Thách thức trong việc truy tố tội ác thù hận

(Hình: stopaapihate.org)

“Đến giờ tôi vẫn bị PTSD (sang chấn tâm lý) và thỉnh thoảng bị hoảng loạn. Tôi phải đến gặp bác sĩ tâm thần vào mỗi Thứ Tư để theo dõi tình trạng tâm thần. Trong khi đó công tố viên không muốn nghe câu chuyện của tôi. Điều này khiến tôi cảm thấy rất bất công,” Kunni – nạn nhân của tội thù hận, không xuất hiện trên màn hình, kể tại cuộc họp báo qua Zoom do Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (Ethnic Media Services – EMS) tổ chức vào cuối Tháng Tám vừa qua.

Kunni là người Mỹ gốc Thái, một nhân viên pha chế còn trẻ, bị một nghi phạm tấn công, xịt hơi cay và quát “Cút xéo về đất nước của mày ngày!” Tại cuộc họp, Kunni chiếu một đoạn video (quay không rõ nét) về vụ việc xảy ra trong ca làm việc đêm muộn tại quán bar nơi cô làm việc ở Tenderloin, San Francisco, cùng với các lời khai của nhân chứng cho thấy đây là một vụ tấn công có động cơ phân biệt chủng tộc.

(Hình chụp qua video Kunni chiếu tại cuộc họp Zoom.)

Nhưng cô cho biết, các công tố viên bỏ qua khi xem video, nói rằng không có đủ bằng chứng để buộc tội là tội ác thù hận. Kunni yêu cầu xét xử bằng bồi thẩm đoàn, nhưng cô cho biết, văn phòng Biện lý Quận cũng không khuyến khích cô làm như vậy. Kẻ tấn công cô đã bị bắt, nhưng được tại ngoại và hiện được tự do mà không bị buộc tội.

Sau câu chuyện của Kunni là một nhân chứng khác – Monthanus Ratanapakdee, kể câu chuyện tương tự về người cha quá cố của cô, ông Vicha. Vào ngày 30 Tháng Giêng năm 2021, như thường lệ, ông Vicha đi bộ quanh khu phố San Francisco của mình. Đột nhiên, ông bị một người đẩy ngã xuống đất. Nghi phạm là Antoine Watson chạy mất sau khi tấn công ông già 84 tuổi. Watson bị bắt hai ngày sau đó và vẫn bị giam giữ mà không được tại ngoại. Anh ta bị buộc tội cố ý giết người, nhưng không có cáo buộc nào về tội thù hận được đưa ra, mặc dù có bằng chứng video về vụ tấn công bạo lực.

Từ đó đến nay đã qua ba năm rưỡi, vẫn chưa có ngày xét xử nào được ấn định.

Ông Vicha đã qua đời, nhưng Ratanapakdee quyết tâm giành lại công lý cho cha mình, để vinh danh cha và để bảo vệ những nạn nhân khác của tội thù hận. Cô cho biết sự chậm trễ trong việc xét xử cha cô và sự ngờ vực cố hữu đối với cơ quan thực thi pháp luật khiến nhiều người không báo cáo các vụ việc hoặc tội thù hận.

“Lẽ ra cả nạn nhân và bị cáo đều có quyền được xét xử công bằng và nhanh chóng. Nhưng điều đó đã không xảy ra trong trường hợp của cha tôi,” Ratanapakdee nói.

Phó Biện Lý Quận Hạt Santa Clara, bà Erin West – một công tố viên kỳ cựu 26 năm, cho biết khi một vụ án được chuyển đến văn phòng của bà có các yếu tố tiềm ẩn của tội ác thù hận hoặc nếu nạn nhân tin rằng đó là tội ác thù hận, hai công tố viên sẽ xem xét vụ án để xác định xem có thể thêm các cáo buộc về tội ác thù hận hay không. Bà cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất nghiêm chỉnh và rất coi trọng những vụ án này.”

Đề cập đến sự chậm trễ trong vụ án của Ratanapakdee, bà West lưu ý rằng Luật Marsy yêu cầu các công tố viên phải thông báo cho nạn nhân về những gì đang diễn ra trong vụ án của họ. Luật này cũng yêu cầu nạn nhân phải được thông báo về các thỏa thuận nhận tội hoặc phiên điều trần tại ngoại.

West cho biết dữ liệu về số lượng tội ác thù hận bị truy tố trong bất cứ thời kỳ nào cũng đều không chính xác, và lưu ý cần có thời gian để thu thập bằng chứng và đưa các vụ án ra xét xử. West cho biết các vụ án về tội ác thù hận không được xét xử trong năm xảy ra vụ việc, cho thấy số lượng rất thấp. “Tôi nghĩ chúng ta nên ‘đánh động’ Sở Tư pháp California và xem xét việc có được một biểu mẫu phản ánh tốt hơn số lượng tội ác thù hận bị truy tố,” bà nói.

“Các nạn nhân và người sống sót cảm thấy rằng họ không phải lúc nào cũng nhận được công lý mà họ tìm kiếm và xứng đáng được hưởng,” Manjusha Kulkarni, đồng sáng lập của Stop AAPI Hate và giám đốc điều hành AAPI Equity Alliance cho biết. Bà lưu ý một báo cáo gần đây của cơ quan kiểm toán tiểu bang California phát hiện ra rằng cơ quan thực thi pháp luật thường không xác định đúng tội nào là tội ác thù hận, các nhân viên không được đào tạo đúng cách để xác định hành vi tội ác thù hận, và không báo cáo.”

Từ trái: Monthanus Ratanapakdee, Erin West, Manjusha Kulkarni. (Hình: EMS cung cấp)

Cũng theo bà Kulkarni, các nhân viên thực thi pháp luật không muốn coi mọi thứ là tội ác thù hận vì họ không muốn tin rằng thành phố hoặc khu vực của họ là một nơi thù hận. Kulkarni cũng lưu ý rằng thù hận liên quan đến người Mỹ gốc Á và nạn nhân người dân đảo Thái Bình Dương không được chấp nhận rộng rãi là thù hận giống như đốt Thánh Giá hoặc vẽ bậy chữ thập ngoặc.

Bà cho biết quá trình chữa lành có thể diễn ra bên ngoài phòng xử án, và sáng kiến ​​California vs. Hate có thể cung cấp cho nạn nhân nhiều nguồn lực thúc đẩy quá trình chữa lành, bao gồm cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

“Chỉ truy tố các vụ án khi thù hận xảy ra là không đủ. Chúng ta thực sự phải ngăn chặn điều đó xảy ra ở một trong những tiểu bang đa dạng nhất. Chúng ta thực sự cần phải dập tắt thù hận đối với tất cả các cộng đồng thiểu số,” Kulkarni cho biết.

Vào năm 2023, tổng cộng 1,970 tội thù hận đã được các cơ quan thực thi pháp luật tại California báo cáo, nhưng chỉ có 5 vụ được đưa ra xét xử.

Vào năm 2021, khi tiểu bang này đang chứng kiến ​​sự gia tăng đáng báo động về bạo lực thù hận, chỉ có một vụ được đưa ra xét xử. Người da đen chủ yếu là mục tiêu của tội thù hận, trong khi người Do Thái, người Hồi giáo và cộng đồng LGBTQ cũng đang chứng kiến ​​sự gia tăng các cuộc tấn công có động cơ phân biệt.

Trong khi đó, các thẩm phán ở California ngày càng sử dụng hình phạt thay cho ngồi tù, như các lớp học thay đổi hành vi, tư vấn hoặc bồi thường cho nạn nhân.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: