ở Mỹ hiện nay định nghĩa chính mình, theo Brooks, bằng cái cao cả, cao thượng (loftiness) của suy tư.
“Họ định danh chính mình không bằng sự thành đạt mà bằng sự giác ngộ cá nhân, sự độc lập, và họ tìm mọi cách để tách rời chính mình ra khỏi đám đông và xã hội nhiễu nhương với nhiều trói buộc đầy nhàm chán”. Họ cho rằng xã hội và giới lao động phải phục vụ họ vì họ là trí thức, vì họ có nhiều chữ nghĩa trong đầu, và họ dám có những giấc mơ lớn cho nhân loại. Không ngạc nhiên gì mà chương trình xổ số lotto ở California nay xổ bốn ngày mỗi tuần. Giấc mơ California bây giờ rẻ mạt. Chỉ cần hai đô là bạn có quyền tưởng tượng mình thành triệu phú.
Tôi có một người bạn, xin gọi là anh X, thuộc giới chuyên gia giỏi, học hành bằng cấp cao – và mang bệnh chán chường cái thế gian này. Anh ta chỉ muốn đi Tây Tạng “huyền bí” để gặp một đạo sĩ guru hòng học thuật yoga bí truyền nhằm giải thoát khỏi kiếp người trần tục càng nhanh càng tốt.
Anh bỏ nghề nghiệp, ly dị vợ, chia hết tài sản, để vợ nuôi con, dùng tiền chia được đi vòng quanh thế giới mấy năm. Suốt mười năm qua, anh về Việt Nam như cơm bữa, phần lớn thời gian là ngồi các quán café ở Sài Gòn, đọc sách chiến lược kinh tế của các siêu cường, mong được làm cố vấn cao cấp cho các đại công ty liên quốc sắp vào đầu tư ở Việt Nam.
Nói đến chính trị là anh X chê rằng trình độ dân trí của mình còn thấp, chuyện gì đến thì nó sẽ đến. Nói đến chuyện đi làm cho có công việc rõ ràng thì anh cười khẩy, cho đó là chuyện của những thằng chuyên viên cấp bình thường. Anh rất thích tranh luận về các lý thuyết văn học, tâm lý xã hội, tổ chức và tôn giáo.
Nói đến tác giả nào, sách gì anh cũng chê bai và phê phán tiêu cực. Anh đúng là thuộc vào giai cấp vô sản mới của người Việt ở California: Chán đời mà phải sống, muốn về Việt Nam để ở luôn nhưng không làm sao có tiền, viết sách thì không bao giờ hoàn tất được hai trang mở đầu, đọc cả tá sách nhưng không biết dùng sức học đó để mần cái chi. Một lần nữa, Ôi Karl Marx! Ngươi đang ở đâu?
MỘT HUYỀN THOẠI TỰ CAO
Francis Fukuyama trong cuốn sách nổi tiếng The End of History and the Last Man (1992) cho rằng động cơ cho cuộc cách mạng sắp tới ở Mỹ không phải là công lý, chính trị, xã hội hay kinh tế – mà là sự nhàm chán (boredom). Dân Mỹ nay không còn cái gì để ước mơ. Chính trị hay kinh tế thì coi như xong, vấn đề thành công hay thất bại không phải là do cơ chế vĩ mô, mà là của cá nhân. Lịch sử đã làm xong chuyện của nó. Cái đáng để chờ đợi duy nhất cho người Mỹ vào ngày cuối tuần là trận đấu bóng chày của một đội banh tỉnh nhà.
Khi không còn gì là lý tưởng, khi đời sống thường nhật gặp nhiều khó khăn vì cạnh tranh kinh tế cao độ, họ trở về với khung trời cá nhân độc lập. Fukuyama viết, “Con người thời đại nay thấy rằng nhân loại cũng chỉ là một thứ động vật cao cấp mà thôi – như Nietzsche đã nói – một thứ ‘ốc bùn’ kéo dài cho tới chính mình.” Và là, ông tiếp, “Những con người độc lập này dù với khả năng tuân phục quy luật tự sáng lập, nay lại được quy giảm thành một thứ huyền thoại tự cao (a self-congratulatory myth).”
Tuy nhiên, đó là cái bi đát của người Mỹ bản xứ, họ bị khô cạn ước mơ. Trái lại, giới vô sản mới của người Việt ở California thì khác. Họ có quá nhiều ước mơ – cho Việt Nam và cho chính mình. Họ ở California mà mơ chuyện Việt Nam – để rồi tâm tư họ bị rơi vào khoảng biển lớn thăm thẳm Thái Bình Dương.
Họ mua vé số lotto một đôla mà mơ chuyện thành triệu phú – để rồi giấc mơ của họ trở thành rẻ rúng. Họ muốn một chính trị dân chủ cho quê nhà nhưng họ không tin là chuyện đó có thể thành sự thực – để rồi ước mơ trở nên huyễn mộng. Họ muốn giải thoát ra khỏi thế gian này nhưng thân xác thì khắc nghiệt hơn là họ tưởng – chỉ muốn bỏ cái tật hút thuốc lá cho đỡ tốn tiền và cho sức khỏe mà còn gian nan hơn là chuyện mở nhà hàng. Ai cho rằng con người Việt Nam thời đại thiếu giấc mơ? Vấn đề là làm sao để nối liền ước mơ được với thực tế cuộc đời.
THÔI THÌ VỀ BẾN TRE LẤY VỢ MỘNG RUỘNG
Trở lại chuyện người bạn chuyên gia tên X của tôi. Đây là câu chuyện thật. Tháng Bảy mùa Hè nhiều năm trước, tôi về nước và tình cờ gặp lại anh. Anh X cho biết là anh – nay 72 tuổi – đã về tận Bến Tre cưới cô vợ “mộng ruộng” 24 tuổi, sinh sống bằng nghề nuôi vịt giữa đồng, đã sinh được một bé gái đầy tháng, nay hai vợ chồng chung sống ở một làng quê dưới đó.
Tôi ngạc nhiên. Xứ anh ở đó không có điện, không có sóng vô tuyến, không có internet, không báo chí, truyền hình, không rượu tây, rời nhà đi đâu thì phải đi ghe xuồng. Mà anh bạn tôi – với tuổi thất tuần, cựu chuyên viên điện toán cấp cao cho một công ty lớn ở California, một học giả trên nhiều lãnh vực, người gốc Hà Nội, vốn rất khó tánh – làm sao mà anh sống vui ở xứ quê mùa Bến Tre xa xôi đó được?
Anh X khoác tay cười, “Làm thằng dân dã Nam Bộ giữa sông ngòi với mụ vợ nhà quê vui thú lắm bạn ơi!” Anh X nói tiếp, “Tôi thấy chỉ có dân Nam bộ mới đúng là dân Việt Nam thôi.” Tôi hỏi vì sao? Anh nói rằng “Vì họ thành thật, đơn giản, và hạnh phúc.” Tôi cười theo chia sẻ. Nay thì Karl Marx chắc không còn trăn trở dưới mồ nữa. Có người tân vô sản Việt Nam ở California nay đã tìm ra một xiềng xích mới để trói buộc chính mình.
___________
Tác giả gửi Saigon Nhỏ. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.