Vài suy nghĩ nhân Ngày Nhân quyền Việt Nam 

Ngày Nhân quyền Việt Nam (11 tháng Năm) năm nay có một sự kiện đáng chú ý là một số dân biểu lưỡng đảng trong Hạ viện Hoa Kỳ đã đề nghị dự luật Đạo luật Nhân quyền Việt Nam 2021. Đạo luật có mã hiệu HR 3001 nhằm buộc các quan chức Hà Nội “phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đồng thời giúp ưu tiên bảo vệ các quyền tự do và phát triển nhà nước pháp quyền ở Việt Nam”. 

Dự luật HR 3001 do các dân biểu Chris Smith (Cộng Hòa, New Jersey), Zoe Lofgren và Alan Lowenthal (Dân Chủ, California) đồng tác giả và được đưa ra hôm 06-05, ngay trước ngày Nhân quyền Việt Nam lần thứ 27. “Tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do internet, các công đoàn độc lập, việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi bị buôn bán, và những tiến bộ trong nhà nước pháp quyền phải là những thành phần thiết yếu của bất kỳ nỗ lực nào do Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm đảm bảo rằng Việt Nam và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở,” Dân biểu Smith nói trong thông cáo đưa ra hôm 6-5 khi công bố về đạo luật lưỡng viện, đài VOA trích dẫn.

Cũng theo VOA, Dân biểu Chris Smith – người từng là chủ tịch tiểu ban nhân quyền của Hạ viện – đã chủ trì 11 buổi điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam và trước đây từng ba lần giới thiệu Đạo luật Nhân quyền Việt Nam ra Quốc hội Mỹ nhằm đưa ra các biện pháp hữu hiệu để cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Các phiên bản trước đều được Hạ viện Mỹ thông qua, nhận được sự ủng hộ áp đảo từ các thành viên lưỡng đảng nhưng đều bị đình trệ tại Thượng viện.

***

“Tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do internet, các công đoàn độc lập, việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi bị buôn bán, và những tiến bộ trong nhà nước pháp quyền phải là những thành phần thiết yếu của bất kỳ nỗ lực nào do Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm đảm bảo rằng Việt Nam và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở,”

Dân biểu Chris Smith (Cộng Hòa, New Jersey) 

Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam thường bị các chính phủ phương Tây và các tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích. Theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, hồ sơ nhân quyền của Việt Nam “tồi tệ về nhiều mặt”, từ tự do ngôn luận cho đến tự do tôn giáo, trong đó đảng Cộng sản duy trì độc quyền về chính trị, không cho phép người dân tham gia quản lý đất nước và ngăn chặn bất cứ thách thức nào đe dọa sự lãnh đạo của đảng.

Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 30-3-2021 cho rằng Việt Nam, quốc gia đang nhận hàng trăm triệu đô la viện trợ từ Hoa Kỳ, là nước độc tài có nhiều vấn đề nhân quyền “đáng lưu ý.”

Phản bác những lời chỉ trích của Mỹ và cộng đồng quốc tế, chính phủ Việt Nam luôn nói rằng các cáo buộc đó là “không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam”. Việt Nam khẳng định ở trong nước “không có tù nhân lương tâm” và những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, những người phát biểu ý kiến một cách ôn hòa, bị giam cầm với những bản án tù hết sức nặng nề chỉ là “những người phạm tội hình sự theo luật pháp Việt Nam”.

Hiện giữa Mỹ và Việt Nam vẫn có cơ chế Đối thoại Nhân quyền hằng năm, nhưng phương thức đối thoại này tỏ ra không có mấy tác dụng vì Việt Nam cho rằng quan niệm về nhân quyền giữa hai nước không giống nhau và Hà Nội không bao giờ tôn trọng các cam kết của họ. Điển hình như vụ nhà báo tự do Phạm Đoan Trang bị công an Việt Nam bắt giam vào đêm 06-10-2020 với những lời buộc tội mơ hồ ngay trước khi cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ kết thúc. Theo dữ kiện của các tổ chức tranh đấu, tính đến ngày 03-11-2020 đã có ít nhất 276 tù nhân lương tâm đang bị giam cầm trong các nhà tù Việt Nam vì bị xử án theo các điều 109, 117 và 331 theo Bộ luật Hình sự mới – là những điều luật rất mơ hồ được thiết kế để dập tắt những tiếng nói đối lập mà mới nhất là trường hợp hai mẹ con bà Cấn Thị Thêu – Trịnh Bá Tư bị kết án tổng cộng 16 năm tù giam trong phiên tòa bỏ túi vào tuần trước.

Tình trạng bên lên án, bên chống chế giữa chính phủ Cộng sản Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền kéo dài đã lâu và dự đoán sẽ còn tiếp tục trong tương lai nếu chính phủ Hoa Kỳ không có những biện pháp mạnh và hiệu quả hơn. 

***

Ngày Nhân quyền Việt Nam và công bố dự luật Nhân quyền cho Việt Nam 2021 năm nay diễn ra trong bối cảnh quốc tế mới: chính quyền của Tổng thống Joe Biden đặt vấn đề dân chủ nhân quyền làm ưu tiên trong quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và các nước khác, trong đó có Việt Nam – quốc gia mà Hoa Kỳ muốn là một đối tác trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở trước sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong Hướng dẫn tạm thời về Chiến lược An ninh quốc gia được chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra hồi tháng Ba, Việt Nam cùng với Singapore là hai quốc gia Đông Nam Á duy nhất được nêu tên cụ thể như là đối tác được Washington nhắm tới để hợp tác an ninh khu vực. 

Chính sách đề cao dân chủ nhân quyền có cản trở kế hoạch của chính phủ Biden hợp tác với các quốc gia phi dân chủ và thành tích nhân quyền tồi tệ như Việt Nam hay không? Trên Asia Nikkei Review, nhà bình luận chính trị Derek Grossman nhận định chính quyền Biden đang đứng trước một lựa chọn khó khăn: theo đuổi lợi ích quốc gia (hợp tác chống bành trướng Bắc Kinh) hay theo đuổi hệ giá trị quốc gia (ưu tiên cho dân chủ, nhân quyền). “Nếu Tổng thống Joe Biden có kế hoạch ưu tiên lợi ích quốc gia như phần lớn trường hợp dưới thời chính quyền Trump thì một số quốc gia quan trọng có thể dễ phục tùng nhiều hơn trong việc hỗ trợ Hoa Kỳ tăng cường cuộc cạnh tranh cường quốc với Trung Quốc”, ông Grossman viết.

Nhưng những tín hiệu ban đầu cho thấy ông Biden là “đối cực” của ông Trump và chính phủ Mỹ hiện nay muốn “xoay ngược” một số chính sách của chính phủ tiền nhiệm; nếu ông Trump chọn lợi ích quốc gia làm ưu tiên thì ông Biden sẽ chọn hệ giá trị tự do dân chủ làm nền tảng. Trong chiến lược đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu, Hoa Kỳ dựa vào một liên minh rộng lớn các nền dân chủ, bao gồm Anh quốc và EU ở châu Âu, Nhật Bản, Nam Hàn và Úc ở châu Á. Tổng thống Biden nhiều lần nhấn mạnh cam kết sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nền dân chủ (Summit For Democracy) trước cuối năm nay. Những chính sách hung hăng của Trung Quốc gần đây đã giúp cho liên minh dân chủ mà ông Biden ấp ủ sớm hình thành và củng cố; trong đó sự thù địch của Bắc Kinh với nước Úc, biện pháp trừng phạt các nghị sĩ châu Âu mới đây có nguy cơ gây đổ vỡ hiệp định đầu tư toàn diện Trung Quốc-EU là những ví dụ.

Trong Thượng đỉnh Dân chủ mà ông Biden dự định mời họp chắc chắn sẽ không có Việt Nam, thậm chí không có Philippines và Thái Lan là những nước Đông Nam Á đồng minh đã và đang xa rời nếp sinh hoạt dân chủ, nhân quyền. Vấn đề bây giờ không phải là Mỹ lôi kéo nước nào vào liên minh dân chủ mà là các nước nhỏ bị kẹt trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa hai cường quốc Mỹ-Trung phải đưa ra lựa chọn và bày tỏ lập trường, hoặc đứng về phía dân chủ, tự do, nhân quyền hoặc đi vào quỹ đạo của chế độ độc tài toàn trị mà Trung Quốc đang quảng bá như là sự thay thế cho thể chế dân chủ.

Cũng như cộng sản Trung Quốc, đảng Cộng sản Việt Nam quan niệm nguyên nhân sự sụp đổ của Liên bang Xô viết là ở sự mềm yếu của đảng cầm quyền; để tránh vết xe đổ của Liên xô, Hà Nội cần phải cai trị bằng bàn tay sắt, bằng guồng máy công an trị tàn bạo hết mức có thể để bóp chết từ trong trứng nước những mầm mống cạnh tranh quyền lực. Người dân Việt Nam có thể được giàu có hơn, tiêu xài hoang phí hơn, du lịch nước ngoài nhiều hơn nhưng không được tham gia chính trị, không được phép phát biểu ý kiến mang tính phản biện với tiếng nói chính thức của đảng. Tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do internet… vì vậy phải bị triệt tiêu. Rất có thể Hà Nội sẽ không cải thiện thành tích nhân quyền, thậm chí có thể nhân nhượng một phần chủ quyền trên Biển Đông cho Trung Quốc để duy trì chế độ độc tài bất chấp sự phê phán, mời gọi, thậm chí trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Cũng nên lưu ý rằng dân chủ, tự do, nhân quyền không phải là hệ giá trị riêng của nước Mỹ mà Washington xuất cảng ra các nước khác, hay áp đặt lên các chính phủ nước ngoài trái với ý chí chính trị của họ mà là một hệ giá trị phổ quát của loài người, được trân trọng đưa vào hiến chương và các công ước của Liên Hiệp Quốc. Ngay những chế độ độc tài như Trung Quốc, Việt Nam cũng đã ký kết tôn trọng các công ước Liên Hiệp Quốc và đưa các giá trị dân chủ, tự do vào hiến pháp của chính họ. 

***

Có thể Tổng thống Biden sẽ chọn một chiến lược có tính chất dung hòa giữa đề cao hệ giá trị của Mỹ và duy trì lợi ích chiến lược trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Lịch sử hiện đại của Mỹ cho thấy các chính phủ thường bất biến trong nguyên tắc nhưng linh hoạt trong sách lược theo đuổi quyền lợi của nước Mỹ và ông Biden sẽ không là ngoại lệ. Với trường hợp Việt Nam, nhà bình luận Grossman nhận định: “Việt Nam tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ để chống lại Bắc Kinh về chủ quyền trên Biển Đông, nhưng Hà Nội chắc chắn sẽ không chấp nhận sự phê phán của Hoa Kỳ về thành tích nhân quyền của mình… Sự phê phán đó có thể làm suy yếu mối quan hệ chiến lược”. Rất có thể ông Biden sẽ chọn cách ứng xử kết hợp (hybrid) vừa hợp tác về an ninh và kinh tế, vừa đấu tranh về dân chủ, nhân quyền sao cho Hà Nội dù không là đồng minh chiến lược của Mỹ thì cũng là một đối tác cần thiết trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. 

Đạo luật Nhân quyền Việt Nam sẽ cung cấp cho người dân Việt Nam những công cụ và thông tin mà họ cần để đấu tranh cho sự thay đổi từ bên trong, và nó sẽ buộc chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm về những hành động tàn bạo,”

Dân biểu Zoe Lofgren (Dân Chủ, California)

Trong hoàn cảnh đó chính phủ Hoa Kỳ có thể làm gì với Đạo luật Nhân quyền Việt Nam đang có triển vọng sớm được Quốc hội thông qua? “Dự luật này gửi đi một thông điệp lưỡng đảng mạnh mẽ rằng một nước Việt Nam tự do hơn – quốc gia có tiềm năng là một mỏ neo chiến lược của khu vực và một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ – là lợi ích quốc gia quan trọng đối với Mỹ,” Dân biểu Smith nói trong thông cáo được VOA trích dẫn. Có lẽ nên thêm rằng, một nước Việt Nam tự do hơn cũng là lợi ích quốc gia của chính Việt Nam, của hơn 100 triệu người dân đang khao khát nói lên tiếng nói của mình và tham gia vào công cuộc quản lý đất nước, quản lý cuộc sống của chính họ.

“Đạo luật Nhân quyền Việt Nam sẽ giúp cung cấp cho người dân Việt Nam những công cụ và thông tin mà họ cần để đấu tranh cho sự thay đổi từ bên trong, và nó sẽ buộc chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm về những hành động tàn bạo,” Dân biểu Zoe Lofgren (Dân Chủ, California), đại diện một trong những cộng đồng người Mỹ gốc Việt lớn nhất ở Mỹ, cho biết trong thông cáo đưa ra cùng ngày 6-5.

Theo ý định của các tác giả, đạo luật lưỡng đảng này sẽ cho phép Hoa Kỳ chế tài các quan chức Việt Nam và những người vi phạm có hệ thống các quyền con người được quốc tế công nhận, tương tự như biện pháp trừng phạt mà Hoa Kỳ đang áp dụng với các quan chức chính quyền Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng, Tân Cương và Hong Kong. Hoa Kỳ sẽ không tác động làm thay đổi thể chế chính trị của Việt Nam như tuyên bố của cựu Tổng thống Barack Obama, nhưng Hoa Kỳ cũng có đạo luật Magnitsky Toàn Cầu có thể vận dụng để trừng phạt những quan chức cao cấp Việt Nam để ngăn chặn phần nào bàn tay đàn áp của họ đối với các quyền tự do căn bản của công dân.

Đạo luật Nhân quyền Việt Nam cũng cần gắn kết vấn đề nhân quyền với chính sách kinh tế-thương mại và viện trợ, đầu tư, theo đó Việt Nam sẽ không tiếp tục được hưởng các ưu đãi trong giao thương với Mỹ nếu không cải thiện thành tích nhân quyền của mình, chẳng hạn như tôn trọng tự do tôn giáo, trả tự do cho các tù nhân lương tâm, công nhận nghiệp đoàn độc lập, bỏ việc ngăn chặn internet v.v… Liên minh châu Âu đã có những ràng buộc như vậy trong hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và đã đến lúc Hoa Kỳ cũng phải có những điều khoản chế tài tương tự như EU. Nếu Hoa Kỳ và EU phối hợp đòi hỏi Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền, chấm dứt đàn áp để được tiếp cận rộng rãi hơn tới thị trường, nguồn vốn và công nghệ của Mỹ và châu Âu thì đó sẽ là một yêu cầu mà Hà Nội không thể bỏ qua.

Do hạn chế của dịch Covid-19, Ngày Nhân quyền Việt Nam 11-05 năm nay tại Hoa Kỳ không có những hoạt động nổi bật và cũng không có sự kiện kỷ niệm tại trụ sở Quốc hội như thường lệ nhưng chuyển biến chính sách đối ngoại của chính quyền Biden và công bố dự luật Nhân quyền cho Việt Nam 2021 tại Hạ viện đã là những tín hiệu mới đáng theo dõi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: