HIẾU CHÂN
Vaccine ngừa coronavirus an toàn và hiệu quả đang là niềm mong đợi của nhiều người trên thế giới. Nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy một số quốc gia, hoặc sẽ đầu cơ vaccine cho riêng nước mình, hoặc sử dụng vaccine làm công cụ ngoại giao để mở rộng ảnh hưởng chính trị. Trong khi đó, để kiểm soát coronavirus và vượt qua đại dịch Covid-19, thế giới không chỉ cần có vaccine mà còn cần một cơ chế phân phối vaccine công bằng và hợp lý.
Những lời hứa sớm
Đầu tuần này, các quan chức y tế Trung Quốc bắt đầu hứa hẹn sẽ cung cấp vaccine ngừa coronavirus cho một số quốc gia mà Bắc Kinh coi là thân cận với mong ước lấy lại vị thế quốc tế mà Trung Quốc đã đánh mất do đại dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán gây thảm họa khắp toàn cầu.
Báo The Wall Street Journal cho biết, hôm thứ Hai 17-08 bộ Ngoại Giao Trung Quốc cam kết Philippines sẽ được ưu tiên nhận vaccine ngừa Covid-19 do Trung Quốc bào chế vì Tổng thống Phi Rodrigo Duterte đã trực tiếp van nài Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thậm chí ông Duterte còn xung phong làm người đầu tiên tiêm vaccine Trung Quốc. Pakistan, đồng minh gần gũi nhất của Trung Quốc, được cam kết sẽ có được lượng vaccine đủ cho một phần tư dân số 220 triệu người; đổi lại Pakistan phải cho phép tập đoàn dược phẩm quốc gia Trung Quốc Sinopharm được thử nghiệm vaccine trên người dân Pakistan.
Ngay cả Nga – mà mới ngày 11-08 đã huênh hoang tuyên bố là nước đầu tiên phê chuẩn một loại vaccine ngừa Covid-19 có tên là Sputnit V – cũng đề nghị hợp tác sản xuất loại vaccine Ad5-nCoV do quân đội Trung Quốc hợp tác với CanSino Biologics Inc. – liên doanh giữa Trung Quốc và Canada – bào chế và đã được Bắc Kinh cấp bằng sáng chế dù chưa bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối để biết nó có hiệu quả hay không.
Cuộc đua vaccine: tốc độ hay hiệu quả?
Cho đến nay, theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thế giới có hơn 160 dự án nghiên cứu bào chế vaccine ngừa Covid-19; 21 loại vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng, trong đó có sáu loại đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba, tức là giai đoạn cuối, để kiểm tra độ an toàn và hiệu quả trước khi cơ quan thẩm quyền xem xét cấp giấy phép sử dụng rộng rãi. Trong số sáu loại vaccine thử nghiệm giai đoạn cuối này Trung Quốc có tới ba loại; Hoa Kỳ, Anh Quốc và Đức mỗi nước có một loại.
Thử nghiệm là một chuyện, thành công hay không là chuyện khác, và công chúng cũng như giới khoa học có tin tưởng để đưa vaccine đó vào cơ thể con người hay không lại là chuyện khác nữa. Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga đã bào chế thành công vaccine ngừa Covid-19 đặt tên là Sputnik V nhưng các chuyên gia Nga và quốc tế lập tức lên tiếng cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn của vaccine đó do đốt cháy giai đoạn một cách phản khoa học. Theo báo The Washington Post, vaccine Sputnik V do Viện nghiên cứu Gamaleya về Vi sinh học và Dịch tễ học của Nga bào chế chỉ mới được thử nghiệm trên 38 người và chuẩn bị thử nghiệm trên 2.000 người nữa. Để so sánh, vaccine mRNA-1273 của công ty Moderna Inc. của Mỹ đã được thử nghiệm thành công giai đoạn 2 với 600 người và đang thử nghiệm giai đoạn 3 với 30.000 người nhưng chưa được phê chuẩn để sử dụng rộng rãi.
Ý chí chính trị, quyết tâm về đích sớm nhất trong cuộc đua với các cường quốc phương Tây có thể là động lực đằng sau quyết định vội vã của Nga, bất chấp rủi ro mà loại vaccine đó gây ra cho tính mạng và sức khỏe người dân. Dẫu vậy, đã có 20 quốc gia đặt mua vaccine của Nga, theo thông tin từ Moscow; thậm chí các tổng thống của Mexico và Venezuela đã đánh tiếng sẽ là những người đầu tiên tiêm loại vaccine này.
Trung Quốc không thông báo chi tiết các thỏa thuận cung cấp vaccine với các nước, cũng không thông tin về quá trình nghiên cứu và thử nghiệm vaccine nên nhiều chuyên gia không biết vaccine của Trung Quốc hiệu quả đến đâu cũng như bằng cách nào Bắc Kinh vừa có thể đáp ứng nhu cầu của khối dân số hơn 1,4 tỷ người vừa có dư vaccine để cung cấp cho các đồng minh thân cận.
Mỹ – nước bị dịch Covid-19 tàn phá nặng nề nhất – vẫn chưa xác quyết bao giờ sẽ có vaccine, dù chính phủ của Tổng thống Trump nhiều lần bày tỏ mong muốn vaccine sẽ có trước ngày bầu cử tổng thống 03 tháng Mười Một. Chính phủ Mỹ cũng không hứa hẹn sẽ cung cấp vaccine cho nước nào và khi được hỏi, bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar chỉ nói đại khái trong tuần trước rằng Hoa Kỳ sẽ cung cấp vaccine cho nước khác sau khi đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước. Cũng nên lưu ý, cho đến nay, Mỹ là nước mạnh tay nhất đầu tư vào các dự án nghiên cứu và bào chế vaccine với hơn 10 tỷ đô la và luôn công khai các hoạt động, cả nghiên cứu và tài chánh.
“Không có một cam kết quốc tế thực thi được về một phương cách phân phối vaccine trên toàn cầu công bằng và hợp lý, các nhà lãnh đạo sẽ ưu tiên chăm sóc nhân dân nước mình hơn là làm chậm đà lây lan của Covid-19 ở các nơi khác hoặc giúp bảo vệ các nhân viên y tế có vai trò thiết yếu và những thành phần dễ tổn thương ở các nước khác”
FOREIGN AFFAIRS, SEP-OCT 2020
Vaccine chỉ dành cho người giàu?
Mỹ cũng không giấu giếm việc đặt cọc nhiều tỷ đô la để mua vaccine của các công ty Moderna Inc. (Mỹ), AstraZeneca (Anh) và BioNTech (Đức). Liên minh châu Âu và Anh Quốc cũng đặt mua như vậy với số lượng ít hơn Mỹ.
Hành động của Mỹ và một số nước giàu làm cho nhiều chuyên gia y tế cộng đồng lo ngại “bi kịch của chủ nghĩa dân tộc vaccine” như cảnh báo trên tạp chí Foreign Affairs: “Không có một cam kết quốc tế thực thi được về một phương cách phân phối vaccine trên toàn cầu công bằng và hợp lý, các nhà lãnh đạo sẽ ưu tiên chăm sóc nhân dân nước mình hơn là làm chậm đà lây lan của Covid-19 ở các nơi khác hoặc giúp bảo vệ các nhân viên y tế có vai trò thiết yếu và những thành phần dễ tổn thương ở các nước khác”. Hơn thế nữa, các nước giàu tranh nhau mua sẽ đẩy giá vaccine và các vật liệu liên quan lên cao, đẩy các nước nghèo vào chỗ khốn cùng, đại dịch sẽ hoành hành thêm và hố ngăn cách giàu-nghèo càng thêm trầm trọng.
Mối lo ngại này có cơ sở thực tế. Trong những ngày đầu dịch coronavirus bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc đã đầu cơ tích trữ khẩu trang, mặt nạ và trang bị bảo hộ cá nhân để rồi khi dịch lan ra toàn cầu, các chính phủ khác đã phải chật vật giành nhau mua các trang bị đó; cho đến nay vẫn còn tới 70 quốc gia áp đặt lệnh cấm xuất cảng các loại vật dụng y tế thiết yếu.
Khi dịch cúm gà H1N1 bùng phát năm 2009, làm thiệt mạng 284.000 người trên toàn cầu, các nước giàu đã mua hết số vaccine ngừa cúm gà bào chế được. Khi WTO kêu gọi hiến tặng thì chỉ có Úc, Canada, Hoa Kỳ và sáu quốc gia khác chia sẻ cho các nước nghèo 10% số vaccine mà họ có sau khi tính toán số vaccine còn lại đủ dùng cho nhu cầu của người dân trong nước.
Với hơn 21,7 triệu người nhiễm bệnh và 772.000 người chết vì coronavirus tính đến giữa tháng Tám, đại dịch Covid-19 nguy hiểm hơn dịch cúm gà rất nhiều và vì thế tình trạng tranh mua và tích trữ vaccine chắc chắn sẽ xảy ra.
Vaccine là công cụ ngoại giao?
Nhưng “chủ nghĩa dân tộc vaccine” (vaccine nationalism) không chỉ thể hiện ở việc đầu cơ tích trữ mà nguy hiểm hơn, vaccine sẽ được sử dụng làm công cụ ngoại giao, việc cung cấp vaccine không phụ thuộc vào mức nguy cấp của dịch bệnh mà vào tính toán chính trị. Các chuyên gia y tế toàn cầu cho rằng Nga, Trung Quốc và một vài nước khác đang đi theo con đường này, biến mọi loại vaccine có hiệu quả thành mặt hàng đổi chác để mở rộng ảnh hưởng chính trị, kinh tế, nâng cao hình ảnh quốc gia và thu phục các nước thù địch.
Việc đặt tên cho loại vaccine mới là Spunik V cho thấy ý đồ của ông Putin muốn gợi lại niềm vinh quang xưa cũ về tài năng khoa học của người Nga. Với việc phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên lên quỹ đạo Trái Đất – vệ tinh Sputnik – vào tháng Mười 1957, Liên xô (cũ) đã đi trước Mỹ một bước trong công nghệ hàng không vũ trụ. Nhưng chỉ một bước đó thôi, từ đó về sau Nga luôn phải lẽo đẽo sau Mỹ trên con đường thám hiểm không gian, từ việc đưa người lên Mặt Trăng đến khám phá Sao Hỏa và các thiên hà xa xôi. Không ai phủ nhận nước Nga có tiềm năng khoa học hùng mạnh, nhất là về vũ khí quân sự, nhưng công nghệ phục vụ đời sống con người của Nga thì rất đáng thất vọng, từ chiếc xe hơi cho đến những vật dụng gia đình hằng ngày. Nga cũng chưa bao giờ nổi bật trong lĩnh vực y sinh học, cho nên thành tích dẫn đầu của Nga trong việc bào chế vaccine ngừa Covid-19 làm cho người ta hoài nghi, chế giễu và lo ngại hơn là thán phục.
Trung Quốc đang bị cô lập trên toàn thế giới do cách hành xử của họ. Nếu bào chế được một loại vaccine hiệu quả trước cả phương Tây thì đó sẽ là cơ hội lớn để Bắc Kinh vừa chứng tỏ tiềm lực khoa học, vừa có thể sắm vai hiệp sĩ cứu khốn phò nguy, giúp các nước khống chế con virus quái ác và che giấu sự thực lịch sử rằng con virus đó xuất phát từ chính Trung Quốc. Nhưng đảng Cộng sản Trung Quốc chưa bao giờ là người nghĩa hiệp mà thực tế chỉ luôn tìm mọi cơ hội để trục lợi về kinh tế và chính trị. Có điều, với Trung Quốc những mưu hèn kế bẩn luôn khoác những bộ áo ngôn từ hoa mỹ.
Đại dự án hạ tầng giao thông với cái tên mỹ miều “Nhất Lộ Nhất Đới” chẳng hạn thực chất là một cái bẫy nợ khổng lồ mà nhiều nước đang cố gắng thoát ra. Năm 2017, Bắc Kinh khởi động “Con đường Tơ lụa Y tế” (Health Silk Road) thì chỉ hai năm sau đại dịch Covid-19 đã theo con đường này từ Trung Quốc phát tán ra khắp các lục địa. Chưa kể rằng, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc đã bí mật thu gom hết trang bị y tế thiết yếu rồi sau đó lao vào cuộc đua tìm kiếm vaccine bằng cách xâm nhập mạng và ăn cắp công trình nghiên cứu y khoa của Mỹ và các nước phương Tây khác.
Xem danh sách những quốc gia được Trung Quốc cam kết cung cấp vaccine có thể dễ dàng nhận thấy đó là những nước thân cận với Bắc Kinh như Pakistan, hoặc những nước Bắc Kinh đang cố gây thiện cảm như Philippines, Indonesia – là những nước có lợi thế pháp lý trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông – chứ không phải các nước nghèo ở Phi châu và châu Mỹ Latin đang cần sự quan tâm và hỗ trợ của thế giới.
Trước đây để nhận được khẩu trang và đồ bảo hộ chống dịch từ Trung Quốc, lãnh đạo của một số quốc gia phải lên truyền hình bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới ông Tập Cận Bình và đảng Cộng sản. Mai này, để được nhận vaccine Trung Quốc, liệu các nước sẽ phải nhân nhượng cái gì, lãnh thổ hay chủ quyền quốc gia theo đòi hỏi của Bắc Kinh?
Để vaccine được phân phối công bằng và hợp lý, có tác dụng ngăn chặn và kiểm soát dịch trên quy mô toàn cầu chứ không phải là một thứ vũ khí chính trị phục vụ cho mưu đồ chiến lược của một số nhà độc tài, cần có những nỗ lực lớn lao của các nhà lãnh đạo chính trị thế giới. Thiết nghĩ, Liên hiệp quốc nên đứng ra huy động đóng góp tài chánh từ các nước giàu G-7, G-20 đặt mua những loại vaccine được chứng tỏ an toàn và hiệu quả để phân phối cho các nước nghèo tùy theo tình hình dịch bệnh của từng nước, không phân biệt thể chế và xu hướng chính trị của các nước đó.