Trung Quốc dịu giọng khi quan hệ với Mỹ chìm xuống

Javier C. Hernandez / Hiếu Chân dịch

Trong nhiều tuần lễ, Trung Quốc đã thổi bùng tình cảm dân tộc chủ nghĩa khi leo thang cuộc chiến ngôn từ với chính quyền của Tổng thống Trump. Bây giờ, Bắc Kinh đưa ra các thông điệp hòa dịu hơn, kêu gọi “ngưng chiến” vào lúc ông Trump biến Trung Quốc thành mục tiêu tấn công của chiến dịch tái tranh cử vào tháng Mười Một tới.

Từng người một, các nhà ngoại giao Trung Quốc kêu gọi “chung sống hòa bình” với Hoa Kỳ, từ bỏ những lời khẳng định trước đây của họ rằng hệ thống độc tài chuyên chế vượt trội hơn chế độ dân chủ tự do. Giờ đây các học giả diều hâu Trung Quốc, thay vì thúc đẩy Trung Quốc thách thức sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ, lại đề cao triển vọng xoa dịu căng thẳng. Các nhà báo của các tờ báo quốc doanh hạn chế các bài viết tấn công trực diện vào Tổng thống Trump và được lệnh phải có cách viết hòa giải hơn.

Từ Khâm Đa (Xu Qinduo), bình luận viên của đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc, nói trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng ta không nên để cho chủ nghĩa dân tộc hoặc những cái đầu nóng khống chế chính sách ngoại giao. Ngôn từ hùng hổ không nên thay thế ngoại giao có lý trí”.

Khi hạ giọng lưỡi, đảng Cộng sản cầm quyền hy vọng sẽ làm giảm nguy cơ chủ nghĩa dân tộc cực đoan gây hại cho hình ảnh toàn cầu của Trung Quốc hoặc khiến cho căng thẳng giữa các siêu cường tăng tốc ngoài tầm kiểm soát. Quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ giờ đây đã đến bước ngoặc nguy hiểm khi ông Trump lấy việc công kích Bắc Kinh làm tiêu điểm của chương trình tái tranh cử của ông và chính phủ Hoa Kỳ tung ra hàng loạt hành động chống Trung Quốc ngày càng quyết liệt.

Chỉ trong vài tuần gần đây, chính phủ Trump đã đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston; cấm vận các quan chức của đảng Cộng sản; dự định hủy bỏ visa của một số sinh viên và nhân viên các công ty công nghệ; cấm hoạt động hai mạng xã hội phổ thông nhất của Trung Quốc. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã du thuyết nước ngoài, vận động các quốc gia đoàn kết cùng nhau chống lại “chế độ bạo ngược chuyên chế” Trung Quốc.

Không muốn nhượng bộ hoặc tỏ ra mềm yếu, Trung Quốc đã ăn miếng trả miếng với hầu hết các biện pháp của Hoa Kỳ, đóng cửa lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành Đô và cấm vận các chính trị gia Mỹ. Nhưng trong khi bác bỏ sự phê phán của Ngoại trưởng Mike Pompeo, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) vẫn đưa ra một nhành ô-liu, nói rằng chính phủ của ông ta sẵn sàng thảo luận về mọi mối quan tâm của Washington, “ở mọi cấp, mọi lãnh vực và mọi lúc”.

Ông Vương tránh né những tuyên bố giật gân từng là đặc điểm của chính sách “ngoại giao chó sói” của Trung Quốc, chính sách được đặt theo tên một bộ phim hành động có quan điểm ái quốc cực đoan của nước này. Mới chỉ ba tuần trước, ông Vương đã nói với người đồng nhiệm của Nga rằng Hoa Kỳ “đã mất trí, mất đạo đức và mất độ tin cậy”.

Chính phủ Trump từng rất thân thiện với Trung Quốc, nhưng đó đã là chuyện cũ. Ảnh Shealah Craighead/White House

Lời kêu gọi đối thoại được một số quan chức hàng đầu nhắc đi nhắc lại, kể cả ông Dương Nghiệp Chí (Yang Jiechi), Trưởng ban Đối ngoại trung ương đảng Cộng sản, cấp trên của Ngoại trưởng Vương, hay ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Hôm thứ Tư Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng), một nhà ngoại giao cao cấp khác, tố cáo các chính trị gia Mỹ nói dối để bôi nhọ Trung Quốc, nhưng ông ta cũng cho rằng hai nước nên làm việc với nhau để tránh làm cho mối quan hệ “vượt ngoài tầm kiểm soát” trong vòng vài tháng tới.

Tống Cẩu Hữu (Song Guoyou), một học giả nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Phúc Đán (Fudan) ở Thượng Hải, nói:“Hoa Kỳ tiếp tục tấn công, và nếu Trung Quốc tiếp tục trả đũa; hai bên tiếp tục ngừng liên lạc trong lúc vẫn đối đầu nhau một cách bất hợp lý thì điều đó sẽ chỉ làm cho mối quan hệ thêm tệ hại”.

Chiến dịch kiềm chế của Trung Quốc dường như cũng có phần nhắm ra hiệu cho đối thủ đảng Dân Chủ của ông Trump, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, và những người khác ở Mỹ rằng Trung Quốc vẫn thấy một con đường thân thiện để tiến tới. Trong khi các quan chức Trung Quốc tin rằng ông Biden không thất thường và cay độc như ông Trump, nhiều người vẫn lo ngại ông Biden sẽ tiếp tục thúc đẩy hành động cứng rắn chống Trung Quốc về nhân quyền, công nghệ và nhiều vấn đề khác nữa.

“Vẫn có khả năng rằng căng thẳng sẽ trở nên quyết liệt hơn, trầm trọng hơn, trong tương lai dưới một chính phủ Dân Chủ,” ông Sử Ngân Hồng (Shi Yinhong), giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Nhân Dân (Renmin) ở Bắc Kinh, nhận định.

“Ngôn từ của Bắc Kinh có vẻ như nhắm xoa dịu cái phản ứng toàn cầu mà cung cách ngoại giao hỗn xược và các chính sách hà khắc của họ đã gây ra”.

Jessica Chen Weiss, phụ tá giáo sư về chính quyền tại Đại học Cornell

Dù dịu giọng hơn, cái quan điểm ẩn tàng của Trung Quốc rằng Hoa Kỳ là đối thủ chiến lược về ý thức hệ, đang cố đè nén sự trỗi dậy của Trung Quốc, vẫn không hề thay đổi. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) tiếp tục thúc đẩy một chương trình cưỡng bức, bao gồm việc đàn áp tự do ngôn luận và hoạt động dân sự ở Hong Kong ngay cả khi phải đối mặt với sự trừng phạt của Hoa Kỳ. Chính phủ của ông Tập vẫn thường cáo buộc Hoa Kỳ là kẻ dọa nạt và đạo đức giả.

Các hành động hung hăng của Trung Quốc cũng gây tranh chấp với các nước khác, kể cả Ấn Độ, Anh Quốc, Canada và Úc. Giờ đây ông Tập lại tìm cách quảng bá một hình ảnh ít đối đầu hơn bởi vì Trung Quốc tự thấy mình đang ngày càng bị cô lập.

Jessica Chen Weiss, phụ tá giáo sư về chính quyền tại Đại học Cornell nhận định: “Ngôn từ của Bắc Kinh có vẻ như nhắm xoa dịu cái phản ứng toàn cầu mà cung cách ngoại giao hỗn xược và các chính sách hà khắc đã gây ra”.

Khi ông Trump bắt đầu leo thang chiến dịch trừng phạt chống Trung Quốc, bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh đã tránh kích động nỗi giận dữ ở trong nước bằng cách chỉ thị cho các tổ chức truyền thông quốc doanh giảm bớt những tin tức không thuận lợi và hạn chế nói chuyện về chiến tranh. Tin về việc đóng cửa lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô chẳng hạn – một dấu hiệu nổi bật về tình trạng xói mòn của mối quan hệ giữa hai nước chỉ chiếm một mẩu ngắn hai dòng cuối trang ba của tờ Nhân Dân nhật báo – cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc. Tương tự như vậy, sự kiện ông Trump ký hai sắc lệnh hạn chế hai mạng xã hội TikTok và WeChat cũng không được nói tới trong bản tin chiều, một trong những chương trình truyền hình có đông người theo dõi nhất.

Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), chủ bút tờ Hoàn Cầu Thời báo (Global Times) – một tờ báo lá cải sặc mùi dân tộc chủ nghĩa của đảng Cộng sản – nói rằng ông ta ngạc nhiên trước tốc độ xấu đi của mối quan hệ Mỹ-Trung. Hồ cho rằng, trong một không khí như vậy, tờ báo của ông ta có nhiệm vụ “không làm gia tăng xung đột”, và cố hạn chế đăng những nội dung có thể gây ác cảm với người Mỹ. “Chúng tôi nhấn mạnh rằng khi cấm cản Trung Quốc thì về căn bản, chúng tôi nói rằng đó là công việc của chính phủ Mỹ, chúng tôi nói chung không đổ vấy những ác ý đó cho cả nước Mỹ hoặc cho người Mỹ,” Hồ nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn.

Tuy vậy, tháng trước Hồ cũng bị phê phán kịch liệt khi ông ta đề nghị trên mạng xã hội rằng Trung Quốc nên nhanh chóng mở rộng kho vũ khí nguyên tử để ngăn chặn Hoa Kỳ. Trong một lời phê phán thẳng thừng hiếm có, một chuyên gia nổi tiếng về vũ khí nguyên tử của Trung Quốc gọi những ý kiến đề nghị như của Hồ là “cuồng ngôn” và cho rằng nó nhắm mục tiêu “kích động sự bất mãn”  với đảng và quân đội Trung Quốc.

Xoa dịu nỗi tức giận Hoa Kỳ trong những người dân thường Trung Quốc không phải là chuyện dễ. Các trang mạng xã hội Trung Quốc tràn ngập những bài bình luận hung hăng mang những tiêu đề như “Nước Mỹ sẽ sụp đổ trong năm nay”“Liệu nước Mỹ có dám gây chiến với nước ta không?”

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy công chúng Trung Quốc nói chung có cái nhìn diều hâu về chính sách đối ngại, họ thích chi tiêu nhiều hơn cho quân đội và một đường lối hung hăng hơn trong việc bảo vệ các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn tiếp tục có lập trường cứng rắn với Đài Loan chẳng hạn, một đảo quốc tự trị mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của họ, và hôm thứ Năm còn thông báo tập trận quân sự gần Đài Loan.

Trong một số trường hợp, người dùng Internet ở Trung Quốc còn tấn công các học giả và nhà báo nào tỏ ra dịu giọng trong ngôn từ chống Mỹ.

Kim Xán Vinh (Jin Canrong), giáo sư môn quốc tế học tại Đại học Nhân dân, trước đây từng cho rằng Trung Quốc nên có vai trò quyết đoán hơn trong các vấn đề toàn cầu và nên chống lại ảnh hưởng của Mỹ. Ông Kim cũng từng nhận định Trung Quốc có khả năng hủy diệt các căn cứ quân sự Mỹ ở châu Á.

Nhưng gần đây, Kim nói Trung Quốc nên theo đuổi “phép đánh cờ” với Hoa Kỳ thay vì xung đột vũ trang hoặc Chiến tranh Lạnh. Với giọng điệu ôn hòa như vậy, ông ta bị phê phán thậm tệ trên các mạng xã hội Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Kim đã cố bảo vệ quan điểm của mình; theo ông nguy cơ một cuộc đụng độ không mong muốn đang ngày càng cao trước thềm cuộc bầu cử ở Mỹ và Trung Quốc nên giấu mình chờ thời, “Trung Quốc sẽ không bắn phát súng đầu tiên. Chúng ta sẽ không gây hấn,” Jin nói.

Chính phủ Trump không thèm quan tâm tới lời kêu gọi “ngừng bắn” chừng nào các quan chức Trung Quốc chưa đi xa hơn những lời hứa hẹn hòa giải. Bắc Kinh cần đưa ra những đề nghị cụ thể trong những vấn đề như căng thẳng quân sự trên Biển Đông Việt Nam hoặc cuộc đàn áp của ông Tập ở Hong Kong.

Ngay cả Trung Quốc thay đổi chiến thuật thì thành công của họ cũng rất giới hạn. Chính phủ Trump không tỏ dấu hiệu nào cho thấy họ ngừng nỗ lực tháo gỡ nhiều thập niên gắn kết với Trung Quốc về chính trị, kinh tế và xã hội. Hôm thứ Năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng họ sẽ liệt các Viện Khổng Tử tại Hoa Kỳ – một tổ chức giáo dục và văn hóa của chính phủ Trung Quốc – vào diện cơ quan ngoại giao, một hành động mà Trung Quốc lên án là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Chính phủ Trump cũng không thèm quan tâm tới lời kêu gọi “ngừng bắn” chừng nào các quan chức Trung Quốc chưa đi xa hơn những lời hứa hẹn hòa giải. Bắc Kinh cần đưa ra những đề nghị cụ thể trong những vấn đề như căng thẳng quân sự trên Biển Đông Việt Nam hoặc cuộc đàn áp của ông Tập ở Hong Kong.

“Không có cách nào tránh khỏi xung đột lớn nếu không có những cuộc đổi chác cụ thể,” ông Sử, chuyên gia về nghiên cứu Hoa Kỳ ở Đại học Nhân dân, nhận định.

(lược dịch từ The New York Times)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: