Ngày 20 Tháng Mười 2024 Bộ Chính Trị Cộng Sản Việt Nam, đứng đầu là Tô Lâm, đưa ông Vương Đình Huệ, Nguyễn Văn Thể ra kỷ luật, cùng hàng loạt quan chức cấp cao bị đề nghị khai trừ đảng và mất ghế. Riêng Võ Văn Thưởng với chiêu bài cũ kỹ là “giả bệnh trốn tội.”
Ngay lúc đó, giới quan sát cho rằng, một lúc Tô Lâm đem hai trong tứ trụ ra để kỷ luật điều đó cho thấy thế lực của Tô Lâm và phe nhóm Hưng Yên đang lên như diều gặp gió. Đây là bước ngoặt để Tô Lâm triệt hạ phe cánh và các chân rết, bởi chỉ trong Tháng Mười Một 2024 Tô Lâm đã triệu tập hai cuộc họp bất thường và trảm hàng loạt quan chức cấp cao, gồm các ủy viên Trung Ương Đảng Cộng Sản, như bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc là ông Phạm Văn Vọng, phó chủ tịch Phùng Quang Hùng, Hà Hòa Bình và hàng loạt quan chức cấp cao của tỉnh Vĩnh Phúc.
Cùng chung số phận có ông Bùi Văn Cường, ủy viên Trung Ương Đảng, nguyên tổng thư ký Quốc Hội, nguyên chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội, nguyên bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk cũng bị buộc phải nghỉ hưu non và loại trừ tư cách Ủy viên Trung ương khóa XIII cùng với ông Nguyễn Văn Thể nguyên Bộ trưởng giao thông vận tải.
Cuộc họp bất thường ngày 25 Tháng Mười Một vừa qua Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản cũng ra quyết định khai trừ đảng với các ông: Phạm Văn Vọng, cựu ủy viên Trung Ương Đảng, cựu bí thư Tỉnh Ủy Vĩnh Phúc, cựu chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc; Ngô Đức Vượng, cựu ủy viên Trung Ương Đảng, cựu bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ; Nguyễn Doãn Khánh, cựu ủy viên Trung Ương Đảng, cựu bí thư Tỉnh Ủy Phú Thọ.
Phú Thọ là cái tên gây xôn xao dư luận trong những ngày gần đây, qua vụ việc ngày 8 Tháng Mười Một 2024 khi Chủ Tịch Nước Lương Cường có chuyến thăm chính thức đến Chile, Peru và dự tuần lễ cấp cao APEC. Trong chuyến công du này ông Lương Cường để lại một tai tiếng dơ bẩn không thể nào gội rửa sạch.
Bằng chứng là Lại Đức Tuấn, một sĩ quan thuộc đội an ninh cận vệ nhằm bảo vệ Chủ Tịch Nước Lương Cường bị cáo buộc lạm dụng tình dục tại Chile. Sau đó Tòa án tại Chile ra phán quyết vào ngày 11 Tháng Mười Một rằng “một thành viên trong phái đoàn của Chủ Tịch Nước Lương Cường, người vừa có chuyến thăm chính thức tới quốc gia Nam Mỹ, phải rời khỏi Chile và không được phép nhập cảnh trở lại Chile trong vòng ít nhất là hai năm sau khi bị Tòa án nước này cáo buộc lạm dụng tình dục.”
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi được nhậm chức chỉ vọn vẹn 20 ngày, Lương Cường đã bị cận vệ của mình chơi một cú trời giáng. Lẽ ra đây là chuyến công du phải gặt hái được nhiều thành tựu để cúng cố vị thế cá nhân của ông trên trường quốc tế. Nhưng ngược lại, Lại Đức Tuấn đã tặng cho ông Lương Cường một phen bẽ mặt.
Có thể nói rằng ông Lâm đang củng cố uy quyền và thanh trừ phe cánh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, khả năng cao ông Cường đã lọt vào tầm ngắm của ông Lâm. Trước lúc nhậm chức chủ tịch nước, ông Cường là một tướng quân đội quê ở Phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Nếu ông Lâm nhắm đến ông Cường thì các nguyên chủ tịch nước trước đó như Võ Văn Thưởng, Nguyễn Xuân Phúc cũng khó tránh khỏi. Bởi vì Võ Văn Thưởng bị tình nghi có nhúng chàm đến những sai phạm của Tập đoàn Phúc Sơn. Khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án Tập đoàn này, thì có các quan chức ở ba tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi và Vĩnh Long được xác định là có liên quan.
Trong khi đó Quảng Ngãi là nơi ông Thưởng từng làm bí thư tỉnh ủy. Vĩnh Long là quê hương của ông, còn Vĩnh Phúc có bí thư Tỉnh Ủy là Hoàng Thị Thúy Lan, người từng là ủy viên Trung Ương Đoàn, cấp dưới của ông Thưởng. Bà Lan đã bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ” liên quan đến vụ việc Tập đoàn Phúc Sơn, đã bị Đảng CS kỷ luật và khai trừ khỏi đảng trong cùng cuộc họp hôm 20 Tháng Ba 2024, cùng lúc ông Thưởng cũng bị buộc thôi giữ các chức vụ để “hạ cánh an toàn”.
Vậy ông Nguyễn Xuân Phúc thì sao? Theo thông cáo của Trung Ương Đảng, lý do ông Phúc buộc phải từ chức là do trong thời gian làm thủ tướng từ năm 2016 đến năm 2021, ông đã “để nhiều cán bộ, trong đó có hai phó thủ tướng, ba bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng.” Trong số này, có hai bộ trưởng và nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự. Hai phó thủ tướng là Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam đã buộc phải “về vườn” do dính líu đến các vụ tham nhũng và hối lộ.
Dư luận còn đồn đoán rằng gia đình ông Nguyễn Xuân Phúc là trùm cuối trong vụ Kit test Việt Á. Bởi vì trước lúc về vườn ông Phúc cố gắng trần tình: “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp giám đốc Việt Á.” Sau đó, không hiểu lý do gì mà các trang truyền thông của nhà sản phải nhanh chóng xóa lời trần tình này của ông.
Tiếp theo ông Lâm và phe cánh Hưng Yên sẽ cho ai vào lò? Chiếc ghế chủ tịch bất ổn của nước cộng sản luôn nóng hơn bao giờ hết kể từ năm 2018 sau khi Trần Đại Quang bị tiêu diệt, cho tới nay mới chỉ sáu năm mà có tới sáu đời chủ tịch nước. Như vậy, Việt Nam trung bình mỗi năm có một tân chủ tịch nước, sau đó các phe cánh chia sẻ quyền lực cho nhau bằng cách tiêu diệt hoặc hạ bệ nhau.
Điều đáng nói ở đây là theo hiến pháp và pháp luật của CSVN, nhiệm kỳ chủ tịch nước có thời hạn tới năm năm.