Tin vào khoa học?

Đang có một sự phát triển đáng ngạc nhiên trong cuộc tranh luận về nguồn gốc của dịch Covid. Tổng thống Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp yêu cầu cộng đồng tình báo Hoa Kỳ kéo dài cuộc điều tra về nguồn gốc của virus. Điều này theo sau lời thừa nhận của Avril Haines, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia, rằng chúng ta không biết chắc chắn căn bệnh này bắt đầu như thế nào.

Bài liên quan:

Đây là một sự thay đổi đáng chú ý, theo sau sự đồng thuận khoa học có vẻ vững chắc hồi năm ngoái rằng virus đã xuất hiện ở một khu chợ ẩm ướt của Trung Quốc khi nó có lẽ truyền từ các loài từ dơi sang con người. Việc kiểm tra lại đã đặt nghi vấn về kết luận của một báo cáo gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong đó bác bỏ phần lớn khả năng virus đã vô tình thoát ra khỏi một phòng thí nghiệm của Trung Quốc, ở Viện Virus học Vũ Hán (Wuhan Institute of Virology, WIV). Báo cáo đó được viết với ý kiến ​​đóng góp của các nhà khoa học Trung Quốc, sau chuyến thăm Trung Quốc, nơi việc tiếp cận các nguồn tin ở Vũ Hán bị hạn chế trầm trọng.

Tất nhiên, vấn đề nguồn gốc của virus đã bị chính trị hóa rất nhiều. Cựu Tổng thống Donald Trump, theo cách không thể bắt chước của mình, đã quảng bá giả thuyết “virus thoát ra từ phòng thí nghiệm” và bắt đầu nói về “virus Trung Quốc”. Các đồng minh bảo thủ của ông đã thúc đẩy các giả thuyết kỳ quặc hơn nữa rằng SARS2/Covid thực sự là một vũ khí sinh học được cố tình tung ra thế giới. Đáp lại, một nhóm các nhà virus học đã ký một bản tuyên bố ủng hộ lý thuyết virus có nguồn gốc hoang dã. Sự đồng thuận được cho là của giới khoa học này sau đó đã được các phương tiện truyền thông chính thống coi là chân lý hiển nhiên, và những người theo chủ nghĩa tự do bắt đầu công kích những người ủng hộ lý thuyết “nguồn gốc từ phòng thí nghiệm” như là một biểu hiện của âm mưu và sự cuồng loạn chống Trung Quốc.

Cho đến nay, bài phân tích toàn diện nhất về tình trạng hiểu biết về vấn đề này được cho là của nhà báo Nicolas Wade, phóng viên khoa học kỳ cựu từng làm việc tại New York Times, công bố trên Tạp chí Các nhà Khoa học Nguyên tử (Bulletin of the Atomic Scientists). 

Wade lưu ý rằng hiện tại chúng ta không biết liệu các lý thuyết về “chợ động vật” hay “phòng thí nghiệm” lý thuyết nào là đúng, nhưng ông đã đưa ra một cách tỉ mỉ các bằng chứng đằng sau mỗi lý thuyết. Lý thuyết “chợ động vật” có vẻ rất lung lay: sau hơn một năm tìm kiếm, người ta vẫn chưa tìm thấy dấu vết của virus Covid trong bất kỳ quần thể động vật nào, cũng như không có bằng chứng về sự lây truyền của nó qua các loài vật trung gian. 

Trong khi đó, lý thuyết phòng thí nghiệm được hỗ trợ bởi rất nhiều bằng chứng gián tiếp. Một số điều này xuất phát từ bản chất của chính con virus, mà các protein đột biến của nó không tồn tại trong tự nhiên mà chỉ có thể đã được thêm vào do kết quả của nghiên cứu gọi là “tăng chức năng” (gain of function) nhằm tăng khả năng truyền nhiễm sang cơ thể người của một loại virus hiện có. Loại nghiên cứu này được tiến hành nhằm mục đích tìm ra các loại thuốc giải độc cho các loại virus có thể có trong tương lai, nhưng đã bị Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ (National Institute of Health, NIH) cấm thực hiện cho đến năm 2017. 

Chúng ta biết loại nghiên cứu này đang được thực hiện tại Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán; thực sự, chúng ta biết tên của nhà nghiên cứu, bà Thạch Chính Lệ (Shi Zheng-li), người đã tiến hành các thí nghiệm tăng chức năng. Chúng ta cũng biết rằng các giao thức an toàn tại Viện đó rất lỏng lẻo và một số nhà nghiên cứu ở đó đã gặp phải các triệu chứng giống như Covid vào cuối năm 2019.

Tuy nhiên, câu chuyện trở nên tồi tệ hơn. Nghiên cứu tại Viện Vũ Hán có thể đã được tài trợ bởi Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ (National Institute of Allergy and Infectious Diseases, NIAID), do bác sĩ Anthony Fauci đứng đầu, thuộc Viện Y tế Quốc gia. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã làm việc với Peter Daszak, Chủ tịch của EcoHealth Alliance, người tổ chức bức thư đăng trên tạp chí y khoa Lancet phủ nhận khả năng của giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm. Xung đột lợi ích ở đây là rõ ràng, vì giả thuyết đó, nếu được chứng minh là đúng, sẽ chỉ ra trách nhiệm trực tiếp của ông Daszak và dự án của ông ta đối với đại dịch toàn cầu. Vì vậy, xem xét giả thuyết nguồn gốc “phòng thí nghiệm” không phải là một hành động của sự cuồng loạn chống Trung Quốc mà đúng hơn, giả thuyết đó chỉ ra sự đồng lõa của người Mỹ trong việc bùng phát dịch bệnh.

Một số lời chỉ trích gay gắt nhất của Wade là nhắm vào báo chí Hoa Kỳ, đã quảng bá lý thuyết nguồn gốc hoang dã mà không theo dõi các bằng chứng thay thế đã có ngay từ đầu. Bản thân ông Wade cũng lưu ý rằng cho đến nay chưa có bằng chứng nào có thể kết luận lý thuyết nào về nguồn gốc virus là đúng; chúng ta có thể sẽ không biết sự thật đó cho đến ngày Trung Quốc quyết định minh bạch hóa vai trò của mình trong cuộc khủng hoảng; nhưng ngày đó chưa chắc sẽ đến. Nhưng việc đào sâu thêm về vấn đề này rõ ràng là có ích, cũng như tính vững chắc của sắc lệnh mới của ông Biden.

Ở khu phố rất tự do của tôi ở Palo Alto, California có rất nhiều biển báo cắm trên bãi cỏ tuyên bố “Chúng tôi tin vào khoa học”. Tình cảm này có thể hiểu được sau những hành vi nghiêm trọng của cựu Tổng thống Trump và các đồng minh của ông ta, những người đã đẩy các lý thuyết lố bịch về thuốc ký ninh và tiêm thuốc tẩy lên thành một lợi ích chính trị ngắn hạn. Không nghi ngờ gì việc đổ lỗi cho Trung Quốc gây ra đại dịch là một cách thức thuận tiện để làm chệch hướng sự chú ý của công chúng khỏi những thất bại của chính quyền Trump và chiến lược chính trị công khai này đã thực sự gây ra cơn cuồng loạn chống Trung Quốc.

Nhưng “tin tưởng vào khoa học” thì cũng đơn giản và dễ gây hiểu lầm. “Khoa học” không nói bằng một giọng nói, không đưa ra kết luận có thẩm quyền đâu là sự thật. Cá nhân các nhà khoa học như Peter Daszak cũng là những con người có tư lợi riêng và việc xem xét động cơ của họ là một trò chơi công bằng để có được báo cáo điều tra trung thực. Điều mà chúng ta nên tin tưởng không phải là các nhà khoa học, mà là phương pháp khoa học làm nền tảng cho công việc của họ; phương pháp khoa học không ngừng phát triển và chỉ đưa ra những phán đoán có tính xác suất trong các kết luận của nó.

(*) Giáo sư Francis Fukuyama, 69 tuổi, là nhà khoa học chính trị nổi tiếng của Đại học Stanford, thường xuyên viết về các vấn đề phát triển và chính trị quốc tế. Ông là người đề xuất lý thuyết về “điểm tận cùng của lịch sử” sau sự sụp đổ của hệ thống cộng sản, gây tranh cãi trên toàn cầu. Dù lý thuyết đó không hoàn toàn đúng với thực tiễn, ông vẫn được coi là một trong những nhà tư tưởng lớn của thời hiện đại.

Nguyên văn: Trust Science? (americanpurpose.com)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: