“Văn hóa hủy”

“Cancel culture” có lẽ là một trong những cụm từ tiếng Anh được tìm kiếm và được nói nhiều nhất năm 2020. “Văn hóa hủy” đang là khuynh hướng toàn cầu, hiện diện từ Âu sang Á. Nó chưa có một định nghĩa rõ ràng và thống nhất. Tẩy chay một bộ phim hoặc một sản phẩm là thái độ của “văn hóa hủy”. “Thả mặt cười” (haha) để bày tỏ sự khinh miệt cũng được xếp vào “văn hóa hủy”. Chỉ trích chính quyền hoặc nhạo báng mỉa mai một viên chức cũng có thể được xem là “văn hóa hủy”… Do ý nghĩa của “văn hóa hủy” quá rộng và có thể đặt khái niệm này trong nhiều ngữ cảnh nên việc đánh giá thái độ văn hóa như vậy là tích cực hay tiêu cực đã đưa đến những cuộc tranh cãi không ngã ngũ.

Trong một giới hạn hẹp, “văn hóa hủy” là hành động chỉ việc đám đông phản bác hành vi sai trái một nhân vật nổi tiếng và muốn tên tuổi người đó phải bị loại ra khỏi cặp mắt công chúng. Không chỉ vậy, người ta còn kêu gọi tẩy chay những sản phẩm dính dáng nhân vật đó. Việc tẩy chay phim Mulan xuất phát từ việc bất bình và tẩy chay Lưu Diệc Phi vì diễn viên này có những phát ngôn ủng hộ cảnh sát trấn áp người biểu tình Hong Kong là một ví dụ. Chiến dịch tẩy chay Thành Long tại Việt Nam cũng từ lý do tương tự là một ví dụ nữa.

Hiện tượng “văn hóa hủy” (trong trường hợp đối với một cá nhân) xuất phát từ việc đám đông mặc định người của công chúng thì phải biết hành xử đúng đắn, đứng về lẽ phải, và khi họ không làm được điều căn bản về mặt đạo đức như vậy thì họ đáng bị “hủy”. Nếu tư cách đạo đức của họ có vấn đề (chẳng hạn ấu dâm) thì càng đáng bị “hủy”. Giáo sư Anne H. Charity Hudley, chuyên gia ngôn ngữ và văn hóa học thuộc Đại học California-Santa Barbara, cho rằng có hai định nghĩa rõ rệt để nói về “văn hóa hủy”.

Thứ nhất, nó thể hiện ở việc không còn được ủng hộ về tài chính, về lá phiếu chính trị hay về vị trí xã hội…. Đối tượng bị nhắm đến thường là nhân vật tên tuổi trong lĩnh vực truyền thông, chính trị hoặc doanh nhân. Thứ hai, “văn hóa hủy” là hành động bịt miệng đối tượng, xảy ra cùng lúc với việc muốn người khác phải nghe mình thay vì nghe đối tượng (bị “hủy”).

Tiến sĩ Jill McCorkel, giáo sư xã hội học thuộc Đại học Villanova, nói rằng nguồn gốc của “văn hóa hủy” không phải thời hiện đại. Nó tồn tại xuyên suốt lịch sử nhân loại. Xã hội thường trừng phạt người khác về hành vi trái khuấy hoặc không thuộc phạm vi chuẩn mực được số đông nhìn nhận. Từ nhiều năm nay, “văn hóa hủy” đã thể hiện ở những đợt tẩy chay các nhãn hàng hoặc sản phẩm; hoặc những chiến dịch gây sức ép công luận dẫn đến sự từ chức một viên chức điều hành và thậm chí nguyên thủ. Có điều, hiện tượng “văn hóa hủy” ngày nay phổ biến và lan rộng nhanh nhờ môi trường mạng xã hội.

Tại Mỹ, hiện tượng “văn hóa hủy” đang được tranh luận gay gắt và phạm vi của khái niệm “hủy” mỗi lúc mỗi mở rộng. Không phải ai cũng ủng hộ “văn hóa hủy”. Thậm chí nó bị lên án dữ dội. Nhiều người tin rằng “văn hóa hủy” không phải là hành vi mang lại lợi ích xã hội vì điều đó không giúp thay đổi gì, nếu “tất cả những gì bạn làm chỉ là ném đá”. Trong cuộc thăm dò do Politico thực hiện tháng 7-2020, 46% người Mỹ cho rằng “văn hóa hủy” “đã đi quá xa”; 27% cử tri nói rằng “văn hóa hủy” có chút tích cực và có ảnh hưởng tích cực cho xã hội; trong khi 49% nói rằng hiện tượng này rất tiêu cực. Tuy nhiên, có đến 55% người ở độ tuổi 18-34 tham gia trào lưu “văn hóa hủy”.

Với những người phản bác, “văn hóa hủy” là một hình thức bịt miệng và đi ngược quyền tự do ngôn luận. Nó cho thấy sự mỉa mai trong vấn đề, khi tự do ngôn luận được nhân danh để làm công cụ bịt miệng người khác. Với người ủng hộ, họ nói rằng, kể cả khi tự do ngôn luận được bảo vệ thì bất kỳ ai, đặc biệt người của công chúng, phải cân nhắc hậu quả từ hành vi lẫn lời ăn tiếng nói của mình. Một cách đơn giản, nói bậy hoặc làm bậy là đáng bị chửi.

Những người ủng hộ tin rằng “văn hóa hủy” giúp điều chỉnh và làm giảm hành vi xấu trong xã hội. Nó khiến người muốn làm điều xấu phải dừng lại. Bất luận thế nào, trong một thế giới ngày càng dễ dàng “chia phe” và “đánh nhau” không nhân nhượng, có khi bất chấp lý lẽ lẫn lý trí hoặc khoác đủ lớp áo, đạo đức thật lẫn đạo đức giả, thì “văn hóa hủy” trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.

Chưa có nghiên cứu xã hội học nào về “văn hóa hủy” ở Việt Nam nhưng hiện tượng này xảy ra gần như hàng ngày. Nó trở thành một “thái độ truyền thông”. “Unfriend” hoặc “block” diễn ra mỗi ngày. Có khi “hủy nhau” chỉ vì “âm thầm ghét nó” hoặc thậm chí đơn giản là “nó” không lên tiếng “trước một chuyện như thế”. “Văn hóa hủy” trên mạng Việt Nam không chỉ như vậy. Đó còn là những đợt “thả mặt cười” vào phát biểu “rất nghiêm túc” nào đó của quan chức. Một cựu viên chức cấp cao vừa chết cũng là dịp để cộng đồng thể hiện thái độ “hủy”, được cơ hội bộc lộ mà tâm lý này xuất phát từ sự dồn nén về việc không thừa nhận hoặc không kính phục vốn dĩ đã âm ỉ.

Trên mạng xã hội Việt Nam, “đối tượng” bị “hủy” thường xuyên và nhiều nhất là chính quyền, diễn ra cùng lúc với sự “định hướng thông tin” được thực hiện miệt mài cốt để người dân không “hủy” mình. Điều mỉa mai là chính quyền thường có những “nỗ lực gián tiếp” để “chứng minh” họ đáng… được “hủy”. Hiện tượng “thả haha” hoặc trêu chọc quan chức không lạ. Nó xảy ra ở tất cả quốc gia trong lịch sử và vẫn đang xảy ra tại các nước phương Tây, khi báo chí hay truyền hình vẫn có những chương trình hài hước cười cợt chính quyền.

Hiện tượng này, khi xảy ra ở những nước có hệ thống cai trị độc tài, lại mang một màu sắc đặc biệt và có ý nghĩa đặc biệt hơn: nó thể hiện một thái độ chống đối và khước từ. Nó là một hình thức “cách mạng”, như George Orwell (tác giả của “Animal Farm”, “1984”) từng viết năm 1945: “Mỗi tiếng cười nhạo báng là một cuộc cách mạng nhỏ” (“Every joke is a tiny revolution”).

Dĩ nhiên không phải “tiếng cười” nào cũng đáng biểu dương. Vì “ghét” chính quyền hoặc nhân vật chính trị nào đó mà tạo ra tin giả và dùng tin giả như một công cụ để kêu gọi “văn hóa hủy” thì “văn hóa” này hoàn toàn phi văn hóa và nó đáng được “hủy” hơn là cổ xúy. Như tất cả vấn đề xã hội, “văn hóa hủy” hẳn nhiên có yếu tố hai mặt. Nếu bị đẩy đi quá xa thì “văn hóa hủy” trở thành hành vi cực đoan khoét sâu thêm sự chia rẽ và thậm chí thù hằn. Nếu chỉ chạy theo một xu hướng “hủy” tập thể mà thiếu suy xét bình tĩnh thì “văn hóa hủy” chỉ dẫn đến con đường bế tắc hơn là tìm được lối ra mang lại giải pháp.

Trong một số trường hợp, việc hùa theo ném đá sẽ chỉ làm tổn thương thêm một xã hội luôn chực chờ đổ nát. Hậu quả là chẳng ai có lợi. “Văn hóa hủy” chỉ cần thiết và chỉ đúng khi người ta biết chính xác họ hủy cái gì, tại sao nó đáng bị hủy, và đặc biệt, việc hủy nó sẽ mang lại điều gì tích cực và tốt đẹp hơn cho chính đất nước và xã hội mà mình đang sống.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: