Vì sao tỷ lệ trẻ em chết ở Mỹ ngày càng tăng?

Một cậu bé cầm tấm bảng có tên các trường học xảy ra các vụ xả súng hàng loạt khi những người ủng hộ kiểm soát súng tham gia cuộc biểu tình và tuần hành ‘March For Our Lives’ hôm 11 Tháng Sáu, 2022 ở trung tâm thành phố Bloomington. Các cuộc biểu tình tương tự đã được tổ chức tại các thành phố trên khắp Hoa Kỳ sau một số vụ xả súng hàng loạt. (ảnh: Jeremy Hogan/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Tỷ lệ trẻ em và thanh thiếu niên chết ngày càng tăng ở Mỹ trong vài năm qua, mà không liên quan gì đến COVID-19.

Hai báo cáo gần đây chỉ ra xu hướng đáng lo ngại: tỷ lệ trẻ em và thanh thiếu niên tử vong ở Mỹ ngày càng tăng trong vài năm qua, mà COVID-19 không liên quan nhiều đến điều đó. Đó là lý do Dịch vụ truyền thông sắc tộc (Ethnic Media Services-EMS) tổ chức hội thảo qua Zoom vào ngày 21 Tháng Tư.

Nhà báo Pilar Marrero, đại điện EMS, đưa ra những con số không thể bỏ qua: từ năm 2019 đến năm 2021, tỷ lệ trẻ em chết (do các nguyên nhân) tăng 10.7% trong một năm và 8.3% trong năm tiếp theo, mức tăng lớn nhất trong nhiều thập niên qua. Các nguyên nhân chính gây tử vong cho những người trẻ, như: tự tử, giết người, dùng thuốc quá liều và tai nạn xe hơi. Trong đó, số trẻ chết vì súng tăng 50% trong hai năm. Chỉ trong năm nay, đã có 42 vụ xả súng trong khuôn viên trường học, khiến 17 người chết và 32 người bị thương, làm giảm tuổi thọ toàn quốc.

Nhà báo Pilar Marrero. (ảnh chụp qua màn hình Zoom)

Diễn giả đầu tiên của hội thảo, giáo sư Steven H. Woolf, chuyên về Y học Gia đình và Sức khỏe Dân số tại Trường Y khoa Virginia Commonwealth University School of Medicine, nhờ những tiến bộ trong y học nhi khoa và ngăn ngừa các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do thương tích, nên tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên ở hầu hết các nước công nghiệp đã giảm trong nhiều năm qua, mà nguyên nhân hàng đầu là do tai nạn xe hơi, chết đuối, hỏa hoạn,…

Theo ông, đó thường là tin tốt, nhưng dữ liệu gần đây cho thấy rằng tử vong do các nguyên nhân bắt đầu gia tăng ở trẻ em từ 1 đến 19 tuổi. Điều này rất bất thường trong vòng nửa thế kỷ qua. Và sự gia tăng gần đây là vào năm 2020 và 2021 ở mức độ chưa từng thấy kể từ đại dịch cúm năm 1918.

“Người ta có thể nghĩ rằng điều này có liên quan đến COVID-19,” giáo sư Woolf nói. “Rõ ràng là trong thời gian ấy có rất nhiều người tử vong, nhưng phân tích của chúng tôi cho thấy không phải như vậy, mà tình hình này đã xảy từ trước đại dịch. Bốn nguyên nhân chính dẫn đến tử vong nhiều là giết người, tự tử, dùng thuốc quá liều và tai nạn xe hơi. Đại dịch COVID-19 không tạo ra xu hướng này, mà còn như ‘đổ thêm dầu vào lửa’”.

Giáo sư đưa thêm các con số: từ năm 2019 đến năm 2021, số ca tử vong ở độ tuổi từ 10 đến 19 tăng 39% đối với các vụ giết người, 114% đối với các ca chết do dùng thuốc quá liều và 16% đối với các vụ tai nạn xe hơi. Súng đóng một vai trò chính trong sự gia tăng này.

Theo diễn giả thứ hai, Kim Parker, Giám đốc Xu hướng Xã hội và Nhân khẩu học tại Trung tâm Nghiên cứu PEW, trong khoảng thời gian 2019-2021, tổng số ca tử vong do súng đạn ở Mỹ tăng 23%. 60% số ca tử vong do súng ở trẻ em trong độ tuổi này vào năm 2021 là các vụ giết người, 32% là các vụ tự sát.

Trẻ em và thanh thiếu niên da đen có nhiều khả năng tử vong vì thương tích liên quan đến súng hơn trẻ em da trắng, gốc Tây Ban Nha và châu Á. Có cả sự khác biệt về chủng tộc trong các trường hợp chết vì súng ở trẻ em. Vào năm 2021, hầu hết các trường hợp trẻ em da đen chết vì bị bắn, trong khi hầu hết các trường hợp chết do súng ở trẻ em da trắng, lại là do tự sát.

Bảy nghìn đôi giày, đại diện cho những đứa trẻ thiệt mạng vì bạo lực súng đạn kể từ vụ xả súng hàng loạt tại Trường tiểu học Sandy Hook năm 2012, được trải trên bãi cỏ ở phía đông của Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ngày 13 Tháng Ba năm 2018 tại Washington, DC. (ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

“Cuộc khảo sát của chúng tôi cho thấy mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh cho đến nay là sức khỏe tâm thần,” Parker nói. “Khoảng 76% các bậc cha mẹ cho biết họ cũng phần nào lo lắng rằng một trong những đứa con của họ sẽ phải vật lộn với chứng lo âu hoặc trầm cảm vào một thời điểm nào đó, và 40% cha mẹ hết sức lo lắng về điều đó. 22% cha mẹ rất lo ngại rằng con của họ có thể bị bắn, 42% phụ huynh gốc Tây Ban Nha cho biết họ hết sức lo lắng về điều đó. Khoảng một phần ba cha mẹ người da đen bày tỏ mức độ quan tâm tương tự. Gần 70% phụ huynh ít nhất cũng phần nào lo ngại rằng một vụ nổ súng có thể xảy ra ở trường học của con họ.”

Một diễn giả được mời, cũng là bậc phụ huynh, có con gái sắp tròn hai tuổi vào Tháng bảy tới, cô Mayra Alvarez, Chủ tịch tại Trung tâm Nghiên cứu Hợp tác Trẻ em (The Children’s Partnership Research Center) bày tỏ niềm mong muốn thấy con mình sớm bước sang tuổi trưởng thành. “Sức khỏe và sự an toàn của trẻ em được đề cao như một giá trị phổ quát. Điều này được hiểu rằng trẻ em xứng đáng có địa vị đặc biệt và cần được bảo vệ và chăm sóc, không chỉ bởi cha mẹ mà còn bởi tất cả chúng ta trong xã hội,” Alvarez nói. “Tuy nhiên, khi hôm nay nghe được những con số, có vẻ như giá trị phổ quát mà con cái vô cùng quý giá của chúng ta đang bị bỏ lại phía sau.”

Alvarez nhận định tình hình thật sự đạt đến đỉnh điểm, khi số ca tử vong này cao đến mức bù đắp cho rất nhiều thành tựu đáng kinh ngạc mà Hoa Kỳ, và thế giới đạt được trong việc điều trị các bệnh nhi khoa. Cô nhấn mạnh: “Con cái chúng ta đang chết vì những nguyên nhân có thể ngăn ngừa được. Đấy là những nguyên nhân do con người tạo ra chứ không phải do sinh học.”

“Chúng ta phải tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các gia đình ghi danh tham gia các chương trình phúc lợi công cộng và tiếp cận sức khỏe, thực phẩm, nhà ở và các hỗ trợ khác mà họ cần. Bởi vì tất cả những vấn đề đó ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, như căng thẳng, trầm cảm, lo lắng nhiều hơn khi cha mẹ không đủ tiền lo cho con đủ ăn đủ mặc, không đủ khả năng trả tiền thuê nhà, hoặc đưa con đi khám bênh. Đó là tất cả những vấn đề có mối liên hệ với nhau và liên quan đến cuộc đấu tranh chống đói nghèo đang góp phần tạo nên những con số kinh khủng của ngày hôm nay.”

“Một phần lý do tại sao chúng ta có một xã hội quá phụ thuộc vào súng ống và theo nhiều cách là khác biệt so với các quốc gia khác có liên quan đến lịch sử và nền văn hóa theo chủ nghĩa tối cao của người da trắng đang diễn ra. Rất nhiều trong số đó có liên quan đến lịch sử về quyền tối cao của người da trắng và phân biệt chủng tộc,” diễn giả Kelly Sampson, Cố vấn cấp cao và Giám đốc Tư pháp chủng tộc cho Brady United States (Racial Justice for Brady United States) nói.

Bốn diễn giả trong buổi hội thảo: từ trái, hàng trên: Steven H. Woolf, Kim Parker. Từ trái, hàng dưới: Mayra Alvarez, Kelly Sampson. (ảnh chụp qua màn hình Zoom)

Sampson đưa ra ví dụ: Tòa án Tối cao đi ngược lại tiền lệ hàng thế kỷ để biến Tu chính án thứ hai từ quyền công dân để bảo vệ nhà nước thành quyền tư nhân liên quan đến tự vệ. Và tự vệ được mã hóa theo chủng tộc trong văn hóa Mỹ. “Thông thường, khi chúng ta nói về khả năng tự vệ và những người tốt với súng và công dân, thì đa số đều được mã hóa là người da trắng và thường là nam giới,” ông nói. “Ví dụ, có một bài báo trên tạp chí Nature xem xét cách xã hội mã hóa những người mang súng ở nơi công cộng, và đàn ông da trắng được coi là những người yêu nước và đàn ông da đen được coi là những kẻ đe dọa.”

“Và cũng có sự khác biệt trong cách xã hội nghĩ về người mà bạn cần phải bảo vệ mình trước. Và ngành công nghiệp súng đã nhấn mạnh vào ý tưởng này rằng có những người đáng sợ và những người đáng sợ đó không phải là người da trắng như cách họ tiếp thị súng để khiến những người sợ hãi và muốn tự bảo vệ nghĩ rằng họ cần mua súng. Thậm chí có sự tác động qua lại giữa số lượng tuyệt đối những người cảm thấy cần phải tự trang bị vũ khí và cách chúng ta mô tả các mối đe dọa và sự an toàn vốn là nền tảng của tất cả nền văn hóa sử dụng súng trong xã hội.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: