Gõ hai chữ “ngáo đá” vào Google Search, chưa tới một giây, bạn sẽ thấy hơn 2,000,000 kết quả. Chỉ vỏn vẹn trong một tuần, nhưng hệ quả kinh hoàng của “ngáo đá” ở các thành phố lớn Việt Nam khiến những ai có lòng trắc ẩn không khỏi rùng mình, hoảng hốt, và xót xa: “Nam thanh niên đốt nhà người dân”, “Con đâm cha”, “Con chặt đầu mẹ”, “Cháu đâm ông bà ngoại.”…
Tác hại chết chóc của ‘meth’
Ma túy đá với tên khoa học là Methamphetamine (meth) là một chất kích thích tổng hợp gây nghiện và có thể được hút, hít, tiêm, hoặc uống. Khi ma túy đá đi vào cơ thể, nó sẽ làm tăng lượng dopamine trong não, tạo ra cảm giác ảo tưởng về hạnh phúc, hưng phấn, sung mãn, và tràn trề năng lượng. Do đó, người dùng sẽ có xu hướng ‘tăng động’, hung hăng, ảo giác, hoang tưởng, và đặc biệt khó kiểm soát được hành động của bản thân. Các tế bào thần kinh não của những người nghiện meth bị hủy hoại, dẫn đến việc mất trí nhớ và tâm trạng tiêu cực. Nghiện meth có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV, do dùng chung tiêm chích và qua đường tình dục. Meth được cho là “nguy hiểm hơn heroin” và bỏ meth là vô cùng khó khăn.
Nhà cầm quyền Việt Nam chống ma túy ra sao?
Phòng ngừa các chất ma túy gây nghiện là mối quan tâm hàng đầu ở các quốc gia Đông Nam Á và Hoa Kỳ. Theo Báo cáo năm 2022 của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), các nước Đông Nam Á đã thu giữ một con số kỷ lục là một tỷ viên methamphetamine, cao hơn 35 lần so với hai thập kỷ trước. Những ca ‘ngáo đá’ tăng dần ở Việt Nam. Nguyên nhân là do lượng meth bị pha chế với các tạp chất khác nhằm tăng lợi nhuận, khiến người dùng bị ảo giác và hoang tưởng cực độ. Hệ quả là các hành vi hung hăng, thậm chí mất nhân tính.
Đáng lưu ý, số lượng người sử dụng ma túy tổng hợp, đặc biệt là meth, ngày càng “trẻ hóa” và gia tăng ở Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Công an Việt Nam, 60% số người sử dụng chất ma túy lần đầu tiên ở độ tuổi từ 15-25 tuổi, phần lớn là học sinh. Từ năm 2016 đến 2020, việc sử dụng meth tại Việt Nam đã tăng gấp 9 lần.
Những người bị bắt quả tang sử dụng, hoặc tàng trữ methamphetamine thường bị công an bắt đến các trại cai nghiện của nhà nước trong khoảng từ 1 đến 4 năm. Hàng chục ngàn người, bao gồm cả trẻ em chỉ mới 12 tuổi, bị giam giữ như tù nhân, tại các trung tâm cai nghiện ma túy bắt buộc của Việt Nam. Tại đây, nhà cầm quyền áp dụng phương pháp “lao động trị liệu” bao gồm đánh đập và tra tấn.
Một người từng bị buộc cai nghiện trong các trại ở Việt Nam kể lại:
“Phương pháp mà họ sử dụng để giúp đỡ người nghiện ma túy là cho giật điện hoặc đánh đập. Điều duy nhất tôi muốn chia sẻ về các trung tâm cai nghiện của chính phủ rằng nó thực sự là một trong những cơn ác mộng khủng khiếp nhất mà tôi từng trải qua.”
Theo một phúc trình của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, “ở Việt Nam những người bị công an bắt vì sử dụng ma túy sẽ bị quản chế không qua một quy trình tố tụng nào trong nhiều năm, bị ép buộc lao động với tiền công ít ỏi, hoặc không được trả tiền, bị tra tấn và bạo hành thân thể.” Trùng Khánh kể với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: “Khi mới đến, tôi đã bị đánh đập vô cớ. Các nhân viên bắt tôi nằm sấp và đánh vào mông tôi bằng dùi cui. Tôi cũng bị họ đấm đá túi bụi.”
Rõ ràng, các trung tâm cai nghiện bắt buộc này của nhà nước Việt Nam đã và đang chọn phương pháp vũ lực để “điều trị” – vốn là phương pháp phản y học và vô nhân đạo. Hệ quả là nhiều người nghiện tìm cách trốn khỏi các trung tâm này. Tháng Tám 2018, gần 300 trại viên tại trung tâm cai nghiện ma túy ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã trốn trại. Nguyên nhân họ trốn trại là phản kháng lại việc “họ bị bắt quỳ hàng giờ đồng hồ và bị đánh vào người khi lưng cong xuống.”
Theo nghiên cứu của một nhóm các học giả trên Tạp chí Quốc tế về Chính sách Thuốc, vì chăm sóc lâm sàng kém và điều trị ở các trại bắt buộc không dựa trên các phương pháp tốt nhất và khoa học, nên tỷ lệ tái nghiện rất cao. Hơn nữa, các dịch vụ hỗ trợ sau khi ra khỏi trại gần như không có và sự kỳ thị do xuất thân từ trại cai nghiện khiến họ khó tái hòa nhập cộng đồng. Quan trọng hơn, nguy cơ lây nhiễm HIV ở một số trại cai nghiện lại cao hơn ở cộng đồng.
Sau khi tổ chức nhân quyền lên án các biện pháp cai nghiện cưỡng bức bạo lực và không hiệu quả, nhà cầm quyền Việt Nam đã cam kết sẽ dần đóng cửa các trại cai nghiện và chuyển đổi sang điều trị cộng đồng. Tuy nhiên, cho tới nay, rất ít thay đổi hệ thống được nhà chức trách Việt Nam thực hiện.
Giáo dục để nâng cao nhận thức về ma túy
Khảo sát do viện nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người hiểu biết rõ ràng về ma túy trong giới học sinh, phụ huynh, và giáo viên còn rất thấp. Chỉ có 4.5% số học sinh nói rằng mình hiểu biết về khái niệm và các chất ma túy. Thêm nữa, những người sử dụng ma túy sống trong các gia đình có thu nhập thấp không có cơ hội tiếp cận với các nguồn giáo dục về tác hại của ma túy.
Nghiên cứu năm 2021 của các chuyên gia đề nghị một trong những giải pháp mà chính quyền Việt Nam phải thực hiện để phòng ngừa việc sử dụng ma túy là đổi mới và tăng cường giáo dục nhận thức về ma túy theo hướng đối tượng, trong đó phương pháp và nội dung giáo dục phải phù hợp với từng đối tượng.
Quan trọng là cung cấp thông tin thực tế về tác động và hậu quả chết chóc của ma túy đến sức khỏe và xã hội. Chuyên viên tư vấn điều trị các chất gây nghiện của chính phủ Hoa Kỳ, Kenneth Robertson, đề nghị Việt Nam nên tổ chức các chiến dịch giáo dục công cộng, poster đặt tại các khu vực hoặc phương tiện công cộng để nâng cao nhận thức của giới trẻ về tác hại của ma túy. Thêm nữa, cha mẹ cần phải đối thoại thành thật và cởi mở với con về ma túy trong tinh thần cởi mở và không phán xét.
Cho dù chất gây nghiện là rượu hay ma túy, bản chất căn bệnh đều giống nhau. Những người nghiện ma túy gần như không có sự lựa chọn nào trước cơn nghiện vì não bộ bị khống chế, khiến họ không có khả năng suy nghĩ đúng đắn. Bởi thế, các quốc gia dân chủ văn minh không đối xử với những người nghiện ma túy như tội phạm, vì nghiện ma túy là một căn bệnh của não. Tổng giám đốc điều hành của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm, Yury Fedotov, nhấn mạnh sử dụng ma túy gây tổn hại và tổn thương cho cộng đồng, nhưng người sử dụng ma túy không thể bị coi là tội phạm.
Chuyên gia điều trị các chất gây nghiện của chính phủ Hoa Kỳ nhấn mạnh cần phải giáo dục cộng đồng nhận thức rằng nghiện ma túy là bệnh, không phải là thiếu đạo đức hay tệ nạn xã hội. Nếu một người nghiện ma túy chấp nhận điều trị, điều tối quan trọng là gia đình, bạn bè, và cộng đồng cần hỗ trợ người đó trong hành trình phục hồi.
Không minh bạch
Giai đoạn 2004 – 2011, Việt Nam đã nhận được hơn $320 triệu từ chương trình Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp về AIDS (PEPFAR). Tháng Bảy năm 2016, Hoa Kỳ đã ký cam kết một dự án kéo dài 5 năm, trị giá $26 triệu giúp tăng cường công tác phòng ngừa HIV/AIDS. Rõ ràng, Hoa Kỳ đã và đang trợ cấp tài chính và thuốc cho chính phủ Việt Nam để phòng ngừa ma túy và HIV/AIDS.
Tuy nhiên, nhà cầm quyền Việt Nam gần như không công bố chi tiết về các khoản trợ cấp từ Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế khác. Công chúng cũng không biết rõ các hoạt động ‘điều trị’ tại các trại cai nghiện bắt buộc ở Việt Nam. Nhìn chung, công tác phòng ngừa ma túy của nhà cầm quyền Việt Nam là thiếu minh bạch. Bởi thế, dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi liệu Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) có thực lòng phòng ngừa ma túy và trợ giúp những người nghiện?
Nếu có, mong ĐCSVN hãy bắt đầu bằng việc ngừng đánh đập dã man những người nghiện trong các trại. Thay vào đó, hãy xem họ là nạn nhân của căn bệnh về não và cần được trợ giúp đúng phương pháp với lòng bao dung. Sau nữa, mong ĐCSVN hãy thực hiện các phương pháp mà Hoa Kỳ và Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm đề nghị. Bắt đầu từ việc tăng cường giáo dục cộng đồng để nâng cao nhận thức về ma túy, đặc biệt meth cho mỗi đối tượng. Có làm được như thế, người dân mới thấy được ĐCSVN thực lòng muốn phòng ngừa ma túy vì an toàn và lợi ích của toàn dân.