Vaccine Trung Quốc lại bị khám phá có nguy cơ gây liệt mặt

Dân Sài Gòn vốn đang không vui với chuyện bị ép phải chích vaccine Trung Quốc bởi nhà cầm quyền, chắc lại càng không vui khi nghe tin này.
Vaccine Sinovac đang được chích tại một số nước Đông Nam Á, trong đó có Indonesia (ảnh: Andry Denisah/SOPA Images/LightRocket/Getty Images)

Theo SMCP (South China Morning Post), một nhóm nghiên cứu của Đại học Hong Kong cho biết có khoảng 4.8 trường hợp người chích loại vaccine COVID-19 do Trung Quốc sản xuất, đã mắc chứng liệt mặt Bell (Bell Palsy). Tình trạng này diễn ra trong vòng 42 ngày, từ 100,000 người được chích ngừa bởi cơ quan y tế Trung Quốc.

Nghiên cứu của Đại học Hong Kong đã cho thấy “nguy cơ gia tăng” của một tình trạng hiếm gặp, liên quan đến chứng liệt mặt tạm thời sau khi chích ngừa Covid-19.

Chứng liệt mặt Bell Palsy hay còn gọi là liệt Bell, liệt dây thần kinh mặt hoặc liệt mặt ngoại biên, bao gồm tình trạng liệt dây thần kinh ở mặt, viêm và sưng dây thần kinh điều khiển các cơ bắp ở một bên mặt… khiến người bệnh bị méo lệch một bên khuôn mặt.

Phát hiện này đã góp phần vào những nỗi lo ngại của người dân châu Á lâu nay vốn đã thiếu tin tưởng vào các sản phẩm y khoa Trung Quốc nhất là các loại vaccine đang gây nhiều tranh cãi về hiệu quả, cũng như sự mập mờ của nơi sản xuất ra nó.

Tuy vậy, các nhà nghiên cứu của Hong Kong cũng vẫn kêu gọi người dân nên mau chóng chấp nhận chích ngừa, vì hiện nay việc chậm chạp chích ngừa vaccine sẽ khiến khả năng miễn dịch cộng đồng phải mất thêm nhiều tháng nữa.

Điều này có thể hiểu được trong bối cảnh các nhận định khoa học của Hong Kong phải luôn có cách nói nước đôi, để tránh các cáo buộc nguy hiểm từ chính quyền đại lục.

Nhóm nghiên cứu, do Giáo sư Ian Wong Chi-kei, Trưởng Khoa Dược cho biết chứng liệt mặt Bell là trường hợp bất lợi hiếm gặp và đã xuất hiện sau khi chủng ngừa. Nhưng ông nói thêm là hơn 90% trường hợp bị liệt có thể khỏi trong vòng chín tháng nếu được điều trị bằng corticosteroid kịp thời.

Khi công bố tài liệu nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu cũng thận trọng ghi chú: “Tác dụng có lợi và bảo vệ của vaccine Covid-19 [Sinovac] bất hoạt đáng quan tâm hơn việc xảy ra tác dụng phụ này”.

Thật ra, dựa trên các con số tìm thấy từ việc chích ngừa với Sinovac, các biến chứng vẫn nằm ở số phần trăm không phải quá lo ngại. Thế nhưng với những gì đã ghi nhận được trên thế giới, thì đó vẫn là “bảng thành tích” chung không mấy tốt đẹp của sản phẩm vaccine Trung Quốc.

Sinovac và Sinopharm là hai trong số những vaccine được Trung Quốc đưa vào thử nghiệm lâm sàng sớm nhất, nhưng rất bất minh về công bố kết quả. Theo tờ Washington Post, khi nhiều chính phủ ở Đông Nam Á hốt hoảng trước đại dịch, họ đã vội vàng đặt mua vaccine từ Trung Quốc khi nguồn vaccine phương Tây đang khan hiếm. Rõ là một số nước nghèo không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trông cậy vào Trung Quốc.

Hơn 30 quốc gia châu Á đã mua hoặc được quyên tặng vaccine Trung Quốc. Indonesia là một trong những nước mua vaccine Sinovac lớn nhất thế giới với số lượng đặt mua đến 125 triệu liều.

Việt Nam cũng là nước đang có vẻ muốn dựa vào nguồn cung vaccine của Trung Quốc, bất chấp các tin xấu về sản phẩm này đang có ở nhiều quốc gia. Giới lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đã nhập năm triệu liều Sinovac từ hồi Tháng Năm nhưng chỉ công bố với người dân vào phút cuối. Cái cách đặt “sự đã rồi” đó lại càng được làm rõ hơn khi Thủ tướng Phạm Minh Chính lên giọng vào ngày 17 Tháng Tám, là “phải khắc phục tình trạng kén chọn vaccine” trong việc tổ chức chích ngừa cho người dân ở thành phố này.

“Kén chọn” theo cách nói của ông Chính, là điều có thật với đa số người dân miền Nam. Trong một video lan truyền trên mạng, người dân Sài Gòn quay lại cảnh một nhân viên y tế của chính quyền lớn giọng với đám đông bỏ về vì biết phải chích ngừa vaccine Trung Quốc: “Bây giờ có để chích mà may rồi chứ còn đòi hỏi gì nữa?”. Câu nói đó lập tức thổi bùng lên ngọn lửa giận dữ của người Sài Gòn, với tâm trạng vừa không thích hàng Trung Quốc, vừa bị tổn thương do luôn bị đối xử như loại công dân hạng hai. Bởi lẽ cũng cùng thời gian đó, Hà Nội đã lên kế hoạch chích cho toàn bộ dân cư thành phố với các loại vaccine được viện trợ từ phương Tây.

Dùng hiện trạng dịch bệnh lây lan và cái chết khắp nơi, rồi buộc người dân không có lựa chọn nào ngoài việc phải chấp nhận sự sắp đặt vaccine của chính quyền Tp.HCM  cũng là cách làm của Campuchia. Tuy nhiên, sau khi phần lớn dân số đã chích vaccine Trung Quốc, thì chính Thủ tướng Hun Sen lại chích bằng vaccine phương Tây, với lý do là… mình đã lớn tuổi.

Giáo sư Ian Chong, thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận định rằng nhiều quốc gia Đông Nam Á đang nhận quả đắng từ vaccine Trung Quốc, chỉ vì cấy suy nghĩ vào người dân “có sự bảo vệ vẫn tốt hơn là không có biện pháp bảo vệ nào”. Ông Ian Chong cũng nói rằng việc chựng lại trước các nguồn vaccine Trung Quốc từ nhiều nước, và gần đây nổi bật là quyết định chuyển đổi sang các loại vaccine phương Tây của Thái Lan và Indonesia, có thể chọc thủng hình ảnh thành công, làm vỡ cái bong bóng về hiệu quả của vaccine Trung Quốc và đồng thời dấy lên câu hỏi về năng lực công nghệ y khoa của Trung Quốc.

Trong khi đó, bất chấp tranh cãi ngày càng gay cấn về vaccine Trung Quốc, chính quyền Việt Nam vẫn đẩy mạnh tiêm loại vaccine này cho người dân Sài Gòn, coi như là một biện pháp chủ lực chống dịch COVID-19.

Bình luận về chuyện này, không gì chính xác bằng hai câu đúc kết trớ trêu và chua xót đang lan truyền trên mạng xã hội: “Miền Bắc chống Mỹ, nhưng lại chỉ chích vaccine Mỹ. Còn Sài Gòn chống Trung Quốc thì bị trừng phạt bằng chính vaccine Trung Quốc”.

(Tham khảo bài viết trên SMCP)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Tướng phu thê
Dân gian Việt Nam thường dùng từ “tướng phu thê” khi thấy các cặp vợ chồng có nét mặt giống nhau. Nhưng về khoa học, chuyện này cũng được minh…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: