Vấn nạn ‘bạo lực trong hẹn hò’ của thanh thiếu niên gốc Á

Những dấu hiệu của mối quan hệ lạm dụng này thường không được thảo luận trong gia đình. (minh họa: Ben White/Unsplash)

Văn hóa và ngôn ngữ là rào cản, ngăn trở nhiều thanh thiếu niên Mỹ gốc Á cởi mở thảo luận về bạo lực trong hẹn hò (dating violence) với cha mẹ.

Angela Kim yêu lần đầu năm 16 tuổi. Người bạn trai rót vào cô những lời mật ngọt, khiến cô gái mê mẩn trong tình yêu mà cô cho là rất lãng mạn. Nhưng sau đó, mọi thứ đột nhiên bắt đầu thay đổi: Những lời xúc phạm, thủ đoạn thao túng và cuối cùng bạo lực thể xác leo thang thành một mối quan hệ lạm dụng kéo dài suốt ba năm. “Tất cả những lời khen bắt đầu biến thành những lời lăng mạ. Và tất cả những khoảng thời gian tuyệt vời mà tụi mình từng có với nhau, giờ bị lu mờ bởi những cơn giận dữ kinh hoàng của anh ấy,” Kim nhớ lại. “Các dấu hiệu lạm dụng cho thấy mối quan hệ không lành mạnh xuất hiện khá nhanh.”

Trường hợp của Kim không cá biệt, và những trải nghiệm của cô cũng không phải là duy nhất. Theo Youth.gov, 69.5% phụ nữ và 54% nam giới cho biết từng bị bạn tình bạo hành trước 24 tuổi. Có tới 76% thanh thiếu niên cho biết từng bị lạm dụng tình cảm và tâm lý trong các mối quan hệ.

Hiện nay, Kim đang biến “nỗi đau thành niềm đam mê”, cống hiến cuộc đời nghề nghiệp của mình cho công việc phòng chống bạo lực gia đình tại Sở Y tế Công cộng Quận Los Angeles và các tổ chức cộng đồng khác. Kim nói từng gặp nhiều người không hiểu bản chất của lạm dụng và cách những kẻ lạm dụng kiểm soát nạn nhân. Cô kể: “Tôi nghe những câu hỏi như: ‘Làm sao bạn có thể ở bên một người làm tổn thương bạn như vậy?’, tôi trả lời, kẻ bạo hành rất giỏi trong việc thay đổi tư duy của bạn, đến mức bạn không còn là của riêng bạn nữa.”

Văn hóa và ngôn ngữ là rào cản ngăn trở nhiều thanh thiếu niên Mỹ gốc Á cởi mở thảo luận về bạo lực trong hẹn hò (dating violence) với cha mẹ. (minh họa: Ben White/Unsplash)

Theo các nhà hoạt động, việc sử dụng rộng rãi mạng xã hội của thanh thiếu niên tạo ra những bức tranh phi thực tế về thế nào là một mối tình lãng mạn ‘hoàn hảo’ và cho phép một số chiến thuật thao túng, chẳng hạn như buộc nạn nhân hủy theo dõi tất cả những người cùng giới tính khác. Văn hóa đại chúng thường lãng mạn hóa bạo lực trong các bộ phim như “365 Days”. Việc mô tả bạo lực gia đình bị hạn chế, thường ở phụ nữ da trắng trưởng thành bị lạm dụng thể xác, khiến thanh thiếu niên không nhận ra các dấu hiệu bị lạm dụng trong cuộc sống của chính họ.

AsAmNews đã nói chuyện với những người ủng hộ và chuyên gia, bao gồm cả những người trong Ethnic Media Services có các nhà hoạt động vì thanh niên, để hiểu về bạo lực hẹn hò ở thanh thiếu niên trong cộng đồng người Mỹ gốc Á, các dấu hiệu của nó và cách cuối cùng để ngăn chặn nó.

Những dấu hiệu của mối quan hệ lạm dụng này thường không được thảo luận trong gia đình hoặc dạy cho thanh thiếu niên, khiến nạn nhân thậm chí không thể nhận ra rằng mối quan hệ của họ là lạm dụng. Và nhiều yếu tố khác ảnh hưởng cụ thể đến tỷ lệ bạo lực hẹn hò ở thanh thiếu niên.

Đại dịch COVID-19 chỉ làm trầm trọng thêm những vấn đề hiện có này. Armaan Sharma, một nhà hoạt động sinh viên từ Safe Alternatives to Violent Environments (SAVE), đã quan sát thấy rằng việc bị cô lập làm gia tăng lớn các vấn đề về sức khỏe tâm thần và việc sử dụng mạng xã hội ở thanh thiếu niên làm thay đổi cách biểu hiện của bạo lực khi hẹn hò. Sharma nói: “Giống như việc COVID-19 đang phát triển với tất cả các biến thể mới của nó, bạo lực hẹn hò ở thanh thiếu niên cũng vậy. Một cuộc đối thoại cởi mở và tôn trọng về hẹn hò cũng như các mối quan hệ giữa cha mẹ và thanh thiếu niên là chìa khóa để giữ cho trẻ an toàn trong các mối quan hệ của chúng.”

Kẻ bạo hành thường sử dụng các thủ đoạn thao túng lạm dụng thông thường để khiến nạn nhân bị mắc kẹt trong mối quan hệ, kiểm soát nạn nhân thông qua bạo lực, tức giận và ghen tuông; chiếm cứ thời gian, ngăn cản nạn nhân duy trì các mối quan hệ (không lãng mạn) với người khác; hoặc gây ra nhiều xúc phạm. Kết quả là nạn nhân bị suy sụp hoàn toàn về giá trị bản thân, lòng tự trọng và sự tự tin.

Tuy nhiên, sau đó, kẻ bạo hành sẽ xin lỗi và làm hòa với nạn nhân, tỏ ra ăn năn và nhận trách nhiệm, chẳng hạn như tặng quà hoặc hứa sẽ đi chữa bệnh. Nạn nhân tiếp tục ở lại với kẻ bạo hành vì tin rằng bạo lực chỉ xảy ra một lần. Tuy nhiên, thay vào đó, chu kỳ cứ lặp đi lặp lại. Nhưng nếu nạn nhân bỏ đi, họ sẽ gặp rắc rối, nguy hiểm, vì kẻ bạo hành sẽ tìm cách níu kéo, giữ họ trong mối quan hệ.

Thanh thiếu niên người Mỹ gốc Á phải đối mặt với những rào cản khác đối với các cuộc thảo luận cởi mở xung quanh việc hẹn hò, sự đồng ý và sự thân mật. Nhiều thanh thiếu niên người Mỹ gốc Á là con của người nhập cư rất gặp khó khăn khi phải báo cáo bạo lực hẹn hò. Họ cảm thấy bị áp lực khi luôn phải thể hiện những phần tích cực trong cuộc sống của mình. Cha mẹ là những người nhập cư cũng không quen báo cáo con em mình bị vướng vào bạo lực hẹn hò. Và sự khác biệt về ngôn ngữ cũng khiến thanh thiếu niên khó giải thích chuyện gì đang xảy ra với cha mẹ của mình.

Sharma nói: “Các bậc cha mẹ, đặc biệt là cha mẹ người Nam Á, cần hiểu rằng hẹn hò là điều không thể tránh khỏi. Đó là lúc giáo dục về các mối quan hệ và bạo lực khi hẹn hò xuất hiện, bởi vì tôi chắc rằng các bậc cha mẹ đều muốn con cái họ trong các mối quan hệ an toàn, hơn là các mối quan hệ không an toàn.”

Chìa khóa để chống lại bạo lực hẹn hò ở tuổi vị thành niên là phòng ngừa. Cha mẹ đóng một vai trò quan trọng trong các nỗ lực ngăn chặn bạo lực. Kim khuyến nghị các bậc cha mẹ nên bắt đầu dạy trẻ về ranh giới lành mạnh và sự đồng ý càng sớm càng tốt. Trường trung học cơ sở là độ tuổi lý tưởng để bắt đầu các cuộc trò chuyện về các mối quan hệ và sự thân mật. Làm như vậy bảo đảm rằng thanh thiếu niên cảm thấy thoải mái khi cởi mở với cha mẹ về bất kỳ tác hại nào mà chúng gặp phải. Tuy nhiên, Kim nhấn mạnh, cha mẹ không phải là những người lớn đáng tin cậy duy nhất có thể can thiệp vào bạo lực hẹn hò của thanh thiếu niên.

Không chỉ cha mẹ mà còn cả những người lớn khác, các nhà giáo dục, giáo viên, họ hàng, huấn luyện viên thể dục, tất cả những người này đều có vai trò to lớn vì bạo lực hẹn hò ở thanh thiếu niên lan tràn khắp nơi. Các thầy cô giáo và nhà trường là chìa khóa để dạy thanh thiếu niên về các mối quan hệ lành mạnh, và lạm dụng. Nhưng các chương trình giảng dạy hiện nay lại hiếm khi đề cập đến những kỹ năng này.

Gia đình phải là nơi các thành viên sống chung để chia sẻ và đồng cảm. (minh họa: Unsplash)

Sharma nhớ lại rằng chỉ có một lớp ở trường trung học của anh đề cập đến các mối quan hệ; Thay vào đó, các lớp giáo dục giới tính thường tập trung vào các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các chủ đề liên quan. Do đó, thanh thiếu niên có thể không nhận ra các dấu hiệu của mối quan hệ lạm dụng ở chính họ hoặc bạn bè của họ. “Vì vậy, trong khi giảng dạy về các mối quan hệ không thuộc các chuẩn mực thông thường của trường học ở Mỹ, thì những chuẩn mực đó cần phải thay đổi,” Sharma nói.

Theo Kim, một phần quan trọng của khóa đào tạo là tìm hiểu về sự đồng ý và ranh giới. Nhiều thanh thiếu niên không biết rằng sự đồng ý vẫn tồn tại ngay cả khi họ đang trong một mối quan hệ. Kết quả là, họ có thể cảm thấy bị áp lực phải làm những việc mà họ không thấy thoải mái. Nhưng vì sự đồng ý không được giảng dạy trong trường học, nhiều thanh thiếu niên mà cô làm việc cùng, không học được những sự thật quan trọng này, cho đến khi họ tham gia khóa đào tạo.

Giáo dục không chỉ quan trọng để ngăn chặn thanh thiếu niên tham gia vào các mối quan hệ bạo lực, mà còn ngăn chặn những kẻ bạo hành học được hành vi bạo lực ngay từ đầu. Bạo lực hẹn hò ở tuổi vị thành niên thường được coi là một “chu kỳ bạo lực”, trong đó những người bị tổn thương đến lượt mình lại làm tổn thương những người khác.

“Chúng ta không thể chỉ ngồi yên nhìn con em của mình bị tổn thương,” Sharma nói. “Phải phòng ngừa cho họ.”

Nếu biết ai đang bị lạm dụng trong gia đình hoặc bạo lực do bạn tình gây ra, bạn có thể liên lạc với Đường dây nóng Quốc gia về Bạo hành Gia đình bằng cách gọi 1-800-799-7233 hoặc nhắn tin “START”, gửi 88788. Đường dây nóng này cũng cung cấp dịch vụ giáo dục và hỗ trợ cho thanh thiếu niên từ 13 đến 26 tuổi, hoặc trò chuyện trực tiếp tại www.loveisrespect.org, qua điện thoại theo số 1-866-331-9474 hoặc bằng cách nhắn tin LOVEIS tới 22522.

(theo AsAm News – Đ.Trang lược dịch)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: